Thầy tôi đã không đáp nhầm tàu
Mãi sau khi ông mất, người ta đề nghị gia đình làm thủ tục để vinh danh ông là “Nhà giáo Ưu tú hay Nhà giáo Nhân dân” gì đó, cái danh hiệu khi sinh thời ông đã cho là phù phiếm. Gia đình ông đã cảm ơn và khước từ.
Thầy Đặng Chấn Liêu
Như nhiều trí thức khác, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rời bỏ công việc và cuộc sống đầy đủ nơi xứ sở sương mù huyền ảo, về nước phụng sự Tổ quốc.
Người phớt Ăng-lê
Ban đầu, ông được bổ nhiệm làm quan chức ở một bộ nhưng không lâu sau đó chuyển về trường đại học để “gõ đầu trẻ”. Tới thế hệ chúng tôi là những lớp học trò của học trò của ông, song dường như lòng nhiệt thành không hề phai giảm. Trong con mắt của bọn nam sinh viên chúng tôi, ông đúng là một gentleman nói tiếng Tây, đến trường oai phong trên chiếc bình bịch rất hiếm hoi đầu những năm 1970.
Mãi sau này mới biết ông đã phải chịu những nghi kị vô căn cứ, và số phận run rủi thế nào, ông về trường dạy học. Vì thế mới đến lượt chúng tôi được làm học trò của ông.
Tuy vậy, ông dường như không bao giờ để ý đến những điều ong tiếng ve nghi kị về mình, mà vẫn một mực tận tình với công việc như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đúng là phớt Ăng-lê. Ông cũng không bao giờ tỏ ra ân hận về việc mình hồi hương, và cũng không thấy ông trách cứ gì ai.
Lần đầu tiên ông về quê tôi vào một buổi chiều bằng cách tự hỏi thăm đường trên chiếc Honda 67. Chuyến thăm không hẹn trước của ông mang đến cho cha mẹ tôi sự bất ngờ hết sức cảm động. Ông nói ông rất thích quê tôi, một làng quê khá điển hình của châu thổ sông Hồng với đình chùa cổ kính, bóng cây đa mát rượi xum xuê, đường làng gạch lát nghiêng.
Mỗi lần sau đó, khi ông về thăm quê tôi, ông và cha tôi, một người làm báo về hưu, chuyện trò với nhau như anh em đã quen biết từ lâu. Trong những lần chuyện trò ấy, ông đôi khi nhắc đến “ông cụ” một cách trìu mến. “Ông cụ” ấy chính là Hồ Chí Minh.
Người thầy mà tôi nói tới luôn xem thường hư vinh. Ảnh minh họa |
Rồi ông mang những tấm ảnh ông chụp cùng “ông cụ” ở Hội nghị Băng-đung ra cùng xem và nói những điều tốt đẹp về cách ứng xử của “ông cụ”. Phớt Ăng-lê như thế nhưng lại rất tình cảm.
Còn nhớ, ông rất vui khi được những người nông dân nơi sơ tán chào bằng câu “ông chủ nhiệm”, cứ như là “chủ nhiệm HTX” của họ.
Số là khi đó ông là chủ nhiệm một khoa của trường ĐH. Với họ, ông không có gì khác biệt hay xa cách của một người từng nhiều năm sống ở xứ sở văn minh cách họ bẩy múi giờ.
Thời đó, song song với những lớp học thông thường của bọn trẻ con từ trường phổ thông như của chúng tôi, là những lớp đặc biệt của những anh chị lớn tuổi, được gọi bằng những mã số C, A, … học tiếng Tây.
Chắc tôi sẽ không bao giờ quên ấn tượng của câu nói vào buổi sáng chở thầy tôi qua cầu Long Biên về quê nhà tôi chơi. Đang trên cầu, thấy đoàn tàu hỏa đang về ga Long Biên, ông tự nhiên buồn rầu nói: “Không biết có nhiều người đáp nhầm tàu không nhỉ?”.
Rồi ông tâm sự: “Chỉ sau khi thầy chết thì họ mới tin rằng thầy là một trí thức chỉ biết phục sự Tổ quốc mình”. Ngày đó tôi còn quá trẻ để hiểu được tại sao ông nói câu đó và nó cứ ám ảnh theo tôi mãi đến giờ. |
Hẳn các anh chị này không thể quên được những đóng góp quý giá của ông và những người thầy khác cho công việc của họ. Còn bọn sinh viên chúng tôi chỉ năm thì mười họa mới gặp ông một lần.
Thời đó, người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là người Nga (Liên Xô). Trường tôi cũng có một số người Nga vào dạy tiếng Anh. Nhận thấy ở ông có “nhiều thứ” có thể học được, họ chủ động đề nghị ông giúp thêm, đặc biệt về phát âm, ngữ điệu …, do tiếng Anh của họ vẫn còn nhiều ảnh hưởng của tiếng Nga.
Ví dụ, họ thường gặp khó khăn để đọc đúng từ có âm “h” ở đầu, như “how”, “him” … Ông không hề mất kiên nhẫn, luôn tươi cười khi sửa lỗi cho họ. Họ rất biết ơn ông và nói: “Being a teacher is being a life-long student.”1 Họ còn biết ơn ông vì được tiếp cận những giáo trình của người Anh thực sự (do chuyên gia New Zealand tặng), chứ không phải của người Nga biên soạn. Các bạn Nga nói với chúng tôi: “Các anh chị có may mắn lớn có người thầy như thế!”
Người có nhân cách không sợ kẻ ghét
Với tôi, ông không chỉ là một ông thầy như đối với những đồng nghiệp mà còn là người che chở, tuy bàn tay của ông không che được hết thói đố kị- một tính người ở đâu cũng có- hướng vào tôi, người học trò của ông. Rồi có lần ông bảo: “Người có nhân cách không sợ kẻ ghét.”
Sự quan tâm của ông không chỉ vậy. Thi thoảng ông mang cho tôi những thứ giống như cha mẹ đi chợ về mua quà cho con cái – đó là gói lạc rang hay mấy quả chuối rồi bảo: “It has much starch in it. It’s good for you!”
Khi chỉ có thầy với trò như chúng tôi, ông không bao giờ nói tiếng Việt, để khuyến khích chúng tôi cố gắng nói tiếng nước ngoài. Tôi không biết “chuối có nhiều chất bột” như ông bảo không, nhưng thấy cử chỉ thật giản dị ấy rất cảm động. Có lẽ vì ông biết giáo viên trẻ bọn tôi thời đó thường xuyên đói, nhưng nói tránh ra là lạc rang và chuối thì bổ dưỡng?
Ông mất trong một lần công tác phục vụ hội nghị của Bộ Giáo dục và UNESCO khu vực tổ chức về “Giáo dục thường xuyên”, do sự chẩn đoán sai của một bệnh viện rất lớn thời đó.
Mãi sau khi ông mất, người ta đề nghị gia đình làm thủ tục để vinh danh ông là “Nhà giáo Ưu tú hay Nhà giáo Nhân dân” gì đó, cái danh hiệu khi sinh thời ông đã cho là phù phiếm. Gia đình ông đã cảm ơn và khước từ.
Nói vậy thôi chứ vẫn có người không thích thầy tôi, vì thầy nghiêm khắc, đòi hỏi khắt khe về học hành mà không cần biết họ là ai. Số đó ít lắm nhưng có vẻ lại rất “thành đạt” và con đường tiến thân rất hanh thông.
Trong cuộc đời học trò của mỗi người có nhiều thầy cô. Với tuổi đời của người viết bài này, nhiều thầy cô của mình giờ đã là người thiên cổ. Tôi không có tham vọng viết về tất cả những người đã góp phần dạy dỗ mình nên người mà chỉ viết vài dòng về những kí ức lãng đãng, những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng khó quên.
Chắc tôi sẽ không bao giờ quên ấn tượng của câu nói vào buổi sáng chở thầy tôi qua cầu Long Biên về quê nhà tôi chơi. Đang trên cầu, thấy đoàn tàu hỏa đang về ga Long Biên, ông tự nhiên buồn rầu nói: “Không biết có nhiều người đáp nhầm tàu không nhỉ?”.
Rồi ông tâm sự: “Chỉ sau khi thầy chết thì họ mới tin rằng thầy là một trí thức chỉ biết phục sự Tổ quốc mình”. Ngày đó tôi còn quá trẻ để hiểu được tại sao ông nói câu đó và nó cứ ám ảnh theo tôi mãi đến giờ.
Nhưng tất cả những học trò của ông, có người từng giữ cương vị cao trong bộ máy Nhà nước, trong ngành truyền thông, trong ngành an ninh, quân đội, ngoại giao …, từng học tiếng Anh trong Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội) không thể không biết tôi đang viết về ai. Thầy Đặng Chấn Liêu – người thầy yêu quý của tôi!
————–
1 Dịch: “Là thầy giáo có nghĩa là làm học sinh suốt đời”