Trường Đại học Ngoại ngữ giữ chân, thu hút và hỗ trợ đội ngũ giảng viên trình độ cao với chính sách đổi mới, hiện đại, thấu cảm
Tháng 1/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống các giải pháp giữ chân, thu hút và hỗ trợ đội ngũ giảng viên trình độ cao”. Đề án được áp dụng kể từ ngày 01/01/2024 và thí điểm triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2026. Đáng chú ý, Đề án đưa ra nhiều chính sách đổi mới, hiện đại, thể hiện rõ sự quan tâm, thấu cảm của Nhà trường về yếu tố “Con người”.
Đề án “Xây dựng hệ thống các giải pháp giữ chân, thu hút và hỗ trợ đội ngũ giảng viên trình độ cao ở Trường ĐHNN, ĐHQGHN” nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo viên chức, người lao động tại Trường. Về điều kiện thực hiện Đề án, Trường ĐHNN có đủ tiềm lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị; có môi trường giảng dạy, NCKH năng động sáng tạo; có môi trường làm việc gắn kết, đảm bảo tương lai bền vững, lâu dài cho đội ngũ giảng viên trình độ cao. Trường sẵn sàng thực hiện các biện pháp giữ chân, thu hút và hỗ trợ giảng viên trình độ cao để đạt được mục tiêu của Đề án.
Nhóm trực tiếp nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án là tổ công tác xây dựng đề án xây dựng hệ thống các giải pháp giữ chân, thu hút và hỗ trợ đội ngũ giảng viên trình độ cao tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHNN, ĐHQGHN) được thành lập theo Quyết định số 3001/QĐ-ĐHNN ngày 09/10/2023.
Đội ngũ viên chức, người lao động (VC, NLĐ) nói chung và đội ngũ cán bộ giảng dạy nói riêng đóng vai trò tiên quyết trong việc hoàn thành sứ mạng của Trường. Vì vậy, trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ về số lượng, mạnh về chất lượng được Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường đặc biệt quan tâm, chất lượng đội ngũ giảng viên của trường ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học
Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ giảng viên của Trường vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định Đội ngũ giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư và trình độ tiến sĩ chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ của Trường, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Hiện nay, đội ngũ giảng viên đi học tập trình độ tiến sĩ còn hạn chế, trong đó một số giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ học tập đúng hạn, một số giảng viên đi học tập trình độ tiến sĩ ở nước ngoài sau khi hoàn thành nhiệm vụ không trở về trường công tác, số khác xin chuyển công tác đến các trường đại học ngoài công lập có mức thu nhập cao hơn.
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, NCKH ngày càng cao của Trường, phát triển đội ngũ giảng viên với mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Trường ĐHNN, ĐHQGHN “trở thành một trường đại học hàng đầu, có uy tín cao trong nước, trong khu vực và trên thế giới, phát triển theo định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, không ngừng đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn liên quan, góp phần giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, quốc tế cũng như đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển, hội nhập và bảo vệ đất nước ”, việc xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống các giải pháp giữ chân, thu hút và hỗ trợ đội ngũ giảng viên có trình độ cao ở Trường ĐHNN, ĐHQGHN” là rất cần thiết.
Đề án xây dựng bao gồm cả các chính sách về vật chất và tinh thần
Chia sẻ về Đề án này, đại diện Nhà trường cho biết: “Đề án được xây dựng nhằm thể hiện sự quan tâm, lắng nghe và chăm lo của Nhà trường đối với lực lượng cán bộ công chức, viên chức. Trường Đại học Ngoại ngữ kỳ vọng Đề án sẽ phát huy hiệu quả, giúp giữ chân và hỗ trợ giảng viên của trường, thu hút giảng viên trình độ cao về công tác tại trường. Đề án cũng tạo động lực phát triển những đề án, chủ trương tương tự để nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường làm việc cũng như chất lượng dạy và học của Nhà trường.”
Thầy Nguyễn Đình Hiền, Khoa NN&VH Trung Quốc là cán bộ đầu tiên được thưởng từ Đề án. Được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, thầy đã được thưởng 100 triệu đồng và hỗ trợ tiền mặt hàng tháng 4 triệu đồng. Chia sẻ cảm xúc, PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền cảm ơn Nhà trường đã xây dựng các chính sách thể hiện rõ sự quan tâm đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nhờ đó, các thầy cô luôn coi ULIS như một gia đình thứ hai và cố gắng phấn đấu nâng cao trình độ.
Thông tin chi tiết Đề án: