Đề án xây dựng Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội khoá XIX (nhiệm kỳ 2017-2022) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề án xây dựng Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội khoá XIX (nhiệm kỳ 2017-2022)

Căn cứ Kế hoạch số 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và Kế hoạch số 74/KH-CĐ ĐHQGHN ngày 12/12/2016 của Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội về xây dựng kế hoạch đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ V, căn cứ Hướng dẫn số 134/HD-TLĐ ngày 07/2/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác nhân sự ban chấp hành tại đại hội công đoàn các cấp, BCH Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng đề án nhân sự cho Đại hội đại biểu lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2017-2022) như sau:

Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của công đoàn, là dịp sinh hoạt chính trị rộng rãi của cán bộ, đoàn viên công đoàn nhằm xem xét, thảo luận, đánh giá hoạt động của công đoàn trong nhiệm kỳ đã qua, từ đó định ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tiếp theo; bầu ban chấp hành công đoàn và đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên. Đồng thời, thống nhất ý chí, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ mà đại hội đề ra. Để đáp ứng yêu cầu công tác công đoàn trong thời gian tới, Ban chấp hành Công đoàn Trường cần phải được xây dựng khoa học, dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng bộ Trường, vai trò phối hợp của chính quyền đồng cấp và các đoàn thể khác, đảm bảo việc thực hiện đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng uỷ Trường, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Công đoàn Trường từ những năm trước đây, Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trình Đại hội Đề án xây dựng Ban chấp hành khoá XIX, nhiệm kỳ 2017 – 2020 như sau:

I/ Những căn cứ để xây dựng Ban chấp hành Công đoàn Trường khoá XIX

Căn cứ vào Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn thi hành Điều lệ của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn và tình hình thực tế yêu cầu đổi mới tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chương trình công tác trong nhiệm kỳ tới;

Căn cứ vào yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, của ngành giáo dục, yêu cầu xây dựng Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội thành trung tâm đầu ngành về đào tạo ngoại ngữ cho cả nước, đáp ứng yêu cầu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XVIII, nghị quyết Đại hội đại biểu Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ IV;

  1. Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn của việc xây dựng và kết quả hoạt động của Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội các khoá trước .

II/ Những yêu cầu xây dựng BCH Công đoàn Trường

  1. Ban chấp hành công đoàn do đại hội bầu ra phải đáp ứng yêu cầu có bản lĩnh đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
  2. Xây dựng ban chấp hành công đoàn phải lấy chất lượng, tiêu chuẩn là chính; có số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện ở các cấp, các địa bàn và lĩnh vực hoạt động công đoàn.
  3. Cấu tạo ban chấp hành cần kết hợp hài hòa giữa 3 độ tuổi, cơ cấu phải trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn. Những nơi cần cơ cấu ủy viên ban chấp hành, nhưng không lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì không gò ép giới thiệu người tham gia ban chấp hành.
  4. Việc giới thiệu nhân sự phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

III/ Tiêu chuẩn uỷ viên BCH Công đoàn Trường

  1. Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; trưởng thành từ thực tiễn phong trào và hoạt động công đoàn; có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có uy tín, có phương pháp hoạt động và khả năng đoàn kết tập hợp được đông đảo đoàn viên, viên chức, lao động; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
  2. Có năng lực tham gia xây dựng và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác; có khả năng tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành công đoàn.
  3. Có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
  4. Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng.
  5. Điều kiện tham gia Ban Chấp hành

Người tham gia ban chấp hành ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn trên, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Người tham gia lần đầu: Còn đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất một nhiệm kỳ đại hội công đoàn.
  2. Người tái cử: Có đủ thời gian công tác ít nhất phải đủ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Những trường hợp còn thời gian công tác dưới 1/2 nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét quyết định cụ thể.
  3. Cơ cấu Can Chấp hành công đoàn:
  4. Ban chấp hành công đoàn Trường cần có số lượng hợp lý, cơ cấu đảm bảo tính đại diện của đoàn viên theo các lĩnh vực, đơn vị, để đáp ứng việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời nghị quyết của các cấp công đoàn đến đông đảo đoàn viên, người lao động.
  5. Công tác chuẩn bị nhân sự thực hiện theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên Ban Chấp hành.
  6. Số lượng và cơ cấu BCH Công đoàn

6.1     Cơ cấu Ban chấp hành

Số lượng Ban chấp hành Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội khoá XIX là 15 người. Dự kiến phân bổ như sau:

Khu vực các khoa đào tạo, bộ môn trực thuộc Trường và Trường THPT chuyên ngoại ngữ: 50%

Khu vực các Phòng ban chức năng: 35 %

Khu vực các Trung tâm trực thuộc Trường: 15%

Các UV BCH phải tuân thủ sự phân công của BCH, Ban Thường vụ, chịu trách nhiệm phụ trách công việc được phân công.

Mỗi uỷ viên BCH có nhiệm vụ hoàn thành các công việc được giao, chuẩn bị đầy đủ các ý kiến và các vấn đề nắm bắt được, phản ánh kịp thời trong kì họp BCH.

Mọi việc làm của các uỷ viên BCH phải dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và không làm thiệt hại đến uy tín, danh dự của Công đoàn.

Các UV BCH phải tuân thủ sự phân công của BCH, Ban Thường vụ, chịu trách nhiệm phụ trách các công đoàn trực thuộc được phân công.

 Mỗi thành viên BCH có nhiệm vụ hoàn thành các công việc được giao, chuẩn bị đầy đủ các ý kiến và các vấn đề nắm bắt được, phản ánh kịp thời với BCH, xây dựng nghị quyết cho phù hợp, có trách nhiệm tham gia các hoạt động do BCH triệu tập, thay mặt cho BCH xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và tốt đẹp với các công đoàn cơ sở trực thuộc và khối công đoàn các cơ quan, đơn vị trong ĐHQGHN, thực hiện ý chí và nguyện vọng của quần chúng khi góp ý và đề đạt với cấp trên những thông tin đầy đủ, chính xác các nghị quyết của BCH.

6.2     Cơ cấu Ban Thường vụ

Với phương án BCH xây dựng như trên thì Ban Thường vụ dự kiến là 05 người, trong đó: 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và 02 Ủy viên Thường vụ. Cụ thể như sau:

          01 Chủ tịch dự kiến phụ trách các mảng công tác sau:

– Thay mặt BCH dự các kì họp và phối hợp với Lãnh đạo đơn vị, công đoàn cấp trên chỉ đạo các hoạt động chủ yếu của công đoàn cơ sở và các hoạt động chuyên môn, phong trào như:  thi đua, lương/thưởng, kỷ luật, công tác kế hoạch, các chế độ chính sách, chủ tài khoản, quan hệ đối ngoại, nhân sự.

– Đại diện cho tập thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn đơn vị tham gia với tư cách đại biểu quyền lợi cho CBVCNLĐ trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá…

– Có trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động đến đoàn viên, có quyền yêu cầu cán bộ, đoàn viên trong đơn vị chấp hành tốt nghị quyết công đoàn. Tham gia ý kiến với lãnh đạo đơn vị (thay mặt BCH) về công tác chuyên môn và các chế độ chính sách đối với các đoàn viên thuộc quyền quản lý, xử lý công việc hằng ngày của công đoàn.

– Phụ trách chung, chịu trách nhiệm trước BCH Công đoàn, Đảng ủy Trường ĐHNN – ĐHQGHN, BCH Công đoàn về mọi hoạt động của Công đoàn Trường.

– Tham gia các Hội đồng của Trường, tham gia với Trường về công tác quy hoạch, phát triển và công tác cán bộ.

– Trực tiếp phụ trách: Công tác nhân sự; tài chính; đối ngoại; thi đua khen thưởng, phụ trách Ban Tổ chức – Thi đua của Công đoàn Trường.

– Thực hiện định kỳ các báo cáo của Công đoàn Trường.

– Theo dõi và chỉ đạo hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, Ban Thanh tra nhân dân.

– Xây dựng kế hoạch hoạt động của Công đoàn.

– Tiếp nhận và giải quyết công văn của Công đoàn.

01 Phó Chủ tịch dự kiến phụ trách các mảng công tác sau:

– Phụ trách công tác kiểm tra, trực tiếp theo dõi các chế độ chính sách với người lao động trong đơn vị, cùng giám sát các hoạt động của các công đoàn trực thuộc, tham gia các hoạt động chỉ đạo phong trào của công đoàn, phụ trách công việc nội bộ công đoàn, công tác đối nội.

– Thay mặt cho BCH, tham gia các hoạt động chuyên môn, đoàn thể như chủ tịch (khi chủ tịch vắng mặt và được ủy quyền)

– Phụ trách công tác tuyên truyền giáo dục trong CBVCNLĐ trong Trường.

– Phụ trách công tác phát triển đoàn viên, công tác chuyên môn, Ban Chuyên môn của Công đoàn Trường.

– Theo dõi và chỉ đạo hoạt động công đoàn các đơn vị khoa đào tạo.

01 Phó Chủ tịch dự kiến phụ trách các mảng công tác sau:

– Thay mặt cho BCH, tham gia các hoạt động chuyên môn, đoàn thể như chủ tịch (khi chủ tịch vắng mặt và được ủy quyền)

– Phụ trách công tác văn hóa, thể thao trong CBVCNLĐ trong Trường.

– Phụ trách Ban nữ công (Dựa theo quy chế hoạt động của Ban nữ công, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người), Ban Tuyên huấn – Văn thể của Công đoàn Trường.

– Theo dõi và chỉ đạo hoạt động công đoàn các đơn vị phòng ban, Trung tâm trực thuộc.

01 Ủy viên Ban Thường vụ:

– Có trách nhiệm cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch điều hành, xử lý các công việc thường ngày, thay mặt Chủ tịch và Phó Chủ tịch xử lý các công việc khi vắng mặt và được ủy quyền.

– Phụ trách Công tác thông tin, Ban Đời sống, chính sách của Công đoàn Trường.

– Chịu trách nhiệm quản lý tài sản Công đoàn, công tác Văn phòng Công đoàn.

01 Ủy viên Ban Thường vụ:

– Có trách nhiệm cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch điều hành, xử lý các công việc thường ngày, thay mặt Chủ tịch và Phó Chủ tịch xử lý các công việc khi vắng mặt và được ủy quyền.

– Là Chủ nhiệm Ủy ban Công đoàn Trường.

– Chịu trách nhiệm trước BCH Công đoàn về công tác kiểm tra theo quy định của điều lệ Công đoàn

6.3  Uỷ ban kiểm tra công đoàn và Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra:

Uỷ ban kiểm tra:

Uỷ ban kiểm tra công đoàn được BCH giới thiệu và bầu chọn, giúp cho BCH thực hiện tốt điều lệ CĐVN và Nghị quyết CĐ. Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra phải là uỷ viên BCH. Uỷ ban kiểm tra Công đoàn là những người nhiệt tình trong công tác công đoàn, am hiểu về chế độ chính sách pháp luật, trung thực, chí công vô tư.

Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra:

Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra khi ban kiểm tra đã kiện toàn, hoạt động kiểm tra dưới sự chỉ đạo của BCH theo Nghị quyết và chỉ đạo của Uỷ ban kiểm tra cấp trên.

Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra được dự họp thường kì trong các kì họp BCH, trường hợp đặc biệt sẽ mời toàn thể các uỷ viên ban kiểm tra cùng dự, các đợt kiểm tra đều làm việc theo nguyên tắc tập thể (2/3 số uỷ viên tham dự trở lên). Các kết luận về công tác kiểm tra, khiếu tố, khiếu nại phải được UBKT trả lời cho đương sự theo qui định của luật. Khi xử lý phải có ý kiến của BCH để biết kết quả đúng sai. Chủ nhiệm UBKT có quyền yêu cầu BCH CĐ hỗ trợ các điều kịên cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao (Có quy chế riêng của UBKT).

  1. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình tổ chức Đại hội, BCH báo cáo tại Đại hội các vấn đề về công tác nhận sự cho khóa mới, xin ý kiến đại hội để biểu quyết về số lượng BCH khóa mới.

Đại hội sẽ tiến hành thảo luận, tiến hành đề cử, ứng cử. Đoàn chủ tịch Đại hội tổng hợp danh sách để trình Đại hội biểu quyết thông qua. Đại hội tiến hành bầu cử BCH khóa mới. Sau khi đại hội bầu BCH khóa mới, BCH khóa mới họp phiên thứ nhất để thảo luận đề án Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra; tiến hành bầu cử Ban thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy ban kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra theo các quy định hiện hành./.