Hội thảo “Giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo “Giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”

Ngày 3/1/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” với hình thức trực tiếp và trực tuyến qua Zoom Meeting, sử dụng cả hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học UNiC2025 được tổ chức nhằm kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn giảng dạy ngoại ngữ các cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới. 

Tham gia Hội thảo có đại diện ĐANNQG; Ban Giám hiệu; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường; lãnh đạo và cán bộ Phòng KHCN, Khoa ĐT&BD Ngoại ngữ và giáo viên giảng dạy ngoại ngữ các cấp học, trường đại học, viện nghiên cứu quan tâm.

Trong phiên toàn thể đã có phần trình bày báo cáo của 2 diễn giả. Mở đầu là PGS.TS Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội với báo cáo “Chủ trương chính sách mới và tác động tới việc dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Phó Hiệu trưởng khẳng định rằng chính sách mới được xây dựng cần lưu tâm tới sự linh hoạt, thay đổi, chủ động và tích cực tương tác trong phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá. Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh mỗi giảng viên, giáo viên phải không ngừng trau dồi và phát triển khả năng giao tiếp, năng lực ngôn ngữ, dựa vào những thách thức hiện tại để định hướng giải pháp phù hợp cho việc quản lý, theo dõi và đánh giá việc dạy – học cho phù hợp.  

Báo cáo “ESL in Vietnam education: From literature to policy” được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Mai Hữu – Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia. TS. Nguyễn Thị Mai Hữu đã mang tới cái nhìn sâu rộng hơn về việc dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai dành cho người sinh sống tại quốc gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ bản địa. Ngoài ra, diễn giả cũng nhấn mạnh về việc dạy – học tiếng Anh là môn học bắt buộc tại các trường học tới việc tận dụng các phương pháp dạy học tối ưu như ESL (Chương trình học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai), CLIL (Phương pháp học tập tích hợp), EMI (Chương trình giảng dạy môn chuyên ngành bằng tiếng Anh) và bilingual education (Giáo dục song ngữ) là vô cùng cần thiết. 

Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu đã có cơ hội tham dự và lắng nghe báo cáo, trao đổi tại 8 tiểu ban song song với hơn 80 báo cáo được lựa chọn trình bày. 

Các báo cáo khoa học có nội dung đa dạng và phong phú, tập trung vào nhiều lĩnh vực cụ thể như: giáo dục ngoại ngữ bậc Đại học, Phổ thông; ứng dụng công nghệ vào giảng dạy; giảng dạy tiếng Pháp và các ngôn ngữ khác;… nhằm đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như trao đổi khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc tích cực hội nhập quốc tế của đất nước.

Hội thảo “Giáo dục ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” khép lại sau thời gian làm việc tích cực và sôi nổi. Qua đây, nhiều thầy cô giáo, học giả đã được tiếp cận và lắng nghe nhiều vấn đề nghiên cứu khác nhau.

Một số hình ảnh khác: