Hội thảo quốc tế “Những nghiên cứu mới về giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo quốc tế “Những nghiên cứu mới về giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập”

Ngày 18/12/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Những nghiên cứu mới về giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập”. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNiC2025). Hội thảo nhằm kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Ả Rập (18/12), hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ và nhằm đánh giá lại hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động học thuật và trình bày kết quả nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực ngôn ngữ và văn hoá Ả Rập trong nước thời gian qua.

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; đại diện lãnh đạo các đơn vị; Ban Chủ nhiệm  và giảng viên, sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập. Về phía khách mời có Nguyên Đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai, đại diện Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam TS. Phạm Kim Huế và TS. Nguyễn Danh Cường cùng nhiều học giả, nhà nghiên cứu Ả Rập trong và ngoài nước.

Khai mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông gửi lời chào nồng nhiệt tới các nhà nghiên cứu, học giả, đại biểu đã tham dự hội thảo này. PGS. TS. Lâm Quang Đông đã điểm lại lịch sử giảng dạy tiếng Ả Rập, thế mạnh đào tạo ngành cử nhân Ngôn ngữ Ả Rập tại Trường Đại học Ngoại ngữ và tầm quan trọng của tiếng Ả Rập trong quan hệ hợp tác quốc tế hiện nay. Trên cơ sở đó, Phó Hiệu trưởng hy vọng Nhà trường sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung trong hoạt động đào tạo tiếng Ả Rập trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, từ đó nâng cao quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Mở đầu hội thảo là báo cáo của Đại sứ Nguyễn Quang Khai với chủ đề “Sự phát triển của giảng dạy tiếng Ả Rập trong bối cảnh chính trị Việt Nam – Ả Rập ngày nay”. Từ lịch sử quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Ả Rập, Đại sứ Nguyễn Quang Khai đã chỉ ra sự phát triển giữa hai bên trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa,…, từ đó khẳng định nhu cầu về việc đào tạo và giảng dạy tiếng Ả Rập nhằm tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam và các nước Ả Rập.

Bài nghiên cứu của hai đại diện Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam là TS. Phạm Kim Huế và TS. Nguyễn Danh Cường về chủ đề “Văn hóa Ả Rập và ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế-chính trị Việt Nam – Ả Rập” đã tập trung tìm hiểu các khía cạnh văn hóa Ả Rập; so sánh điểm tương đồng và điểm khác biệt giữa văn hóa Ả Rập – Việt Nam; và phân tích tác động  của văn hóa Ả Rập đối với quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Ả Rập.

Báo cáo “Vai trò của trò chuyện tự động trong lĩnh vực văn hóa, văn học và ngôn ngữ, tầm nhìn tương lai, trường hợp Ả Rập” được trình bày bởi TS. Majid Abdul Aziz Issa Al Khawaja – Trường ĐH Jordan đã nhấn mạnh vào những ưu điểm của trí tuệ nhân tạo AI và các đường hướng ứng dụng AI, đặc biệt là ứng dụng Chat GPT trong việc nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Ả Rập trong tương lai.

TS. Abeer Salaheldin Reiad Heider đến từ Trường Đại học Qatar đã trình bày bài nghiên cứu với chủ đề “Kỹ năng nói trong lớp học giao tiếp”, trong đó nhấn mạnh đến khả năng nói sẽ giúp tăng tương tác trong lớp học và các kiểu tương tác thường xuất hiện trong lớp học.

Bài nghiên cứu “Một số khó khăn của sinh viên trong môn học Đất nước học Ả Rập và phương pháp khắc phục” của TS. Samy Mohamed Abdelatti Abousamada đến từ Trường Đại học Azhar đã chỉ ra một vài khó khăn trong quá trình học môn Đất nước học Ả Rập của sinh viên và đồng thời một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong quá trình học.

Tại hội thảo cũng có phần trình bày báo cáo của các giảng viên, cựu sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập, như: “Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy một số môn học lý thuyết tiếng Ả Rập tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN” (ThS. Phạm Thị Thuỳ Vân – Trường Đại học Ngoại ngữ); “So sánh Chiến dịch Tầm nhìn 2030 Saudi Arabia và Qatar” (ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Trường Đại học Ngoại ngữ) và “Quan hệ Việt Nam – Ai Cập giai đoạn 2011 – nay” (Kiều Nhật Quang – Cựu sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập). Các bài nghiên cứu đã mang tới những khía cạnh mới mẻ trong lĩnh vực giảng dạy, ngôn ngữ và quan hệ đối ngoại của các nước Ả Rập và Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo cũng có phần trình bày của các giảng viên, cựu sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập, như: “Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy một số môn học lý thuyết tiếng Ả Rập tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN” (ThS. Phạm Thị Thuỳ Vân – Trường Đại học Ngoại ngữ); “Ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp với người Ả Rập so sánh với ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp của người Việt” (ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Trường Đại học Ngoại ngữ và Trần Minh Khôi – Bộ Ngoại giao) và “Quan hệ Việt Nam – Ai Cập giai đoạn 2011 – nay” (Kiều Nhật Quang – Cựu sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập). Các bài nghiên cứu đã mang tới những khía cạnh mới mẻ trong lĩnh vực giảng dạy, ngôn ngữ và quan hệ đối ngoại của các nước Ả Rập và Việt Nam hiện nay.

Bế mạc hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đánh giá cao các ý tưởng, đề tài nghiên cứu của các học giả, các nhà nghiên cứu tại hội thảo lần này. Từ những vấn đề, thách thức được đưa ra trong các bài nghiên cứu được trình bày, PGS. TS. Lâm Quang Đông mong muốn Bộ môn NN&VH Ả Rập sẽ tiếp thu ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu nhằm xây dựng lộ trình phù hợp cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về tiếng Ả Rập tại Việt Nam. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông kỳ vọng các sinh viên của Bộ môn NN&VH Ả Rập sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, trau dồi bản thân nhằm thúc đẩy sự phổ biến và phát triển của tiếng Ả Rập trong tương lai.

Cũng trong hội thảo này, các sinh viên Bộ môn NN&VH Ả Rập đã có cơ hội được trau dồi thêm kinh nghiệm, kỹ năng dịch hội thảo khi chính các sinh viên được thử sức dịch xuyên suốt hội thảo này.

Hoàng Anh