Phát triển Tri thức Việt số hóa hỗ trợ giáo dục và đổi mới sáng tạo
Nhiều ứng dụng trên website, ứng dụng di động, ứng dụng thông minh, Internet vạn vật… được mở rộng xây dựng, góp phần xây dựng một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ. |
Quá trình hình thành, đóng góp tri thức trong hệ thống Nguồn tài nguyên số nội sinh đồ sộ Ngày 18/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 677/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”. Hướng tới Lễ phát động triển khai Đề án dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2017, đồng thời với việc tham gia với các nhóm nòng cốt phối hợp chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của hạ tầng và các công cụ cần thiết để khởi tạo Hệ tri thức Việt số hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đang tích cực hệ thống hóa và phát triển hệ thống tài nguyên số nội sinh để tham gia Đề án án này. Trong những năm vừa qua, bên cạnh mục tiêu phát triển đại học theo định hướng nghiên cứu, ĐHQGHN còn quan tâm đến cả phát triển định hướng đại học số. Theo đó, các tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu được số hóa tạo nên nguồn tài nguyên số nội sinh khá đồ sộ. Hơn 36.000 tài liệu đã được số hóa và kết nối mở, có thể tìm kiếm trực tuyến trên hệ thống Google Scholar. Đây là một trong các chỉ số nhận diện cơ bản để ĐHQGHN luôn được bảng xếp hạng Webometrics của Tây Ban Nha xếp trong nhóm dẫn đầu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Từ năm 2016, ĐHQGHN đã từng bước xây dựng hệ thống Tư liệu Khoa học Việt Nam (V -CitationGate – https://vcgate.vnu.edu.vn/) để kết nối và tích hợp tri thức số từ các nguồn: Các Tạp chí của Việt Nam xuất bản online, có trang web gốc chuẩn mực, được index ít nhất vào nguồn Google Scholar; các bài báo của các tác giả Việt Nam và các bài báo của các tác giả nước ngoài nghiên cứu về Việt nam công bố trên hệ thống tạp chí khoa học thuộc ISI và Scopus; các tài liệu số hóa về các bài viết, tư liệu quý, cổ có nguồn từ các thư viện Việt Nam và nước ngoài. Với một cơ sở dữ liệu thư mục phong phú và đầy đủ, V-CitationGate có mục tiêu sẽ phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu Việt Nam học và Việt Nam đương đại. Ngoài ra, phần mềm của hệ thống này còn cho phép thực hiện các tìm kiếm, phân tích, thống kê và trích xuất thông tin khoa học ở các cấp độ khác nhau, từ tác giả đến đơn vị; chủ đề đến lĩnh vực, nhóm lĩnh vực; thời gian xuất bản đến mức độ hợp tác nghiên cứu… phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển. Sau 1 năm hoạt động thử nghiệm và hoàn thiện, tháng 4/2017, V-CitationGate đã kết nối thành công hơn 30.000 ấn phẩm khoa học xuất bản trên 60 Tạp chí khoa học của Việt Nam có thông tin trích dẫn trong nước và trên thế giới. Trên cơ sở đó đã xếp hạng nhóm 20 tạp chí đạt chuẩn mực và chất lượng. Hiện nay, ĐHQGHN đang tổ chức kết nối hệ thống với gần 40.000 bài báo của các tác giả Việt Nam đã công bố trên các tạp chí ISI và Scopus từ năm 1960 đến nay. V-Citation cũng đang có kế hoạch tìm kiếm và kết nối với hơn 50.000 tài liệu nghiên cứu về Việt Nam đương đại đã được công bố trên thế giới từ năm 1947. Về phục vụ đổi mới sáng tạo, Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp của trường sẽ phối hợp với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ của Bộ KH&CN triển khai hoạt động điểm kết nối cung cầu về công nghệ. Khởi tạo tri thức phục vụ phục vụ cộng đồng Đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” là cơ hội để ĐHQGHN đưa nguồn tri thức đã và đang sở hữu của mình cùng với nguồn tri thức đang có trong đội ngũ gần 2.500 nhà khoa học và 35.000 sinh viên phát triển mạnh và xâm nhập sâu rộng vào cộng đồng xã hội. Về năng lực công nghệ, ĐHQGHN cũng có nhiều chuyên gia công nghệ công nghệ thông tin giỏi và sinh viên tài năng. Để phát huy các thế mạnh đó, ĐHQGHN giao nhiệm vụ cho Viện CNTT triển khai “xây dựng dịch vụ hỏi đáp về văn hóa Việt Nam và tri thức khoa học công nghệ dựa trên bộ tích lũy – khởi tạo tri thức phục vụ cho các trợ lý ảo”. Trong đó, một dịch vụ web cung cấp tri thức phục vụ cộng đồng sẽ được xây dựng và triển khai thí điểm hai dịch vụ hỏi đáp về địa chất-môi trường và văn hóa tôn giáo Việt Nam phục vụ cộng đồng để có thể tích hợp với các trợ lý ảo (chatbot). Theo kế hoạch, đến Lễ phát động quốc gia, Viện CNTT sẽ xây dựng xong nội dung tri thức và wiki, khởi động với ít nhất 1.000 đề mục, tương ứng với ít nhất 4.000 đơn vị thông tin cho hai lĩnh vực địa chất-môi trường và văn hóa tôn giáo-triết học Việt Nam. Nhiệm vụ ứng dụng đóng góp tri thức, phát triển cộng đồng sử dụng dịch vụ hỏi đáp sẽ huy động khoảng 1.200-1.500 sinh viên, trong đó có 300-500 sinh viên đăng ký đóng góp tri thức bằng các hoạt động tích lũy, xử lý và Việt hóa tri thức và nhóm thường trực gồm 30-50 sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên trẻ để giải đáp trực tuyến và chuẩn chỉnh tri thức đã tích lũy theo sơ đồ như trên. Đồng thời, ĐHQGHN sẽ có kế hoạch duy trì và phát triển cộng đồng này lớn mạnh. Các hệ thống tài nguyên số và hệ tích lũy – khởi tạo tri thức phục vụ cộng đồng của ĐHQGHN được phát triển, trước hết nhằm phát triển cộng đồng ĐHQGHN, nhưng về mặt công nghệ, các hệ thống này hoàn toàn tương tích để có thể kết nối hoặc chuyển giao cho Hệ thống hệ Tri thức Việt của quốc gia. Sang năm 2018, ĐHQGHN còn có thể mở rộng xây dựng các ứng dụng trên website, ứng dụng di động, ứng dụng thông minh, Internet vạn vật… góp phần xây dựng một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội. |
GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Báo điện tử Chính phủ |