Giáo sư Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông thuyết giảng về tiếng Hán tại Trường Đại học Ngoại ngữ
Từ 28-29/12/2016, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chuỗi hoat động bồi dưỡng chuyên môn của Giáo sư Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông (Thượng Hải) cho giảng viên và nghiên cứu sinh.
Tham gia có giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, nghiên cứu sinh Khoa Sau Đại học và các giảng viên tiếng Trung các trường đại học như Trường Đại học Hà nội, Trường Đại học Thương mại…
Diễn giả gồm có Giáo sư Cao Tuệ Nghi và Phó Giáo sư Hà Hiểu Gia. Giáo sư Cao Tuệ Nghi sinh năm 1967, là Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ văn tự Hán và Giáo sư hướng dẫn Thạc sĩ. Hiện tại, bà đảm nhận công việc giảng dạy các môn: Văn tự học, Chữ Hán và văn hóa thuộc chuyên ngành Thạc sĩ Ngôn ngữ Văn tự Hán và quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo giảng viên tiếng Hán quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông. Bà là một chuyên gia, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực Hán ngữ.
Giáo sư Cao Tuệ Nghi
Phó Giáo sư Hà Hiểu Gia sinh năm 1972, phụ trách giảng dạy các môn: Đối chiếu văn hóa Đông tây, Giao tiếp liên văn hóa. Bà đã xuất bản hơn 10 đầu sách , chủ yếu về dịch Anh – Trung, nghiên cứu văn học và giáo trình tiếng Anh… tại Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo giảng viên tiếng Hán quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông.
Phó Giáo sư Hà Hiểu Gia
Trong hai ngày, hai chuyên gia đã thuyết giảng các nội dung rất bổ ích cho các giảng viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành tiếng Hán như: Mô hình dạy chữ Hán trong giảng dạy tiếng Hán; Giảng dạy Hán tự và Văn hóa Hán tự; Giới thiệu và giảng dạy từ vựng Văn hóa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo Trung Quốc; Việc bồi dưỡng tố chất giáo viên tiếng Hán theo tiêu chuẩn của “Chứng chỉ Giáo viên tiếng Hán quốc tế”; Mối quan hệ giữa Ngôn ngữ Hán và thơ ca,âm nhạc Trung Quốc. Qua cách trình bày sinh động gắn liền giữa thực tiễn và lý thuyết, các bài giảng đã thu hút đông đảo những thành viên có mặt tại hội trường.
Cũng trong chương trình làm việc, hai chuyên gia đã tiến hành trao đổi, thảo luận với các học viên về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hán. Những thắc mắc của các giáo viên đều đã được hai chuyên gia giải thích tận tình, cụ thể.
Sau hai ngày làm việc, hoạt động bồi dưỡng chuyên môn đã khép lại. Các giảng viên, nghiên cứu sinh có mặt đều đánh giá cao tính thiết thực của hoạt động bồi dưỡng này.
Nguyễn Thủy – Việt Khoa/ULIS Media