Nam sinh ULISer tài năng hai lần liên tiếp “ẵm” giải nghiên cứu khoa học  – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nam sinh ULISer tài năng hai lần liên tiếp “ẵm” giải nghiên cứu khoa học 

Lê Duy Mạnh, sinh viên năm 2 Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc Hà Nội, đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu tại “đấu trường” nghiên cứu khoa học với 2 lần liên tiếp đạt giải. Với tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, từ “tự ti” thành “tự tin”, Duy Mạnh không chỉ đạt nhiều thành tựu đáng tự hào mà còn luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong học tập. Sự kiên trì và khát khao khám phá tri thức đã giúp cậu trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ đam mê nghiên cứu.

Duy Mạnh là một trong những đại diện sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ tại buổi Gặp gỡ giao lưu học sinh, sinh viên Việt Nam – Trung Quốc các thời kỳ 

Từ “tự ti” đến “tự tin”

Bước chân vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Duy Mạnh nhanh chóng nhận ra môi trường ở đây hoàn toàn khác biệt. Không còn thầy cô nhắc nhở từng chút, không còn sự bảo bọc của gia đình – tất cả đều đòi hỏi tính tự giác và kỉ luật cao. Mặc dù đã có sự chuẩn bị về kiến thức từ trước, nhưng thách thức lớn nhất đối với Mạnh lại là những người bạn, người anh chị tài năng xung quanh, những người mà thành tích của họ khiến anh không khỏi tự ti, thậm chí có lúc tự tạo áp lực cho bản thân và tự hỏi “Mình có đang đi chậm hơn họ không? Mình có đủ giỏi để thành công không?”

Tuy nhiên, sau một thời gian, Mạnh nhận ra rằng việc so sánh bản thân với người khác chỉ khiến mình thêm lạc lõng, do đó cậu quyết định tập trung vào hành trình của riêng mình, khai phá tiềm năng ẩn chứa bên trong. Nhờ nền tảng tiếng Trung vững chắc, đồng thời với tinh thần cầu tiến và chăm chỉ, Duy Mạnh không ngừng miệt mài học tập bằng cách tự mình tìm tòi tài liệu, chủ động học hỏi từ thầy cô và lắng nghe những lời góp ý chân thành. Đồng thời, cậu cũng nhận ra rằng một trong những việc theo đuổi con đường học thuật giúp bản thân thấu hiểu sâu sắc nhất ngành học của mình là nghiên cứu khoa học, Duy Mạnh đã quyết định tham gia. Quả thực, con đường nghiên cứu khoa học không trải đầy hoa hồng, nhưng mỗi thử thách là một cơ hội để Duy Mạnh rèn giũa bản thân, trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Từ một người từng nghi ngờ bản thân, Mạnh đã dần trở nên tự tin hơn và điều quan trọng nhất cậu học được là: Không cần phải xuất sắc nhất, chỉ cần mỗi ngày một tốt hơn chính mình của ngày hôm qua.

Hành trình hiện thực hóa ý tưởng

Nhận ra nhu cầu thực tế của sinh viên trong công việc học thành ngữ tiếng Trung, Lê Duy Mạnh cùng nhóm nghiên cứu đã thiết kế và khai thác trang web “成语不太难” – Công cụ hỗ trợ học thành ngữ tiếng Hán cho sinh viên Khoa NN&VH Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, với mục tiêu dựa trên mô hình WebQuest của Nguyễn Văn Cường và Bern Meier để hỗ trợ các bạn sinh viên khoa Trung trong việc học tập và nâng cao kiến thức về thành ngữ tiếng Hán – một trong những yếu tố quan trọng trong học tập và sử dụng tiếng Trung Quốc. Những ngày tháng Bảy oi ả, cũng là lúc dự án “Thành ngữ không khó lắm” bước vào giai đoạn nước rút. Có những hôm, Mạnh và cả nhóm miệt mài bên máy tính đến tận 3 giờ sáng, quên cả giấc ngủ và những bữa ăn đúng giờ. Dù mệt mỏi và áp lực, nhưng với Duy Mạnh, đây là hành trình đáng nhớ bởi anh nhận ra rằng dự án 成语不太难 (tạm dịch: “Thành ngữ không khó lắm”) không chỉ là một sản phẩm nghiên cứu, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ.

“Ban đầu, nghiên cứu khoa học với mình chỉ đơn giản là cậu làm nghiên cứu để giải quyết vấn đề học tập của bạn và bạn bè, đồng thời cũng là một người để thúc ép thân cố gắng suốt chặng đường nỗ lực. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, mình nhận ra nghiên cứu không chỉ giúp bản thân mở rộng kiến ​​thức mà còn rèn luyện kỹ năng và tư duy. Khi nghiên cứu trở thành một phần trong cuộc sống đại học, mình bắt đầu nhìn nhận mọi công việc bao li hơn, suy nghĩ dưỡng và khách quan hơn – một trưởng thành rõ ràng trong cách tư duy và tiếp cận vấn đề”, Duy Mạnh chia sẻ.

Nhóm Duy Mạnh tại buổi nghiệm thu đề tài đợt tháng 3/2024

Bởi vậy khi mà biết rằng mình được Giải Nhất trong nghiệm thu đề tài NCKH, dự án ĐMST – KN sinh viên cấp trường đợt 3 năm 2024, cảm xúc trong Mạnh như vỡ oà và ngay lập tức cậu ấy đã gọi ngay cho cô Hoàng Thị Thu Trang – giảng viên hướng dẫn của anh để thông báo cho cô. “Mình cảm thấy mọi sự cố gắng, đánh đổi của bản thân dường như được đền đáp lại, “tảng đá” đè nặng trong lòng mình cũng nhẹ xuống vài phần”. Sau thành công này, Duy Mạnh và nhóm tiếp tục thử sức với một dự án nghiên cứu khác về văn học cổ đại Trung Quốc và tiếp tục đạt Giải Nhì trong nghiệm thu đề tài NCKH, dự án ĐMST – KN sinh viên cấp trường đợt 4 năm 2024: “Lòng từ bi của Phật giáo trong nghệ thuật xây dựng tình tiết câu chuyện trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân” dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Đinh Văn Hậu. Dự án này không chỉ giúp nhóm nghiên cứu văn học cổ đại Trung Quốc mà còn khám phá mối quan hệ giữa Phật giáo và văn học trong một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nền văn học Trung Hoa.

Chính bởi sự xuất sắc trong học tập, ngay từ năm hai, Duy Mạnh đã vinh dự được kết nạp và nằm trong hàng ngũ của Đảng. 

Trở thành Đảng viên ngay khi là sinh viên năm 2

Kỹ năng và kiến thức: Chìa khóa thành công

Hành trình nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng, nhất là đối với một sinh viên năm nhất. Mạnh và nhóm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như tìm kiếm tài liệu, phân công công việc, và xử lý dữ liệu nghiên cứu. Có những lúc cả nhóm phải làm việc đến khuya để kịp tiến độ, nhưng chưa bao giờ cậu bạn nghĩ đến việc từ bỏ.“Khi làm nghiên cứu, sẽ có lúc bạn cảm thấy nản lòng, đặc biệt là khi gặp phải những vấn đề không có lời giải ngay lập tức. Nhưng điều quan trọng là không được sợ thất bại. Nếu mình dừng lại vì sợ sai, mình sẽ không bao giờ tiến xa hơn được. Trong khoảng thời gian khó khăn nhất đó, gia đình và thầy cô chính là nguồn động lực tinh thần rất lớn của mình. Mỗi khi mệt mỏi, mình luôn nhớ đến sự hy sinh của bố mẹ và những lời động viên từ thầy cô, đặc biệt là cô Nguyễn Thị Luyện – Giảng viên chủ nhiệm của mình. Điều đó giúp mình có thêm động lực để tiếp tục cố gắng.”

Để đạt được những thành công này, Mạnh chia sẻ rằng có ba yếu tố quan trọng nhất: kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện và khả năng quản lý thời gian. Duy Mạnh tin rằng nghiên cứu khoa học không phải là hành trình của một cá nhân mà là sự hợp tác giữa nhiều người. Cậu bạn ấy luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc tích cực, nơi mà các thành viên có thể thảo luận, đóng góp ý kiến và cùng nhau phát triển ý tưởng. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau,” Duy Mạnh nhấn mạnh.

Trong hành trình nghiên cứu khoa học đầy gian nan, Lê Duy Mạnh luôn tâm niệm rằng, tư duy phản biện là ngọn đèn soi sáng con đường khám phá tri thức. Cậu bạn không cho phép bản thân và các thành viên trong nhóm chấp nhận mọi thứ một cách thụ động, mà luôn khuyến khích họ đặt câu hỏi, đào sâu vấn đề và tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ. Với cậu, mỗi giả định đều cần được kiểm chứng, mỗi quan điểm đều cần được phân tích kỹ lưỡng. 

Không chỉ vậy, Lê Duy Mạnh còn rèn luyện cho bản thân và nhóm khả năng tiếp nhận và phản biện ý kiến một cách khách quan. Cậu nhấn mạnh sự đa dạng trong tư duy chính là chìa khóa để mở ra những cánh cửa tri thức mới, vì vậy cậu sinh viên luôn tạo ra một môi trường cởi mở, nơi mọi ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng. Đó cũng chính là một trong những yếu tố then chốt giúp nhóm đã cùng nhau đi đến những kết luận chính xác và có giá trị hơn, góp phần tạo nên những công trình nghiên cứu ấn tượng.

Nhận giải thưởng tại cuộc thi Nói giỏi tiếng Hán do Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tổ chức

Trái ngược với quan niệm phổ biến rằng năm nhất đại học là thời gian để thư giãn sau những năm tháng học phổ thông vất vả, Lê Duy Mạnh lại có một góc nhìn hoàn toàn khác biệt. Cậu tin rằng, mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, dù là trong lĩnh vực nào. Vì vậy, anh bạn này luôn đảm bảo cân bằng giữa các hoạt động học tập, nghiên cứu và giải trí.

“Có những lúc bạn bè rủ đi chơi, mình cũng rất muốn tham gia, nhưng mình luôn ưu tiên thời gian cho học tập và nghiên cứu. Nếu không biết đặt mục tiêu rõ ràng, rất dễ bị cuốn vào những thứ không thực sự quan trọng”. Với Lê Duy Mạnh, việc quản lý thời gian hiệu quả là yếu tố then chốt để đạt được thành công trong học tập và nghiên cứu này. Cậu luôn đặt ra những mục tiêu rõ ràng, lập kế hoạch chi tiết và tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình đã đề ra. Nhờ đó, Mạnh không chỉ đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập, mà còn có thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa và phát triển bản thân.

Lời khuyên cho các bạn sinh viên 

“Mình tin rằng nghiên cứu khoa học không dừng lại là một hành trình chỉ dành cho những người có kiến thức sâu rộng ngay từ đầu. Điều quan trọng là dám bắt đầu, dù chỉ từ những vấn đề nhỏ nhưng có ý nghĩa. Bởi lẽ, nghiên cứu không chỉ giúp khám phá điều mới mẻ mà còn là cách để hiểu sâu hơn về thế giới xung quanh. Tất nhiên, thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng mỗi lần vấp ngã đều là một bài học quý giá. Điều quan trọng nhất không phải là tránh sai lầm, mà là giữ được niềm đam mê và tinh thần ham học hỏi. Khi thực sự yêu thích nghiên cứu, mỗi bước đi đều sẽ trở thành một niềm vui, chứ không chỉ là thử thách”.

Hành trình của Lê Duy Mạnh không chỉ là câu chuyện về một sinh viên xuất sắc, mà còn là nguồn cảm hứng cho những ai đang theo đuổi con đường học thuật. Với sự kiên trì, đam mê và tinh thần sáng tạo, chàng trai trẻ ấy đã chứng minh rằng thành công không đến từ may mắn, mà là kết quả của sự nỗ lực không ngừng. 

Hà Trang/ĐSTT