GS.TSKH Trương Đông San – người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

GS.TSKH Trương Đông San – người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngoại ngữ

truongdongsan_cl

GS.TSKH Trương Đông San sinh ngày 2.12.1933 tại một làng ven biển Phong Điền, xã Thuận Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, trong một gia đình ngư dân nghèo có truyền thống cách mạng. Hai người anh trai của ông là liệt sĩ. Bản thân ông cũng sớm tham gia cách mạng. Năm 11 tuổi, ông đã làm liên lạc cho cơ sở bí mật của cách mạng trong vùng địch tạm chiếm. Sau đó do bị lộ, ông được đưa lên chiến khu cách mạng. Năm 1951, ông được cử đi học ở khu V và khu IV cũ.

Ông thuộc lớp những học viên đầu tiên của Trường Ngoại ngữ Trung ương (thành lập năm 1955) – tiền thân của Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công giảng dạy tiếng Nga ở Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (khi đó Trường Ngoại ngữ Trung ương được tổ chức, sắp xếp lại và trở thành Khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Tuy nghề giáo viên tiếng Nga không do ông lựa chọn, mà do Đảng và Nhà nước phân công; nhưng từ vị trí này, ông đã trưởng thành dần cả về khoa học lẫn quản lý nhờ có sự đầu tư đào tạo rất cơ bản của Đảng và Nhà nước và bằng sự phấn đấu vô cùng bền bỉ của bản thân. Ông đã được cử đi thực tập sinh, rồi nghiên cứu sinh bậc một, chuyển tiếp nghiên cứu sinh bậc hai ở Liên Xô trước đây. Luận án tiến sĩ khoa học của ông với đề tài “Thành ngữ trong ngôn ngữ và lời nói (trên cứ liệu tiếng Nga và tiếng Việt” được đánh giá cao và bảo vệ thành công vào tháng 11.1977 tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Ông trở thành tiến sĩ khoa học đầu tiên của ngành ngoại ngữ ở nước ta.

Năm 1984, ông được phong học hàm Giáo sư. Ông cũng đã từng đảm nhiệm các chức vụ như: Chủ nhiệm khoa (1978), Phó hiệu trưởng (1980), Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (1982). Ở cương vị nào, ông cũng tận tâm với công việc và có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển ngành ngoại ngữ nói chung và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN) nói riêng. Ông cũng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển tình hữu nghị và hợp tác toàn diện có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam, Liên Xô. Ghi nhận và đánh giá cao công lao to lớn đó của ông, năm 1985 Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã tặng thưởng ông Huân chương Hữu nghị – phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Liên Xô.

Khoa Tại chức, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội những năm cuối thập niên 70 và những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX được giao đồng thời hai chức năng là đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ trên đại học và giáo viên ngoại ngữ trình độ đại học để tăng cường lực lượng giảng viên cốt cán cho các trường đại học, các khoa ngoại ngữ của cả nước. GS.TSKH Trương Đông San là người sáng lập hệ đào tạo Cao học ngành Ngoại ngữ ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội – cơ sở đầu tiên và duy nhất trong nhiều năm có đủ điều kiện đào tạo cao học ngành ngoại ngữ ở nước ta. Trong những năm tháng đó, ngoài công việc quản lý, ông còn trực tiếp tham gia công tác chuyên môn, như: xây dựng chương trình, viết giáo trình, tài liệu, dạy một số chuyên đề, hướng dẫn học viên cao học làm luận văn v.v. Tâm huyết với công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học và bằng uy tín của mình, ông đã mời được nhiều nhà ngôn ngữ học, Việt ngữ học danh tiếng tham gia đào tạo cao học. Cũng trong thời gian này, ông sáng lập “Hội các bạn trẻ yêu khoa học” để thu hút cán bộ trẻ và sinh viên giỏi vào các hoạt động khoa học và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý hiện đang công tác ở những cơ quan, trường đại học và cao đẳng khác nhau đã đi lên từ các khoá cao học đầu tiên của ngành ngoại ngữ và từ những hoạt động khoa học do ông chủ trì. Không ai trong số họ có thể quên được công lao to lớn của ông, những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương, về lý thuyết tiếng Nga hiện đại đầy sức thuyết phục bởi cách tiếp cận mới theo quan điểm hệ thống, tính sáng tạo trong vận dụng và nghiên cứu một số lĩnh vực trong tiếng Nga và tiếng Việt của ông. Cũng trong những năm tháng đó, ông là người đầu tiên đề xuất một hướng hoàn toàn mới trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giảng dạy của nhà trường bằng việc liên kết với Khoa Ngôn ngữ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN) đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ học, một ngành rất gần và cần thiết đối với giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ. Đề xuất này của ông có cơ sở khoa học và đã trở thành một trong những định hướng chiến lược trong đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu ngoại ngữ khi ông đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Nhận nhiệm vụ quản lý cấp trường (hai năm làm Phó hiệu trưởng, hơn 8 năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), công việc của ông càng nặng nề hơn. Trong khó khăn chung của đất nước ở thời kỳ bao cấp với cảnh chậm lương, thiếu gạo, thiếu than…, ông đã cùng tập thể lãnh đạo nhà trường tìm mọi cách để cơm không đứt bữa, giờ học được đảm bảo, và hơn thế nữa, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao. Sau này, khi đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, sự đầu tư của Nhà nước cho giáo dục của cả nước nói chung và đầu tư cho Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ nói riêng được đặt ở mức cao hơn, ông nghĩ ngay đến định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững của nhà trường, phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Ông đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo lớp cán bộ kế cận, đào tạo và phát triển nguồn lực cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy đầu ngành đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh chính trị của ông còn thể hiện ngay trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước giải thể Khoa tiếng Trung – một trong những khoa nòng cốt của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội: cùng với việc thực hiện yêu cầu điều chuyển cán bộ giảng dạy Khoa tiếng Trung cho các cơ quan khác của Nhà nước, ông chủ động đề xuất, kiến nghị giữ lại một bộ phận cán bộ. Chính quyết định đúng đắn của ông khi đó đã góp phần sớm ổn định đội ngũ cán bộ giảng dạy cho Khoa tiếng Trung được tái lập sau này.

Bên cạnh công tác quản lý, ông vẫn tiếp tục tham gia công tác chuyên môn như nghiên cứu chiến lược ngoại ngữ ở Việt Nam, nghiên cứu phương pháp dạy và học ngoại ngữ, thí điểm dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông, làm từ điển song ngữ, đa ngữ v.v. Tâm huyết với sự phát triển ngành ngoại ngữ và từ những hoạt động khoa học, hoạt động thực tiễn, ông đã xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu việc dạy và học tiếng nước ngoài cho người Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội trong ngành ngoại ngữ. Trung tâm do ông làm Giám đốc là một tập thể gồm nhiều cán bộ trẻ có năng lực, gắn bó với nhau bởi công việc chung và quan tâm giúp đỡ nhau trong cuộc sống riêng như anh em một gia đình lớn mà ông là người anh cả.

Với cái tâm trong sáng, tâm huyết với sự phát triển của Nhà trường và có nhiều ý tưởng mạnh dạn đổi mới, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ cán bộ trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn về cơ sở vật chất trong thời kỳ bao cấp, ông luôn nhận được sự cộng tác, sẻ chia của đông đảo cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường. Mặc dù vậy, cũng có lúc ông phải âm thầm chịu đựng vì nội bộ lãnh đạo đôi khi không đồng tâm nhất trí cao, vì những hệ quả của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, vì lãnh đạo Đảng cấp trên trực tiếp (khi đó là cấp huyện) không hiểu hết đặc thù hoạt động và những việc cần làm của một trường đại học. Những khó khăn khách quan và cũng là hệ quả của cơ chế quản lý cũ vô hình trung đã phần nào cản trở những ý tưởng đổi mới của ông đối với trường đại học.

Ai đã chứng kiến những năm tháng làm lãnh đạo nhà trường của ông đều không thể quên được một thời các thủ trưởng quyền ít mà việc nhiều, điều kiện vật chất lại rất thiếu thốn. Chiếc xe ô tô com-măng-ca cũ nát đã theo ông và các cán bộ lãnh đạo nhà trường suốt 10 năm đến các tỉnh, thành phố xa xôi trên mọi miền của đất nước. Căn hộ cấp 4 ông được phân những khi mưa to gió lớn cũng dột, cũng ngập lụt nước vì tắc cống rãnh như bao gia đình khác trong khu tập thể cán bộ nhà trường. Gia đình nhỏ của ông lúc ấy ngoài chiếc quạt “tai voi”, chiếc nồi hầm Liên Xô, chiếc xe đạp Đức và nhiều giá sắt đầy ắp sách chuyên môn thì chẳng còn thứ gì đáng giá. Thế nhưng ông vẫn sống thanh thản với cái nghèo. Ông thích nghe và thích kể chuyện tiếu lâm để cuộc sống vơi đi những khó khăn, nhọc nhằn… Mỗi khi nhận được tiền làm thêm từ việc dạy học và viết sách, viết báo ông đều đưa cho vợ để bà lo toan gánh nặng gia đình, nhưng không quên giữ lại mấy đồng lẻ đủ mua kẹo lạc, thuốc lá cuộn Lạng Sơn chính hiệu “con gà” để “chiêu đãi” bạn bè. Ông sống thật chân thành, bình dị, gần gũi đầy tình người, tình đồng nghiệp, tình bạn bè!

Khi kết thúc nhiệm kỳ hiệu trưởng, sức khoẻ của ông đã có những biểu hiện suy sụp. Ông lâm bệnh, bị tai biến mạch máu não lần thứ nhất đầu năm 1992. Vợ ông – PGS.TS Đặng Thị Lanh khi đó là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phải đưa ông về ở nhà Z8 tập thể Bách khoa Hà Nội để nhờ bố mẹ cùng chăm sóc. Ai đã đến thăm ông đều cảm động trước cảnh bố mẹ vợ của ông – những cán bộ lão thành cách mạng tuổi đã ngoài 80 và vợ ông (cũng là một nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý tâm huyết) ngày đêm chăm sóc ông chu đáo biết bao! Mấy năm sau, ông bị tai biến mạch máu não lần thứ hai. 10 ngày nằm cấp cứu ở Bệnh viện Việt – Đức cũng là 10 ngày cuối của cuộc đời ông. Gia đình, bạn bè đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò đã truyền tin cho nhau, đến với ông, chia nhau để được trực tiếp chăm sóc. Trái tim yêu thương, nhân hậu của ông ngừng đập vào ngày 28.11.1996. Năm ấy, Nhà tang lễ của Bệnh viện Việt – Xô (Bệnh viện Hữu nghị) đã chứng kiến Lễ tang ông thật trang trọng và xúc động. Hàng ngàn người đã đến vĩnh biệt ông – GS.TSKH Trương Đông San – trong niềm tiếc thương vô hạn. Mọi người yêu mến ông, kính trọng ông và biết ơn ông đã gieo những hạt giống quý cho sự nghiệp trồng người.

Thời gian và thành tựu xây dựng và phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN đã và đang chứng minh cho những ý tưởng đúng đắn, đầy tính cách mạng của ông – một nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý tâm huyết./.

Lê Ngọc Khuê – Vũ Đình Giáp
[100 Years-VietNam National University,HaNoi]