Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác hành chính đối với cán bộ tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN
Ngày 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2018 và thay thế Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Là một đơn vị sự nghiệp công lập, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà trường là triển khai việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông khi giải quyết các thủ tục hành chính trong nội bộ Nhà trường. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về định nghĩa của cơ chế một cửa, một cửa liên thông và lý do của việc triển khai công tác đó tại Trường Đại học Ngoại ngữ.
Trong Nghị định 61/2018/NĐ-CP có giải thích rõ ràng 2 từ ngữ này như sau:
Cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận Một cửa.
Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một thủ tục hành chính hoặc một nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa.
Công tác cải cách hành chính tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN
Trong nhiều năm trở lại đây, công tác hành chính của Nhà trường luôn được đổi mới, mục tiêu giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục hành chính đi đôi với tăng cường giao quyền tự chủ cho lãnh đạo các đơn vị chức năng luôn được Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, thủ tục hành chính ở Nhà trường còn một số điểm cần khắc phục, một số thủ tục cán bộ còn phải đi lại nhiều lần, phải đến 2, 3 đơn vị khác nhau để giải quyết nên chưa tiết kiệm được thời gian, công sức, chưa thực sự hiệu quả.
Tại sao cần phải cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ Nhà trường?
Tiến hành cải cách TTHC hướng tới cơ chế một cửa sẽ giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho các cán bộ, giảng viên Nhà trường với việc tập trung toàn bộ các quy trình, thủ tục về một đầu mối duy nhất là Phòng Hành chính – Tổng hợp;
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý chung trong Trường khi các văn bản được đi qua một cửa và được lưu trữ quản lý bởi một đơn vị duy nhất, từ đó tạo ra một phong cách và môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, chính xác hơn. Khẩu hiệu “Cùng nhau kiến tạo cơ hội” cũng từ đó mà bộc lộ được nhiều hơn ý nghĩa và giá trị của mình.
Ngoài ra, trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính là rất cần thiết. Việc tập trung toàn bộ hệ thống văn bản vào một chuyên trang duy nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ Nhà trường trong việc tìm kiếm, xử lý các văn bản cần thiết một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Như vậy, công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông sẽ góp phần làm rõ ràng hơn nguyên lý của một đơn vị hành chính như PGS.TS Vũ Thị Phụng – Giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng – Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN đã từng phát biểu trong buổi tọa đàm về cải cách hành chính diễn ra vào ngày 16/11/2007 (nguồn VNU) “hành chính không phải ‘hành là chính’ như cách ví von hài hước của mọi người. Thực chất đây là công việc hết sức tốt đẹp, tích cực theo nghĩa giúp làm cho công việc được đúng, được chuẩn mực và có hiệu quả”.
Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ chính thức đưa cơ chế hành chính một cửa, một cửa liên thông vào triển khai đối với cán bộ tại Trường. Nhà trường tin tưởng vào những kết quả tốt đẹp mà công cuộc cải cách này mang lại cũng như hy vọng rằng đây sẽ là một bước đột phá để tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực hơn nữa sau này trong công tác hành chính nói riêng và các công tác khác của Nhà trường nói chung.
ULIS Media