Đột phá trong giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng-An ninh tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ
Năm học 2017-2018 là năm có nhiều sự kiện lớn đối với trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội). Bên cạnh cơ sở vật chất được chỉnh trang đẹp đẽ, hiện đại là việc đẩy mạnh các hoạt động đổi mới về chuyên môn theo kế hoạch nhà trường như: đổi mới dạy và học ngoại ngữ chuyên, Ngoại ngữ 2, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá để đáp ứng kịp thời với những đổi mới của kì thi THPT quốc gia, đổi mới dạy học môn Giáo dục thể chất và đặc biệt phải kể đến bước đột phá trong giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng- An ninh (GDQP-AN) theo hình thức tập trung nội trú.
Trải nghiệm môi trường học tập mới mẻ
Nằm trong chương trình Đề án đổi mới dạy và học môn GDQP-AN đã được trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN phê duyệt, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ tổ chức cho học sinh học tập môn học này dưới hình thức tập trung kể từ năm học 2017-2018. Theo đó, từ ngày 11 đến 17 tháng 9 năm 2017, tại Trung tâm Giáo dục quốc Phòng-An ninh-ĐHQG Hà Nội, Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, học sinh học tập trung môn học này trong vòng một tuần.
Toàn cảnh Trung tâm Giáo dục quốc phòng-An ninh của ĐHQGHN
Nhằm mục đích nâng cao chất lượng học tập môn GDQP-AN, không chỉ dừng lại ở việc trang bị tri thức về quốc phòng, an ninh cho học sinh mà còn thông qua hoạt động này để rèn luyện, tăng cường các kĩ năng sống cần thiết cho các em như: Kĩ năng xử lí tình huống khi gặp hỏa hoạn, cháy nổ, tư vấn nghề với chủ đề “Thấu hiểu bản thân- Tự tin lập nghiệp”; Kĩ năng phòng chống và xử lí các tình huống xung đột, bạo lực học đường; Kĩ năng cấp cứu ban đầu tai nạn thông thường và xử lí, băng bó vết thương. Khóa học còn được kết hợp với các hoạt động ngoại khóa như các hoạt động văn nghệ, xem phim,.. rất bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em.
Luyện tập thể thao để rèn luyện sức khỏe
Toàn trường tập thể dục buổi sáng
Việc tổ chức dạy học mang tính đột phá này của Nhà trường thực sự đã đem đến những trải nghiệm thú vị cho các CNNers. Hoà lạc trở thành hành trang kỉ niệm không thể quên trong cuộc đời các em. Dưới đây là những phác thảo về kết quả thu được từ tuần học tập bổ ích này.
Tinh thần Chuyên Ngoại ngữ luôn hiện diện trong mỗi giờ học
Được trải nghiệm cuộc sống nhà binh, trưởng thành hơn trong môi trường quân đội
Khác với cách tổ chức học theo đợt gồm 3 ngày một đợt, một năm 2 đợt như trước đây, đợt học tập này diễn ra liên tục trong một tuần, lấy điểm cho cả năm học. Ba lớp một sẽ được gộp lại thành một đại đội do đại đội trưởng là giảng viên của trung tâm, giàu kinh nghiệm giảng dạy chỉ huy. Hầu hết đội ngũ giảng viên đều là các trung tá, thiếu tá,… quen với nề nếp, lối sống quân đội nên đã tạo “cái uy” với những kỉ luật nhà binh nghiêm túc, là tấm gương để các em học tập, noi theo. Kiến thức thu được không chỉ là bài học sách vở về GDQP- AN mà là đời sống thực tế sinh động. Các em đã học được lối sống, nếp sinh hoạt của nhà binh rất thiết thực cho cuộc sống như: rèn luyện thể lực thông qua việc tập thể dục, hành quân; sống ngăn nắp, đúng giờ, biết tự gấp chăn màn, tự dọn dẹp vệ sinh, làm phụ bếp, tự rửa bát; được trải nghiệm công việc thú vị: đi tuần đêm,…
CNNers hối hả trên mỗi bước hành quân
Rèn luyện lối sống ngăn nắp, gọn gàng
Hiểu người, hiểu mình, các CNNers đã trở thành những người đồng chí
Học sinh ở nhiều lớp được học tập và sinh hoạt cùng nhau, ở chung phòng với nhau, các em có nhiều thời gian bên nhau hơn, nên đây thực sự là cơ hội quý giá để hiểu hơn về bạn bè trong và ngoài lớp giúp các CNNers tăng tình đoàn kết.Thời gian được sống cùng phòng cũng giúp các em nhận ra những bài học thực tế đáng quý: việc chơi cùng nhau và khi ở cùng nhau là hai việc khác nhau. Có những em đang chơi thân với bạn nhưng khi ở chung với nhau bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Vì thế bài học quý báu các em có được thông qua kì học còn là học cách sống chung, làm việc chung với nhau, nâng cao tinh thần trách nhiệm của bản thân với tập thể. Biết cảm thông nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, chấp nhận những bất toàn của nhau. Có lẽ bởi thế nên mỗi CNNers ngày càng vững tin hơn, yêu mến nhau hơn, cảm thấy như được bao bọc trong tình cảm đồng chí đồng đội ấm áp. Em Hồ Anh Minh lớp11 E chia sẻ: “Bọn em được trải nghiệm một điều gì đó thực sự mới mẻ, khác hẳn với đời sống hằng ngày ở trường, từ đó bạn bè trở nên gần gũi với nhau hơn”.
Kề vai sát cánh trên thao trường
Không chỉ học kiến thức mà còn được rèn luyện và tự rèn luyện các kĩ năng mềm cần thiết cho cuộc sống
Không chỉ được trang bị về kiến thức quốc phòng an ninh, các em còn được rèn luyện những kĩ năng mềm trong cuộc sống như: kĩ năng xử lí tình huống khi gặp hỏa hoạn, kĩ năng cấp cứu ban đầu tai nạn thông thường, cách xử lí, băng bó vết thương, cách ăn uống, sinh hoạt theo kế hoạch, cách sử dụng thời gian không lãng phí, sống tự lập,… Một hai ngày đầu các em còn bỡ ngỡ, rụt rè nhưng ngay sau đó các em đã hòa nhập với điều kiện học tập và rèn luyện mới. Những kĩ năng mềm học được ở Hola đã giúp các em vững tin hơn vào bản thân trong cuộc sống, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ học tập khi quay trở lại trường.
Tích cực, nhiệt tình trong các giờ học kĩ năng sống
Lần đầu làm quen với kĩ năng thoát hiểm
Là khoảng thời gian để các CNNres sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn…
Không điện thoại di động, hằng ngày ngủ dậy từ rất sớm, học tập và lao động theo thời gian biểu,…24 giờ trong ngày như bỗng dài hơn. Các em có thời gian dành cho nhau, trò chuyện để thấu hiểu nhau; có thời gian nhìn lại để trân quý những tình cảm gia đình ấm áp, trọn vẹn; có thời gian để nhớ Hà Nội, nhớ quê hương yêu dấu của mình! Kì học đã giúp các em trưởng thành hơn cả về tri thức lẫn tâm hồn. Nó không còn đơn giản chỉ là một môn học mà thực sự đã là một trải nghiệm quý báu, để khi nhớ về nó Trần Minh Tâm lớp 11E vẫn còn xúc động: Tôi yêu Hòa Lạc, chắc chắn thế. Hòa lạc cho tôi nhiều hơn một đầu điểm trong sổ học bạ. Hòa Lạc cho tôi một cái nhìn sâu vào trong cuộc sống, cho tôi cơ hội để yêu, nhớ và hiểu hơn về mình, về bạn, về Chuyên Ngoại ngữ của tôi.
Những phút giây hạnh phúc bên nhau
Đêm Hòa Lạc rực cháy những trái tim
CNNers cháy hết mình trong hoạt động ngoại khóa tại tuần quân sự
Một số mong muốn được thay đổi để những kì học tiếp theo trọn vẹn hơn
Hòa Lạc thực sự đã là một kỉ niệm đẹp trong lòng các CNNers trong năm học 2017-2018. Nhưng để kỉ niệm ấy trọn vẹn hơn nữa, các em vẫn mong muốn: cơ sở vật chất được nâng cấp tốt hơn nữa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của lượng học sinh lớn (nước sinh hoạt, quân phục, nhà vệ sinh). Một số hoạt động nên được điều chỉnh cho phù hợp hơn với học sinh như: điểm danh trước giờ ngủ nhưng không nên yêu cầu mặc quân phục vì các em vừa tắm xong, tăng số lượng học sinh được thực hành nhiều hơn trong các hoạt động mang tính thực hành như: tháo lắp súng, leo tường, cứu hỏa; lịch sinh hoạt buổi chiều tối nên dài hơn để HS có đủ thời gian vệ sinh cá nhân, bởi đặc thù CNN học sinh phần nhiều là nữ.
Những gì các CNNers thu được trong tuần lễ quân sự tại Hòa Lạc là minh chứng đầy đủ nhất cho thành công bước đầu của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trong việc đổi mới dạy và học môn GDQP- AN. Cảm ơn lãnh đạo trường ĐHNN- ĐHQGHN, thầy Đỗ Tuấn Minh (Hiệu trưởng) đã chỉ đạo quyết liệt, cảm ơn Ban lãnh đạo trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã mạnh dạn đổi mới, cảm ơn Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh của ĐHQG Hà Nội đã nỗ lực hợp tác với nhà trường để “chỉ số hạnh phúc” của các CNNers trong việc học môn GDQP- AN ngày một cao hơn, đáp ứng được những kì vọng của bản thân học sinh và các bậc phụ huynh.
Nguyễn Hương- Phương Thảo/ FLSS Media
Ảnh: TT GDQP-AN