Giới thiệu Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á
KHOA NGÔN NGỮ – VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á
Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam và Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hoá Đông Nam Á.
1.Giới thiệu chung
Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á tiền thân thành lập từ năm 1967, có tên là Bộ môn Ngôn ngữ học và tiếng Việt, được giao nhiệm vụ giảng dạy các môn Ngôn ngữ học và tiếng Việt cho sinh viên hệ chính quy và các hệ ngoài chính quy của Nhà trường. Năm 1990, Bộ môn bắt đầu giảng dạy phân môn Cơ sở văn hóa Việt Nam (LMS), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nhập môn Việt ngữ học (LMS), Tiếng Việt thực hành rồi đến các môn chung như Tìm hiểu cộng đồng châu Á, Văn hóa các nước ASEAN, Lịch sử văn minh thế giới, Ngoại ngữ hai tiếng Thái cho sinh viên chính quy trong toàn trường. Ngoài ra, Khoa còn tổ chức và giảng dạy các khóa học tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài và kiều bào.
Về đội ngũ cán bộ giảng dạy, số cán bộ hiện đang giảng dạy ở Khoa là 11 cán bộ, trong đó có: 6 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và 1 chuyên viên văn phòng.
Đội ngũ giảng viên của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam – Đông Nam Á
Ngoài giảng dạy, Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á còn tham gia công tác nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài khoa học các cấp được nghiệm thu. Hàng năm, Khoa còn tổ chức Hội nghị khoa học cấp cơ sở, Hội thảo quốc tế, tham gia Hội nghị khoa học trong và ngoài nước, và đã có nhiều báo cáo khoa học được đăng tải trong các Kỷ yếu khoa học của trường, trên tạp chí chuyên ngành và một số tạp chí uy tín trên thế giới. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của Khoa đã xuất bản nhiều sách tiếng Việt cho người nước ngoài như Tiếng Việt dành cho người Hàn (sơ cấp), Từ vựng tiếng Việt theo chủ đề, Học tiếng Việt qua các câu chuyện cười, Sổ tay về bài đánh giá năng lực nói OPI tiếng Việt, Vietnamese Vibes (3 tập), …
2.Lời ngỏ từ Trưởng khoa
“Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á mong muốn cùng người học tìm hiểu và khám phá kiến thức chuyên sâu về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, người học có thể so sánh, đối chiếu, tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia của mình với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, người học cũng có thể nghiên cứu một cách hệ thống về ngôn ngữ đích, đồng thời nâng cao cơ hội giao lưu, học hỏi và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam ra thế giới. ”_TS. Trần Hữu Trí chia sẻ.
3.Chương trình đào tạo
Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á đào tạo CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ thuộc chuyên ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (mã ngành: 7220101)
Chương trình đào tạo này không chỉ giúp người học nắm vững một cách hệ thống kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam mà còn phát triển năng lực giảng dạy tiếng Việt một cách chuyên sâu và khoa học. Đặc biệt, người học sẽ có năng lực ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn tương đương bậc 4 (đối với SVVN) và tiếng Việt tương đương bậc 5 (đối với SVNN và kiều bào) để sử dụng trong môi trường giảng dạy và học thuật.
4.Triển vọng nghề nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận ở các vị trí việc làm sau:
- Giáo viên giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, kiều bào và giảng dạy văn hóa Việt Nam cho cho các đối tượng người học mục tiêu khác nhau ở các cơ sở giáo dục, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Biên – phiên dịch viên, thư ký, chuyên viên đối ngoại tại các công ty Việt Nam, đại sứ quán, văn phòng đại diện của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Chuyên viên phụ trách đào tạo, biên tập viên, chuyên viên thực hiện các dự án về ngôn ngữ và văn hóa tại các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà xuất bản, các viện nghiên cứu chuyên ngành.
- Hướng dẫn viên du lịch hoặc thuyết minh viên ở các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa và các tổ chức văn hóa có liên quan đến Việt Nam.
- Có khả năng và cơ hội học lên bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) các chuyên ngành thuộc lĩnh vực tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ học, Việt Nam học, văn hóa, khu vực học và một số chuyên ngành khác.
5.”Tâm thư”
Nguyễn Thị Mỹ Ninh – Sinh viên QH2021
Khi bước vào năm nhất đại học, mình chưa từng nghĩ rằng sẽ có ngày mình học tiếng Việt như một môn khoa học. Vì vậy, khi đăng ký môn Tiếng Việt thực hành tại Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, mình đã rất tò mò: “Người Việt học tiếng Việt sẽ như thế nào? Và rồi, ngay từ những buổi học đầu tiên, mình đã nhận ra rằng, hóa ra có rất nhiều điều về tiếng Việt mà trước giờ mình chưa từng biết tới. Điều khiến mình ngạc nhiên nhất là hóa ra tiếng Việt cũng có hệ thống quy tắc chặt chẽ chẳng khác gì khi mình học một ngoại ngữ khác. Môn học đã giúp mình nhìn tiếng Việt bằng một góc độ mới mẻ và sâu sắc hơn. Mình tin rằng, không chỉ mình mà các bạn sinh viên nước ngoài cũng sẽ cảm thấy hứng thú khi học môn học này.
Arnold Bernhard (Đức) – Sinh viên khóa học Tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt Nam năm 2024
Trong thời gian sống và học tập ở ULIS, điều em thấy rất ấn tượng ở Việt Nam là người Việt sống rất tình cảm. Trong nhiều lần đi du lịch, em đã gặp một người bạn Việt Nam, anh ấy chỉ là nông dân thôi nhưng anh ấy đã mời em và bạn em đi ăn tối và uống trà cùng nhau. Em thấy trong bất kỳ cuộc liên hoan nào, người Việt cũng rất nhiệt tình và mến khách. Một kỉ niệm nữa là vào một ngày chủ nhật, em dậy sớm và tham gia ngày hội văn hóa ASEAN ở ULIS. Em thấy ai cũng tươi cười và trò chuyện rất vui vẻ. Em cũng hòa mình vào dòng người đó để trải nghiệm các món ăn Việt Nam và món ăn các nước ASEAN. Cảm giác đó khiến em như đang sống ở quê nhà bên Đức và em chắc chắn sẽ vẫn giữ mãi những kỉ niệm đó trong thời sinh viên của mình.
6.Các hình ảnh hoạt động
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan Tanee Sangrat thuyết giảng cho sinh viên tại Khoa về sự phát triển của Thái Lan và ASEAN năm 2019
Sinh viên tham gia môn học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” biểu diễn văn nghệ tại Khoa 2023
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền UAE Bader Almatrooshi thuyết giảng cho sinh viên tại Khoa về sự quan hệ thương mại giữa Việt Nam và UAE năm 2024
Sinh viên nước ngoài và kiều bào học tập tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt Nam tại Khoa
7.Thông tin liên hệ
KHOA NGÔN NGỮ-VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á
Địa chỉ: Phòng 403 nhà A5, Trường ĐHNN-ĐHQGHN
Số 2 Phạm Văn Đồng, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
SĐT: 0971424683 / 0989477781 / 0946615996
Email: ulis.vietnamese2025@gmail.com
Fanpage: ULIS VIETNAMESE
Website: https://vlc.ulis.vnu.edu.vn/
⃰⃰ ⃰ ⃰ ⃰ ⃰ ⃰