Tích cực nâng cao chất lượng đào tạo các CTĐT CLC
Ngày 20/6/2019 tại Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị đào tạo Chất lượng cao Thông tư 23 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham dự có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Chủ tịch HĐ KH&ĐT Nguyễn Hòa, Chủ tịch HĐ TV HTPT Nguyễn Lân Trung và gần 50 đại biểu đến từ các đơn vị trong trường.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết CTĐT CLC theo TT23 bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019 với 3 CTĐT CLC Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung và đã đem lại những kết quả tích cực với 309 sinh viên đang theo học. Từ năm học 2019-2020, số lượng sinh viên theo học các CTĐT CLC theo TT23 sẽ chiếm 60% trên tổng số sinh viên toàn trường. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi Nhà trường phải có những đổi mới và định hướng mới. Hiệu trưởng hy vọng hội nghị sẽ đưa ra những gợi ý hợp lý từ ý kiến đóng góp của các thầy cô.
Tại hội nghị, Trưởng phòng Đào tạo Hà Lê Kim Anh đã trình bày tham luận về Đề án đổi mới hoạt động giảng dạy bậc đại học giai đoạn 2019 – 2025 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Mục tiêu của đề án là Nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học thông qua việc đổi mới các hoạt động giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Từ đó đề án đề ra 5 mục tiêu cụ thể: Đổi mới các hoạt động giảng dạy ở bậc đại học tại Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN theo hướng tiếp cận và áp dụng các phương pháp tiên tiến về giáo dục ngoại ngữ và giáo dục bậc đại học hiện nay; Tạo ra các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác đào tạo đại học, làm thay đổi tư duy và phương thức tổ chức dạy học; Nâng cao năng lực giảng dạy, năng lực kiểm tra đánh giá, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của giảng viên. Tăng cường vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của giảng viên; Nâng cao năng lực sáng tạo và tính tự chủ, năng lực học tập suốt đời, khả năng thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh và những thách thức của công việc cho người học; Đầu tư cơ sở hạ tầng (thư viện, học liệu, giáo trình, phòng lab) bám sát các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả.
Theo xu thế tự chủ đại học hiện nay, Nhà trường đang tiếp tục tiến hành rà soát và xây dựng mới các CTĐT CLC theo TT23 còn lại để đến 2020, về cơ bản, các ngành đào tạo của trường đều được xây dựng và chuyển đổi theo chuẩn đầu ra tiếp cận mô hình CDIO, đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ngoại ngữ cho đất nước.
Báo cáo Đánh giá công tác đào tạo CLC TT23 năm học 2018-2019 của Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chia sẻ về những hoạt động liên quan đến đào tạo CTĐT CLC trong năm học này như: Thành lập Ban chỉ đạo cấp trường và cấp khoa, cử giảng viên chuyên trách cho các lớp, ban hành hướng dẫn tạm thời về định mức chi cho CLC, các đơn vị đều đã tích cực tham gia xây dựng chương trình,… Trong năm học đầu, chương trình học của sinh viên CLC chủ yếu tập trung vào Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2. Các em cũng được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa. Sinh viên ổn định học tập, nhiều em đã trở thành Đại sứ sinh viên của ULIS. Năm học 2019-2020, Trường Đại học Ngoại ngữ tuyển sinh 1.000 chỉ tiêu CLC. Để đảm bảo chất lượng đào tạo và xây dựng chương trình, môi trường học tốt nhất cho các em, Nhà trường cần có thêm những đổi mới, định hướng phù hợp.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã chia thành 4 nhóm để thảo luận về Giải pháp đổi mới và cải tiến hoạt động đào tạo CTĐT CLC xoay quanh các vấn đề như: văn bản hướng dẫn, vai trò của ban chỉ đạo, tăng cường truyền thông, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, chương trình dạy tiếng Anh, lấy ý kiến phản hồi người học, phát triển kỹ năng cho sinh viên, thực tập, học bổng, cơ sở vật chất,… Với thành phần là đại diện đến từ các đơn vị với những đặc thù riêng, quan điểm riêng, các nhóm đã trao đổi rất sôi nổi để đưa ra những góp ý phù hợp nhất cho Nhà trường.
Phần thảo luận đã đem lại kết quả là những ý kiến đóng góp và được đại diện các nhóm trình bày rất tâm huyết tại hội nghị. Rất nhiều giải pháp, đề xuất đã được đưa ra. Các nhóm đều đồng ý cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế và phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giảng viên CLC tương xứng. Mỗi nhóm cũng có những góp ý riêng, ví dụ như nhóm 1 cho rằng cần đưa ra bộ quy chuẩn về chất lượng hoạt động ngoại khóa và thực hiện dự án “Tập thể khởi nghiệp”. Hay nhóm 2 cho rằng nên tăng cường tính chủ động, sáng tạo và khả năng sử dụng công nghệ của giảng viên, và sinh viên cần có thêm thời gian tự học. Nhóm 3 lại đề xuất các đơn vị cần có cán bộ/sinh viên chuyên trách truyền thông, nên tổ chức định hướng hoạt động cho sinh viên đầu năm/kỳ học và áp dụng nhiều phương pháp đổi mới sáng tạo trong dạy học. Nhóm 4 kiến nghị nên có định hướng kỹ năng, phẩm chất cho sinh viên hướng đến và có kế hoạch với mục tiêu cụ thể cho các em theo từng năm.
Hội nghị đã diễn ra với tinh thần xây dựng cao. Tất cả các ý kiến đóng góp sẽ được Nhà trường xem xét để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện CTĐT CLC.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media