Nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật 9/11 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật 9/11

Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, ta có Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp năm 1992. Những tư tưởng lập hiến, giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, ngày 9/11 – ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật) và chính thức được luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2013.

Mục đích, ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật là để nhân dân thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống, trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời qua đó làm tinh thần thượng tôn pháp luật thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mỗi người dân, của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Có thể nói, Ngày Pháp luật là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.