Nhờ biết ngoại ngữ hiếm, cô gái dân tộc Sán Dìu được đặt chân tới hơn 20 quốc gia, cuộc sống hiện tại quá ngọt ngào
Nhờ ngoại ngữ này, Phạm Thị Thuỳ Vân đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Năm 2007, lúc chuẩn bị lựa chọn ngành học để dự thi Đại học, nữ sinh Phạm Thị Thuỳ Vân (Sán Dìu, Thái Nguyên) vốn luôn yêu thích ngoại ngữ và mong muốn trở thành một phiên dịch viên đã chọn Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQG Hà Nội là mục tiêu lớn nhất.
Trong số các ngành học khi đó, Thuỳ Vân đặc biệt chú ý đến ngành tiếng Ả Rập. Bởi ở thời điểm đó, nhìn chung tiếng Ả Rập và thế giới Ả Rập vẫn còn rất xa lạ và kỳ bí với người Việt Nam. Không như những phụ huynh khác luôn muốn con mình lựa chọn những ngành học an toàn và phổ biến, mẹ của cô khi ấy đã khuyên con thử lựa chọn một ngành học mới để dễ đậu đại học và biết đâu sẽ có những cơ hội tốt và ít cạnh tranh hơn sau này.
Chị Phạm Thị Thuỳ Vân đang là Phó trưởng Bộ môn Ngôn ngữ & Văn hoá Ả Rập, Trường ĐH Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quyết định có phần “khác người” và mạo hiểm ngày ấy cuối cùng đã mở ra cho Thùy Vân quá nhiều cơ hội. 15 năm gắn bó với ngoại ngữ hiếm này, chị đã đặt chân tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ. Là người dân tộc Sán Dìu – một dân tộc thiểu số ở miền Bắc, Thùy Vân hay được bạn bè trêu đùa đặt biệt danh là “Cô gái Sán Dìu nói tiếng Ả Rập”.
Hiện chị đang là Phó trưởng Bộ môn Ngôn ngữ & Văn hoá Ả Rập, Trường ĐH Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra còn là Phiên dịch viên tiếng Ả Rập tự do và sở hữu một kênh Youtube giới thiệu về Việt Nam bằng tiếng Ả Rập.
Từng nản chí, hoang mang với lựa chọn ban đầu
Thời điểm đó, Thùy Vân là sinh viên khóa 3 chuyên ngành tiếng Ả Rập của Trường bởi 4 năm nhà trường mới tổ chức một khóa đào tạo.
Theo đuổi một ngôn ngữ kén người học, khi bắt đầu làm quen với tiếng Ả Rập, Thùy Vân đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bảng chữ cái mới, cách phát âm khác, những quy tắc ngữ pháp khác hẳn so với tiếng Anh hay tiếng Việt. Mọi thứ làm cô sinh viên năm nhất ngày ấy lo lắng và gần như nản chí.
Thành tích học tập của Vân thời gian đâu cũng không được cao. Tất cả sự hứng khởi ban đầu khi theo học một ngành học “độc” và “lạ” gần như tắt lịm. Đôi lúc chị suy nghĩ liệu có phải lựa chọn của mình là sai không?
Trong hai năm đầu tại trường đại học, sinh viên ở trường sẽ tập trung rèn luyện bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Hai năm cuối thì tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, và biên – phiên dịch. Xen kẽ bốn năm học đại học, nhiều sinh viên được cấp học bổng toàn phần một năm để học tập tại các nước Ả Rập nhằm rèn luyện kỹ năng phản xạ qua giao tiếp với người bản địa.
Hết năm học thứ 2, Thùy Vân nhận được học bổng du học 1 năm tại Ai Cập. Trong 1 năm được hoà mình vào văn hoá bản địa và sống giữa người dân địa phương, chị nhanh chóng tiến bộ, tình yêu với tiếng Ả Rập quay lại và nồng cháy hơn bao giờ hết.
Sau khi ra trường, Thùy Vân được tiếp tục ở lại trường với vai trò giảng viên. Chị háo hức với vai trò mới, với mong muốn được truyền cho các em tình yêu với tiếng Ả Rập và giúp các em tháo gỡ những khó khăn bước đầu khi học tiếng Ả Rập từ những kinh nghiệm mà cá nhân mình đã trải qua.
Ảnh Thùy Vân chụp tại Iraq
Cho tới nay giảng viên này đang đào tạo khoá sinh viên thứ 10. Càng ngày chị càng nhận thấy hiểu biết của xã hội về tiếng Ả Rập và thế giới Ả Rập được cải thiện rất nhiều.
“Những năm vừa qua, truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm đến khu vực Ả Rập, quan hệ trao đổi hợp tác thương mại, kinh tế, văn hoá, ngoại giao giữa Việt Nam với thế giới Ả Rập ngày càng được tăng cường và cùng cố.
Nhiều bạn sinh viên đã chủ động chọn ngành tiếng Ả Rập là lựa chọn số 1 của mình thay vì đặt tiếng Ả Rập như một phương án dự phòng. Ở thời của mình, trường chỉ tuyển sinh 4 năm 1 khoá, sau đó là 2 năm 1 khoá và bây giờ là đều đặn 1 năm 1 khoá. Điều này cho thấy nhu cầu theo học tiếng Ả Rập của các bạn trẻ đang tăng lên qua từng năm”, chị chia sẻ.
Tuy nhiên, do những khó khăn bước đầu khi học tiếng Ả Rập và việc thiếu định hướng rõ ràng trong việc học ngôn ngữ này, nên có một số ít các bạn sinh viên nhanh chóng nản chỉ và bỏ giở giữa chừng để tìm học một ngành học khác mà các bạn cho là phù hợp hơn.
Hoặc có những bạn xin bảo lưu 1,2 năm để định hướng lại bản thân, sau đó lại quay lại xin tiếp tục học. Theo chị Vân, việc xác định mục tiêu và kiên trì với mục tiêu của mình đều rất cần thiết khi theo học bất kỳ ngôn ngữ nào.
Hiện ngoài việc làm giảng viên tại trường, chị Vân cũng là một phiên dịch tiếng Ả Rập tự do. Chị thường xuyên được mời dịch cho các đoàn công tác của Việt Nam ở nước ngoài, và các hội nghị quốc tế tố chức tại Việt Nam.
“Cô gái Sán Dìu” đã tham gia dịch cabin tại Phiên họp Đại Hội đồng thể thao quân sự quốc tế lần thứ 74 tổ chức tại TPHCM năm 2019 và Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức tại Hà Nội năm 2022. Trong dịp này chị được dịch cho Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình…
Ngoài ra chị cũng phiên dịch cho các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự các Toạ đàm hợp tác và Khảo sát thị trường ở Kuwait. Năm 2020 chị làm phiên dịch và Dẫn chương trình cho Tuần lễ Việt Nam tại Ả Rập Xê Út. Nữ giảng viên có cơ hội đến thăm nhiều nước Ả Rập như Ai Cập, Oman, UAE, Qatar, Kuwait, Saudi Arabia và gần nhất là Iraq.
Học tiếng Ả Rập mở ra cho Thùy Vân quá nhiều cơ hội
Chọn học tiếng Ả Rập là hướng đến thị trường ngách
Theo chị Thùy Vân, chọn học tiếng Ả Rập là hướng đến thị trường ngách. Cơ hội việc làm chưa dồi dào như những ngôn ngữ phổ biến khác, tuy nhiên tỷ lệ cạnh tranh sẽ thấp hơn. Đặc biệt với với tốc độ phát triển chóng mặt của các quốc gia Ả Rập, triển vọng hợp tác giữa VN và các quốc gia Ả Rập trên nhiều lĩnh vực đang ngày một mở rộng. Nếu người học kiên trì với lựa chọn của mình và làm chủ được ngôn ngữ này, có thể nói cơ hội trước mắt sẽ là rất lớn.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành tiếng Ả Rập hiện đang công tác cho các cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Đài Truyền hình Việt Nam… các hãng Hàng không, một số làm việc cho các Công ty Xuất nhập khẩu và công ty Du lịch.
Thùy Vân tham gia dịch cabin cho Đại hội Thể thao quân sự năm 2019
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến thị trường Ả Rập và họ cần nhân lực biết tiếng này. Ngoài ra, sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQG Hà Nội được học bằng kép (học song song 1 ngoại ngữ khác hoặc một ngành học khác) nên các bạn có thêm nhiều sự lựa chọn về việc làm sau tốt nghiệp.