Dương Thị Minh Phương và hành trình tìm đến đất nước Phù Tang xinh đẹp – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Dương Thị Minh Phương và hành trình tìm đến đất nước Phù Tang xinh đẹp

Dương Thị Minh Phương, sinh viên lớp 19J6, Khoa Ngôn ngữ Nhật Bản, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN hiện đang là du học sinh trao đổi tại Trường Đại học Aoyama Gakuin, Tokyo, Nhật Bản. Đối mặt với những khó khăn trong kỳ du học chuyển tiếp, cô nàng vẫn giữ vững tinh thần lạc quan và đạt được những kết quả đáng tự hào.

Khởi đầu bằng niềm đam mê tiếng Nhật

Có niềm yêu thích, say mê đặc biệt dành cho tiếng Nhật và từ lâu đã ấp ủ ý định đặt chân đến xứ sở hoa anh đào nên ngay từ khi còn là học sinh của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Phương đã nỗ lực học tập và đạt được chứng chỉ N2 tiếng Nhật. Sau đó, Phương đã được tuyển thẳng vào Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ đây, niềm đam mê với tiếng Nhật của Phương ngày càng được nuôi dưỡng và bồi đắp.

Chuẩn bị cho hành trình đến với xứ Phù Tang xinh đẹp

Sau khi xác định được mục tiêu của mình, Phương đã từng bước thực hiện các mục tiêu ngắn hạn, bắt đầu bằng việc trau dồi thành tích học tập và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá.

Vì đã có nền tảng ngôn ngữ từ trước nên Phương đã theo học năm hai ngay từ khi mới vào trường, rút ngắn một năm thời gian học tập và nhận được Học bổng khuyến học ngay tại kỳ học đầu tiên. Không chỉ vậy, ngay khi mới là sinh viên năm hai, Phương đã có thể tự tin đứng lớp, giảng dạy các lớp học tiếng Nhật, vừa để đào sâu kiến thức về ngôn ngữ, vừa để kiếm thêm thu nhập. Nhưng không vì thế mà cô bạn xao nhãng, chểnh mảng việc học hành, minh chứng là Phương luôn giữ vững danh hiệu sinh viên Giỏi trong suốt hai năm liền.

Bên cạnh thành tích học tập đáng nể thì Phương cũng rất năng động trong các hoạt động ngoại khoá và hoạt động tình nguyện cộng đồng như giúp đỡ trẻ em ở vùng cao, tình nguyện tháng tại các viện dưỡng lão và trại trẻ mồ côi. Phương tâm sự rằng: “Chính nhờ có những hoạt động ngoại khoá và hoạt động tình nguyện cộng đồng đó mà mình đã nhận ra được những khía cạnh khác bên trong con người mình. Mình trở nên hòa đồng hơn, sôi nổi hơn, mở lòng hơn, trưởng thành hơn và đem nhiệt huyết tuổi trẻ tới những nơi, những người đang cần sự giúp đỡ.”

Bí quyết quản lý thời gian

Khi được hỏi về bí quyết cân bằng giữa việc học tập, hoạt động ngoại khóa, công việc làm thêm cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày, Phương chia sẻ: “Mình đã tận dụng một điểm ở ULIS đó chính là cách sắp xếp lịch học. Thường thì lịch học ở ULIS sẽ dồn về tất cả các buổi sáng hoặc tất cả các buổi chiều, thế nên sinh viên ULIS nói chung và bản thân mình nói riêng có thể sắp xếp được một thời gian biểu phù hợp và gần như cố định trong suốt cả kỳ học. Ví dụ, nếu kỳ học đó mình có lịch học vào buổi sáng thì buổi chiều mình sẽ dành ra để làm bài tập, nếu không có bài tập thì sẽ xem lại bài hôm trước hoặc chuẩn bị trước kiến thức của buổi hôm sau. Đến tối mình sẽ dành thời gian để làm việc cá nhân, việc ở nhà hoặc đi làm thêm. Với cá nhân mình thì buổi tối là khoảng thời gian để mình dạy tiếng Nhật online nhằm kiếm thêm thu nhập.”

Bên cạnh việc đề cao khả năng quản lý và sắp xếp thời gian thì cô bạn còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kỷ luật trong việc hiện thực hóa những mục tiêu của mình. Phương cho rằng nếu bản thân không có sự kỷ luật thì dù có nhiều thời gian đến mấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ thì thành quả mà Phương đạt được hiện tại chính là câu trả lời: Phương hiện đang là du học sinh trao đổi tại trường Đại học Aoyama Gakuin, một trường đại học nổi tiếng ở Tokyo, Nhật Bản.

Khi được hỏi về khoảng thời gian đã trải qua, Phương vẫn vô cùng bồi hồi. Cô bạn kể rằng khó khăn bắt đầu từ khi cô manh nha ý định đi du học chuyển tiếp bởi khi đó tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản vẫn còn khá căng thẳng. Vốn đăng ký đi vào tháng Một nhưng vì dịch bệnh nên phải lùi lại khoảng nửa năm, tức tháng Bảy thì Phương mới có thể đặt chân đến Nhật Bản.

Vào khoảng thời gian đầu khi mới đến, Phương tâm sự rằng Nhật Bản có quá nhiều khó khăn và thậm chí có thể dùng từ “shock” để hình dung. Đầu tiên là sự chênh lệch nhiệt độ trong một ngày: “Ban ngày có thể ấm, thậm chí là nóng nhưng đến đêm thì trời rất lạnh, thậm chí còn lạnh hơn mùa đông ở miền Bắc Việt Nam. Lớn lên tại vùng khí hậu nhiệt đới từ nhỏ nên phải mất một thời gian thì mình mới có thể quen được với khí hậu ở đây.”

Phương cũng chia sẻ thêm rằng ở Nhật Bản thì việc đi bộ là thường xuyên. Khoảng thời gian đầu Phương thấy khá mỏi vì một ngày phải đi bộ quá nhiều: từ nhà ra ga, từ ga đến trường học và ngược lại. Dù có xe đạp công cộng nhưng vì mới đến nên cô bạn không biết phải thuê như thế nào.

Và điều khiến Phương shock nhất đó là rào cản về ngôn ngữ. Dù đã có chứng chỉ N2 tiếng Nhật cộng với việc được trau dồi tiếng tại ULIS từ trước nhưng khi đặt chân đến Nhật Bản, Phương vẫn chưa thể làm quen ngay được với chất giọng của người bản xứ. Phương nói rằng dường như mình không thể nghe hiểu người bản xứ nói gì, thậm chí là những câu hỏi đơn giản thường ngày như khi đi mua đồ bởi người bản địa nói vừa nhỏ vừa nhanh. Và Phương mất tầm hai, ba tháng đầu để có thể quen dần và xóa bỏ rào cản ngôn ngữ.

Khi được hỏi về cảm xúc khi phải đối mặt và cách vượt qua những khó khăn ban đầu ấy, Phương tâm sự rằng mình đến với Nhật Bản bằng một tinh thần vô cùng lạc quan dù đã được người thân, bạn bè nhắc nhở về những khó khăn có thể xảy đến tại một đất nước xa lạ. Phương luôn đề cao phương châm sống: “Sống trên đời thì phải có chuyện tốt, chuyện xấu, chuyện xấu xảy ra rồi thì chuyện tốt mới đến được. Cuộc đời không phải lúc nào cũng chỉ toàn chuyện xấu hoặc chuyện tốt, phải có ngày này ngày kia nên hãy cứ đối mặt với nó bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ.”

Dù gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại như vậy nhưng Phương không hề chùn bước mà đã dám khẳng định bản thân, rằng ở bất cứ môi trường nào thì cô bạn cũng vẫn có thể tự tin tỏa sáng. Minh chứng là Phương đã trở thành một trong bốn du học sinh xuất sắc nhận được học bổng PLUS, học bổng dành cho du học sinh do công ty PLUS – một công ty văn phòng phẩm trao tặng.

Chia sẻ kinh nghiệm và dự định tương lai

Là một người đi trước, đã trải nghiệm, đã vượt qua và sắp hoàn thành kỳ du học chuyển tiếp của mình nên Phương có một vài lời khuyên dành cho các bạn đang có ý định đi du học nói chung và du học tại Nhật Bản nói riêng: “Đầu tiên thì các bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho tất cả mọi chuyện có thể xảy ra, dù là chuyện tốt hay chuyện xấu, ví dụ như biến thái, phân biệt chủng tộc,… Khi đã chuẩn bị tốt tinh thần thì các bạn mới có thể giữ vững tâm lý để đối mặt và giải quyết vấn đề ở nơi đất khách quê người không có người thân, không có bạn bè. Cố gắng giữ vững tinh thần lạc quan và nếu cảm thấy mất định hướng, hãy nói cho người thân và bạn bè biết, đừng giấu họ. Hãy mở lòng ra để tâm sự và chia sẻ với những người thân thiết nhất vì đó là những người có thể giúp các bạn định hình lại và không bị chệch hướng. Và một điều quan trọng nhất, hãy luôn nhớ là phải giữ vững kỷ luật.”

Sau khi kết thúc kỳ du học chuyển tiếp của mình, Phương sẽ về nước và tiếp tục hoàn thành chương trình học tại ULIS. Phương cho biết bản thân đang tìm hiểu về chương trình học lên Thạc sĩ để củng cố cho ước mơ trở thành dịch giả của mình.

Thu Hường