ULIS: Nơi gìn giữ những giá trị cốt lõi và hướng tới những chân giá trị “Thực-實”
Xuất phát từ nét đẹp văn hóa “xin chữ đầu năm” của Việt Nam ta, vào những ngày tết đến xuân về rất nhiều người đã kính cẩn tìm đến những nhà nho, những ông đồ hay những nhà thư pháp Hán-Nôm để xin cho bản thân, gia đình, cơ quan, tổ chức,… một chữ thư pháp thật ý nghĩa. Các chữ được ưa chuộng nhiều nhất phải kể đến như “Phúc-福”, “Đức-德” , “Tâm-心”, “Trí-智” . Tuy nhiên, cũng có những chữ Hán-Nôm mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt khác như chữ “Thực-實/实” hay “Thật”.
“Thực-實/实” trong Hán tự có thể được chia thành 4 loại từ khác nhau là tính từ, danh từ, phó từ và động từ. Tuy nhiên, khi từ “Thực-實/实” này được thể hiện dưới các nét thư pháp thì đa phần sẽ mang ý nghĩa của một tính từ với hàm ý là chân thật, thành thật,không dối trá, và thể hiện sự hiện hữu đầy đủ.
Không phải ngẫu nhiên mà từ “thực” lại được lựa chọn cho việc xin chữ đầu năm. Chữ “thực” này mang trong mình một ý nghĩa và một chân giá trị đã được truyền tải qua nhiều câu thành ngữ, các tác phẩm văn học và các câu chuyện ngụ ngôn,…của tất cả các nền văn hóa khác nhau, trong đó nổi bật nhất chính là nền văn hóa Á Đông.
Trong đạo Phật có lưu truyền một câu chuyện về “Chân Thật và Giả Dối” (Thích Đạt Ma Phổ Giác). Câu chuyện kể rằng Chân Thật và Giả Dối là hai người bạn thân, nhưng lại đối nghịch nhau về quan niệm sống. Một hôm, hai người cùng nhau ra thưởng ngoạn cảnh sông nước và đã hòa mình vào dòng nước đó. Lúc sau, Giả Dối đã lợi dụng thời cơ để lén lấy trộm quần áo của Chân Thật và khoác lên người. Chân Thật tha thiết cầu xin Giả Dối hãy trả lại quần áo cho mình, nhưng Giả Dối nhất quyết không trả.
Chân Thật là người luôn tin sâu vào luật nhân quả. Anh sống có hiểu biết và không bao giờ làm điều sai quấy hại người. Anh tự nhủ, thà mình chịu thiệt thòi đôi chút chứ nhất quyết không thể mặc bộ quần áo của Giả Dối để rồi đánh mất đi cái phẩm hạnh của bản thân. Cuối cùng, anh đành trở về nhà mà không mặc cho mình bộ quần áo đó.
Như vậy có thể thấy từ câu chuyện ngụ ngôn trên rằng “chân thật” có nghĩa là không gian manh giả dối. “Chân thật” là một đóa hoa thơm của đạo đức, là bản chất tốt của bậc hiền thánh. Khi chúng ta gieo nhân chân thật thì chúng ta sẽ gặt hái được những quả tốt đẹp.
Hay như trong rất nhiều các câu thành ngữ được truyền qua nhiều đời đều có bao hàm từ “thực” ở trong đó:
“Thực tâm thực ý”
“Thực tài thực học”
Việc đưa ra những câu thành ngữ tiêu biểu như trên để thấy rằng từ “thực” luôn được gắn với những thứ thuộc về con người “tâm”, “ý”, những thứ mà chúng ta luôn mong cầu sở hữu “tài”, “học”. Như vậy, người xưa đã có dụng ý nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn đặt chữ “thực” lên phía trước của mỗi một suy nghĩ, hành động để từ đó kết quả đạt được sẽ luôn là sự thật.
Quay trở lại câu chuyện xin chữ đầu năm. Trong buổi gặp mặt đầu năm của xuân Kỷ Hợi 2019, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã giới thiệu đến tất cả cán bộ, giảng viên Nhà trường về một chữ “Thực-實” được đóng trong khung cẩn thận với mong muốn sẽ treo chữ “Thực” này tại một nơi trang trọng để nhắc nhớ tất cả cán bộ, giảng viên Nhà trường rằng: “Khi làm bất cứ việc gì, có thể nói không hay, có thể nói không nhiều nhưng cuối cùng phải là làm thực để ra những kết quả thực bằng những con người thực”.
Như vậy, thông điệp mà Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh mong muốn gửi gắm thông qua chữ “Thực” chính là những ý nghĩa, những giá trị mà các câu chuyện ngụ ngôn, các câu thành ngữ về chữ “thực” đã truyền tải. Khi chúng ta có thực tâm làm việc, thực tâm cống hiến thì ý tứ và tác phong làm việc của chúng ta sẽ luôn là sự đúng đắn, chân thành. Khi chúng ta thực sự có tài năng, chúng ta sẽ thực sự có khả năng để cống hiến, để làm việc và để học tập. Như vậy, khi chúng ta có thực tâm và thực tài mọi công việc chúng ta làm sẽ là thực và sẽ luôn thu được kết quả thực.
Minh chứng cho việc người thực, việc thực với kết quả thực có thể kể đến 10 thành tựu tiêu biểu mà Trường Đại học Ngoại ngữ đã đạt được trong năm 2018 cũng như việc đề ra 6 nhiệm vụ trong tâm cho năm 2019 của Nhà trường:
- Về Đào tạo: Tuyển sinh và tổ chức đào tạo hiệu quả các CTĐT Chất lượng cao của Trường;
- Về Khoa học công nghệ: Hiện thực hóa các giải pháp để giảng viên hoàn thành nhiệm vụ NCKH và chuyển giao tri thức; Tổ chức thành công các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế;
- Về công tác Học sinh, sinh viên: Đổi mới toàn diện công tác thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên;
- Về Hợp tác phát triển: Đẩy mạnh hợp tác về giáo dục ngoại ngữ, khảo thí, đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên; gia tăng số lượng sinh viên quốc tế và sinh viên ĐHNN đi học, thực tập tại nước ngoài;
- Về Cơ sở vật chất – Trang thiết bị: Sử dụng hiệu quả, bảo dưỡng thường xuyên, nâng cấp và bổ sung kịp thời hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển của Trường;
- Về Quản trị đại học: Triển khai chương trình bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ đào tạo ở các đơn vị trong Trường.
Những kết quả đạt được và các nhiệm vụ hết sức cụ thể gắn với tình hình thực tế được đề ra một lần nữa khẳng định chân giá trị làm thực sẽ luôn cho kết quả thực và tốt đẹp.
Trong một phát biểu của mình, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã khẳng định bên cạnh 3 từ là giá trị cốt lõi của trường “Trách nhiệm”, “Cơ hội”, “Cộng đồng” thì trong nhiều năm tới đây, Nhà trường sẽ hướng tới chân giá trị “thực”, không đi theo sự hư danh và các phong trào mà đi theo những giá trị thực và bền vững.
Đào Trung-Kim Anh-Việt Khoa/ ULIS Media