Tổ chức ngày chính hội Hội thảo khoa học quốc gia năm 2022: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tổ chức ngày chính hội Hội thảo khoa học quốc gia năm 2022: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”

Ngày 24/4/2022 đã diễn ra ngày chính hội của Hội thảo khoa học quốc gia năm 2022 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2022). Đây là hoạt động thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

  • Bài trên VNU: Link
  • Bài trên VNN: Link

Với mong muốn tiếp cận rộng rãi hơn các học giả trong và ngoài nước, hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trường kết hợp với trực tuyến qua Zoom, đồng thời phát trực tiếp (livestream) các phiên toàn thể trên kênh Fanpage ULIS National Conference và fanpage Trường Đại học Ngoại ngữ. 

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo và cán bộ Trường Đại học Ngoại ngữ; đại diện các nhà tài trợ; đại diện các trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, quản lý đối tác cùng đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết: UNC2022 được tổ chức với hình thức đổi mới, được chuẩn bị chu đáo với tinh thần sôi nổi, và đầy ắp các hoạt động tiếp nối, liên tục diễn ra từ tháng 9/2021 tới ngày chính hội 24/4/2022. Trước ngày chính hội đã có 9 tọa đàm/workshop về các chủ đề khác nhau, thu hút tới 8.000 lượt người tham dự, bao gồm các nhà khoa học, các giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người quan tâm trong và ngoài nước.

Các nội dung, chủ đề phong phú mà các đại biểu cùng đọc, cùng lắng nghe và trao đổi tại ngày chính hội, qua 68 bài toàn văn trong Kỷ yếu dày gần 700 trang, 3 báo cáo tại phiên toàn thể và trên 400 báo cáo tại 33 phiên song song góp phần đem lại những kiến thức, những trải nghiệm thực sự bổ ích và niềm say mê, hứng khởi đối với không chỉ công tác nghiên cứu khoa học, mà trong mọi công việc chúng ta đang cùng chung tay góp sức. Tất cả đều thể hiện tinh thần của UNC2022 là “Hội nhập – Kết nối – Truyền cảm hứng”!”, Phó Hiệu trưởng khẳng định.

Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông phát biểu khai mạc

Tri ân đại diện các nhà tài trợ

Ông Đỗ Như Quách, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và chuyển giao công nghệ Việt Nam (Vietec.,Corp) đại diện các nhà tài trợ phát biểu

Cảm ơn đại diện Ban Tổ chức

Tại phiên toàn thể đã có 3 báo cáo được trình bày. Ông Jerrold Frank, Trưởng đại diện Văn phòng tiếng Anh khu vực Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có bài chia sẻ tâm huyết về chủ đề “Cơ hội của các nhà giáo dục ngoại ngữ thông qua Văn phòng tiếng Anh khu vực (RELO)”. Văn phòng tiếng Anh Khu vực (RELO) – Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội được thành lập vào năm 2015 với nhiệm vụ thúc đẩy thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Việt Nam, Lào, Campuchia, thông qua các chương trình tiếng Anh. RELO liên kết với cơ quan quản lý giáo dục các cấp, hiệp hội giáo viên tiếng Anh, các trường đại học công lập và tư thục, và các đối tác khác để cung cấp các chương trình phát triển chuyên môn, trao đổi giáo dục và các nguồn lực cho giáo viên và sinh viên tiếng Anh. 

Trong phần trình bày, ông Jerrold đã nêu bật những cơ hội phát triển chuyên môn được mở ra cho các giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam qua các chương trình: Chương trình Học bổng tiếng anh ACCESS; Chương trình chuyên gia giảng dạy tiếng Anh; Chương trình chuyên gia Anh ngữ cao cấp, các chương trình trực tuyến, học liệu mở và các chương trình trao đổi khác. Qua những chương trình đó, đặc biệt là với nguồn học liệu mở rất phong phú mà RELO cung cấp, hàng nghìn học viên đã được bồi dưỡng và nâng cao năng lực, giúp họ tự tin hơn trong giảng dạy, học tập, ứng dụng công nghệ.

“Đổi mới chương trình và sách giáo khoa ngoại ngữ tại Việt Nam: hiện trạng và triển vọng” là báo cáo thứ 2 tại phiên toàn thể do ông Đặng Hiệp Giang, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày. Báo cáo thảo luận những chính sách và định hướng hiện nay về dạy học và đánh giá ngoại ngữ ở bậc phổ thông ở Việt Nam và những xu thế, cách tiếp cận trong giảng dạy ngoại ngữ ở trường trung học tại Việt Nam thể hiện định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Bên cạnh đó, báo cáo cũng gợi mở những nguyên tắc làm cơ sở phát triển chương trình, sách giáo khoa và các học liệu ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông. Theo đó, định hướng của Bộ trong xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới là đa ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh còn có các ngoại ngữ khác được giảng dạy), chương trình tiếng Anh phổ thông hệ 10 năm, tổ chức dạy ngoại ngữ 2 như môn học tự chọn với các đơn vị có điều kiện và nhu cầu.

Báo cáo thứ 3 tại phiên toàn thể có chủ đề “ULIS CONNECT: Kết nối đa chiều cho sự phát triển giáo dục ngoại ngữ của Việt Nam”, do TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN trình bày. Việc thành lập mạng lưới ULIS CONNECT vào năm 2021 đã chính thức xác định giáo dục dựa vào cộng đồng là một trọng tâm trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong suốt các năm qua, Nhà trường đã chủ động và tích cực thực hiện vai trò là đầu mối kết nối về phát triển chuyên môn và trao đổi của các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, người học ngoại ngữ, những nhà hoạch định chính sách giáo dục ngoại ngữ và những người quan tâm đến sự phát triển giáo dục ngoại ngữ. ULIS cũng đang là đầu mối kết nối và hiện thực hóa những chính sách và đổi mới sáng tạo trong giáo dục ngoại ngữ với các địa phương và những người ‘hành nghề’ trong các trường phổ thông ở Việt Nam. Bài trình bày nói đến những nỗ lực, cơ hội, và thách thức mà Nhà trường có được khi thực hiện vai trò này và trong mối quan hệ với các bên liên quan trong quá trình này. Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định lại mong muốn kết nối và xây dựng cộng đồng ULIS CONNECT ngày càng lớn mạnh và cũng chia sẻ kế hoạch triển khai của mạng lưới năm 2022.


Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu đã có cơ hội tham gia và lắng nghe báo cáo, trao đổi tại 33 tiểu ban song song với hơn 400 báo cáo được lựa chọn trình bày từ hơn 500 bài viết, bài trình bày và poster được gửi tới Hội thảo.

Các báo cáo khoa học có nội dung khá đa dạng và phong phú, tập trung vào các lĩnh vực như ngôn ngữ học, giảng dạy ngôn ngữ, bao gồm cả ngoại ngữ và tiếng Việt cho người học ở các cấp học, cải tiến phương pháp dạy-học ngoại ngữ, quốc tế học, văn hóa, văn học, chính trị, kinh tế, tâm lý học, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ, công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ,… đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như trao đổi khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc tích cực hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, so với hội thảo năm 2021, đã có thêm 3 tiểu ban mới về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, các nghiên cứu liên ngành chuyên ngành trong chương trình cử nhân ngoại ngữ và mô hình giáo dục đặc sản của THPT Chuyên Ngoại ngữ. Một điểm mới nữa là có một tiểu ban dành cho giáo viên phổ thông chia sẻ các phương pháp, giải pháp sư phạm bao gồm những minh họa thực tế bằng video và các hình thức thực hành trực tiếp.

Mỗi báo cáo mang tới hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc, riêng biệt, những góc nhìn mới lạ, những kinh nghiệm, tâm huyết và cả những ý tưởng nghiên cứu mới. Từ đó, các nghiên cứu có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy sự phát triển trong công tác dạy học ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ và quốc tế học ở Việt Nam.

Với khẩu hiệu “Hội nhập – Kết nối – Truyền cảm hứng”, hội thảo khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi với khoảng 5.000 đại biểu tham dự. 

https://youtu.be/BLJoaI3q6G0

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trân trọng bày tỏ sự tri ân tới các cơ quan, tổ chức đã nhiệt tình ủng hộ và tài trợ cho các hoạt động khác nhau của UNC2022 – đó là các nhà tài trợ Kim cương: Văn phòng tiếng Anh khu vực của Đại sứ quán Hoa Kỳ RELO, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup – Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, Công ty trách nhiệm hữu hạn thảo dược SKV, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và chuyển giao công nghệ Việt Nam (Vietec Corp); Nhà tài trợ Vàng: Công ty Qiuyi Tourism Service (Vân Nam, Trung Quốc); Nhà tài trợ Bạc: Sở Giáo dục Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển công nghiệp TTP; Nhà tài trợ Đồng: Daochong International Travel Trading Company Limited, Huizhou Education Consulting Co. Ltd, (Quảng Tây, Trung Quốc).

Một số hình ảnh khác:

Album

ULIS Media