Di tích Nhà tù Sơn La, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Nơi đây đã giam giữ 1.007 lượt tù nhân cộng sản, là trường học cách mạng, nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Năm 1962, Nhà tù Sơn La được xếp hạng Di tích Quốc gia. Đây là một trong những điểm tham quan lịch sử ý nghĩa và là “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thêm trân trọng, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc.
Mỗi lần đến Sơn La, anh Nguyễn Văn Khoa ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên lại đến thăm Nhà tù Sơn La với tâm trạng xúc động. Anh Khoa tâm sự: Mỗi lần đến đây không chỉ trải nghiệm, hồi tưởng lại công cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do dân tộc của lớp tiền bối, mà từ đó nhắc nhở bản thân mình và các thế hệ con cháu hãy sống, làm việc, học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh.
“Tôi đã vài lần được đến nhà tù Sơn La, đến đây tôi cảm thấy rất là xúc động, ở đây có những hiện vật lịch sử tái hiện lại chế độ hà khắc của Thực dân Pháp khi giam giữ các các chiến sĩ hoạt động cách mạng; vượt qua gian khó, thế hệ cha anh đã kiên cường đấu tranh, giành lại độc lập cho đất nước. Bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào, sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp” – Anh Khoa nói.
Là một trong những cán bộ trẻ được học tập, rèn luyện, công tác tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, chị Cầm Thị May, thuyết minh viên, phòng Giáo dục truyền thông, Bảo tàng tỉnh Sơn La luôn thấy mình thật may mắn, tự hào khi được làm việc tại đây. Bản thân chị May luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, làm sao để bài thuyết minh không chỉ là trình bày về nhà tù, hiện vật…mà là những câu chuyện chân thực, sinh động về cuộc sống khổ ải và ý chí kiên cường của những tù nhân cách mạng thời bấy giờ.
Chị Cầm Thị May cho biết, để làm được điều đó, bản thân chị thấy rằng phải đặt lên trên hết là sự yêu nghề và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để có thể lan tỏa tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng đến với du khách, nhất là đối với thế hệ trẻ: “Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng thay đổi phương pháp thuyết minh, không chỉ là kể các sự kiện hay là nội dung đến với du khách, mà kết hợp vào đó là các câu chuyện ý nghĩa, xúc động để làm cho bài thuyết minh của mình hay hơn, sống động hơn, thu hút du khách đến với di tích và đến với Sơn La nhiều hơn”.
Năm 2014, Nhà tù Sơn La được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, mỗi năm đón gần 300.000 lượt du khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử.
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, trải qua nhiều lần phục chế, tôn tạo và sưu tầm thêm các tài liệu, hiện vật có liên quan, Nhà tù Sơn La luôn nỗ lực phát huy giá trị của di tích trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và khách đến tham quan.
Ông Phạm Văn Tuấn cho biết, đơn vị cũng mở rộng phạm vi nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật là người dân sống trong thời kỳ đấy để phản ánh được đời sống của đồng bào Tây Bắc dưới ách thống trị của Thực dân Pháp. Trên cơ sở công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật, đơn vị tiếp tục đầu tư để nâng cấp hệ thống trưng bày, bổ sung tại di tích theo hướng hiện đại bằng các phương tiện hỗ trợ, phương tiện nghe nhìn, âm thanh, ánh sáng kết hợp với hiện vật gốc để có thể gây sự xúc động cho người xem, từ đó có thể lan tỏa được tinh thần yêu nước, lòng từ hào, tự tôn dân tộc đến với nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là một biểu tượng, khẳng định ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần không bao giờ vơi cạn, tiếp sức cho các thế hệ trên con đường đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh./.