Trường Đại học Ngoại ngữ trong công tác hợp tác với các doanh nghiệp
Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với doanh nghiệp là một công tác dành được nhiều sự quan tâm của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm gần đây.
Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được hiểu như là những giao dịch giữa các trường đại học và các tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên. Đẩy mạnh và khai thác giá trị của việc hợp tác này có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính, và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động. (Carayon, 2003,Gibb & Hannon (2006), Storm (2008), Razvan & Dainora (2009).
Bối cảnh ngày nay yêu cầu của xã hội ngày càng cao về một nền giáo dục tiên tiến, đào tạo nên những sinh viên có kiến thức và kinh nghiệm thực tế, có kỹ năng gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, có khả năng thích ứng và làm việc ngay sau khi ra trường. Bên cạnh đó, thị trường lao động cạnh tranh cũng tạo áp lực sinh viên cần có việc làm sớm, được tiếp xúc với doanh nghiệp và tuyển dụng sớm. Công tác kết nối doanh nghiệp cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm để có thể tiến hành đổi mới hoạt động thực hành, thực tập, và tăng cường giảng dạy – học tập gắn với thực tiễn xã hội, được chú trọng hơn rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Nhận thấy những lợi ích lớn đối với Nhà trường, doanh nghiệp cũng như chính sinh viên, Trường Đại học Ngoại ngữ đã đẩy mạnh triển khai hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước trong những năm gần đây.
Khởi đầu bằng những ký kết
Để có nền tảng pháp lý triển khai các hoạt động hợp tác, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức ký kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có những doanh nghiệp lớn tên tuổi như: Samsung, Regina Miracle, LG, FPT,… Những biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác sẽ giúp hai bên có cơ chế để mở ra các hoạt động cụ thể.
Ký kết chương trình hợp tác trao học bổng và tuyển dụng sinh viên với Samsung Electronics Việt Nam
Hợp tác trong đào tạo
Trong lĩnh vực đào tạo, ULIS chủ yếu hợp tác với doanh nghiệp trong hai công tác chính là xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức hoạt động phát triển kỹ năng cho sinh viên.
Về Xây dựng chương trình đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ đã mời doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng quá trình đào tạo, quản lý nội dung giảng dạy, lựa chọn hình thức tổ chức giảng dạy, điều chỉnh, thay đổi phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Ngay từ bước xây dựng chương trình đào tạo, Nhà trường đã chủ động mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá khi mỗi chương trình đào tạo mới được triển khai. Các CTĐT theo hướng Chuẩn đầu ra của Trường được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo sự bền vững, phù hợp với điều kiện về nguồn lực, bám sát nhu cầu phát triển của xã hội. Các khoa đào tạo có quyền chủ động cao trong thực hiện CTĐT và lấy ý kiến của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, quản lý nội dung giảng dạy, lựa chọn hình thức tổ chức giảng dạy, điều chỉnh, thay đổi phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Hiện nay, CTĐT CLC Ngôn ngữ Nhật Bản theo hướng chất lượng cao thu phí theo các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đang được xây dựng trên cơ sở khảo sát ý kiến của hơn 26 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.
Chính từ các ý kiến của doanh nghiệp về việc xây dựng những giờ học mang tính chất thực hành nhiều hơn, trải nghiệm thực tế nhiều hơn mà một số môn học mới như Khởi nghiệp, Văn hoá doanh nghiệp… đã được đưa thêm vào chương trình. Nhà trường cũng tổ chức buổi tọa đàm giữa giảng viên và doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên ngành tiếng Pháp để điều chỉnh lại nội dung chương trình giảng dạy.
Từ góc độ nhà giáo dục, một số khoa đã tổ chức kết nối các nhà tuyển dụng để lắng nghe và chia sẻ những khó khăn, cũng như tìm hiểu những nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để có sự điều chỉnh phù hợp cho hoạt động đào tạo của khoa mình. Nói cách khác, Doanh nghiệp chính là người góp phần xây dựng hình ảnh Profile một sinh viên – kết quả của quá trình đào tạo của trường đại học.
Hội thảo góp ý Chuẩn đầu ra và CTĐT CLC thu học phí đảm bảo chất lượng ngành Ngôn ngữ Nhật với sự tham gia của các đại diện doanh nghiệp
Đại diện doanh nghiệp tham gia góp ý tại Hội nghị Công tác Học sinh – Sinh viên năm học 2018-2019
Nhà trường cũng nhờ doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên ngày từ năm thứ nhất thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ sinh viên như thực tập, tập huấn kỹ năng mềm, kết hợp nghiên cứu khoa học, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng bổ trợ cho sinh viên. Nhiệm vụ lớn của trường đại học là đào tạo các kỹ năng, tri thức. Kỹ năng, tri thức này sinh viên sau khi ra trường phải áp dụng được vào trong thực tiễn của doanh nghiệp. Kể cả khi trường đại học xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, kỹ năng chuẩn nhưng sinh viên khi tốt nghiệp lại không thâm nhập ngay vào được trong doanh nghiệp, bởi vì họ thiếu trải nghiệm thực tế, chứ không phải họ không có kỹ năng làm việc.
Theo khảo sát yêu cầu doanh nghiệp, các đơn vị đều cho rằng kỹ năng bổ trợ là cần thiết đối với sinh viên tốt nghiệp cũng như trình độ chuyên môn, năng lực ngoại ngữ. Nắm bắt yêu cầu đó, Nhà trường chỉ đạo tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên, đảm bảo 100% sinh viên ra trường được trang bị các kỹ năng cần thiết cho công việc theo yêu cầu đơn vị tuyển dụng…
Trường Đại học Ngoại ngữ đã mời đại diện doanh nghiệp tham gia làm diễn giả trong các khóa phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên hay giảng dạy ở môn Khởi nghiệp. Qua đó, sinh viên được lắng nghe và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm, trang bị các kỹ năng tìm việc, xin việc và cũng giúp giảm bớt thời gian đào tạo lại của doanh nghiệp khi tuyển dụng. Doanh nghiệp nên hỗ trợ nhà trường trong việc đưa tăng cường tính trải nghiệm thực tế của sinh viên. Được như vậy thì quá trình đi vào thực tế của các em sẽ nhanh hơn, sẽ làm lợi hơn cho xã hội và bớt được thời gian trống hay đào tạo lại.
Đại diện doanh nghiệp tham gia hoạt động phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên
Hội thảo Tư vấn giới thiệu dịch vụ hàng không Qatar Airways
Hồ sơ thực tập là một đổi mới quan trọng trong công tác đào tạo và hỗ trợ sinh viên trong thời gian gần đây. Mỗi sinh viên ra trường đều có trong tay một bộ hồ sơ tập hợp những minh chứng về những hoạt động, trải nghiệm, chứng chỉ, khóa học, hoạt động ngoại khóa đã tham gia trong thời đại học. Hồ sơ thực tập có thể giúp sinh viên có nhiều cơ hội tìm việc và chứng tỏ bản thân trong thị trường việc làm sau khi ra trường. Các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Nhà trường trong hoạt động này khi tuyển dụng sinh viên vào thực tập hay tổ chức cho sinh viên trường tham gia các khóa bồi dưỡng.
Ở chiều ngược lại, thời gian vừa qua, trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN tích cực triển khai các hoạt động đào tạo và giảng dạy ngoại ngữ cho nhân viên các doanh nghiệp. Các thỏa thuận hợp tác về việc tổ chức các khóa bồi dưỡng ngoại ngữ ngắn hạn cho cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp đã được ký kết, mở rộng các lĩnh vực hợp tác có thể phát triển giữa hai đơn vị.
Hợp tác trong tổ chức thực tập
Thực tập là hoạt động bắt buộc và cần thiết để sinh viên có kinh nghiệm trước khi đi làm chính thức. Trường Đại học Ngoại ngữ đang gắn bó chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp để giới thiệu các nơi thực tập trong và ngoài nước tốt cho sinh viên. Sinh viên tham gia thực tập tại các doanh nghiệp được Nhà trường giới thiệu sẽ có cơ hội phát triển năng lực ngoại ngữ, kỹ năng chuyên ngành (sư phạm, biên phiên dịch,…), tìm hiểu/trải nghiệm về môi trường doanh nghiệp và thực tập có trả lương.
Sinh viên ULIS tham gia thực tập tại Nhật Bản theo chương trình hợp tác với Hiệp hội Hỗ trợ thực tập sinh Nhật Bản
Cụ thể, thực hiện quy chế đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho người học phát triển năng lực bản thân, Nhà trường đã triển khai hoạt động thực tập nước ngoài thường xuyên cho sinh viên ngành ngôn ngữ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 01 năm; triển khai hoạt động thực tập tại các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho sinh viên ngành tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc…liên tục vào các thời điểm trong năm. Những hình thức thực tập tại doanh nghiệp này đều là thực tập có trả lương, nhà tuyển dụng ký hợp đồng lao động/ học việc với sinh viên; phát huy tính tự chủ, sáng tạo và giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc thực tế. Phản hồi từ phía các cơ sở thực tập cũng giúp cho Nhà trường đánh giá được chất lượng và nội dung đào tạo. Có thể điểm ra một số chương trình thực tập lớn như: 162 sinh viên tham gia chương trình thực tập tại Nhật Bản, 47 sinh viên tham gia thực tập tại doanh nghiệp R.Miracle tại Hải Phòng hang năm…
Hợp tác trong tuyển dụng và giới thiệu việc làm
Hợp tác trong tuyển dụng và giới thiệu việc làm là một trong các nội dung quan trọng trong hoạt động hợp tác với doanh nghiệp. Hoạt động này đã được Nhà trường triển khai thông qua một số công tác như:
Tổ chức tham quan thực tế tại doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, tham quan thực tế tại Doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên hiểu rõ được việc doanh nghiệp làm việc như thế nào để bắt kịp và thích ứng, thay đổi định hướng học tập, tăng cơ hội hơn trong việc tìm việc làm. Về phía doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh trước sinh viên nhà trường. Nhà trường đã tổ chức tham quan tại Công ty Samsung Display Thái Nguyên (9/2016) và công ty R. Miracle Hải Phòng (10/2016), công ty Aiden (2017), công ty ACECOOK (năm học 2018-2019), Công ty Bell System 24 Hoa Sao (2018, 2019), Tập đoàn Đại Việt (2019)….
Sinh viên ULIS tham quan Công ty LG Display Việt Nam Hải Phòng
Tham quan Công ty Regina Miracle
Tổ chức các chương trình tọa đàm giữa doanh nghiệp và sinh viên là cơ hội không chỉ để doanh nghiệp tạo ấn tượng ban đầu với sinh viên năm 1,2 mà còn có ý nghĩa để sinh viên tiếp cận và có sự chuẩn bị trong quá trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu, tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp. Các chủ đề tọa đàm thường xoay quanh các chủ đề như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phỏng vấn xin việc… Bên cạnh đó là tổ chức các chương trình tọa đàm giữa doanh nghiệp và sinh viên, nhà trường. Công tác tư vấn, hỗ trợ việc làm cho sinh viên luôn được các khoa đào tạo và nhà trường chú trọng, thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo tuyển dụng việc làm với nhà tuyển dụng. Kết hợp với các buổi này là hướng dẫn viết đơn xin việc, kỹ năng phỏng vấn trực tiếp… cho sinh viên năm cuối.
Ngày hội việc làm là hoạt động thường niên được tổ chức ở cả phạm vị cấp khoa và cấp toàn trường. Chương trình đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp tới tham dự, là cơ hội tốt để nhà trường giới thiệu các sản phẩm đào tạo đến doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng quảng bá hình ảnh, tiếp cận với nguồn lao động của nhà trường. Gần đây nhất, chương trình Ngày hội việc làm năm 2019 đã thu hút 37 doanh nghiệp tham gia với hơn 1000 đầu việc và hơn 4000 lượt sinh viên quan tâm tới các doanh nghiệp. Nhân cơ hội này, Nhà trường cũng đã tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác về thực tập, tuyển dụng với các đối tác lớn như Vinschool, Regina Miracle, Samsung, Identity- Nhật Bản, Vietsunergy…
Ngày hội việc làm là hoạt động thường niên của ULIS thu hút rất đông doanh nghiệp tham gia
Xây dựng mạng lưới thông tin việc làm – tuyển dụng. Các thông tin về việc làm bán thời gian, toàn thời gian được cập nhật thường xuyên trên website, fanpage và gửi thư tới các sinh viên. Trung tâm hỗ trợ sinh viên thuộc Phòng CT&CTHSSV được giao làm đầu mối tập trung các thông tin về việc làm và phổ biến rộng rãi tới sinh viên. Danh sách Ngân hàng việc làm thêm, ngân hàng việc làm toàn thời gian được cập nhật thường xuyên để sinh viên tiện theo dõi và tra cứu.
Đặc biệt, Nhà trường đã kết hợp với doanh nghiệp trong hoạt động tìm việc – giới thiệu việc làm cho sinh viên. Tỉ lệ sinh viên có việc làm trong những năm gần đây của Trường ĐH Ngoại ngữ- ĐHQGHN luôn đạt tỉ lệ cao, năm 2015 đạt 95%, năm 2016 đạt 94.4%, một số khoa đào tạo các ngành tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản đạt 100%. Nguồn nhân lực của nhà trường luôn đáp ứng tốt nhu cầu về tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp.
Hợp tác trong hỗ trợ học tập và khởi nghiệp
Trường Đại học Ngoại ngữ đang làm rất tốt công tác khai thác các nguồn học bổng đến từ các doanh nghiệp. Ngoài nguồn học bổng đến từ ngân sách, sinh viên trường có cơ hội nhận được rất nhiều học bổng đến từ các công ty, doanh nghiệp đối tác. Một số học bổng có thể kể ra như: Samsung, KEB Hana, Han Soo Kong, BIDV, Yamada, Lotte, Đồng Hành, Shinnyo, Pony Chung, Mitsubishi, Kumho Asiana,… Với mục đích hoạt động xã hội, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ các sinh viên có thành tích học tập tốt, có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo… Năm học vừa qua, Nhà trường nhận được những học bổng lớn từ phía doanh nghiệp, có những học bổng có tổng giá trị lên tới 50 triệu đồng.
Sinh viên nhận học bổng KEB Hana 2018
Ngân hàng BIDV và Công đoàn Ngân hàng BIDV chi nhánh Cầu Giấy đã trao tặng 70.000.000 đồng cho ủng hộ cho Quỹ Đồng hành cùng sinh viên (ULIS Dream)
Khởi nghiệp là mong muốn của nhiều sinh viên ULIS khi vẫn còn ngồi trên ghế Nhà trường. Năm học 2017-2018, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức nhằm hưởng ứng chương trình Khởi nghiệp quốc gia, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp; khuyến khích tinh thần tự thân lập nghiệp của sinh viên; cung cấp kiến thức khởi nghiệp và tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên; thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội đối với các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên trường, tạo ra môi trường thuận lợi để những sinh viên năng động và yêu thích kinh doanh mạnh dạn phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, Ngày hội Nghiên cứu khoa học – Sáng tạo – Khởi nghiệp (ULIS FIRE) được tổ chức hang năm, khuyến khích ủng hộ các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên toàn trường. Đây là cơ hội để sinh viên phát huy tiềm năng của mình; là sân chơi trí tuệ, nơi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu; là dịp thể hiện năng lực sáng tạo “dám nghĩ dám làm” của sinh viên được học tập trong môi trường học thuật chất lượng cao ULIS. Trong các hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã đứng ra hỗ trợ và góp ý cho các ý tưởng của sinh viên.
Trao giải cho chủ nhân của “C-Trans”, 1 trong 2 giải Nhất trị giá 20.000.000 đồng/giải của cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp 2018
Tóm lại, xây dựng quan hệ hợp tác với doanh nghiệp là công tác được Trường Đại học Ngoại ngữ đánh giá rất cao và hứa hẹn sẽ còn đạt được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới. Hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với Nhà trường trong sự nghiệp đào tạo nên các cử nhân ngoại ngữ chất lượng cao hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng trong thời đại toàn cầu hóa 4.0.