Kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Ả Rập và Vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Ả Rập lần thứ nhất – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Ả Rập và Vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Ả Rập lần thứ nhất

Ngày 16/12/2022, tại Hội trường Sunwah, Trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Ả Rập Xê Út đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Ả Rập (18/12) và Vòng chung kết cuộc thi “Hùng biện tiếng Ả Rập – ULIS ARABIC CUP 2022” lần thứ nhất.

Tham dự chương trình có đại diện đến từ các đại sứ quán, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đối tác; Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị trong trường; Ban Chủ nhiệm, cán bộ, sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh trân trọng gửi lời cảm ơn Đại sứ Mohammed Ismaeil A.Dahlwy và Đại sứ quán Ả Rập Xê Út đã phối hợp Nhà trường tổ chức sự kiện ý nghĩa này. 

Hòa chung với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, Trường Đại học Ngoại ngữ đã bắt đầu đưa ngôn ngữ Ả Rập vào giảng dạy từ năm 1996. Trong những năm qua, Trường đã có những đóng góp không nhỏ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Ả Rập, cũng như giới thiệu văn hóa Ả Rập tại Việt Nam. Từ năm 2016, Trường cũng đã quyết định đưa ngày 18/12 trở thành một hoạt động kỷ niệm thường niên tại Trường, với mong muốn đây sẽ là cơ hội để toàn bộ giảng viên, sinh viên và tất cả những người yêu mến, lựa chọn theo học tiếng Ả Rập gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, từ đó nâng cao hiểu biết về ngôn ngữ và nền văn hóa giàu có này. Sự kiện năm nay là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về đất nước và văn hóa Ả Rập Xê Út cũng như cộng đồng nói tiếng Ả Rập nói chung”, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, Đại sứ Đặc mệnh toàn Vương quốc Ả Rập Xê Út tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A.Dahlwy cho biết Ả Rập Xê Út đặc biệt coi trọng việc giữ gìn và bảo tồn ngôn ngữ Ả Rập, đồng thời tự nhận nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ ngôn ngữ này thông qua một chiến lược hành động tổng hợp. Đại sứ quán Vương quốc Ả Rập Xê Út tại Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo tiếng Ả Rập tại Việt Nam, đặc biệt là Trường Đại học Ngoại ngữ. Sự hợp tác này hiện đã đạt được kết quả lớn thông qua sáng kiến Đại sứ quán ​​hỗ trợ Bộ môn tiếng Ả Rập biên soạn và in cuốn từ điển tiếng Ả Rập-Việt đầu tiên, vì lợi ích của sinh viên, giáo viên dạy tiếng Ả Rập và người Việt Nam đang sinh sống và làm việc. ở các nước Ả Rập. Đại sứ quán cũng vui mừng phối hợp với Nhà trường triển khai cuộc thi hùng biện tiếng Ả Rập đầu tiên tại Việt Nam để giúp sinh viên tiếng Ả Rập nâng cao khả năng ngôn ngữ và các kỹ năng khác. Sự kiện này là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai bên và giai đoạn tới sẽ còn chứng kiến ​​nhiều hơn nữa các hình thức hợp tác, hỗ trợ khác nhau về giáo dục.

Cũng tại buổi lễ, sinh viên Dương Thị Bảo Ngọc khóa QH2017 đã đại diện cho sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập chia sẻ về những trải nghiệm khó quên khi theo học ngành ngôn ngữ Ả Rập. 

5 năm trước, cũng như bao sinh viên khi bắt đầu bước chân vào cánh cửa đại học, em mang trong mình ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai, sau này em sẽ là ai? Em sẽ làm được gì có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội? Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ ít người theo học, nguồn tài liệu không quá dồi dào, cơ hội để học sinh được giao tiếp với người bản xứ không nhiều như những ngôn ngữ khác. Nhưng hơn hết, chúng em mang trong mình tình yêu với ngôn ngữ này, những khát khao trải nghiệm nền văn hoá “nghìn lẻ một đêm”, ước mơ về một công việc gắn bó với tiếng Ả Rập trong tương lai. Tất cả những điều ấy là động lực để chúng em bền bỉ trong hành trình theo đuổi tiếng Ả Râp. 

Trên thực tế, tiếng Ả Rập mở ra nhiều cánh cửa mới lạ cho người học, sinh viên có cơ hội để du học tại các nước Ả Rập như Ai Cập, Kuwait, Qatar, UAE, Maroc và cả Saudi Arabia. Bản thân em đã có trả hơn 1 năm sống và học tập tại Kuwait, đây là chuyến đi đã thay đổi em thật nhiều. Thời gian tại Kuwait đã giúp em trân trọng hơn ngôn ngữ mình đang học, hiểu thêm và yêu thêm nền văn hoá Ả Rập, đặc biệt cũng mang lại cho em những người bạn đáng trân quý nhất cuộc đời. Bên cạnh đó, em thấy rằng mỗi sinh viên còn mang trong mình một sứ mệnh khi theo học ngôn ngữ Ả Rập. Đó là sứ mệnh mang hình ảnh của thế giới Ả Rập đến gần với Việt Nam hơn, truyền tải những hình ảnh đúng đắn nhất, đẹp đẽ nhất về thế giới Ả Rập tới gia đình, bạn bè, và xã hội”, Dương Thị Bảo Ngọc tâm sự.

Cựu sinh viên Nguyễn Thị Thu khóa QH2014 đã tâm huyết chia sẻ về kinh nghiệm cũng như thành công của chị khi học tiếng Ả Rập và những cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Ả Rập tại Trường.

Cũng giống như bao bạn tân sinh viên khác, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu khi mới theo học tiếng Ả Rập. Nhưng với hoài bão và khát khao học tập, tôi quyết tâm tìm ra con đường để thành công với ngôn ngữ Ả Rập và đã vận dụng nhiều phương pháp học tập, trong đó quan trọng nhất là tìm hiểu thật kỹ để có thể hiểu đúng, hiểu sâu về ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập. Càng đọc và nghiên cứu về tiếng Ả Rập, tôi càng ấn tượng trước nét đẹp của ngôn ngữ này, thể hiện qua từng con chữ, âm điệu, khả năng diễn tả tâm tư, tình cảm qua ngôn từ… Điều đó càng làm tôi thêm yêu tiếng Ả Rập và thôi thúc tôi khám phá và nghiên cứu về ngôn ngữ này nhiều hơn nữa. Bằng sự chăm chỉ học tập và nỗ lực không ngừng, khả năng của tôi tiến bộ từng ngày, và tôi đã thông thạo tiếng Ả Rập không biết từ bao giờ. Vì vậy, tôi muốn nói với các em sinh viên rằng: Trước hết các em hãy thổi bùng lên tình yêu tiếng Ả Rập, học nó bằng cả trái tim và đam mê, và rồi các em sẽ thấy rằng ngôn ngữ Ả Rập không hề khó như chúng ta tưởng, và bằng niềm đam mê, chúng ta hoàn toàn có thể học tập một cách hăng say, không mệt mỏi để trở nên thật thông thạo.

Trên thực tế, cơ hội việc làm liên quan tiếng Ả Rập sau khi tốt nghiệp rất nhiều và rất đa dạng, chẳng hạn như làm việc trong cơ quan Đảng như Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, và các cơ quan nhà nước và chính phủ như Bộ ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Công thương… các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí như Thông tấn xã, Đài tiếng nói Việt Nam, các công ty, dự án, v.v… Tôi may mắn được Đại sứ quán Vương quốc Ả Rập Xê Út tuyển dụng chỉ sau khi tốt nghiệp một thời gian ngắn. Thông qua đảm nhận các nhiệm vụ tại Đại sứ quán như phiên dịch các cuộc họp, hội nghị, dịch tin tức, công hàm, công văn, tài liệu, tham gia tổ chức các hoạt động của Đại sứ quán…, tôi vinh dự được đóng góp một phần nhỏ vào việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út. Hiện nay các em sinh viên tiếng Ả Rập đang có rất nhiều lợi thế. Với những lợi thế đó, tôi mong các em sinh viên hãy tận dụng tốt những điều kiện và cơ hội thuận lợi này, kiên trì học tập, tin tưởng vững chắc rằng, bằng sự siêng năng và nỗ lực, mọi mong ước đều có thể thành sự thật. Không có gì là không thể nếu có ý chí, sự tự tin và quyết tâm thành công”, cựu sinh viên ULIS chia sẻ.

Ngoài ra, chương trình còn có các phần giới thiệu, chia sẻ về đất nước Ả Rập Xê Út.

Nhân lễ kỷ niệm, Nhà trường đã vinh dự được nhận tài trợ từ Đại sứ quán Ả Rập Xê Út cho Dự án biên soạn từ điển Ả Rập – Việt của Bộ môn NN&VH Ả Rập. 

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh và Đại sứ Ả Rập Xê Út thực hiện ký kết về việc tài trợ của Đại sứ quán tới dự án làm cuốn từ điển Ả Rập – Việt đầu tiên tại Việt Nam 

Tiếp theo phần kỷ niệm là Vòng chung kết cuộc thi “Hùng biện tiếng Ả Rập – ULIS ARABIC CUP 2022”.

Sau sự thể hiện hùng biện xuất sắc của cả 6 đội thi, chung cuộc, giải Nhất đã thuộc về nhóm sinh viên Đặng Thị Diễm Quỳnh – Đinh Quỳnh Trang – Lê Thị Thảo Vân với Dự án “Dự án Saudi xanh – Triển vọng tương lai”.

Giải Nhì thuộc về nhóm sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Quyên – Trần Minh Nguyệt – Nguyễn Thị Ngoan với Dự án “ Dự án phát triển năng lực con người trong tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út.

Giải Ba thuộc về nhóm sinh viên Lê Thị Châu Giang – Nguyễn Thị Minh Tâm – Vũ Thu Thảo với chủ đề hùng biện Múa kiếm Saudi và Cờ người Việt Nam – những biểu hiện văn hoá của tình yêu nước.

Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Ả Rập và Vòng chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Ả Rập lần thứ nhất đã khép lại thành công, đem lại nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho các thầy cô và sinh viên ULIS.

Một số hình ảnh khác:

Nhật Anh-Tuyết Nhi-Thanh Phong/ULIS Media