Cô Lê Thị Việt Hà và những quan điểm thú vị về nghiên cứu khoa học
Trở thành giảng viên không phải lựa chọn đầu tiên nhưng lại là quyết định mà Tiến sĩ Lê Thị Việt Hà cảm thấy đúng đắn nhất trong sự nghiệp của mình. Ngoài những lúc dạy học, cô giáo trẻ 8x cũng dành không ít thời gian tâm huyết cho việc nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm khoa học chất lượng.
Bước ngoặt cuộc đời
Cô Lê Thị Việt Hà tốt nghiệp ngành Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN). Tuy nhiên, sau khi quyết định học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ và sang Hàn Quốc, cô gái Hà Nội đã rẽ lối sang một hướng đi hoàn toàn khác so với các đồng nghiệp và bạn bè, đó là chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
“Xuất phát điểm của mình là về Ngôn ngữ và Văn hóa, thế nhưng khi học cao lên thì mình đã chọn một con đường khác khá là chông gai và không phải thế mạnh của dân ngôn ngữ. Nhưng vì có đam mê với kinh doanh nên mình đã quyết định sang Hàn Quốc và theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kookmin.”, cô cho biết.
Về cơ duyên trở thành một giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ, cô Hà tâm sự: “Trong 4 năm làm nghiên cứu sinh của trường Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, mình đã có thời gian làm giảng viên thỉnh giảng ở ULIS. Sau đó, mình đã nhận ra rằng bản thân cũng có khả năng về sư phạm, cũng như khả năng nghiên cứu. Từ suy nghĩ đó, mình đã quyết định làm giảng viên cơ hữu, chính thức đầu quân cho một trường Đại học.
Mình đến với ULIS tất cả bởi chữ Duyên và tin rằng cuộc đời này không có gì là vô tình, tất cả đều là sự sắp đặt của số phận. Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm của nó. Với mình, ULIS là một môi trường năng động, sáng tạo, đầy sắc màu văn hoá và rất nhân văn.”
Sự tận tâm trong nghiên cứu và giảng dạy
Từ khi trở thành giảng viên, cô Lê Thị Việt Hà đã có ý thức về tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Trong một vài năm gần đây, điều đó gần như trở thành đam mê và động lực phấn đấu của nữ tiến sĩ trẻ.
Từ năm 2021 đến nay, cô Lê Thị Việt Hà đã có 11 bài báo về Kinh tế và Quản trị kinh doanh trên các tạp chí chuyên ngành được hội đồng giáo sư Nhà nước đánh giá cao và trình bày tại các hội thảo Quốc tế uy tín.
Tháng 4 vừa rồi, cô đã xuất bản một cuốn sách Chuyên khảo “Hàn Quốc – Con đường đi tới thịnh vượng”. Đây là cuốn sách thứ ba Cô cho ra mắt trong vòng 3 năm chính thức “đầu quân” cho ULIS. Hai công trình trước đó là: sách chuyên khảo “Văn hóa doanh nhân Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam”; giáo trình “Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc”.
Cũng trong năm nay, cô Hà đã nhận được giấy khen “Thành viên tích cực” từ Giám đốc dự án nghiên cứu AKS Hàn Quốc, và Bộ môn Hàn Quốc học của cô được Bộ trưởng Bộ giáo dục trao tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
Trong quá trình giảng dạy, cô đã khơi nguồn cảm hứng cho các bạn sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc lựa chọn nghiên cứu các đề tài xoay quanh lĩnh vực kinh tế – kinh doanh như Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, khởi nghiệp,… Các bạn đã được tiếp thu thêm rất nhiều kiến thức cụ thể, thực tế thông qua các buổi chia sẻ, tọa đàm mà cô đã tự mình mời các diễn giả là các CEO của Việt Nam và Hàn Quốc. Đặc biệt, các khách mời của cô có khá nhiều người ban đầu không có chuyên môn về kinh doanh nhưng sau đó, họ đã biết tự mình thay đổi để dấn thân, bắt đầu đi trên con đường mới của họ. Qua đó, cô Việt Hà muốn nói với các bạn sinh viên ULIS rằng. “Khi mình học ngôn ngữ, các bạn đừng tự ti là mình không thể bước đến con đường kinh doanh hay nghiên cứu về kinh doanh, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu xây dựng từ con số không như rất nhiều cá nhân tiêu biểu đã từng.”
Song song với việc giảng dạy, Cô Hà cũng rất tích cực tham gia các hoạt động gắn kết với các doanh nghiệp như: làm giám khảo của một số cuộc thi khởi nghiệp, làm giám khảo trong các chương trình đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp, tiêu biểu như cuộc thi “Thư ký tài năng” của Tập đoàn Đèo Cả.
Cô cho rằng, là một giảng viên dạy về Văn hoá kinh doanh thì việc giữ gìn mối quan hệ với các doanh nghiệp cần được đặt lên ưu tiên. Bởi vì giáo viên và sinh viên luôn cần được cập nhật lượng tri thức thay đổi không ngừng, mặt khác, doanh nghiệp có thể thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua chia sẻ tri thức. Cụ thể, về phía doanh nghiệp, việc làm từ thiện không chỉ là trao tặng về mặt tài chính mà còn có thể là từ thiện tri thức, tức là tri thức của người này có thể biến thành tài sản của người khác.
Cô Việt Hà cùng cuốn sách “Văn hóa doanh nhân Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam”
Những quan điểm về nghiên cứu khoa học
Nói về suy nghĩ của về việc nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Tiến sĩ Lê Thị Việt Hà nhận thấy đã có nhiều đổi mới rất tích cực. Một trong số những điểm cô đánh giá cao là việc Nhà trường cho phép sinh viên năm cuối viết khóa luận tốt nghiệp theo hướng có thể tiếp cận đến nhiều chủ đề và không chỉ gói gọn trong các vấn đề liên quan ngành Ngôn ngữ – Văn hóa. Điều này đã tạo cho sinh viên trường rất nhiều cơ hội để tự do phát triển năng lực, cũng như có thể thực hiện nghiên cứu về đề tài mình yêu thích, quan tâm.
“Đó là một trong những quyết định táo bạo của trường mình khi sinh viên ngành Ngôn ngữ không chỉ được lựa chọn những chủ đề họ được học ở trường mà còn được thử sức với những lĩnh vực mà xã hội đang cần. Mình nghĩ rằng đây là một hướng đi, một hướng phát triển khoa học rất hay và đúng đắn của Nhà trường. Bởi vì để đào tạo sinh viên ra trường thì phải xem đầu ra của sinh viên có đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các bạn không nhất thiết phải tìm các công việc bó buộc liên quan đến khối ngành ngôn ngữ mà có thể dấn thân vào các ngành khác phù hợp hơn với nhu cầu xã hội, mà có thể dùng lợi thế ngoại ngữ để bổ trợ”, cô Hà chia sẻ.
Với kinh nghiệm viết 20 bài báo chuyên ngành thành công trong năm 2020-2022, cô Hà đã chia sẻ về một số cách để viết được một bài nghiên cứu khoa học tốt. Bước đầu tiên chính là các bạn phải có những “chiến lược riêng” và sẵn sàng chọn đi một con đường khác biệt. Ưu điểm của dấn thân vào những lĩnh vực mới là tính cạnh tranh sẽ ít hơn. Thứ hai, là xác định các đề tài nghiên cứu có liên quan đến mục tiêu, tương lai của bản thân. Từ đó, bài nghiên cứu khoa học ấy mới có thể trở thành một thành tựu, một bước tiến quan trọng cho con đường của các bạn sau này.
Đặc biệt về phương pháp nghiên cứu, cô có lời khuyên rằng người nghiên cứu nên chú ý về phương pháp định lượng, không nên đi theo lối mòn là “tầm chương trích cú”, hoặc thống kê bằng excel rồi mô tả đơn giản. Ở đây, nghiên cứu định lượng có thể hiểu là phương pháp điều tra thực nghiệm có hệ thống về các hiện tượng quan sát được qua số liệu thống kê, toán học hoặc kỹ thuật vi tính. Đồng thời, các bạn cũng cần tìm hiểu và nắm chắc các kiến thức tư duy logic, toán học thống kê. Bởi vì để có được một bài nghiên cứu thành công ngay cả khi các bạn làm về đề tài Ngôn ngữ, thì phương pháp nghiên cứu định lượng vẫn sẽ là một hướng đi khác biệt cho bạn, và cũng là điểm nhấn để tăng tính thuyết phục cho bài nghiên cứu. Hiện nay, trên những kênh như Google Scholar hay các tạp chí uy tín của SCOPUS, ISI, chúng ta có thể thấy rất nhiều bài nghiên cứu về lĩnh vực Khoa học xã hội có sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Các bạn sinh viên nên cập nhật xu hướng nghiên cứu của các học giả quốc tế như vậy.
Là một người có mong muốn đóng góp hết mình cho công tác xã hội và truyền tải kiến thức của mình tới các bạn trẻ, hiện cô Hà đang là Đồng sáng lập (Co-Founder) của SCOPUSIAN – Tổ Chức Phi Lợi Nhuận Của Giới Trẻ Việt Nam Về Nghiên Cứu Khoa Học, https://scopusian.com. Qua trải nghiệm khi cố vấn cho các bạn trẻ ở trong dự án, đa phần nằm ở trong độ tuổi từ cấp ba đến Đại học, cô Hà thấy rằng năng lực ngoại ngữ tốt các bạn trẻ thời nay chính là một thế mạnh trong việc tổng hợp các tài liệu sử dụng tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, độ tuổi cũng không phải là tảng đá cản đường đối với những bạn có niềm đam mê trong việc nghiên cứu, chỉ cần các bạn có lòng nhiệt huyết đối việc nghiên cứu thì ở mọi lứa tuổi các bạn đều có thể làm được. Vậy nên các bạn sinh viên đừng băn khoăn là nên làm nghiên cứu khoa học từ năm nhất hay năm ba.
Người ta thường nói rằng làm nghiên cứu khoa học thì sẽ tẻ nhạt và nghèo, nhưng đối với quan điểm này, cô Hà lại có một cái nhìn hoàn toàn trái ngược. Cô chia sẻ rằng: “Chúng ta có rất nhiều cách kiếm tiền thông qua việc nghiên cứu và lĩnh vực nghiên cứu giờ đây cũng không hề khô khan mà nó đang đi theo nhu cầu xã hội. Chẳng hạn, ngày trước người ta thường nghĩ Marketing chỉ dành cho những người “chân chạy” hay “mồm mép” nhưng những bạn có lối sống nội tâm cũng có thể là trong mảng nghiên cứu thị trường – một bộ phận rất quan trọng của Marketing. Hoặc, rất nhiều người có một mặc định khác là những nhà nghiên cứu thường khó tính, khô khan nhưng giờ đây có rất nhiều nhà nghiên cứu không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất thời trang và phong cách. Như vậy, khi biết “thoát vai”, cân đối giữa công việc và đời sống thì mọi thứ quanh ta sẽ trở nên rất thú vị. Ngoài ra, mình cũng đã chứng kiến rất nhiều bạn sinh viên có thể kiếm tiền từ việc làm nghiên cứu như: thu thập số liệu, làm khảo sát, chạy định lượng, phân tích dữ liệu…”. Như vậy, chuyện tẻ nhạt hay nghèo về nghiên cứu khoa học có thể là do bạn đang đi không đúng hướng xã hội cần.
Với tình yêu với nghiên cứu khoa học và giảng dạy như vậy, chắc chắn Tiến sĩ Lê Thị Việt Hà sẽ còn “truyền lửa” cho nhiều thế hệ sinh viên hơn nữa trong tương lai.
Như Ngọc – Lệ Thủy