Giới thiệu về chương trình đào tạo tiếng Trung Quốc của Trường Đại học Ngoại ngữ
Nhân dịp Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội chuẩn bị tổ chức sự kiện “Nhịp cầu Hán ngữ” khu vực miền Bắc – Cuộc thi tiếng Trung dành cho các trường trung học, Nhà trường trân trọng gửi đến bạn đọc bài giới thiệu về chương trình đào tạo tiếng Trung Quốc của trường.
*Tìm hiểu về đào tạo tiếng Trung tại THPT Chuyên Ngoại ngữ: Link
Hoạt động đào tạo tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm. Trong suốt 62 năm qua, cùng với những thăng trầm lịch sử, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Ban Giám hiệu, các thế hệ thầy trò của của trường nói chung và Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc nói riêng đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của một cơ sở đào tạo và nghiên cứu tiếng Trung Quốc hàng đầu trong cả nước.
Các sinh viên năng động theo học chương trình đào tạo tiếng Trung tại ULIS
Hiện nay, Trường Đại học Ngoại ngữ đào tạo ba ngành học tiếng Trung là Ngôn ngữ Trung Quốc, Sư phạm tiếng Trung Quốc và Ngôn ngữ Trung Quốc Chất lượng cao với tổng chỉ tiêu mỗi năm là khoảng 175 sinh viên. Trong đó, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có cơ hội được học chương trình đào tạo chất lượng cao với nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, được hỗ trợ kinh phí đào tạo và nghiên cứu khoa học, được hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ Bậc 4 (B2) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và sẽ nhận bằng cử nhân chất lượng cao khi tốt nghiệp. Với chương trình chuẩn, sinh viên được học tiếng Trung theo định hướng Biên – Phiên dịch, Kinh tế, Du lịch, Trung Quốc học.
Cũng như các ngành khác, sinh viên học tiếng Trung hết năm học thứ nhất nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện về học lực được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai trong 12 ngành đào tạo tại 4 đơn vị trực thuộc ĐHQGHN. Các em không chỉ có cơ hội lựa chọn học thêm tiếng Hàn, Nhật, Anh mà còn có thể học các ngành chuyên môn của ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế, Khoa Luật.
Sinh viên học tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ được đào tạo bởi nhiều giảng viên yêu nghề, có chuyên môn, giàu kinh nghiệm và luôn thừa nhiệt tình với học trò. Khoa NN&VH Trung Quốc – Đơn vị quản lý các sinh viên học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và Sư phạm tiếng Trung Quốc, hiện có 51 giảng viên cơ hữu, trong đó có 2 PGS, 26 TS, 12 ThS và 11 NCS. Đội ngũ giáo viên của Khoa được đào tạo bài bản ở các trường đại học và các viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Hàng năm, Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và hội thảo quốc gia về giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán. Đây là cơ hội để trường giới thiệu về mình và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu tiếng Trung. Khoa NN&VH Trung Quốc tự hào là thành viên chính thức của Hiệp hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Hán Châu Á–Thái Bình Dương; vinh dự được đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu tiếng Hán hàng đầu thế giới đến giảng dạy, trao đổi và giao lưu học thuật. Hàng năm, đội ngũ giáo viên của trường công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị như các đề tài nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo, sách tham khảo, các bài viết về tiếng Trung trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Hợp tác phát triển mảng tiếng Trung là một trong những công tác đang được Trường Đại học Ngoại ngữ chú trọng. Trường liên kết đào tạo và nghiên cứu với nhiều trường đại học quốc tế như Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Đại học Trung Sơn, Học viện Thai Châu, Học viện Ngô Châu, Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo Đài Loan… Cũng nhờ những quan hệ hợp tác này, sinh viên học tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ có nhiều cơ hội được nhận học bổng từ các tổ chức, cơ quan; du học nước ngoài; học chương trình quốc tế; giao lưu với sinh viên Trung Quốc. Đặc biệt, với chủ trương tạo điều kiện tối đa cho sinh viên tiếp cận người bản ngữ và làm quen với môi trường làm việc hiện đại của Nhà trường, sinh viên có cơ hội được thực tập tại Trung Quốc, Đài Loan hay tại các doanh nghiệp Trung Quốc lớn trong nước.
Hoạt động ngoại khóa thường xuyên cũng là một nét văn hóa của sinh viên Khoa Trung
Sinh viên theo học tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ có cơ hội tiếp cận kho tư liệu tiếng Trung rất lớn. Tại Trung tâm CNTT-TT&HL, các giáo trình, tài liệu tham khảo, băng cát-xét, đĩa CD đáp ứng chủ yếu khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành với 35.774 tên sách (49.496 bản) trong đó có kho tài liệu tiếng Trung Quốc có 3.940 tên tài liệu (5.841 bản tài liệu). Những tài liệu này chia làm một số loại như: sách, tài liệu nội sinh, tạp chí.Tài liệu nội sinh là những khoá luận sinh viên, luận văn thac sỹ, luận án tiến sỹ, nghiên cứu khoa học. Sách in phục vụ học tâp và nghiên cứu bao gồm: từ điển, sách giáo trình, đất nước học, lý thuyết tiếng, văn học, giáo học pháp, tiếng Hán thương mai, truyện, tạp chí tiếng Trung. Số lượng tài liệu này được thống kê, cập nhật và giới thiệu hàng năm cho người học và giảng viên.
Tại Phòng Phục vụ Bạn đọc thuộc Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN với hơn 400.000 đầu sách, tạp chí và tài liệu tham khảo, các tư liệu đáp ứng chủ yếu các khối kiến thức chung, khoa học tự nhiên, nhóm ngành và một phần khối kiến thức cơ sở của ngành với gần 4.000 đầu sách, tư liệu tiếng Trung Quốc. Nguồn lực thông tin của Thư viện ĐHQGHN bao gồm tài liệu in (sách giáo trình, tham khảo, tra cứu, luận án, luận văn, báo, tạp chí). Ngoài ra còn có hơn 130 đầu sách Hán Nôm phục vụ nhu cầu người học nghiên cứu chuyên sâu. Đồng thời còn có hơn 900 đầu sách, tạp chí bằng tiếng Việt có nội dung liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa, văn học Trung Quốc. Bên cạnh hai kho tư liệu tham khảo này, sinh viên trường còn có thể sử dụng nhiều nguồn học liệu mở khác do Nhà trường cung cấp.
Cơ hội tìm việc phù hợp, đúng chuyên ngành với mức lương hấp dẫn luôn là điểm thu hút của chương trình đào tạo tiếng Trung tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể đảm nhiệm công tác giảng dạy tại hầu hết các bậc học tại các cơ sở đào tạo tiếng Trung trong nước và quốc tế; Biên phiên dịch tại các dự án, công ty nước ngoà; làm biên phiên dịch trong các nhà xuất bản, đài truyền hình, đài phát thanh…; trở thành những cán bộ quản lí trong các cơ quan, tổ chức như: Sứ quán, văn phòng đại diện của các tổ chức hoặc trong các doanh nghiệp, công ty… Đồng thời, sinh viên cũng có thể đảm nhận công tác đối ngoại trong các bộ ban ngành của chính phủ và cơ quan nhà nước như: Bộ ngoại giao, bộ thương mại, viện Khoa học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…
“Hãy đến với Khoa NN&VH Trung Quốc để cảm nhận môi trường học thuật nghiêm túc, cảm nhận sự gần gũi, thân thiết và ấp áp tình thầy trò! Nền văn hóa Trung Hoa đa dạng cùng với thứ ngôn ngữ đầy tình cảm đang chờ đón các em khám phá ngay tại ULIS này đây! Cả tương lai tươi sáng, cả cuộc đời rộng mở phía trước của các em sẽ không phải hối tiếc điều gì khi lựa chọn Khoa NN&VH Trung Quốc làm ngôi nhà thứ hai của mình!” là điều mà thầy Phạm Minh Tiến – Trưởng khoa NN&VH Trung Quốc gửi đến các em sinh viên tương lai của Khoa.
ULIS Media