[Gương mặt cựu sinh viên] “Dù làm nghề nào, tôi cũng chỉ say nghề dạy học”
Từng có thời gian rời giảng đường để làm sang một nghề khác nhưng khi ngọn lửa nghề đau đáu, thầy giáo Đỗ Lương Điền (cựu giáo viên THPT Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chọn quay trở lại với nghề, để dạy và gắn bó với biết bao thế hệ học trò.
Từ giảng viên đại học đến thầy giáo trường cấp 3
Thầy giáo Đỗ Lương Điền sinh năm 1948 và là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi tốt nghiệp ra trường, thầy Điền quyết định theo đuổi nghề cầm phấn và được phân công về dạy học tại Trường Đại học Nông nghiệp 2.
Những năm tháng chiến tranh cực khổ nhưng thầy vẫn không quên căn dặn học trò học là phải đến nơi đến chốn, nhất là môn tiếng Anh. Thời bấy giờ, tiếng Anh vẫn là môn học xa lạ và đầy bỡ ngỡ với các sinh viên. Bởi tài liệu học tập chưa có nhiều, điều kiện học tập thiếu thốn đủ bề. Ấy thế nhưng, thầy Điền vẫn động viên các học trò phải học tiếng Anh để sau này có cơ hội việc làm rộng mở.
10 năm làm giảng viên, khi trường chuyển vào Huế, thầy Điền quyết định trở lại Hà Nội và xin được vào công tác tại Viện Nội tiết (Bộ Y tế) với chức danh phiên dịch viên. 6 năm làm phiên dịch viên, những lần đi công tác tại các tỉnh miền núi, nhìn những cô cậu học trò ngây thơ lại thắp lại ngọn lửa đam mê với nghề cầm phấn, đứng trên bục giảng. Và thế là, người thầy năm nào quyết định quay trở lại với nghề giáo, và được phân công về dạy tiếng Anh tại Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội).
“Đã làm nghề thì phải yêu nghề. Tôi rất yêu nghề dạy học nên đã quyết định trở về nơi mình sinh ra để cống hiến. Đi dạy học, chỉ cần nghỉ một ngày là cảm thấy bơ vơ, chỉ thích ra trường chăm chút cho học sinh. Dù có làm nghề gì có lẽ tôi vẫn sẽ chọn làm nghề giáo”, thầy Điền tự hào nói.
“Bí quyết” của người thầy
Trong suốt quãng thời gian dạy học, thầy Điền luôn được các học sinh quý mến bởi những phương pháp dạy thực tế. Dạy tiếng Anh, thay vì chỉ cho học sinh học trong sách vở, thầy đã trực tiếp liên hệ mời giáo viên người Úc về trường để trao đổi và trực tiếp nói chuyện với học sinh, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.
“Phải hiểu được học sinh thì mới có thể giáo dục được. Có nhiều những chuyện đến bây giờ các phụ huynh và đến cả học sinh vẫn nhắc. Có học sinh đi học chưa thấy về, mình phải hi sinh buổi tối để đi tìm từng đứa xem đi đâu, để gọi về.
Có những học sinh đặc biệt, mình cũng có cách khích lệ riêng và “đưa” nó trở lại thành một cậu học trò đúng nghĩa. Từng đứa học trò hoàn cảnh thế nào, năng khiếu ra sao mình đều phải nắm. Giờ nghỉ hưu rồi nhưng học sinh, phụ huynh vẫn gọi điện hỏi thăm, đó là cái quý của nghề thầy giáo”, thầy Điền tâm sự.
Không chỉ tìm hiểu, thầy còn từng dùng chính những đồng lương ít ỏi để giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.
“Nhìn những học sinh nghèo, tôi luôn cảm thấy đau đáu bởi mình ngày xưa đã nghèo, đã khổ rồi nên luôn muốn giúp, động viên các em đi học. Hồi đó, tôi cũng thường nghĩ ra những phần thưởng, ai được điểm cao nhất sẽ được miễn học phí. Vừa giúp được các em, vừa tạo động lực để học sinh phấn đấu hơn.
Có những học sinh nghèo lắm, tôi lên tận nhà để đưa chút tiền cho bố mẹ và động viên họ cho con đi học. Những em học sinh đó sau này đều thành công, giờ vẫn hỏi thăm thầy. Đó có lẽ là niềm vui, hạnh phúc nhất của người thầy”, thầy Điền nói.