Sau một kỳ học tập tại ULIS, sinh viên đã thay đổi như thế nào?
Ngồi quây quần trong một góc quán café nhỏ để cùng chia sẻ, trò chuyện với nhau những câu chuyện hết sức sinh viên, cùng nhau vui cười và cảm nhận sự ấm áp trong những ngày đông giá rét là những cảm nhận mà phóng viên của ULIS Media đã được trải qua khi thực hiện một phỏng vấn với 3 bạn thủ khoa đầu vào của Nhà trường trong đợt tuyển sinh đại học năm học 2018-2019, đó là Lý Thị Ngọc Mai – Thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh, Nguyễn Đức Anh – Thủ khoa của ngành Sư phạm tiếng Đức và Hoàng Minh Trang – Thủ khoa ngành Sư phạm tiếng Nhật.
Chúng tôi hẹn gặp nhau tại sân nhà A1, A2, nơi đã cho tôi cảm nhận đầu tiên khi gặp 2 bạn thủ khoa, đó là sự chững chạc và sự gần gũi. Do 1 bạn thủ khoa đang bận thi nên tôi với 2 bạn thủ khoa còn lại quyết định sẽ đến một quán café nhỏ bên cạnh nhà B3 để có một không gian trò chuyện tốt hơn cũng như là tìm một chỗ ngồi ấm áp để tránh đi những cơn gió buốt lạnh của mùa đông.
Không giống như những đợt phỏng vấn trước đây khi tôi thực hiện các bài phỏng vấn với từng cá nhân, lần này với sự tham gia của 3 bạn thủ khoa, tôi đã quyết định sẽ biến bài phỏng vấn cổ điển và trang trọng sang một cuộc trò chuyện mang tính chất chia sẻ giữa các bạn sinh viên với nhau.
Chúng tôi bắt đầu bằng các câu chuyện nhỏ, câu chuyện vui để các bạn thủ khoa tìm hiểu lẫn nhau, cùng tạo ra một sự gần gũi. Đang thưởng thức ly trà sữa trân châu, bạn Lý Thị Ngọc Mai – Thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh bất giác bị câu hỏi của tôi làm cho sao nhãng “Em chia sẻ một chút về bản thân và quê hương mình đi, Mai”.
Đáp lại câu hỏi của tôi bằng một nét ngượng ngùng pha chút tinh nghịch trên khuôn mặt: “Anh hỏi bạn Đức Anh trước đi, em đang hút dở miếng trân châu mà”.
Như hiểu ý của người bạn gái ngồi cạnh, Đức Anh điềm đạm đáp lời tôi: “Em tên là Nguyễn Đức Anh, 19 tuổi, em may mắn khi trở thành Thủ khoa của ngành Sư phạm tiếng Đức”. Ngập ngừng một chút, Đức Anh tiếp tục: “Em khá là quen thuộc với cảnh vật nơi đây vì em là cựu học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Cười). Em thấy thứ thay đổi nhiều nhất với em là phong cách học tập ở môi trường đại học – đó là sự chủ động, tự tìm hiểu và tự học”.
Khá bất ngờ khi biết Đức Anh là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, tôi định hỏi thêm em một số câu hỏi về thời học sinh nhưng chợt nhận ra bạn Ngọc Mai đã sẵn sàng để chia sẻ đôi chút về bản thân. Quay sang phía em, tôi hỏi: “Thế còn em, Ngọc Mai?”
Bằng một giọng điệu rất dõng dạc và tràn đầy niềm tự hào, Mai nói: “Em tên là Lý Thị Ngọc Mai, là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Em đến từ tỉnh Cao Bằng – nơi lưu giữ một truyền thống về lịch sử cách mạng của nước ta. Em thích nghe nhạc, đọc báo và đi du lịch. Trong công việc và học tập thì em khá là nghiêm túc, nhưng bên ngoài thì em dễ gần và hòa đồng lắm. Em đạt được một số danh hiệu trong suốt 12 năm học trong đó có một danh hiệu thủ khoa khối D tỉnh Cao Bằng và thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh của ULIS”.
Câu chuyện sau đó được chuyển sang chủ đề đời sống sinh viên, một chủ đề mà tôi nghĩ có thể sẽ cho tôi một cái nhìn sâu hơn về cuộc sống, về những khó khăn và thử thách mà các em phải đối mặt.
Là một sinh viên đến từ một tỉnh vùng biên, Ngọc Mai đã mở ra cho cả tôi và Đức Anh – những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội một góc nhìn mới, về các mối lo lắng, những suy nghĩ của các bạn sinh viên ở xa khi phải rời quê hương lên thủ đô học tập.
Ngọc Mai chia sẻ: “Lúc đầu thì cuộc sống ở thủ đô khá là lạ lẫm với em, em đã luôn tự đặt ra câu hỏi là ở thủ đô sẽ khác gì với cuộc sống ở miền núi, và chương trình học ở đại học sẽ khác như thế nào với chương trình phổ thông, cũng như bạn bè từ nhiều tỉnh thành khác nhau sẽ có cuộc sống và cách suy nghĩ như thế nào. Tuy nhiên, sau một kì học thì em cảm thấy là mình đã bắt kịp với nhịp sinh hoạt mới và năng động, tự tin hơn rất nhiều. Hơn nữa, tuy đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng các bạn xung quanh em đều rất là gần gũi và coi nhau như những người thân trong gia đình vậy.”
Không hẹn mà gặp, cả 2 bạn đều đồng ý rằng các thầy cô trong trường đều rất trẻ trung, năng động, nhiệt tình, nhiệt huyết và rất tận tâm với sinh viên. Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy tự hào và cảm động vì tất cả những sự cố gắng, tận tâm của các thầy cô trong Trường đều đã được các bạn sinh viên cảm nhận được và công nhận.
Câu chuyên đi đến đây thì đột nhiên tôi nhận được một cuộc gọi từ bạn Hoàng Minh Trang – Thủ khoa ngành Sư phạm tiếng Nhật. Xin lỗi 2 bạn thủ khoa vì phải nghe điện thoại, tôi tiếp điện thoại và chỉ cho Trang địa điểm nơi 3 chúng tôi đang ngồi. Một lúc sau, thấy một cô bé nhỏ nhắn khoác trên mình chiếc áo gió mang thương hiệu của Đại học Quốc gia đang bước vào với dáng vẻ như đang tìm kiếm ai đó. Tôi gọi với ra: “Trang phải không em?”
Đáp lại câu hỏi của tôi, cô bé liền gật đầu và trả lời lễ phép: “Dạ, em là Trang ạ, em vừa mới thi xong ạ”.
Ấn tượng đầu tiên về Trang khiến tôi nghĩ cô bạn ấy chắc hẳn sẽ bẽn lẽn và ít nói lắm đây. Mời em vào ngồi cùng cả nhóm và để em bớt ngại ngùng, tôi liền giới thiệu em đến 2 bạn còn lại. Để các bạn có thêm thời gian làm quen với nhau, tôi chỉnh lại ống kính máy ảnh rồi hỏi: “Thế, cuộc sống sinh viên của em diễn ra như thế nào, Trang?”
Trái ngược với sự bỡ ngỡ ban đầu, Trang trở nên hết sức hoạt ngôn và chia sẻ hết sức chân thực về cuộc sống sinh viên của bạn ấy: “Em thấy kể từ khi trở thành một tân sinh viên, em đã thay đổi rất nhiều, không còn được cha mẹ chăm sóc cho từng bữa ăn, từng thứ nhỏ nhặt như trước, giờ em đã phải tự chăm sóc bản thân, tự mua cơm, tự nấu rau ăn”. Hiện lên nét tinh nghịch, Trang tiếp tục: “Vì bọn em không được phép nấu ăn trong ký túc xá nên em thường phải tự luộc rau bằng ấm nước siêu tốc, rồi thì cũng học được cách rửa rau, thái rau. Tuy hơi mệt một chút nhưng thấy cuộc sống mình khá là đúng chất sinh viên (Cười)”.
Sự xuất hiện của Trang như khuấy động thêm không khí và khiến cho cuộc trò chuyện được cởi mở hơn rất nhiều. Chợt nhớ ra các bạn thủ khoa sẽ nhận được học bổng cho một năm học đầu tiên, tôi liền hỏi: “Vậy các em đã nhận được học bổng dành cho thủ khoa chưa? Học bổng đó có giúp được nhiều cho bọn em trong quá trình học tập không?”.
Nở những nụ cười tươi rói trên khuôn mặt, cả 3 bạn đều bày tỏ sự trân trọng với những sự khích lệ hết sức to lớn và kịp thời mà Nhà trường dành cho các bạn và cho biết việc nhận học bổng này sẽ là một nguồn động lực giúp các bạn cố gắng và nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được những thành tích cao hơn.
Chuyển đề tài của câu chuyện, Ngọc Mai đã hào hứng chia sẻ về trải nghiệm của bản thân khi tham gia vào Ban Thanh nhạc và Ban Sự kiện của CLB AC4U. Mai khẳng định: “Tham gia CLB AC4U em như được thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình. Ngoài ra, khi làm ở Ban sự kiện em có thể phát triển các kỹ năng, tài năng của mình là làm MC dẫn chương trình”.
Đồng tình với Ngọc Mai, Đức Anh cho biết bản thân tham gia vào CLB Gummy là do niềm đam mê với thể thao. Đức Anh chia sẻ: “Em luyện được phản xạ cho những việc xảy ra bất thường trong cuộc sống khi tham gia vào CLB. Trong tháng 12 này em sẽ đi TP. Hồ Chí Minh với một số anh chị trong CLB để tham gia vào một giải thi đấu ở trong đó”.
Quay ra hỏi Trang về các hoạt động mà em tham gia và hy vọng sẽ nhận được một câu trả lời tinh nghịch từ em. Tuy nhiên, câu trả lời của em thực sự làm tôi khâm phục. Trang chia sẻ: “Em tham gia CLB tiếng Nhật, chúng em thường được tham gia tổ chức các sự kiện dưới sự dìu dắt của các anh chị khóa trên. Qua đó em đã học hỏi và phát triển được nhiều kĩ năng như làm việc nhóm, quản lý thời gian, vân vân. Trong CLB thì bọn em có truyền thống là sinh viên năm trước giúp đỡ sinh viên năm sau nên sang năm em sẽ là người dìu dắt và giúp đỡ các em mới vào”.
Sau đó, bộ hồ sơ thực tập dành cho sinh viên đã trở thành chủ đề “hot” được các bạn đề cập đến.
Bắt đầu từ Ngọc Mai, cô sinh viên Khoa ngôn ngữ Anh bảy tỏ quan điểm về tầm quan trọng của bộ hồ sơ thực tập: “Bộ hồ sơ thực tập cung cấp cho em cơ hội để chủ động đi thực tập trải nghiệm ngay từ năm nhất đại học chứ không phải từ năm 3 hay năm 4 nữa. Em nghĩ là để chuẩn bị tốt cho bộ hồ sơ thì trước hết mình phải tìm hiểu kĩ bộ hồ sơ, về các cơ sở thực tập, cũng như xác định được nhà tuyển dụng yêu cầu những gì ở ứng viên”.
Vẫn giữ cho mình một phong cách trả lời thẳng thắn, Đức Anh cho biết: “Em thấy bộ hồ sơ thực tập sẽ nhắc bọn em rằng trong thời gian 4 năm đại học bọn em phải xây dựng được một cái gì đấy và có sẵn trong tay một thành tựu nhất định để làm nổi bật bộ hồ sơ của mình. Cá nhân em đã đi dạy tiếng Đức ở nhiều trung tâm và có thời gian sinh sống ở Đức nên có lẽ em sẽ điền thông tin đó vào trong bộ hồ sơ thực tập”.
Đồng ý với ý kiến của Đức Anh là phải tự tạo ra một thành tựu cụ thể của bản thân để làm nổi bật bộ hồ sơ thực tập, Ngọc Mai cho biết sẽ đứng ra tự tổ chức một tour du lịch để dẫn dắt mọi người, đưa ra các quyết định, phân chia công việc cho từng người một cách cụ thể và lên các phương án nhằm tránh những rủi ro để giúp những người khách du lịch có 1 tour du lịch thoải mái nhất.
Trong khi đó, Minh Trang cho biết: “Em đã nhận được một công việc thực tập là làm trợ giảng và sẽ bắt đầu đi làm từ sau tháng 12. Đối với em mà nói kiếm tiền không phải là mục đích tối qua trọng của sinh viên mà đó là kinh nghiệm làm việc, những trải nghiệm quý báu mà bọn em thu được trong quá trình làm việc”.
Buổi trò chuyện cứ thế tiếp tục trong sự sôi nổi, hào hứng cho đến khi tôi chợt nhớ ra đã đến giờ tôi phải về văn phòng làm việc. Tạm biệt các bạn để về Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông & Học liệu – nơi tôi công tác, mà những hình ảnh, những câu chuyên của các bạn vẫn in đậm trong tâm trí tôi – Một Đức Anh thẳng thắn và chững chạc, một Ngọc Mai chín chắn và khéo léo, một Minh Trang cá tính và tinh nghịch. Tất cả các em đều là những mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một cộng đồng sinh viên ULIS duy nhất với bản sắc rất riêng biệt.
Đào Trung – Lệ Thủy – Việt Khoa/ULIS Media