Hội nghị sơ kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường phổ thông huyện Ba Vì, năm học 2021-2022
Ngày 15/8/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN phối hợp với UBND Huyện Ba Vì, Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường phổ thông huyện Ba Vì, năm học 2021-2022.
Tham dự Hội nghị có Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hợp tác phát triển Nguyễn Lân Trung, các thầy cô giáo trong BCĐ Đề án, đại diện các khoa phòng, các thầy cô giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía UBND Huyện Ba Vì có Đồng chí Dương Cao Thanh – Bí thư Huyện ủy; Đồng chí Phùng Tân Nhị – Phó Bí thư Huyện ủy, CT HĐND huyện; Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng – Phó Bí thư Huyện ủy, CT UBND huyện; Đồng chí Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện. Cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện Ba Vì; lãnh đạo Văn phòng Huyện uỷ, Văn phòng HĐND&UBND huyện; Tài chính-Kế hoạch, Nội vụ; Đ/c Phùng Ngọc Oanh – HUV, Trưởng phòng GD&ĐT; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Ban giám hiệu và giáo viên dạy tiếng anh các trường THCS, PTCS trên địa bàn huyện.
Mở đầu chương trình, Đ/c Phùng Ngọc Oanh – HUV, Trưởng phòng GD&ĐT Báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm học 2021-2022 và phương hướng triển khai năm học 2022-2023.
Tiếp theo chương trình để nhìn lại hành trình triển khai đề án trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2021-2022 Ban tổ chức đã mời các đồng chí lãnh đạo, các thầy cô giáo theo dõi Phim phóng sự về hành trình triển khai đề án.
Sau đó, Hội nghĩ cũng lắng nghe những tham luận đóng góp ý kiến đến từ phía các đại biểu.
Thầy giáo Chu Quang Ưng – Hiệu trưởng THCS Phú Sơn phát biểu tham luận về “Vai trò của BGH nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Tiếng Anh thông qua hoạt động của Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ”.
Đồng chí Nguyễn Huy Hoàng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Vân phát biểu tham luận về “Công tác phối hợp giữa địa phương- gia đình- nhà trường trong việc triển khai Đề án”.
Thầy Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ đại diện 18 thầy cô về thực địa tại Ba Vì phát biểu.
Cô giáo Phùng Thị Thúy Hằng– GV trường THCS Cam Thượng chia sẻ về “Cảm xúc, kinh nghiệm trong việc giảng dạy nâng cao chất cao chất lượng môn Tiếng Anh trong nhà trường khi tham gia Đề án”.
Phát biểu trong Hội nghị, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long đã gửi lời cảm ơn đến UBND Huyện Ba Vì, Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện và các thầy, cô trong Ban giám hiệu và thầy, cô dạy ngoại ngữ của 35 trường THCS tham gia đề án đã tạo điều kiện tốt nhất cho Nhà trường trong suốt thời gian qua. Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh những điểm đã làm được và những điểm cần hoàn thiện nhiều hơn của Đề án. Thầy cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Huyện Ba Vì để triển khai đề án trong thời gian tới.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Đỗ Mạnh Hưng đánh giá cao và bày tỏ sự xúc động và cảm động khi chứng kiến những kết quả tích cực chưa từng có từ sự hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN và UBND Huyện Ba Vì. Ông cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà trường và tin tưởng đề án Ba Vì sẽ tiếp tục có những bước tiến xa hơn và thu được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Tại Hội nghị, UBND Huyện Ba Vì đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai đề án năm 2021-2022.
Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ dạy học ngoại ngữ tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện Ba Vì, năm học 2021-2022 đã khép lại và mở ra một chương mới trong hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị nói chung và hoạt động của Đề án trong thời gian tới nói riêng.
Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, là năm thứ ba ngành GDĐT phải thực hiện nhiệm vụ kép “vừa dạy học vừa phòng, chống dịch” mặc dù rất khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của BGH Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, tập thể lãnh đạo Phòng GDĐT, BGH các trường THCS, PTCS, giảng viên, chuyên viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, các hoạt động của Đề án được triển khai linh hoạt, hiệu quả thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp . Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức tập huấn 3 đợt cho 105 giáo viên dạy Tiếng Anh của 35 trường THCS. Nội dung các buổi tập huấn tập trung bồi dưỡng về phương pháp dạy học: sử dụng công nghệ để trao quyền cho học sinh trong lớp học tiếng Anh – ứng dụng 02 công cụ Sway và Flipgrid; phương pháp ôn luyện cho học sinh: xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập theo chương trình khung và sách giáo khoa THCS; tập huấn về kiểm tra và thi: một số vấn đề về khảo thí, phân tích ma trận đề thi, xây dựng đề thi, kỹ thuật biên soạn câu hỏi định dạng bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp Phòng GDĐT tổ chức 3 đợt thực địa tại 35 trường THCS (02 đợt trực tuyến, 01 đợt trực tiếp từ ngày 12/4 đến 16/4/2022) với sự tham gia của 18 giảng viên, 111 giáo sinh. Với các hoạt động: dự giờ, trao đổi chuyên môn, hướng dẫn khai thác và phát triển tài liệu; bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh; giảng viên và giáo viên thực hiện Microteaching (giảng dạy vi mô); dạy mẫu trên lớp; tổ chức trợ giảng và các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh… đội ngũ giảng viên, sinh viên đã đem đến một luồng gió mới tới giáo viên, học sinh các trường THCS, PTCS huyện Ba Vì; truyền cảm hứng và sự yêu thích bộ môn Tiếng Anh tới các em học sinh thân yêu. Đặc biệt với sự đổi mới sáng tạo, linh hoạt thích ứng với diễn biến tình hình dịch trong từng giai đoạn Ban chỉ đạo Đề án của trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thi thử dành cho học sinh lớp 9 với 12 lần thi trong đó có 4 lần thi trực tiếp, 8 lần thi trực tuyến. Kế hoạch được mang tên “Hành trình vượt vũ môn”, điều thú vị là đội ngũ các thầy cô giảng viên đã biến những cuộc thi mà từ trước đến nay học sinh cảm thấy áp lực thì giờ là động lực để các em phấn đấu. Từ những chi tiết nhỏ nhất như maket địa chỉ phòng zoom, cách điểm danh học sinh cho đến ma trận, đề thi, cách chữa bài … đều được các thầy cô nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ để phù hợp tâm lý, phù hợp năng lực sở trường các em, phù hợp hào khí của dân tộc trước mỗi sự kiện lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng, màu sắc, kiến thức trong mỗi buổi thi khiến các em cảm thấy hứng thú khi tham gia mặc dù “Hành trình vượt vũ môn” gian nan, vất vả. Bởi vậy mỗi lần thi là mỗi lần các em được làm tôi luyện, được khích lệ và sau mỗi lần thi các em đều được các giảng viên dành một buổi để chữa đề, để củng cố và nâng cao kiến thức. Có thể nói việc triển khai hiệu quả 12 lần thi thử đã góp phần vào việc thay đổi tư duy người dạy và người học về việc kiểm tra đánh giá không chỉ ở bộ môn Tiếng Anh mà ở tất cả các môn học. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Sự tâm huyết, say mê sáng tạo của các giảng viên đã truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo huyện Ba Vì. Tăng cường sinh hoạt Câu lạc bộ Tiếng Anh tạo sân chơi học tập cho học sinh cũng là một hoạt động cơ bản nằm trong chuỗi các hoạt động của Đề án. Năm học 2021-2022 có 35 Câu lạc bộ Tiếng Anh được thành lập, tuy còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng Ban chủ nhiệm, thành viên Câu lạc bộ đều nỗ lực tạo ra những buổi giao lưu, tọa đàm, những gameshow ấn tượng thu hút các bạn học sinh. Bên cạnh việc tập trung bồi dưỡng, hỗ trợ các thầy cô giáo và các em học sinh THCS dạy học môn Tiếng Anh, Đề án quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cấp Tiểu học. Với 3 đợt tập huấn, nội dung tập trung vào việc bồi dưỡng giáo viên triển khai hiệu quả việc dạy học môn Tiếng Anh bậc tiểu học trong Chương trình GDPT 2018; sử dụng và cách khai thác SGK môn Tiếng Anh trong Chương trình GDPT 2018; giáo viên được hỗ trợ, bồi dưỡng phát triển toàn diện 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. |
Kết quả triển khai các hoạt động đề án: * Đối với giáo viên : – Thông qua các chuyên đề, đội ngũ các thầy cô giáo dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông được tập huấn các phương pháp dạy học nhằm phát huy năng lực của học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Tiếng Anh trong các nhà trường. Phương pháp dạy học phân hóa tiếp tục được giáo viên dạy môn Tiếng Anh sử dụng hiệu quả trong quá trình dạy học đặc biệt là quá trình ôn thi vào lớp 10 THPT. Giáo viên hiểu rõ năng lực trình độ của từng cá nhân trong lớp học. Trong một bài dạy giáo viên thiết kế nhiều dạng bài tập, câu hỏi phù hợp với năng lực của từng nhóm học sinh. Chính vì vậy, học sinh cảm thấy hào hứng hơn với giờ học; các em học sinh có lực học trung bình, dưới trung bình được trang bị những kiến thức cơ bản, luyện tập những dạng câu hỏi, bài tập ở mức nhận biết, thông hiểu, các em sẽ không cảm thấy khó và không bị áp lực ; còn học sinh khá, giỏi không chủ quan, các em có nhiều cơ hội để thử sức ở dạng câu hỏi thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Phương pháp này giúp học sinh tự tin , hứng thú, chủ động hơn trong việc học, các em là những cá nhân có cơ hội phát triển như nhau. phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho việc học của bản thân. Vì vậy, trong kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023 có 21 học sinh đạt điểm tuyệt đối 10/10 môn thi Tiếng Anh. – Phương pháp tăng cường giao tiếp rất quan trọng trong quá trình dạy học môn Tiếng Anh đặc biệt là học sinh miền núi. Giáo viên tăng cường tương tác với học sinh trên lớp bằng tiếng Anh tuỳ theo trình độ của học sinh, đảm bảo việc nghe hiểu của các em. Khi học sinh có trình độ nghe hiểu chưa tốt, các thầy cô giáo đã vận dụng ngôn ngữ mệnh lệnh/giao tiếp đơn giản, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu nói,…tạo hứng thú cho học sinh, dần dần học sinh nghe hiểu, tiếp thu, bắt chước,… Với phương pháp này học sinh có khả năng sử dụng ngôn ngữ ngay trong và sau tiết học, hoạt động này vừa tăng khả năng nói vừa giúp các em vận dụng linh hoạt kiến thức về ngữ pháp, từ vựng trong bài. Khi vận dụng phương pháp này trong quá trình dạy học các thầy cô giáo đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tạo ra môi trường học ngoại ngữ thú vị, hiệu quả: như tổ chức các trò chơi, các hoạt động: “Trả lời nhiều tích điểm lớn”, các câu lạc bộ Tiếng Anh của trường, các cuộc thi ….. – Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức các hoạt động dạy học trong nhà trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến rất quan trọng. Chính vì vậy sau các chuyên đề tập huấn do giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia bồi dưỡng, đa số giáo viên Tiếng Anh sử dụng thành thạo, hiệu quả các ứng dụng google classroom: để giao bài và kiểm soát việc làm bài về nhà của học sinh; ứng dụng Kahoot: dùng trực tiếp trên lớp, tạo ra các cuộc thi trên lớp để kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, giúp các con nhớ từ và hứng thú; ứng dụng Quizizz: tạo bài tập giao cho học sinh về nhà làm. Chính những ứng dụng này giúp học sinh cảm thấy mới mẻ không nhàm chán khi phải liên tục học với textbook, tạo sự hứng thú, giảm tải chấm bài cho giáo viên,… – Các thầy cô giảng viên của trường ĐHNN đã trực tiếp dạy các tiết có sử dụng phương pháp mới, có ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy DEMO, Qua đây các giáo viên Tiếng Anh các trường THCS đã được nâng cao về trình độ chuyên môn, về phương pháp và kỹ năng dạy học. – Giáo viên và học sinh được cung cấp một kho học liệu về phương pháp giảng dạy; hệ thống bài tập; ngân hàng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT; được tiếp cận với những phương pháp dạy học hiện đại, phù hợp điều kiện thực tế; đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. * Đối với học sinh: Những hoạt động của đề án đã giúp học sinh có những chuyển biến tích cực, có ý thức hơn, tự giác hơn trong học tập, các em có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nguồn tri thức mới. Học sinh lớp 9 được tôi luyện, trau dồi kiến thức, làm quen với các dạng đề theo cấu trúc thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, đó là những trải nghiệm rất quan trọng để các em bước vào kỳ thi, tuyển sinh 10 bình tĩnh, tự tin. Học sinh tự tin hơn và quyết tâm hơn cho trong học tập, thêm vào đó các em hứng thú hơn, say mê hơn, yêu thích môn Tiếng Anh hơn. Hiện nay đã có nhiều câu lạc bộ Tiếng Anh hoạt động sôi nổi; các em học sinh rất tích cực trao đổi với các thầy cô thông qua ứng dụng CNTT. * Kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2022- 2023 toàn huyện – Điểm TB 03 môn tuyển sinh toàn huyện: 5,65 điểm (tăng 0,48 điểm so với năm học trước). Trong đó điểm TB môn Toán: 5,96 điểm (tăng 0,62 điểm so với năm trước), môn Ngữ văn: 5,63 điểm (tăng 0,44 điểm so với năm trước), môn Tiếng Anh: 5,08 điểm (tăng 0,27 điểm so với năm trước). Điểm trung bình các môn thi của huyện Ba Vì xếp thứ 22/30 quận huyện (tăng 7 bậc so với năm học trước). + Có 11 trường có điểm trung bình 3 môn đạt từ 6,0 trở lên: THCS Tản Đà (7,45 điểm), Phong Vân (7,05), Cổ Đô (6,75), Thái Hòa (6,71), Phú Cường (6,46), Phú Sơn (6,39), Châu Sơn (6,37), Tản Hồng (6,36), Đông Quang (6,34), Đông Thái (6,31) và Minh Châu (6,01). + Môn Tiếng Anh có 05 trường điểm trung bình đạt từ 6,0 điểm trở lên: THCS Tản Đà (7,41), Phong Vân (6,97), Phú Sơn (6,15), Đồng Thái (6,10), Cam Thượng (6,06). + Số bài thi đạt điểm 10 là 27 bài (môn Tiếng Anh: 21 bài, môn Toán: 06 bài). Rất đáng tự hào trong số những học sinh đạt điểm 10 môn ngoại ngữ có những em là học sinh miền núi như em: Đào Thu Uyên- trường THCS Khánh Thượng, em Hoàng Thị Châm Anh- trường THCS Minh Quang… có nhiều em đạt điểm 10 môn Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và đỗ chuyên Anh trường THPT Sơn Tây như: em Phùng Hoàng Linh, Kiều Ánh Ngọc, Đinh Nhật Quang- trường THCS Tản Đà. – Tuy nhiên vẫn còn 09 trường có điểm trung bình 3 môn dưới 5,0 điểm: THCS Thuần Mỹ (4,98), Cẩm Lĩnh (4,80), Vân Hòa (4,79), Ba Trại (4,55), Yên Bài A (4,55), Minh Quang (4,51), Khánh Thượng (4,38), Yên Sơn (3,29), Hợp Nhất (2,95). So sánh với năm học trước, năm nay điểm trung bình 3 môn thi tuyển sinh của trường THCS Sơn Đà, THCS Tòng Bạt có bước tiến vượt bậc (THCS Sơn Đà từ 4,95 lên 5,73 điểm, Tòng Bạt từ 4,33 lên 5,47 điểm). Môn Tiếng Anh còn 17 trường điểm trung bình dưới 5,0 điểm. |
Những kết quả trên là minh chứng cho sự hiệu quả của hoạt động hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Huyện Ba Vì, và một lần nữa khẳng định triết lý giáo dục vì cộng đồng và xã hội của Nhà trường.
ULIS Media