Tổ chức hội thảo thuộc Đề tài KHCN trọng điểm cấp quốc gia Chương trình Tây Bắc
Ngày 20/12/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo thuộc Đề tài KHCN trọng điểm cấp quốc gia Chương trình Tây Bắc “Tổng kết, đánh giá việc nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực tiếng Anh và tiếng Trung Quốc cho cán bộ viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch, Biên phòng và đề xuất việc triển khai mô hình ra toàn vùng tây Bắc” tại hội trường Vũ Đình Liên.
Tham dự buổi hội thảo có PGS. TS. Trương Vũ Bằng Giang – Phó Trưởng Ban KHCN-ĐHQGHN, Đại tá Trịnh Hữu Đức – Trưởng phòng Nhà trường – Bộ Tham mưu – Bộ Tư lệnh BĐBP, Ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang, Ông Phạm Nam Tuấn – Phó Giám Đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, Ông Bùi Ngọc Lợi – Phó Vụ trưởng Vụ TCCB – Tổng cục Hải quan, Thượng tá Lương Mạnh Vông – PCN Chính trị – Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn, Thượng tá Nguyễn Ngọc Anh – PCN Chính trị – Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai, GS. Nguyễn Văn Khang – Viện Ngôn ngữ, Đại tá Nguyễn Thái Sinh – Phó Chính ủy Học Viện Biên phòng, TS. Nguyễn Thu Hạnh – PCN Khoa Tiếng Anh – Học viện Khoa học Quân sự, Ông Vũ Hoài Nam – Phó Phòng Đào tạo – QLKH – HTQT Trường CĐDLHN, Bà Lê Hải Yến – Phòng QLDL – Sở VHTT&DL Hà Nội.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông – Chủ trì hội thảo, GS. Nguyễn Hòa – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Lân Trung – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hợp tác Phát triển, đại diện các đơn vị, giảng viên, học sinh cao học đã đến tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông chia sẻ rằng nhờ sự chỉ đạo sát sao và sự hỗ trợ từ các đơn vị có liên quan, các cơ quan chính quyền địa phương mà Đề tài KHCN trọng điểm cấp quốc gia Chương trình Tây Bắc đã hoàn thành được các công việc và mục tiêu đặt ra. Phó Hiệu trưởng cũng cho biết rằng thông qua buổi hội thảo nhóm thực hiện sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và công bố sản phẩm chính thức của Đề tài.
Cũng trong buổi hội thảo, 3 bài báo cáo đã được trình bày bởi PGS.TS. Nguyễn Lân Trung – Phó chủ nhiệm Đề tài (Báo cáo giới thiệu mô hình và chương trình, tài liệu bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ), PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Thành viên chính của Đề tài (Báo cáo giới thiệu về công tác thực nghiệm mô hình tại các địa phương) và TS. Nguyễn Thị Minh Tâm – Thư ký khoa học của Đề tài (Báo cáo đề xuất việc triển khai mô hình ra toàn vùng Tây Bắc).
Các bài báo cao đều rất cụ thể và đã nhận được sự quan tâm lắng nghe từ đông đảo các đại biểu có mặt trong khán phòng.
Sau đó, buổi hội thảo đã tổ chức các phiên tham luận và thảo luận với sự tham gia của đông đảo các vị đại biểu đến từ các đơn vị.
Ông Bùi Ngọc Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tổng cục Hải quan
Thượng tá Lương Mạnh Vông, PCN Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn
Đại tá Khuất Cao Khoa, Trưởng khoa Khoa Cơ bản Học viện Biên phòng
Ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang
GS. Nguyễn Văn Khang – Viện Ngôn ngữ
Phát biểu trong hội thảo, PGS.TS. Trương Vũ Bằng Giang cho biết Đề tài KHCN trọng điểm cấp quốc gia Chương trình Tây Bắc về cơ bản đã hoàn thành được tất cả các mục tiêu lớn. Ông đánh giá cao sự dấn thân của các nhà khoa học khi tham gia vào thực hiện Đề tài, cũng như đánh giá cao hiệu quả trong đáp ứng được nhu cầu thực tế cấp thiết ở các địa phương. Ông cũng đưa ra một số gợi ý để phát triển hơn nữa Đề tài như: đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thực hiện theo một khung chuẩn, thực hiện chuyển giao mô hình và đẩy mạnh xã hội hóa.
Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long đã gửi lời cảm ơn tới các ý kiến đóng góp từ các vị đại biểu để giúp nhóm thực hiện Đề tài có thể hoàn thiện mô hình. Phó Hiệu trưởng cũng chia sẻ rằng việc hoàn thành Đề tài KHCN trọng điểm cấp quốc gia Chương trình Tây Bắc đúng hạn đã trở thành 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong năm học 2017-2018.
Ngoài ra, Phó Hiệu trưởng đã gửi lời chúc mừng cho thành quả từ sự nỗ lực của các thầy cô và gửi lời cảm ơn đến các địa phương với sự hỗ trợ và giúp đỡ to lớn.
Buổi hội thảo khép lại trong bầu không khí phấn khởi và kỳ vọng vào sự hoàn thiện của các sản phẩm chính thức, cũng như là công tác chuyển giao, nhân rộng mô hình ra toàn vùng Tây Bắc.
Đào Trung-Việt Khoa/ULIS Media