CHÀO XUÂN CANH TÝ: THUẬN PHONG THUẬN THỦY THUẬN NHÂN TÂM – 顺风顺水顺人心 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

CHÀO XUÂN CANH TÝ: THUẬN PHONG THUẬN THỦY THUẬN NHÂN TÂM – 顺风顺水顺人心

(Bài viết của PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm, Giảng viên cao cấp khoa Ngôn Ngữ Văn Hoá Trung Quốc, trường ĐHNN – ĐHQGHN).

Ngày mùng 6 Tết, ngày đầu tiên đi làm trở lại sau những ngày sum vầy bên gia đình dịp Tết Nguyên Đán, mời bạn ghé qua phòng họp 410 nhà A1. Trên tường căn phòng quen thuộc ấy có treo một chữ 順thuận.

Không phải ngẫu nhiên mà Thầy hiệu trưởng nhân dịp đầu xuân năm mới Canh Tý lại chọn chữ 順thuận làm quà tặng cho toàn thể thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và học sinh sinh viên toàn trường. Món quà tinh thần quý giá ấy khiến chúng ta háo hức tìm về cội nguồn và ý nghĩa của chữ 順thuận.

Chữ順thuận xuất hiện đầu tiên với dạng Kim văn thời Tây Chu. Căn cứ vào các bộ tự điển như Thuyết văn giải tự, Hán ngữ đại tự điển, đồng thời quan sát chữ 順thuận dạng Kim văn (chữ viết trên kim loại) có thể thấy, chữ 順thuận là chữ hội ý gồm 川xuyên (sông), hình dung dòng nước chảy, biểu thị ý nghĩa thông suốt, không gặp trở ngại kết hợp với 心tâm (tim/ lòng) biểu trưng cho tình cảm, trạng thái tâm lý. Song song với cách cấu tạo này, còn một dạng chữ 順thuận khác thay心tâm bằng 頁hiệt (đầu), hội hợp hai bộ thủ cùng biểu thị ý nghĩa tư tưởng, tình cảm thông suốt, thoải mái, không vướng bận. Hai dạng chữ này hoàn toàn thống nhất với nhau, vì trong nhận thức của người xưa, 心tâm và 頭脑đầu não cùng biểu trưng cho suy nghĩ và xúc cảm. 

Thuyết văn giải thích rằng, 順thuận nghĩa là chân lý (順,理也), do 頁hiệt (đầu) biểu nghĩa kết hợp với川 xuyên (sông) biểu nghĩa kiêm biểu âm hợp thành. Cái gọi là chân lý của 順thuận ở đây bắt nguồn từ lẽ tự nhiên dòng chảy xuôi chiều từ cao xuống thấp sẽ luôn luôn hanh thông thuận lợi.

Từ điển quy phạm tiếng Hán hiện đại của Lý Bảo Gia, Đường Chí Siêu (2001) đã thu thập được 12 nghĩa của chữ順thuận, gồm (1) tính từ: hướng về một phía, trái nghĩa với 逆nghịch, trong 坐顺水船 (đi thuyền xuôi dòng); (2) giới từ: men theo, đi theo, trong 沿着河边走 (đi men theo bờ sông); (3) động từ: sửa sang khiến cho thông thuận, trong文章太乱,得顺一顺 (bài văn này rối quá, cần phải chỉnh sửa cho xuôi); (4) phó từ: tiện, tiện thể, trong顺手关灯 (tiện tay tắt đèn); (5) động từ: tuân thủ, phục tùng, trong 归顺 quy thuận, 依顺 y thuận (thuận theo); (6) động từ: thích hợp, trong 順眼thuận mắt; (7) động từ: lần lượt, theo trình tự, trong顺延 (kéo dài thời gian theo trình tự); (8) tính từ: thuận lợi trong一顺百顺 (một sự thuận lợi, muôn sự hanh thông); (9) động từ: di chuyển theo cùng một hướng, trong 顺流而下(xuôi theo dòng); (10) tính từ: có trình tự, xuôi, trôi chảy trong文从字顺(câu chữ thông suốt, hành văn trôi chảy); (11) tính từ: hài hòa 风调雨顺 (mưa thuận gió hòa); (12) Họ Thuận. Trong đó, từ nghĩa (1) đến nghĩa (11) 順 thuận đều có mối liên hệ logic với nhau. Có thể nói, 10 nghĩa sau đều là nghĩa phái sinh của nghĩa gốc và đều dựa trên cơ sở khoa học là nước chảy về chỗ trũng là xuôi chiều, hợp quy luật. Câu nói dân xu lợi như thủy tựu hạ (Người dân chạy theo lợi lộc như nước chảy về chỗ trũng) phản ánh bản chất của hiện tượng tự nhiên trong tương quan với bản chất của hiện tượng xã hội. Điều đó thể hiện sinh động khả năng tri nhận tính chất của nước cũng như tư duy liên tưởng phong phú của người xưa.

 順thuận còn có nghĩa chỉ phẩm chất đạo đức xã hội. Theo quan niệm truyền thống, hiếu thuận là một tiêu chuẩn quan trọng của đạo làm con. Làm con phải luôn thuận theo cha mẹ một cách vô điều kiện, ngay cả hôn nhân đại sự thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy mới là người con có hiếu. Người phụ nữ chuẩn mực trong xã hội phong kiến phải giữ được đạo tam tòng tứ đức, có như vậy khi qua đời mới được vinh danh bằng hai chữ貞trinh và 順thuận. Ngay cả lẽ sinh tử trên đời, cha trước con sau, vợ trước chồng sau là thuận. Ngược lại, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng về cội là nghịch cảnh.

Tiếng Hán và tiếng Việt đều có một lượng không nhỏ từ ghép có chứa順thuận, như 順利 thuận lợi,順眼 thuận nhãn (vừa mắt, dễ coi),順序 thuận tự (theo trình tự),順口 thuận khẩu (trôi chảy),順畅 thuận sướng (thông thuận),順手 thuận thủ (tiện tay),順路 thuận lộ (tiện đường),順耳 thuận nhĩ (xuôi tai),順和 thuận hòa, 順情顺意thuận tình thuận ý, 順心thuận tâm. Trong đó, hầu hết các từ này đều gia nhập hệ thống từ vựng tiếng Việt trở thành từ Hán Việt và giữ nguyên nghĩa, song cá biệt có những từ ngữ đã thay đổi như順便 thuận tiện trong tiếng Hán tương đương với nhân tiện, tiện thể trong tiếng Việt, thuận tiện trong tiếng Việt lại tương đương với 便利 tiện lợi trong tiếng Hán, đồng thời có từ ngữ đã thay đổi một số thành phần cấu tạo như 风调雨順 phong điều vũ thuận,一帆风順/ 一路順风nhất phàm phong thuận/ nhất lộ thuận phong trong tiếng Hán tương đương với mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió trong tiếng Việt. Một số lối nói trong tiếng Việt có chứa thuận nhưng không có cách biểu đạt hoàn toàn tương đương trong tiếng Hán, như thuận mua vừa bán. Đặc biệt là câu thành ngữ Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn đã khẳng định sự đồng điệu giữa hai trái tim cùng nhịp đập là điều kiện quan trọng nhất để vợ chồng gắn kết, hạnh phúc dài lâu.

Chính vì ý nghĩa sâu xa của chữ 順thuận, trong lịch sử Trung Quốc cũng như Việt Nam, có nhiều nhân danh, địa danh, niên hiệu có chứa順 thuận như 順天Thuận Thiên là niên hiệu của thủ lĩnh Sử Tư Minh (史思明:759- 761) thời kỳ loạn An sử đời Đường xảy ra. Thuận Thiên phủ là tên gọi trước đây của thành phố Bắc Kinh, cùng với các địa danh khác như 應天Ứng thiên,承天 Thừa Thiên,奉天 Phụng Thiên đều có nghĩa là vâng mệnh trời, thể hiện rõ nét tư tưởng thiên mệnh và quan niệm thiên thời, địa lợi, nhân hòa là những nhân tố cốt lõi đảm bảo cho sự phát triển phồn vinh của một quốc gia. Cùng nằm trong không gian văn hóa với Trung Quốc, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc lễ giáo phong kiến và tư tưởng thiên mệnh, Việt Nam cũng có khá nhiều nhân danh, địa danh chứa 順thuận như Thuận Thiên là niên hiệu của Lý Thái Tổ (1010- 1028), cũng là niên hiệu của Lê Thái Tổ (1428- 1433). Hoàng hậu thứ hai của vua Trần Thái Tông mang tên Thuận Thiên, được người đời gọi là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu (顕慈順天皇后). Vợ Hoàng đế Gia Long cũng mang tên Hoàng phi Thuận Thiên. 順化Thuận Hóa là tên chữ Hán của Huế ngày nay.  

Chữ 順thuận thể hiện nhận thức của người xưa về tính chất của sông nước, từ đó liên hệ vào đời sống xã hội. Từ buổi sơ khai của lịch sử, loài người chủ yếu sống bằng săn bắt và hái lượm, gắn liền với thiên nhiên. Trong quá trình khám phá thế giới, con người đã nhận thức được tính chất của sự vật khách quan, và tận dụng những mặt tích cực của thiên nhiên phục vụ con người. Địa hình tây cao đông thấp đã ảnh hưởng đến nhiều phương diện đời sống xã hội, đồng thời cũng là một nhân tố hình thành nên thế giới quan và nhân sinh quan của người Trung Quốc. Tính chất của nước là luôn vận động, trôi chảy, từ nguồn xuôi về biển, trái với núi luôn vững vàng, tĩnh lặng. Vì thế mà quan niệm 仁者乐山智者乐水nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thủy được hình thành, như một lẽ sống của con người. Sông nước xuôi dòng là thuận theo lẽ tự nhiên. Ý nghĩa của chữ順thuận là kết quả của quá trình tri nhận về tính chất của các dòng chảy. Hình ảnh muôn sông cuồn cuộn trôi về biển biểu trưng cho sức mạnh tiềm tàng được phát huy cao độ. Bài hát “Hảo hán ca” là khúc dạo đầu Phim Thủy Hử mỗi khi vang lên dường như tiếp thêm sức mạnh khiến cho mỗi người đều cảm thấy tinh thần trở nên phấn chấn, hào sảng. Sức mạnh thác đổ triều dâng của nghĩa quân vì nghĩa lớn đã thể hiện một cách đầy đủ nhất tinh thần, hào khí của Thủy Hử – một trong tứ đại danh tác cổ điển Trung Hoa: 大河向东流哇,天上的星星参北斗哇 Đại hà hướng đông lưu, thiên thượng đích tinh tinh tham Bắc đẩu (Sông lớn đổ về biển, ngàn sao trên trời tham kiến Bắc đẩu). Nước xuôi dòng thuận lợi, hanh thông, thiên nhiên tiếp sức, giảm bớt sức người mà vẫn nhanh chóng đến bến bờ thắng lợi. Nghĩa gốc của chữ順thuậnchuyển động theo cùng một hướng, phái sinh thành sự việc diễn ra một cách thuận lợi, hợp với lòng người (朝同一个方向,也指事情进行利,合乎心意). Kinh thi có câu 有覚德行,四國順之Hữu giác đức hạnh, tứ quốc thuận chi, nghĩa là Người có đức hạnh sẽ được thiên hạ thuận theo (Kinh thi- Đại nhã). Chữ 順thuận trong câu thơ này nghĩa là phụng mệnh, vâng theo, tôn làm đấng quân chủ. Có thể thấy, 順thuận là lời chúc phúc tốt lành, là niềm hy vọng mà Thầy hiệu trưởng gửi gắm đến mỗi thành viên ULIS. Chúng ta tin tưởng rằng, đội ngũ ULISERS của chúng ta càng tỏa sáng, tận tâm, tận lực, trên dưới một lòng và ngôi nhà chung ULIS sẽ ngày càng vươn tới những đỉnh cao.

Năm mới đến, mỗi thành viên trong đại gia đình ULIS hãy kết thành một khối, dang rộng vòng tay đón năm Canh Tý 2020 với muôn vàn hoa thơm trái ngọt. Xuân mới, Thiên thuận thời, Địa thuận lợi, Nhân thuận hòa, đại gia đình ta tràn đầy hứng khởi, cùng cất cao tiếng hát chào Xuân:

Thuận trời, thuận đất, thuận nhân tâm,

Trên dưới anh em quyết một lòng.

Canh Tý tân xuân, tân vận hội,

ULIS căng tràn thế thuận phong.

Một mùa xuân mới lại đến, dư âm Thực tài Thực lực Thực tinh chất năm Kỷ Hợi còn vang vọng, Thuận thiên Thuận địa Thuận nhân tâm lại tiếp sức cho con thuyền ULIS buồm căng no gió, nhẹ lướt trùng khơi, vươn tới bờ bến mới. Canh Tý Chuột Vàng đón chờ ta trên những đỉnh cao!

                                                                              ULIS, Ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi  

 

PGS. TS. Phạm Ngọc Hàm, Sinh ngày 06/01/1959, tại Vụ Bản, Nam Định

  • Tốt nghiệp khoa Trung Văn, khóa Hán Nôm 1976- 1981 Từ 1982 đến 1993 là Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Ngữ Văn, Cao đẳng SP Nam Định
  • Từ 9/1993 đến nay là CBGD tiếng Trung Quốc, ĐHNN, ĐHQGHN
  • Tốt nghiệp TS năm 2005, ngành Ngôn ngữ học, Tại khoa Ngôn ngữ học, ĐHKHXH & NV
  • Phong PGS năm 2009
  • Hướng Nghiên cứu:- Đối chiếu ngôn ngữ; – Văn tự học; Phương pháp giảng dạy tiếng Trung Quốc
  • Đã đăng gần 60 bài báo trong nước và Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế; 1 bài ở Tạp chí Trung Quốc
  • Xuất bản 2 cuốn Giáo trình; 3 cuốn chuyên khảo (Nxb Đại hoạc Quốc gia); 1 cuốn sách Dịch về Lễ (Nxb Chính trị Quốc gia)
  • Đã hướng dẫn thành công 5 TS và gần 50 Th.S