Cựu sinh viên ULIS tài năng và “gia tài” từ việc lựa chọn tiếng Nhật
Là tác giả của cuốn sách “Nhật Bản đến và yêu”, đồng tác giả “Làm thế nào để đọc sách hiệu quả”, đồng dịch giả light novel “Orange”, nhiều kinh nghiệm giảng dạy tiếng Nhật cùng không ít giải thưởng tại các cuộc thi hát, chị Dương Linh là một trong những cựu sinh viên mà Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội rất đỗi tự hào.
Lựa chọn tiếng Nhật để thử thách bản thân
Trước khi lên đại học, chị Dương Linh đã học 4 năm tiếng Pháp ở cấp 2 và 3 năm tiếng Anh ở cấp 3. Tốt nghiệp chuyên Anh Lam Sơn (Thanh Hoá), chị lại quyết định chọn tiếng Nhật bởi thời điểm đó, tiếng Anh đã quá phổ biến nên khó có chỗ đứng nên chọn một thứ ngôn ngữ mới mẻ hẳn và cũng coi đó như một dịp thử thách bản thân.
Lý lịch trích ngang của chị Dương Linh: – Cựu sinh viên K40 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. – Sang Nhật năm 2010, tốt nghiệp chuyên ngành thạc sĩ Khoa Văn hoá Giáo dục trường Đại học Saga (Nhật Bản). – Sở hữu 15 giải thưởng âm nhạc tại các cuộc thi hát tại khu vực đảo Kyusyu, cùng hai bài viết được đăng trên báo Nhật. – 3 năm giảng dạy tại trường Đại học Quốc tế Nagasaki (Nagasaki) – 2 năm giảng dạy tại khoa Biên phiên dịch Việt – Nhật trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản (Tokyo). – Tác giả “Nhật Bản đến và yêu” (NXB Alphabooks), đồng tác giả “Làm thế nào để đọc sách hiệu quả” (NXB Alphabooks), đồng dịch giả light novel “Orange” (NXB Kim Đồng) – Youtuber, Vlogger. – Hiện đang là Giám đốc đào tạo tại một Trung tâm đào tạo kỹ sư sang Nhật. |
Dù bây giờ đã rất thành thạo tiếng Nhật nhưng lúc bắt đầu cũng như mọi người vốn đã quen dạng chữ Latinh, chị Dương Linh cũng gặp không ít khó khăn. Tiếng Nhật được mệnh danh là một trong những thứ tiếng “khó nhằn” trên thế giới, bởi chỉ riêng bảng chữ cái đã bao gồm chữ Hiragana (chữ mềm) và Katakana (chữ cứng), chưa kể đến để đọc được văn bản tiếng Nhật ít nhất cũng phải biết 2000 Kanji (chữ Hán) nữa. Vì thế, ghi nhớ được cách đọc các chữ Hán trong tiếng Nhật không phải là điều dễ dàng, nhất là quốc gia không sử dụng chữ tượng hình như Việt Nam. Ngoài ra, trong tiếng Nhật có những chữ cái gây khó dễ với người Việt khi phát âm.
Để vượt qua những điều này, ngoài bài tập trên lớp, chị đã tập đọc những bản tin, những cuốn sách đơn giản để giúp cho mắt quen với những hình ảnh và luyện khả năng ghi nhớ. Một ngày luôn dành 30 phút đứng trước gương để luyện nói, tự “bịa” ra chủ đề để tự “lải nhải” một mình hay tìm cho mình một giọng tiếng Nhật yêu thích để bắt chước. Nhờ duy trì thói quen này mà chị Dương Linh có thể tự tin diễn đạt những gì mình muốn nói bằng tiếng Nhật một cách rất tự nhiên.
“Gia tài” từ Nhật Bản
Bắt đầu sang Nhật để học thạc sĩ nhưng quá trình gắn bó với nước Nhật sau đó đã khiến chị có được nhiều hơn là một tấm bằng. Sau quá trình “hành nghề” 5 năm bên Nhật và trở về nước lập nghiệp vào tháng 4 năm nay, chị Dương Linh đã sở hữu được hai gia tài vô cùng lớn.
Gia tài thứ nhất là những người đồng nghiệp và cộng sự. Họ dạy cho chị nhiều bài học không chỉ trong nghề, mà còn trong cuộc sống. Chị Dương Linh thấy mình may mắn vô cùng khi trên những bước đi chập chững đầu tiên có được những người đồng hành đáng tin cậy như vậy.
Và gia tài thứ hai là sinh viên. Các bạn đã cho chị “thăng hoa” với những cảm xúc mới mẻ khi đứng lớp khiến chị chưa bao giờ cảm thấy “nghề gõ đầu trẻ” là một nghề nhàm chán. Các sinh viên giúp chị hiểu rằng, muốn gõ đầu chúng phải thật sự hiểu chúng. Khi còn ở bên Nhật, chị Dương Linh đã từng học qua một khóa học về tâm lý. Nó giúp cho chị hiểu sinh viên của mình hơn, giúp các em gỡ rồi nhiều mớ bòng bong về tâm lý và truyền được những nguồn năng lực tích cực cho các bạn ấy. Nấu cơm hộp mang đến cho cô, tặng bút khắc tên cô hay như mới hôm vừa rồi, các bạn kỹ sư đã ngấm ngầm tổ chức sinh nhật sớm cho cô giáo,… những hành động tuy nhỏ nhưng khiến cô giáo trẻ xúc động đến nghẹn ngào.
Chụp cùng sinh viên trong ngày tốt nghiệp
Chụp với sinh viên quốc tế tại sự kiện của trường
Nhật Bản đến và yêu
Với tình yêu dành cho Nhật Bản và cũng là người thích viết lách, chị Dương Linh luôn mong mỏi thông qua câu chữ đưa chính những câu chuyện của mình tới với độc giả là con đường gần gũi và thiết thực nhất. Cuốn sách “Nhật Bản đến và yêu” ra đời để kỷ niệm 5 năm ngày chị đặt chân tới Nhật (Xuất bản tháng 6/2016). Nữ tác giả trẻ rất vui khi tên cuốn sách đầu tay này đã trở thành một hashtag xuất hiện nhiều trong các post trên mạng xã hội khi nói về Nhật và cuộc sống ở Nhật.
Bìa sách “Nhật Bản đến và yêu”
“Nhật Bản đến và yêu” như một cuốn tự truyện, kể về hành trình khi còn là một cô sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo ra Hà Nội đi học cho đến khi xuất hiện trên truyền hình NHK Nhật Bản trong tà áo dài Việt Nam, và có được những thành công trong nghề như ngày hôm nay. Nữ tác giả tin khi đọc “Nhật Bản đến và yêu”, chắc chắn ít nhiều các độc giả sẽ thấy bản thân mình trong đó, và hiểu được hơn về đất nước – con người Nhật Bản thông qua những câu chuyện chị đã chia sẻ, để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nếu thật sự muốn chọn Nhật Bản là điểm đến tiếp theo.
Bài đăng báo Nhật khi giành giải nhất tại một cuộc thi hát
ULIS là nơi bắt đầu
Chia sẻ về thời gian học tập tại ULIS, chị Dương Linh cho biết trải nghiệm đầu tiên mình học được đó là “TÂM”. Làm gì cũng phải có tâm, có nhiệt, và đã làm là làm đến cùng. Tiếp đến là kỹ năng làm việc nhóm, làm thế nào để dung hòa các cá thể vào một tập thể, làm thế nào để vừa lắng nghe ý kiến của người khác mà vẫn không đánh mất mình. Với chị, đây cũng là hai phẩm chất tuyệt vời đã giúp người Nhật ghi tên thương hiệu của mình trên bản đồ thế giới.
Nhân dịp năm học mới 2019-2020, chị cũng nhắn gửi tới các bạn tân sinh viên ULIS:
Gửi các em tân sinh viên!
Chia sẻ thật lòng, thời còn là một ULISER chị không phải là một sinh viên quá nổi trội, hay xuất sắc. Chị đã từng thất bại, từng khóc rất nhiều về sự chểnh mảng của chính mình. Nhưng chị nhận ra một điều rằng, thành công của một người không phải chỉ là được vinh danh trong một khoảnh khắc nào đó, mà quan trọng là phải biết được giá trị thật sự của mình nằm ở đâu, mục tiêu của mình ở đâu và đi đến cùng với nó. Trong 4 năm tới đây, chắc chắn sẽ có những lúc các em cảm thấy chùn bước, nhưng mỗi lúc như thế hãy nghĩ lại mục đích lúc đầu “Vì sao mình thi vào trường?”, “Vì sao mình lựa chọn ngôn ngữ này?” để vượt qua nhé. 60 phút, 90 phút trên trường không bao giờ là đủ, phải chủ động học hỏi tìm kiếm thông tin ở bên ngoài vì giờ là thời đại công nghệ 4.0 rồi. Đừng e dè, nhút nhát thể hiện bản thân mình và trải nghiệm thật nhiều. 4 năm nói dài nhưng nhanh lắm! Chúc các em có 4 năm bản lề thật tốt, để từ đó bật lên những bước tiến xa hơn trong tương lai.
Theo VNU Media