Dệt những ước mơ
Lồ Thị Sáy, sinh năm 1999, tại xã Hoàng Liên, Sa Pa, hiện là giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn (Hà Nội). Đọc những chia sẻ và theo dõi hành trình của Sáy trên mạng xã hội, nhận thấy đây là cô gái thú vị, có những suy nghĩ, việc làm truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ dân tộc thiểu số ở miền núi. Nhưng phải đến khi Sáy nghỉ phép từ Hà Nội về Sa Pa, tôi mới có cơ hội được gặp.
Những món đồ lưu niệm trong dự án “Sa Pa em thổ cẩm.” |
Trong thời gian nghỉ phép, Sáy tranh thủ về quê và nhận hướng dẫn khách tour tham quan các thôn, bản trên địa bàn. Sinh ra trong gia đình đông chị em, mong muốn các em đều được đi học và có việc làm ổn định, nên vừa tốt nghiệp đại học, Sáy đã gánh trọng trách trên vai là hỗ trợ bố mẹ nuôi các em học chuyên nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do Sáy tạm gác lại ước mơ đi du học của mình và sớm tìm việc làm. Đã từng thử sức với nhiều dự án liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số của các tổ chức phi chính phủ…, hiện cô đang tạm ổn định với công việc của một giáo viên.
Sáy khoe với tôi chiếc túi nhỏ mà cô đang đeo. “Sa Pa em thổ cẩm” là dự án nhỏ của cô ngoài giờ dạy, kết hợp với nhóm phụ nữ tại Sa Pa thiết kế những chiếc túi, móc treo, quà lưu niệm từ thổ cẩm.
“Sau khi các em của mình tốt nghiệp và có công việc ổn định, em sẽ tìm kiếm cơ hội để đi du học hoặc về quê dạy tiếng Anh và phát triển các dự án kinh doanh sản phẩm thổ cẩm”, Sáy tiếp tục chia sẻ về những dự định của mình. Hành trình từ trung tâm thị xã Sa Pa cùng Sáy về xã Hoàng Liên, cô cũng kể cho tôi nghe quãng thời gian sinh viên mà cô đã trải qua đầy tự hào.
Tết Mông xuống phố giúp những người con của dân tộc Mông có cơ hội giao lưu và gặp gỡ nhau tại thủ đô Hà Nội. |
Học sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội không phải là nguyện vọng của Sáy. Thế nhưng, cô bé lựa chọn chuyên ngành này vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Học sư phạm giúp cô có thể giảm bớt gánh nặng học phí cho bố mẹ. Bước vào đại học là bước ngoặt lớn giúp cô thay đổi bản thân. Từ một cô bé ít bày tỏ suy nghĩ, chính kiến, Sáy thử đăng ký tham gia một số hoạt động đoàn, câu lạc bộ tại trường. Từ đây, cô nhận được sự dìu dắt, chỉ dạy của các anh, chị khóa trên, giúp cô tự tin thể hiện khả năng của mình. Cô được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phát triển kỹ năng sư phạm tại Đại học Ngoại Ngữ.
Trong một chuyến tình nguyện, cô biết đến Câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội. Tham gia được một thời gian thì Câu lạc bộ gần như tan rã, các hoạt động không thực hiện khi đội ngũ cốt cán dần tốt nghiệp đại học và đi làm. Với rất nhiều băn khoăn, trăn trở, Sáy đã tự ứng cử và được các thành viên tín nhiệm là Chủ nhiệm câu lạc bộ, cô đã kết nối với các thành viên để khôi phục các hoạt động. “Sinh viên người Mông ở Hà Nội khá nhiều, nhưng chủ yếu các bạn ở các trường cao đẳng, trung cấp, vì vậy để liên hệ không hề dễ dàng. Nhiều bạn từ quê xuống phố còn rụt rè và thu mình. Giữa Thủ đô có một câu lạc bộ dành cho đồng bào mình là điều rất tốt. Câu lạc bộ sẽ như ngôi nhà nhỏ để các bạn sinh viên người Mông ở Hà Nội tìm đến”. Kết nối được các thành viên, Sáy cùng câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cộng đồng.
Lồ Thị Sáy là thanh niên ưu tú, tự tin tham gia nhiều hoạt động do Đoàn thanh niên tổ chức. |
Một trong số những hoạt động nổi bật đó là đưa Tết Mông xuống phố. Hoạt động này lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016 bởi Nhóm Hành động vì sự phát triển của người Mông (Action for Hmong Development – AHD), Hội Sinh viên Mông Hà Nội, cộng đồng người Mông tại Hà Nội nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Mông với người dân Thủ đô. Tiếp nối truyền thống, tháng 1/2021, Sáy và câu lạc bộ đã tổ chức thành công Tết Mông, những người con của dân tộc Mông có cơ hội giao lưu và gặp gỡ nhau. Tiếng hát, điệu múa, tiếng khèn, sáo đã mang lễ hội náo nhiệt của đồng bào dân tộc Mông về Thủ đô. Sự kiện cũng đem đến cho người tham dự cơ hội được chiêm ngưỡng không gian văn hóa đầy sức sống và hấp dẫn của người Mông trên khắp mọi miền đất nước quy tụ tại Hà Nội.
Khi đi làm hướng dẫn viên du lịch ở bản, Sáy luôn chọn mặc trang phục truyền thống của người Mông. |
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất du lịch, từ nhỏ Sáy đã được tiếp xúc với nhiều du khách nước ngoài. Cô tự học và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh từ năm 7 tuổi. Hè năm học lớp 11, Sáy đã làm hướng dẫn viên du lịch với vốn ngoại ngữ tự học. Công việc vừa cho Sáy thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, vừa học hỏi thêm kỹ năng giao tiếp. Khi đi làm hướng dẫn viên du lịch ở bản, Sáy luôn chọn mặc bộ đồ truyền thống của người Mông. Sáy bảo, cô muốn khách du lịch biết mình là người Mông, muốn họ biết đến vẻ đẹp của dân tộc mình từ những điều nhỏ bé nhất.
Khi về quê, Sáy dành nhiều thời gian cho các bạn nhỏ. |
Yêu thích ngoại ngữ và lại được đào tạo ngành sư phạm, Sáy đã mở lớp học tiếng Anh miễn phí để dạy cho các em nhỏ vào dịp hè khi mới chỉ là sinh viên năm thứ 2. Tiếng lành đồn xa, từ những học sinh là các em, các cháu trong gia đình và hàng xóm, lớp học “tại gia” của cô giáo Sáy đông dần, có lúc lên đến hơn 100 em, đủ các lứa tuổi. Để có không gian cho tất cả mọi người, Sáy mượn lớp học trong bản để dạy miễn phí vào các buổi tối.
Tôi và Sáy kết thúc cuộc trò chuyện khi cô phải chuẩn bị đón một đoàn khách du lịch mới. Tuy cô luôn vội vàng, tất bật, nhưng tôi luôn cảm nhận được năng lượng tích cực và niềm đam mê công việc rất lớn từ cô gái nhỏ bé này. Mong rằng cô sẽ hoàn thành được những khát khao đang hướng tới cho bản thân và những em nhỏ vùng cao.