Cựu học sinh CNN chia sẻ kinh nghiệm viết luận xin học bổng du học: Bạn biết bạn là ai?
Người ta hay nói, bài luận xin học bổng chính là lúc bạn đi “bán” hình ảnh của mình cho người trao học bổng. Nói vậy chẳng sai, ai cũng hiểu bạn đang đi “bán”, nhưng bạn “bán” như thế nào để đạt được thành công? Đó lại là lúc bạn cần phải bình tâm suy nghĩ và đưa ra chiến lược đúng đắn.
1. Hãy lựa chọn ngành bạn muốn học và viết bài luận với cả trái tim chân thành nhất
Cấp 3, mình không đi học hay luyện ở lớp dạy làm hồ sơ du học hay xin học bổng nào cả, nên thực sự khi bắt đầu viết luận cảm giác cực kì “lạc hướng”. Bài luận mình viết ra lần đầu tiên, gửi đi cho đại học Nagoya (Nhật Bản), trong đúng chuyên ngành Kinh tế mà mình thực sự không có cảm hứng.
Khi mình ép buộc bản thân viết cho xong chặng đường tương lai mà mình không hề yêu thích hay nghĩ đến và khi nhận được kết quả trượt, mình mỉm cười và nhận ra bản thân chưa đủ sự đam mê, chân thành trong đó.
Cảm giác nhiệt huyết bạn dành cho ngành nghề bạn chọn sẽ cho bạn cảm hứng để viết ra được một bài luận mà bạn sẽ thực sự yêu nó, quyết tâm và muốn bán nó đi thật thành công thay vì làm lấy lệ. Giống như, bạn yêu anh A bằng cả trái tim, nhưng lại cứ phải đi tìm điểm tốt ở anh B để yêu và cưới vì bạn bị hứa hôn vậy đó.
Khi bạn lựa chọn ngành bạn được khuyên nên học, để viết được một bài luận thành công, bạn sẽ phải dành thời gian rất nhiều thời gian để tìm hiểu kĩ và sâu về ngành học đó.
Bài luận bạn viết cần trực tiếp/gián tiếp thể hiện được con đường, đam mê, dự định tương lai sau khi đã học được ở ngành và trường đó, nên nếu bạn không hiểu, bạn sẽ rất dễ viết ra một bài luận “treo đầu đam mê” “bán đầu ép buộc”.
Người đọc luận rất tinh ý, bạn có thực sự hiểu về ngành, về trường, về mong muốn của chính mình không, chỉ cần đọc qua giọng văn và câu chữ sẽ đủ để hiểu và đánh giá.
2. Tìm hiểu chính bản thân mình
Sau khi đã chọn được ngành/ trường mà bạn có đam mê, nhiệt huyết và hiểu biết nhất định, hãy chuyển sang chế độ (2) Tìm hiểu chính bản thân mình.
Bài luận đầu tiên mình viết cho Yonsei, mình đã nhờ một cô giáo trường mình xem và cô đánh giá cực thấp, vì mình đã tạo nên một con người không giống con người mình chút nào. Mình sa đà vào kể về những thành công mình đã đạt được, mà không có cách viết thật phù hợp, hiệu quả để “Khoe như không khoe”.
Tiếp xúc với mình, cô cảm nhận được tính cách và góc nhìn của mình ra sao. Nhưng bài luận của mình thì khác, đọc nó, mình đơn thuần là kể một câu chuyện toàn những ánh hào quang để nâng những giá trị bản thân có, trong khi quên mất rằng, chính cách mình kể, mình chọn lọc từ ngữ, câu văn, cách dựng bài truyền đạt câu chuyện là cách mình cho người đọc biết “Mình là ai?”.
Bởi vậy, trước khi viết, hãy xác định những giá trị tính cách gì bạn muốn truyền tải đến người đọc. Người nhận bạn vào trường, trao cho bạn học bổng, không hề quen biết bạn từ trước. Họ chỉ biết bạn qua những gì bạn gửi đến cho họ. Nên hãy chắt lọc và lựa chọn hình ảnh bạn muốn truyền tải tới họ nhất.
Ví dụ, bạn tái hiện hình ảnh của “Một cô học sinh dù gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, nhưng vẫn luôn không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, không bỏ cuộc”, hay hình ảnh của “Một chàng trai bị ném cho một dự án không đầu không đuôi và bị đặt dưới áp lực cần phải làm tốt, rồi vẫn vượt qua thành công”. Xác định được hình ảnh bạn muốn truyền tải, bạn sẽ đến với bước tiếp theo.
3. Lựa chọn cách thức truyền tải
Cách thức truyền tải là như thế nào? Khi bạn lựa chọn được những điểm nhấn của bản thân để truyền tải, bạn sẽ bắt đầu lựa chọn cách bạn dựng bố cục bài viết và diễn đạt nó. Sau khi bị vần với bài luận “lạc hướng” gửi cho Đại học Yonsei, mình đã học cách xác định được hình ảnh bản thân muốn truyền tải và qua từng câu chữ mình đều chắt lọc để đưa được đến hình ảnh đó.
Thời điểm mình gửi bài luận cho Đại học Quốc tế Tokyo (TIU), mình dành 4 ngày viết bài luận. Dù góc khắc họa của TIU và Yonsei của mình tương đối khác nhau (vì yêu cầu của hai trường khác nhau), nhưng với bài học kinh nghiệm ở Đại học Yonsei, mình nhanh chóng hơn trong việc lựa chọn Đường dây liên kết để truyền tải hình ảnh bản thân mình.
Hình ảnh truyền tải: “Một cô học sinh dù gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, nhưng vẫn luôn không ngừng nỗ lực, học hỏi từ những trở ngại, vượt qua khó khăn, không bỏ cuộc vươn tới thành công”
–> Cách thức mình chọn? Keyword (Từ khóa): Experience (trải nghiệm).
Mình nhấn mạnh vào mỗi khó khăn – thất bại hay thành công trong cuộc sống, dù là niềm vui hay nỗi buồn, đều trở thành những bài học quý giá và là động lực để mình tiếp tục cố gắng trong cuộc sống. Mình lớn lên trong hoàn cảnh cấp 1 xa bố, cấp 2 chuyển lên học và sống tại Hà Nội với nhiều những câu chuyện phân biệt “Hà Nội” – tỉnh lẻ, chuyển từ dân chuyên Toán sang chuyên Anh trong 1,5 năm từ đứa không biết idiom (thành ngữ) là gì đến khi vào học chuyên Anh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Mình đã khắc họa 18 năm sống trên đời của mình với cả “núi” phong ba – trở ngại và quật cường đối mặt.
Thực ra nếu kể ra, những khó khăn của mình, không phải quá đặc biệt so với nhiều bạn, nhưng mình nghĩ cách mình liên tiếp kể đối lập giữa những khó khăn cuộc đời đặt ra và những cách mình bình tĩnh đối mặt giúp mình nổi bật lên được hình ảnh mình muốn truyền tải.
Có một số bài viết luận khác đã từng được khen rất nhiều: câu chuyện nhà sư xin học bổng, chuyện tên khó đọc thành động lực học, chuyện lấy hình ảnh bạo lực gia đình làm cầu nối nói lên ước mơ… Mình nghĩ bạn nên tìm được một điểm nhấn, một hình ảnh ấn tượng nào đó, để dựng lên bài luận có dấu ấn và dễ ghi nhớ, vì một người phải đọc rất nhiều bài luận, vậy làm sao họ nhớ đến bạn nếu bạn trôi tuột đi như “nước đổ lá khoai”?
Bởi vậy, hãy tìm ra đường dây liên kết phù hợp với hình ảnh bạn muốn truyền tải và phù hợp với văn phong, cách lập luận và con đường tương lai bạn muốn đi nhất nhé.
4. Hãy nghe đánh giá của người khác
Sau khi viết ra bài luận, nếu có thể hãy lắng nghe thêm ý kiến của thầy cô, bạn bè, anh chị đi trước, để có nhiều góc nhìn – đánh giá, giúp bạn sửa bài luận và hoàn thiện nó tốt nhất. Có thể là cách dùng từ, có thể là cách lập câu. Nhiều khi bạn truyền tải theo cách A, nhưng khi người đọc đọc lại hiểu theo hướng B. Như vậy nghĩa là bạn đã bán thất bại rồi.
Do đó, hãy lắng nghe đánh giá để sửa lại bài luận nếu cần và bảo vệ quan điểm của mình nếu thực sự có đủ cơ sở để chứng minh con đường mình chọn trong việc phát triển bài luận là đúng.
Trên đây là một số kinh nghiệm và bài học đau thương mà mình đã trải qua nhưng mong rằng những gợi ý từ trải nghiệm và bài học cá nhân của mình sẽ giúp bạn có tham khảo để đưa ra một bài luận tốt nhé.