“Mạch nguồn phương Đông” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Mạch nguồn phương Đông”

Ngày 9/10/2023 bộ môn Giáo dục khai phóng, khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức tọa đàm “Mạch nguồn phương Đông” cho sinh viên đang học môn Trí tuệ Cảm xúc và Giao tiếp Xã hội. Diễn giả của tọa đàm- Giáo sư Trần Ngọc Anh từ Đại học Indiana (Hoa Kỳ) đã chia sẻ về hành trình nghiên cứu và lan tỏa những kiến thức khoa học cảm xúc, học cách làm chủ cảm xúc để làm chủ cuộc đời.

Tham dự buổi tọa đàm có khách mời TS. Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN (CSK), đại diện phía nhà trường có PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng bộ môn Giáo dục Khai phóng, TS. Đào Thị Diệu Linh, Trưởng bộ môn  Tâm lí Giáo dục cùng nhiều Thầy cô giảng dạy và hơn 200 sinh viên đang theo học môn học.

Trong buổi tọa đàm, thay vì một bài giảng, Giáo sư Ngọc Anh đã chọn hình thức giao lưu tương tác với các bạn sinh viên và phát triển bài nói ứng khẩu dựa trên các câu hỏi. Hình thức tọa đàm mới mẻ này đã được các bạn sinh viên đón nhận và các bạn đã gửi đến Giáo sư nhiều câu hỏi thú vị, thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề Thầy đề dẫn như “Mục đích sống của bạn là gì?”, “Hạnh phúc là gì? Làm thế nào để có thể kiến tạo hạnh phúc”, “Làm thế nào chế tác được năng lượng bình an? và liên quan đến những trăn trở trong cuộc sống của các bạn. Những chia sẻ của Thầy thật sâu sắc nhưng cũng rất nhẹ nhàng mà thấm, từ những khái niệm ở tầm khái quát, tinh hoa trí tuệ của người phương Đông xưa, đến những câu chuyện của những nhà lãnh đạo, doanh nhân trong thời đại phát triển và thay đổi hiện nay, họ có thể thực hành kết nối với thế giới cảm xúc bên trong mình như thế nào, xây dựng thế giới quan như thế nào để có thể vẫn cống hiến cho xã hội mà không quên chăm sóc bản thân mình. Để đối diện và thay đổi, bạn cần biết cách tạo ra hạnh phúc, cảm giác thư thái, an lạc, xây dựng nguồn năng lượng mới và phát triển tuệ giác, sống tỉnh thức.  Với sự trải nghiệm Thầy đã chia sẻ một quan niệm sâu sắc về hạnh phúc “đó là một trạng thái của tâm mà do các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong tác động tạo ra sự hài lòng”. Vì vậy có hai cách tạo ra hạnh phúc: hoặc là xây được các yếu tố bên ngoài như chúng ta mơ ước, nghề nghiệp, công danh, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ hoặc là tự tạo ra sự bình an, an lạc bên trong mình trước mọi sóng gió cuộc đời. Chắc chắn cách thứ hai là nguồn tài sản bên trong mình có thể tạo ra một cách bền vững nhất.

Mỗi người cần hình thành năng lực và trang bị công cụ có khả năng bình tâm trước mọi sóng gió cuộc đời. Vậy “Tâm hoạt động như thế nào? Làm thế nào quan sát và tạo ra được sự chú tâm?” Những câu hỏi lớn dần dần được Thầy gợi mở và dẫn dắt theo từng chia sẻ của các bạn sinh viên, các tình huống xuất phát từ bản thân hiểu mình, thương mình mà các bạn đã gặp phải trong dòng chảy cuộc đời. Bằng sự trải nghiệm nền văn hóa quốc tế nhưng vẫn luôn khao khát tìm hiểu ngọn nguồn trí tuệ và tinh hoa văn hóa phương Đông, Giáo sư Trần Ngọc Anh đã mở ra một bức tranh khái quát về vấn đề nhân sinh quan và thế giới quan, giúp cho các em dần dần mở ra các mật mã, thông điệp từ chính trải nghiệm cuộc sống riêng biệt của từng cuộc đời, số phận. Phần cuối của buổi tọa đàm, Giáo sư đã tạo ra không gian thú vị để các em sinh viên cùng trải nghiệm hoạt động chánh niệm, tạo ra nguồn năng lượng mới cho bản thân, cảm nhận sự bình an của tâm hồn và rèn luyện cơ chế tập trung cho não bộ.

Kết thúc tọa đàm, thay mặt Ban Giám hiệu Trường, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh đã chia sẻ câu chuyện về những chuyển biến thay đổi trong dòng chảy phát triển của chương trình đào tạo, Thầy cô đã xây dựng những môn học mới như Trí tuệ Cảm xúc và Giao tiếp Xã hội, Thiết kế cuộc đời, Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp, Giáo dục cách tân nhằm trang bị cho Sinh viên nhiều năng lực của thời đại mới, giúp các em khai thác được các năng lực tiềm ẩn của bản thân đồng thời có khả năng thích ứng linh hoạt với sự biến động của thời đại mới. Từ đó các em sống yêu đời, tự tin và biết cách chế tác hạnh phúc, tạo nên cuộc sống tươi đẹp cho bản thân mình và gia đình. Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn chân thành tới Giáo sư dù bận rộn với công việc và nhiều dự án lớn, Thầy vẫn dành thời gian trong chuyến về Việt Nam để chia sẻ các câu chuyện trải nghiệm văn hóa và cách thực hành về văn hóa phương Đông tới thầy trò ULIS.

Không gian tọa đàm “Mạch nguồn phương Đông” diễn ra từ 17:00-19:00 tại Hội trường Sunwah của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN diễn ra sâu lắng và tạo ra nhiều kết nối lắng đọng.

Thông tin về diễn giả:

Giáo sư Trần Ngọc Anh còn được biết đến là Chủ tịch của Vietnam Initiative – một mạng lưới toàn cầu về nghiên cứu chính sách công và bồi dưỡng lãnh đạo cho Việt Nam. Các nghiên cứu về kinh tế phát triển và quản trị nhà nước của ông đã được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu trong tài chính, kinh tế và chính trị như Journal of Financial Economics, Journal of Public Economics, và American Political Science Review. Ông hiện quản lý một số dự án lớn của Chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong đổi mới đại học và bồi dưỡng lãnh đạo. Ông thường xuyên tư vấn cho Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, và là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng qua nhiều năm. Ông đã thúc đẩy nhiều sáng kiến cải cách và đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo các bộ ngành và địa phương trên cả nước. Ông nhận Giải thưởng Lãnh đạo trẻ châu Á (2001), Chuyên gia Đông Á của Liên hiệp quốc (2006), Giáo sư trẻ xuất sắc tại ĐH Indiana (2014). Ông tốt nghiệp Tiến sỹ về Chính sách Công tại Đại học Harvard (2009).

Thu Dung