Nguyễn Việt Kỳ – Diệu kỳ một ước mơ trẻ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Việt Kỳ – Diệu kỳ một ước mơ trẻ

Thi ĐH trên cáng thương, học ĐH năm 1 từ bệnh viện, trở lại giảng đường ĐH bằng đôi nạng gỗ… 15 năm sau mùa hè định mệnh ấy, giờ Nguyễn Việt Kỳ đang là giảng viên khoa Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội).

Thi ĐH trên cáng thương, học ĐH năm 1 từ bệnh viện, trở lại giảng đường ĐH bằng đôi nạng gỗ… 15 năm sau mùa hè định mệnh ấy, giờ Nguyễn Việt Kỳ đang là giảng viên khoa Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)…

kabc9anl

Giảng viên Nguyễn Việt Kỳ trước sinh viên của mình chiều 24-12-2004

Mùa hè nghiệt ngã

Mùa xuân năm 1989, Nguyễn Việt Kỳ – học sinh lớp 12 chuyên ngữ Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội tròn 17 tuổi và chuẩn bị thi đại học. Vậy mà một buổi sáng tháng tư sau giấc ngủ, Kỳ bỗng thấy chân đau nhức. Chỉ nghĩ mình bị bong gân, vào bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ thông báo: “Lao xương. Vi trùng lao đã ăn mòn vẹt xương khớp, phải nghỉ học điều trị!”.

Nghỉ học? Còn gì kinh khủng hơn với một bạn trẻ lớp 12 khi chỉ còn 2-3 tháng nữa thi ĐH. Bao đêm Kỳ không sao ngủ được. Bác sĩ, bố mẹ can ngăn, Kỳ nằng nặc mang cả sách vở vào bệnh viện ôn thi. Cuối cùng dù cách ngày thi tốt nghiệp một tuần, Kỳ báo tin: “Con đã đỡ nhiều rồi” – phải nói như vậy để được bác sĩ và gia đình cho đi thi.

Hôm thi tốt nghiệp, bố bế Kỳ lên xe máy đưa tới trường. Chỉ cần bánh xe vô tình cán qua những hòn sỏi nhỏ thì cơn đau đã nhói lên tận óc mà Kỳ chẳng dám kêu ca. Lần ấy Kỳ đã hoàn thành tốt các bài thi.

Trời chẳng chiều lòng người, đúng lúc kỳ thi ĐH thì trở bệnh nặng. Cầm vở mà chữ quay cuồng. Một lần, Kỳ đã tình cờ nghe bác sĩ nói với mẹ: “Bệnh của cháu ngày càng nặng, nếu cứ ôn thi sẽ rất khó, và có thi được cũng phải thi trên cáng”.

Hôm thi ĐH, cậu học trò mặt tái xanh ngồi trên xe như em bé tới trường thi. Theo sau cậu là: bố mẹ, anh chị và cả bác sĩ… Ban giám hiệu ủng hộ khát vọng ĐH của Kỳ nhưng trường thi vẫn là trường thi. Bác sĩ phải nạp thêm những liều thuốc giảm đau tức thì ngay trong phòng thi vì sợ bệnh nhân trẻ của mình sẽ gục ngã.

Người lữ hành không mệt mỏi

hfw4dkbu

Giảng viên Nguyễn Việt Kỳ

Kết quả: Kỳ đã đỗ vào trường ĐH duy nhất mà mình dự thi, háo hức chờ ngày tựu trường…

Nhưng rồi ngày ấy chẳng đến khi mà hơn ba tháng trời thuốc men bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Nhìn bạn bè phơi phới đến trường, nước mắt Kỳ đẫm gối… Không lẽ đầu hàng? Ước mơ là một điều gì chưa có nhưng không phải là không thể có nếu con người quyết khám phá và vượt qua.

“Mẹ ơi! Hãy xin các thầy cô cho con học… trên giường bệnh!”, lời khẩn cầu của đứa con khiến bà mẹ rối như tơ vò. Khát vọng học tập của con mãnh liệt, nhưng từ xưa tới nay bà chưa hề nghe nói có sinh viên nào học ĐH hệ chính quy trên giường bệnh. Bà đánh liều bày tỏ kiến nghị với ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Và thật không ngờ, nhà trường đã có một quyết định rất nhân văn là gật đầu trước khát khao của người học trò ấy. Kỳ được tự học các môn năm 1 trên giường bệnh. Khi thi trả điểm không có sự chiếu cố nào hết. Thi hai lần trong năm, cùng các bạn thi lại, dưới sự theo dõi gắt gao của các giám thị…

Giường bệnh của Kỳ chất đầy sách. Chương trình ĐH từ xa qua đài, tivi, người sinh viên ấy không bỏ sót. Bút ký bạn bè cho mượn, Kỳ đọc thuộc lòng… Và Kỳ đã chiến thắng, hoàn thành các học phần năm 1 tốt đẹp, không phải thi lại một môn nào. Hơn thế nữa, vẫn đủ điểm nhận học bổng một cách đàng hoàng chứ không phải học bổng vì bệnh tật.

Một năm không dài, nhưng với Kỳ là cả một hành trình khắc nghiệt để chiến thắng căn bệnh quái ác và có mặt trong lễ khai giảng năm học thứ hai.

Đi học trên đôi nạng gỗ, khó nhọc nhích từng bước ngắn vào lớp. Đi. Ngã. Ngã. Đi. Khóc. Đi! Đi!… Đi bằng hai nạng, rồi một nạng, rồi… không cần nạng… Một ngày nọ Kỳ đã có thể đi trên chiếc xe máy đặc biệt của mình…

Chính trong những ngày gian khổ ấy, Đỗ Thu Hương – bạn học cùng lớp – đã đem lòng cảm mến. Cùng học, thực tập, hoa hồng đã đến với họ tự khi nào chẳng biết. Bố mẹ cô SV xinh đẹp người Hà Nội này vẫn không khỏi phân vân! Nhưng với Hương, con tim có sự lựa chọn đúng đắn nhất! Sau khóa học, cả hai cùng tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường. Vui hơn, họ đã có một công chúa xinh xắn!

Bây giờ thì vi trùng lao đã thôi không tấn công các khớp xương của Kỳ nhưng vẫn để lại di chứng khó khăn: dính khớp, bước đi vẫn tập tễnh, không thể ngồi lâu quá 15 phút. Nhưng ở người giảng viên trẻ ấy vẫn toát lên sự lạc quan, hài hước, say mê công việc; ngày nào cũng lên mạng Internet tìm thông tin để “làm mới” các bài giảng của mình.

Người giảng viên trẻ ấy đến hôm nay vẫn như một lữ khách không mệt mỏi, say mê với những bài giảng, hằng ngày đến trường rất sớm và về nhà rất muộn – kể cả những ngày đông giá rét Hà Nội.

Anh không muốn người khác ái ngại cho những bước đi khó nhọc của mình!

Nguồn: Tuoitre.vn