Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN phối hợp tổ chức Hội thảo “Các vấn đề Việt ngữ học” với Đại học Zurich, Thụy Sĩ
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Zurich (UZH, Thụy Sĩ) và Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN (ULIS), Hội thảo Các vấn đề Việt ngữ học (Topics in Vietnamese Linguistics) đã được hai trường phối hợp tổ chức với sự tham gia của các học giả quốc tế cùng nghiên cứu sinh, học viên Sau đại học và sinh viên hai trường trong hai ngày 6-7 tháng 9 năm 2023.
Các bài trình bày đề cập tới nhiều vấn đề hấp dẫn, thú vị của tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm:
1.Đặc thù và phân loại Kết cấu vị từ chuỗi tiếng Việt (Specific Issues and Classification of Vietnamese Serial Verb Constructions) của PGS.TS. Lâm Quang Đông (ULIS);
2.Ngữ pháp và diễn ngôn tiếng Việt – nhìn từ các ngôn ngữ Đông Á và Đông Nam Á lục địa (Vietnamese between grammar and discourse – the perspective from East and mainland Southeast Asian languages) của GS. Walter Bisang (Đại học Johannes Gutenberg tại Mainz, CHLB Đức);
3.Xác định ranh giới vị từ chuỗi tiếng Việt và kết quả điện sinh học xác định cấu trúc ngoài thực địa (Composing boundaries: Vietnamese serial verb constructions and the electrophysiology of structure planning outside the lab) của NCS Alexander Shaw (UZH);
4.Tính phức tạp ngầm của Thời, Thể và Phủ định trong tiếng Việt (Hidden Complexity in Vietnamese Tense, Aspect, and Negation) của TS. Phan Thị Huyền Trang (ULIS);
5.Phát âm và diễn giải hình vị ‘iếc’ trong tiếng Việt (Notes on the pronunciation and interpretation of the IEC morpheme in Vietnamese) của TS. Trịnh Tuệ (Trung tâm Ngôn ngữ học đại cương Leibniz, CHLB Đức);
6.Trẻ em học ngôn ngữ như thế nào? Tại sao lại nghiên cứu tiếng Việt (How do children learn language?: Why study Vietnamese) của GS. Sabine Stoll (UZH);
7.Xây dựng khối liệu thụ đắc tiếng Việt với tư cách ngôn ngữ thứ nhất (Building a corpus of Vietnamese first language acquisition) của NCS. Miranda Dickerman (UZH);
8.Thực địa trong nghiên cứu ngôn ngữ học (Linguistic field research in Vietnam: practical considerations) của sinh viên Bùi Thị Phương Mai (ULIS);
9.Hoạt động phối hợp trong giao tiếp tiếng Việt: phổ quát và thụ đắc tác tử đánh dấu (Coordinating joint activities in Vietnamese: Universality and acquisition of project markers) của NCS. Natalia Morozova (UZH);
10.Xu hướng đơn tiết hóa trong tiếng Việt của GS. Balthasar Bickel (UZH);
11.Phân định từ ghép và cụm từ tiếng Việt: vai trò của ngôn điệu trong tri nhận phân đoạn (Telling compounds and phrases apart. The role of prosody in Vietnamese perceptual chunking) của TS. Sandrien van Ommen (Đại học Geneva, Thụy Sĩ).
Sau các bài trình bày là phần thảo luận sôi nổi, đi sâu vào những luận điểm, bằng chứng, hiện tượng từ khối liệu nghiên cứu cũng như trong ngôn ngữ tự nhiên, mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo cho Việt ngữ học nói chung cũng như các học giả, nghiên cứu sinh, học viên quan tâm, say mê tiếng Việt ở hai trường.
Phát biểu khai mạc của GS. Sabine Stoll, Trưởng khoa Khoa học ngôn ngữ so sánh, UZH cũng như phát biểu bế mạc của GS. Katharina Michaelowa, Hiệu trưởng Trường Văn khoa và Khoa học xã hội đều đánh giá cao hiệu quả hợp tác và vai trò quan trọng của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN trong dự án nghiên cứu thụ đắc ngôn ngữ của trẻ, trong đó có trẻ em Việt Nam. Phối hợp nghiên cứu với ĐH Zurich, giảng viên, sinh viên, học viên SĐH và NCS ULIS được tiếp cận phương pháp nghiên cứu, thiết bị nghiên cứu, nâng cao năng lực và gia tăng sản phẩm nghiên cứu quốc tế. Đặc biệt, các sinh viên ULIS tham gia dự án được tăng cường trải nghiệm, rèn giũa kỹ năng thiết yếu, chuẩn bị cho các em trong công việc cũng như định hướng nghiên cứu tương lai.
Hội thảo khép lại với những triển vọng mới, khả thi trong mối quan hệ hợp tác khoa học và đào tạo lâu dài và hiệu quả giữa hai trường.
Nhiều hoạt động bên lề cũng đã được tổ chức để các học giả, sinh viên và NCS giao lưu, khám phá đất nước Thụy Sĩ xinh đẹp và thơ mộng.
Một số hình ảnh khác:
Lâm Quang Đông