Sôi nổi nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh xây dựng mô hình trường học ESL tại 03 trường tiểu học thí điểm tại Huyện Ba Vì
Ngày 27/03/2025, tại Trường Tiểu học Vạn Thắng, Huyện Ba Vì, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Ba Vì đã tổ chức Hội nghị số 2 về triển khai công tác xây dựng mô hình trường học ESL tại 03 trường tiểu học thí điểm tại Huyện Ba Vì (gồm Trường Tiểu học Cổ Đô, Tiểu học Vạn Thắng và Trường Tiểu học Châu Sơn) năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức nhằm nhằm tư vấn kinh nghiệm, triển khai một số hoạt động thực tiễn để hỗ trợ 03 Trường tiểu học thí điểm tại huyện Ba Vì xây dựng mô hình trường học ESL.

Chương trình hân hạnh đón tiếp nhiều đại biểu tham dự. Về phía Huyện Ba Vì, Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo Phòng GD&ĐT Huyện Ba Vì, chuyên viên phụ trách Ngoại ngữ tổ tiểu học, THCS; Ban giám hiệu, giáo viên Tiếng Anh Trường TH Cố Đô và Trường TH Châu Sơn, ban giám hiệu, giáo viên và học sinh toàn trường (1500 học sinh của 5 khối lớp) Trường TH Vạn Thắng.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, có sự hiện diện của đại diện Tập thể lãnh đạo trường, Ban chỉ đạo xây dựng đề án ESL tại trường THCS Ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh trường THCS Ngoại ngữ và các sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động.
Hội nghị lần này là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Thông qua việc triển khai mô hình trường học ESL tại các trường thí điểm, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Ba Vì từng bước đưa phương pháp ESL vào thực tiễn giảng dạy, giúp học sinh trên địa bàn huyện tiếp cận môi trường học tập tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả hơn.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Thắng đã chia sẻ những cảm nhận về mô hình ESL được triển khai tại ba trường tiểu học thí điểm, đồng thời bày tỏ lời cảm ơn tới Trường Đại học Ngoại ngữ vì sự đồng hành và hỗ trợ trong chương trình lần này.
Mở đầu hội nghị là hai hoạt động sôi nổi diễn ra đồng thời. Cuộc thi Rung chuông vàng cấp trường được tổ chức tại sân Trường Tiểu học Vạn Thắng, với sự tham gia của 100 học sinh xuất sắc đại diện cho các lớp thuộc khối 3, 4 và 5. Trong cuộc thi, các thí sinh lần lượt trả lời 20 câu hỏi, nếu trả lời sai sẽ bị loại khỏi sàn đấu. Cuộc thi kết thúc với phần vinh danh Quán quân – thí sinh xuất sắc nhất giành chiến thắng.

Cùng thời điểm đó, tại Nhà đa năng của trường, học sinh khối 1 và 2 cũng hào hứng tham gia Ngày hội Tiếng Anh, nơi các em được trải nghiệm nhiều hoạt động và trò chơi sử dụng tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn và các sinh viên tình nguyện. Không gian Nhà Đa năng được chia thành 5 khu vực trò chơi gồm: Bingo Từ vựng (Vocabulary Bingo), Pictionary, Musical Chair, Fast Grab Challenge và Broken Telephone. Trước khi bắt đầu, giáo viên tiếng Anh và sinh viên tình nguyện sẽ phổ biến thể lệ từng trò chơi, giúp các em nắm rõ cách tham gia. Kết thúc mỗi hoạt động, ban tổ chức sẽ tìm ra những người chiến thắng, góp phần tạo nên không khí thi đua sôi nổi và khích lệ tinh thần học tập tiếng Anh của học sinh.
Hai hoạt động đầu tiên đã tạo không khí hào hứng, góp phần lan tỏa tinh thần học tập tiếng Anh theo phương pháp ESL, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì.

Tiếp nối chương trình, hội nghị diễn ra với hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh. Hoạt động có sự tham gia của 24 học sinh là thành viên CLB, dưới sự hướng dẫn của giáo viên phụ trách. Đồng thời, Ban Giám hiệu cùng các giáo viên cũng tham gia dự giờ, theo dõi và trao đổi nhằm rút kinh nghiệm trong việc tổ chức mô hình CLB Tiếng Anh tại trường.

Trong thời gian qua, thầy và trò của 3 trường Vạn Thắng, Cổ Đô, Châu Sơn thực hiện mô hình thí điểm ESL đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên để thực sự tạo ra môi trường tiếng Anh, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường tiểu học thì đây là thách thức đối với thầy và trò các nhà trường. Việc triển khai mô hình trường học ESL không phải là một con đường dễ dàng, nhưng với sự đồng lòng của toàn thể cán bộ giáo viên 3 trường, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và đặc biệt là sự hỗ trợ chuyên môn từ trường THCS Ngoại Ngữ – Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, các nhà trường đã và đang nhận được nhiều kiến thức quý báu, kinh nghiệm thực tiễn cũng như tài liệu và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Việc thí điểm này không chỉ giúp các nhà trường hiểu rõ hơn về mô hình ESL, mà còn mở ra những hướng đi mới cho việc nâng cao năng lực giáo viên, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để học sinh tiếp cận và làm quen với tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả nhất./.



