Giới thiệu Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp
KHOA NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA PHÁP
Ra đời và phát triển gắn liền với lịch sử của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp (Département de français) là một trong những đơn vị đào tạo thế mạnh của Trường và là một trong những cái nôi đào tạo tiếng Pháp lâu đời nhất ở Việt Nam.
1. Giới thiệu chung
Được thành lập từ tháng 9 năm 1962 theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp có nhiệm vụ đào tạo đào tạo cử nhân tiếng Pháp trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Các thế hệ giảng viên trong ngày Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khoa NN&VH Pháp (08/2022)
Qua gần 60 năm phát triển và trưởng thành, Khoa đã tạo lập được vị thế là một trong những cơ sở đào tạo tiếng Pháp có quy mô lớn và uy tín nhất trong nước và khu vực. Khoa rất chú trọng vào việc phát triển công tác giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên, cũng như mang lại một môi trường học tập năng động cho sinh viên. Khoa tự hào có đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, trong đó có nhiều Phó Giáo sư, Tiến sĩ và Thạc sĩ, phần lớn các giáo viên đã từng học tập và tu nghiệp ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ hoặc Canada.
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp đã đào tạo cho đất nước hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ với các chuyên ngành sư phạm, phiên dịch, nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Khoa đã cung cấp một nguồn nhân lực quan trọng cho việc giảng dạy ngoại ngữ ở các cấp bậc học từ giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học, đáp ứng nhu cầu cán bộ ngoại ngữ cho các ngành ngoại giao, kinh tế, chính trị-xã hội, quốc phòng, góp sức trong công tác giao lưu trao đổi văn hóa, kinh tế, chính trị giữa Việt Nam với các nước nói tiếng Pháp.
Buổi gặp mặt tân sinh viên khóa QH2022 Khoa NN&VH Pháp
Với những đóng góp của mình, tập thể Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Pháp đã vinh dự được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐHQGHN tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có 01 Huân chương Lao động hạng III, 01 Huân chương Lao động hạng II, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc ĐHQGHN. Nhiều cán bộ của Khoa đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học – công nghệ.
2. Công tác đào tạo, thực tập, triển vọng nghề nghiệp
Chương trình đào tạo đại học tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp được chuyển đổi theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu xã hội, nhằm đào tạo những cử nhân có khả năng làm việc ở những vị trí khác nhau.
2.1. Các ngành đào tạo :
– Với chương trình Ngôn ngữ Pháp hệ Chất lượng cao , người học có nhiều lựa chọn như:
+ Tiếng Pháp Biên – phiên dịch
+ Tiếng Pháp định hướng Kinh tế
+ Tiếng Pháp định hướng Du lịch
+Tiếng Pháp định hướng Truyền thông
Mục tiêu của chương trình đào tạo Ngôn ngữ Pháp hệ Chất lượng cao:
Với triết lý giáo dục tri nhận xã hội, lấy người học làm trung tâm, nâng cao năng lực tự chủ của người học, với cơ sở vật chất đầy đủ và sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, Chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao (CLC) ngành Ngôn ngữ Pháp được thiết kế theo hướng học tập trải nghiệm sáng tạo, hướng dẫn người học phương pháp tự lĩnh hội tri thức và hoàn thiện kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm. Chương trình đào tạo cử nhân có khả năng sử dụng thành thạo cả hai ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Anh, có kỹ năng biên phiên dịch, có kiến thức và kỹ năng về kinh tế – du lịch, có kiến thức về đất nước, văn hóa, xã hội Việt Nam và về cộng đồng Châu Âu, đặc biệt là về các quốc gia nói tiếng Pháp. Cử nhân tốt nghiệp CTĐT này có kiến thức và các kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ và trở thành công dân toàn cầu.
2.2. Công tác thực tập
Công tác thực tập của sinh viên là một trong những trọng tâm của chương trình đào tạo tại Trường ĐHNN nói chung và Khoa Pháp nói riêng. Trường ĐHNN và Khoa NN&VH Pháp đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau (du lịch, kinh tế, truyền thông …), nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có thể đi thực tập, tiếp xúc thực tế công việc trong suốt khóa học và nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp ngay khi còn học ở đại học. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng góp ý, tư vấn cho khoa trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, tham gia giảng dạy một số nội dung, tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề và cấp học bổng cho sinh viên.
Bên cạnh các hoạt động học tập và thực tập, sinh viên Khoa NN&VH Pháp cũng được trau dồi thêm các hiểu biết về văn hóa, xã hội, trang bị các kỹ năng mềm trong quá trình học thông qua các hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động này giúp sinh viên rèn luyện tích cực để trở thành những thanh niên năng động, sáng tạo, trung thực, có tinh thần trách nhiệm cũng như có khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa.
Một số hoạt động thực tập:
– Sinh viên Khoa Pháp trải nghiệm học tập tại Công ty du lịch Amica Travel :
– Sinh viên Khoa Pháp trải nghiệm văn hóa cổ truyền khi thực tập tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam :
– Sinh viên Khoa Pháp và dự án “Bán đồ ăn vặt online gây quỹ ủng hộ người khó khăn” :
– Khoa NN&VH Pháp phối hợp với Trường Cao đẳng Văn Lang tổ chức lễ trao Chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế :
– Trao 5 suất học bổng Amica Travel năm 2019 cho sinh viên Khoa Pháp
– Sinh viên Khoa Pháp với Tọa đàm văn học với nhà văn Bỉ
– Nhóm sinh viên Khoa Pháp xuất sắc đạt Giải Ba tại chung kết Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức
– Sinh viên Khoa Pháp với Ngày hội Pháp ngữ thường niên “Những sắc màu văn hóa”
– Sinh viên Khoa Pháp và Trải nghiệm du học chuyển tiếp tại Pháp
2.3. Vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
Nhóm 1 – Biên dịch viên/Phiên dịch viên/Biên tập viên: cử nhân ngành tiếng Pháp CLC có khả năng làm việc độc lập với tư cách là một biên dịch viên các văn bản viết hoặc một phiên dịch viên cho các cuộc gặp gỡ tiếp xúc song phương thông thường và cấp lãnh đạo cơ quan, biên tập viên tại các nhà xuất bản có xuất bản phẩm là tiếng Pháp, biên tập và truyền tin hàng ngày ở các vị trí phiên dịch, biên tập viên, phóng viên và chuyên gia hiệu đính bản tin các chương trình thời sự, văn hóa xã hội của các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh…, đáp ứng nhu cầu giao tiếp quốc tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước hoặc tư nhân, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội;
Nhóm 2 – Thư ký văn phòng/Trợ lý đối ngoại/Điều phối dự án: Có khả năng làm việc tại các công ty của Pháp và các nước khối Pháp ngữ, hoặc công ty Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia có sử dụng Tiếng Pháp, phụ trách các mảng công việc liên quan đến đối ngoại, hợp tác, kinh doanh, xuất nhập khẩu với các đối tác nước ngoài, tham gia đàm phán, giao dịch, ký kết hợp đồng kinh doanh, theo dõi hợp đồng liên quan, lập kế hoạch, chương trình đón tiếp khách quốc tế, xử lý các công việc có liên quan đến năng lực nói, viết tiếng Pháp và tiếng Anh;
Nhóm 3 – Nhân viên điều phối, quản lý trong lĩnh vực du lịch, khách sạn: Có khả năng làm việc tại các công ty, doanh nghiệp về du lịch, lữ hành, khách sạn, phụ trách các mảng công việc liên quan đến hướng dẫn tour du lịch, quản trị kinh doanh khách sạn, quản trị kinh doanh lữ hành;
Nhóm 4 – Nguồn nhân sự cho vị trí quản lý bậc trung: Có khả năng phát triển để trong thời gian ngắn trở thành quản lý bậc trung phụ trách các mảng như quản lý dự án, quản lý văn phòng, quản lý công tác đối ngoại … tại các công ty Pháp, liên doanh hoặc công ty Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia, có thể làm việc tại Việt Nam, Pháp và các nước trong khu vực, các nước khối Pháp ngữ;
Nhóm 5 – Nghiên cứu viên: Người học có thể làm nghiên cứu viên trong các trung tâm nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ hoặc tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ Pháp và học lên trình độ cao học cùng chuyên ngành.
3. Hợp tác quốc tế
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp có mối quan hệ hợp tác mật thiết với các đối tác quốc tế như Tổ chức quốc tế Pháp Ngữ (OIF), Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF), Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP), Nhóm Đại sứ và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF), Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Hiệp hội Vì sự phát triển của giảng dạy tiếng Pháp tại các nước Đông Nam Á (PREFASSE), Chi hội Hữu nghị Pháp-Việt Choisy le Roy và Đại sứ quán các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Việt Nam. Các Hiệp hội hữu nghị hàng năm đều trao nhiều suất học bổng cho sinh viên của Khoa và đón sinh viên, giảng viên của Khoa đi trải nghiệm thực tế tại Pháp.
Trong 5 năm qua Trường ĐHNN – ĐHQGHN cũng đã ký kết 7 văn bản hợp tác về đào tạo, trao đổi với các trường Đại học Pháp ngữ như ĐH Lyon 3, ĐH Montpellier Paul Valéry, ĐH Artois, ĐH Picardie Jules Verne (Pháp), ĐH UQAM (Canada), ĐH Rabat Hasan V (Maroc)… Hằng năm, sinh viên của Khoa và của các trường đối tác được tham gia chương trình chuyển tiếp, theo đó sinh viên Việt Nam học một năm tại một trường đối tác và ngược lại, sinh viên nước ngoài có thể đến học tập tại Khoa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, giảng viên từ các tổ chức, trường đại học nước ngoài cũng thường xuyên đến làm việc và giảng dạy, hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động trải nghiệm của Khoa.
TT | Tên chương trình, biên bản ký kết hợp tác | Cơ quan, tổ chức hợp tác |
1. | Chương trình liên kết đào tạo đại học | – Đại học Picardie Jules Vernes (Pháp) |
2. | Chương trình trao đổi hợp tác | – Đại học Artois (Pháp)
– Đại học Lyon 3 (Pháp) – Đại học Paul-Valéry – Montpellier (Pháp) – Đại học Rabat Hasan V (Maroc) – Đại học UQAM (Canada) – Đại học Laval (Canada) – Trường Cao đẳng (CEGEP) Marie-Victorin (Canada) |
4. Thư ngỏ của Trưởng khoa
“Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp là một Khoa đào tạo có bề dày lịch sử và luôn luôn phát triển của Trường Đại học Ngoại ngữ, một ngôi trường năng động đã đóng góp đáng kể vào công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước.
Đến với Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, các em sinh viên sẽ được theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao đã được các cơ quan kiểm định công nhận. Những kiến thức tiên tiến về ngoại ngữ, về văn hóa, về cộng đồng Pháp ngữ tích lũy được trong môi trường chuyên nghiệp, thân thiện và hạnh phúc của Khoa sẽ giúp các em trở thành những nhà chuyên môn trình độ cao, có khả năng thích ứng linh hoạt, sử dụng thành thạo tiếng Pháp; có những kỹ năng bổ trợ; hiểu biết về môi trường địa phương, trong nước hay quốc tế; có kiến thức về xã hội văn hóa rộng lớn; có thể tiếp tục tự học, tham gia học tập ở bậc học cao hơn.
Và với những phẩm chất và kỹ năng cá nhân cũng như nghề nghiệp này, các em có thể trở thành chuyên gia, các nhà quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực chuyên môn của mình, như nhiều thế hệ đàn anh đi trước.
Vì tất cả những lý do trên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các em sinh viên sẽ thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình khi lựa chọn Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. Các em có quyền tự hào về Khoa Pháp và Khoa Pháp sẽ tự hào về các em!” __ TS. Đàm Minh Thủy
5. Gương mặt sinh viên tiêu biểu
Trần Nhật Linh – Cựu sinh viên K47, nguyên Bí thư liên chi Đoàn thanh niên khoa Pháp, hiện là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines |
Nguyễn Trà My – Cựu sinh viên K48, du học sinh bậc Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ tại Paris, Pháp |
Cựu sinh viên K49, hành trình từ số 0 tới chinh phục giấc mơ du học Pháp, hiện là du học sinh bậc Thạc sĩ. |
Cựu sinh viên K49, quán quân Slam thơ 2017 |
Nguyễn Thùy Linh – Sinh viên K50, Phó Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Ngoại ngữ, bằng kép Ngôn ngữ Pháp (ĐH Ngoại ngữ) và Luật (Khoa Luật – ĐHQG), quán quân Slam thơ 2018 |
Sinh viên K50, câu chuyện về hai tấm vé đến Pháp trong một mùa hè, sinh viên trao đổi tại Montpellier, Pháp |
6. Tâm thư của cựu sinh viên
Chị Trần Hải Anh – Cựu sinh viên K19 (Thành viên HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân)
Tốt nghiệp Khoa Pháp năm 1990, tôi luôn cảm nhận sự may mắn khi tôi chọn Khoa tiếng Pháp chứ không phải khoa khác khi vào trường. Tiếng Pháp cho tôi một lợi thế và ngách đi riêng biệt trong khi so với tiếng Anh hầu như ai cũng biết, văn hoá Pháp cũng ảnh hưởng đến tôi khá nhiều và là lợi thế trong giao tiếp, công việc và cuộc sống hàng ngày. Hôm nay, tròn 26 năm ngày ra trường, trong lòng tôi vẫn ngầm tự hào tôi là một cựu sinh viên Khoa Pháp của Trường Đại học Ngoại ngữ. Tôi luôn thầm biết ơn nơi ấy, nơi có các thầy cô yêu quý được đào tạo bài bản, yêu người, yêu nghề, nơi đã thổi vào hồn tôi những giá trị nhân văn, sống có trách nhiệm, tự trọng, chuyên nghiệp và trên hết là một tấm lòng luôn hướng về chân – thiện – mỹ!
Chị Nguyễn Thu Hà – Cựu sinh viên K20 (Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam – Thông tấn xã Việt Nam)
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, có lẽ tôi có duyên với tiếng Pháp nên cho đến giờ tôi vẫn gắn bó với nó và thấy rằng việc đến với Khoa tiếng Pháp – Đại học sư phạm ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN) là một lựa chọn đúng đắn.
Tiếng Pháp và nghề báo đã cho tôi cơ hội để được sống và làm việc đúng với đam mê của mình, được trải nghiệm và thấu hiểu văn hóa và văn minh Pháp, được khám phá nhiều vùng miền trong Cộng đồng quốc tế Pháp ngữ, được viết và chia sẻ hiểu biết của mình…
Tôi luôn tự hào là một cựu sinh viên Khoa tiếng Pháp của Trường Đại học Ngoại ngữ và luôn thầm biết ơn nơi ấy đã dạy cho tôi những giá trị nhân văn, sống và làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Hiện nay, tôi đang đảm nhận một vị trí cho phép tôi được giúp đỡ các thế hệ sinh viên đang theo học tại Khoa. Vì vậy, tôi cũng như các đồng nghiệp đã, đang và sẽ luôn sẵn sàng đón nhận các thế hệ sinh viên của Khoa đến thực tập, truyền thụ cho các em những kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết của nghề báo.
Tôi cũng tin rằng những đợt thực tập tại tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam, tờ báo tiếng Pháp duy nhất tại Việt Nam, sẽ giúp các em sinh viên không những nắm vững kỹ năng viết bằng tiếng Pháp, mà còn có những hiểu biết sâu rộng hơn về nhiều lĩnh vực.
Anh Dương Nguyễn Quốc Vinh – Cựu sinh viên K25 (Phó Giám đốc Trung tâm Biên Phiên dịch Quốc gia)
Trước đây chưa bao giờ mình nghĩ sẽ làm phiên dịch, một nghề nhiều áp lực và thử thách. Với sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình của các thầy cô Khoa Pháp và nỗ lực bản thân, mình làm phiên dịch cho Bộ Ngoại giao từ năm 2000 và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia. Xin cảm ơn các thầy cô khoa Pháp đã luôn động viên, chỉ bảo và giúp đỡ em trong suốt 4 năm học 1991-1995.
Anh Đồng Thế Quang – Cựu sinh viên K25 (Vụ trưởng Vụ kinh tế và kỹ thuật số, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Paris, Pháp)
Suốt 20 năm qua, trong quá trình tích lũy học vấn sau đại học (Trung tâm biên phiên dịch –Học viện ngoại giao Hà Nội, Học viện hành chính công quốc tế (IIAP) hay khi đi làm tại Vụ các Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris và OIF tại Paris, nền tảng của mọi thành quả mà tôi đã đạt được, bên cạnh nỗ lực phấn đấu tự thân, chính là những kiến thức tiếng Pháp vững chắc mà tôi đã tiếp thu được trong 4 năm học (1991-1995) tại Khoa ngôn ngữ và Văn hóa Pháp.
Tôi luôn nghĩ mình có may mắn và luôn tự hào được đào tạo tại một trong những trường dạy tiếng Pháp tốt nhất Việt Nam. Tháng 10/2016, khi tháp tùng bà Michaëlle JEAN, Tổng thư ký Pháp ngữ, thăm và nói chuyện với sinh viên Khoa ngôn ngữ và văn minh Pháp nhân dịp bà thăm chính thức Việt Nam, cùng với niềm vui gặp lại một số thầy cô giáo cũ và bạn bè nay đã trở thành giáo viên của Khoa, tôi đã tự hào kể với bà JEAN tôi đã học đại học Ngôi trường này. Cảm ơn vì tất cả.
Chị Bùi Thị Hồng Huệ – Cựu sinh viên K33 (Quản lý hành chính và tài chính tại công ty AREP SOUTH ASIA ( tập đoàn SNCF – CH Pháp)
Tôi đến với tiếng Pháp và do tình cờ chọn chuyên Văn khi lên cấp 3 và lúc đó lớp chúng tôi phải học tiếng Pháp. Rồi tôi thấy mình thực sự thích tiếng Pháp và chọn ngôn ngữ này để định hướng cho nghề nghiệp của mình và thật may mắn khi tôi được học tại Khoa Pháp trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi tôi đã học bằng sự say mê, bằng quyết tâm và sự kiên trì bền bỉ. Tôi cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ và truyền cảm hứng cho tôi, cảm ơn tiếng Pháp đã mở cho tôi cơ hội đến với một thế giới mới, văn hóa mới, con người mới.
Tốt nghiệp khoa Pháp khóa K33 trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã trải qua các vị trí khác nhau trong công việc, từ biên – phiên dịch, đến trợ lý hành chính, tài chính rồi quản lý dự án cho các công ty của Pháp hoặc có vốn đầu tư của Pháp : Europasia, Agence d’architecture ANTHONY BECHU, FVA INTERNATIONAL LTD. Và bây giờ tôi làm việc tại công ty AREP SOUTH ASIA (thuộc tập đoàn SNCF của Pháp) vị trí Quản lý hành chính và tài chính.
Anh Tạ Duy Báu – Cựu sinh viên K39 (Giám Đốc HORIZON VIETNAM TRAVEL)
Việc học ngoại ngữ tiếng Pháp tại ĐHNN – ĐHQGHN mang lại cho cá nhân mình nhiều điều : Mở mang tầm hiểu biết, vốn sống, giúp tự tin trong cuộc sống thông qua việc học hỏi và giao lưu quốc tế.
Tiếng Pháp đã đem đến cho công ty mình niềm đam mê bất tận, làm đại sứ văn hóa, là cầu nối giữa Việt Nam vươn ra thế giới. Tạo thêm việc làm cho khối cộng đồng Pháp Ngữ và Người dân địa phương, cùng những hoạt động xã hội đầy tính nhân văn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
HORIZON VIETNAM luôn mở rộng cánh cửa để chào đón các bạn sinh viên có chung đam mê du lịch đến thực tập và kiến tập nhằm học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại công ty chúng tôi.
HORIZON VIETNAM rất hân hạnh và luôn sẵn sàng được đồng hành cùng khoa Pháp trong việc hợp tác giảng dạy và đào tạo các bạn sinh viên trẻ.
7.Các hình ảnh nổi bật
Sự kiện thường niên “Những sắc màu văn hóa” chào mừng Ngày Quốc tế Pháp ngữ
Lãnh đạo Khoa Pháp tiếp Phái đoàn Bộ Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ – Vùng Québec, Canada
Khoa Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Pháp chuyên ngành : thách thức và triển vọng”
Chi hội hữu nghị Pháp-Việt vùng Choisy-Le-Roi trao học bổng năm học 2022-2023 cho sinh viên khoa NN&VH Pháp
Tọa đàm Ngôn ngữ hình ảnh và trao giải Cuộc thi thiết kế video giới thiệu vùng, miền, thành phố nổi tiếng trong sản xuất rượu vang và phô mai khối Pháp ngữ
Sinh viên Khoa Pháp tham quan và học tập trải nghiệm tại khách sạn InterContinental Hà Nội Landmark 72
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery thăm Trường ĐH Ngoại ngữ và trò chuyện với sinh viên Khoa Pháp
THÔNG TIN LIÊN LẠC
Khoa Ngôn ngữ & Văn hoá Pháp
Địa chỉ: Khu Công trình Khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN
Số 2 Đường Phạm Văn Đồng, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điện thoại liên hệ: 046.680.7759
Website: www.dfr.ulis.vnu.edu.vn
Fanpage Khoa Pháp: https://www.facebook.com/phapulis
- Fanpage Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên Khoa Pháp : www.facebook.com/KhoaPhap.ULIS
- Fanpage CLB Tiếng Pháp Espace Francophone: https://www.facebook.com/ulei.ef/
- Fanpage CLB Du lịch La Route des Découvertes: https://www.facebook.com/clubdutourisme.rd/
- Fanpage CLB Kịch Nói Fragments d’Émotions: https://www.facebook.com/clbkichnoi.FE/
- Fanpage CLB Âm nhạc Hippo Band – Club de Musique: https://www.facebook.com/Hippo-Band-Club-de-Musique/
⃰⃰ ⃰ ⃰ ⃰ ⃰ ⃰