Cô gái dân tộc Mông đem lửa yêu thương đến với bản làng
Xuất phát từ mong muốn làm điều gì đó cho quê hương, cô sinh viên dân tộc Mông Lồ Thị Sáy đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho bản làng của mình.
Lồ Thị Sáy hiện là sinh viên năm 4 trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Là một cô gái dân tộc Mông, Sáy sinh ra và lớn lên ở bản Hàng, xã Hoàng Liên, thị xã Sapa (Lào Cai) trong một gia đình làm nông. Theo lời kể của Sáy, ba của cô là một người có tuổi thơ cực khổ nhưng ông lại có một tình thương lớn đối với những người nghèo xung quanh. Chính điều này đã ảnh hưởng đến cô rất nhiều.
Khi trưởng thành, cô nhận thức bản thân mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác trong thôn khi Sáy có một gia đình đầy đủ, ba mẹ yêu thương và nuôi nấng các chị em của cô trưởng thành. Thế rồi, Sáy nghĩ bản thân cần làm gì đó cho quê hương, cho những người dân nghèo ở bản làng của mình.
Năm 2017, một mình xuống Hà Nội học đại học, thế nhưng lòng Sáy vẫn không thôi nhớ về quê hương và nung nấu ý định sẽ làm nhiều việc có ích cho quê hương mình. Sau đó, Sáy dần dần tham gia các câu lạc bộ tình nguyện. Đến năm thứ 3 đại học, Sáy bén duyên với CLB người Mông tại Hà Nội. Vốn là cô gái năng động, hiểu biết và chan hoà, Sáy được các thành viên trong CLB tín nhiệm và bầu là chủ nhiệm.
Đây có thể coi là một cơ hội tốt để Sáy thực hiện những kế hoạch mà mình ấp ủ từ lâu. Từ đó, Sáy kết nối với nhiều tổ chức, câu lạc bộ khác để thực hiện những chương trình như “Đông ấm”, “Mùa hè xanh”… nhằm giúp đỡ những người nghèo, trẻ em dân tộc, đồng bào thiểu số vùng sâu vùng xa một phần nào đó.
Hay với mong muốn lan toả những vẻ đẹp, bản sắc của quê hương, dân tộc, Sáy đã cùng nhiều người dân tộc Mông khác đã tổ chức thành công chương trình “Tết Mông xuống phố”… vào hàng năm tại Hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và thu hút hàng nghìn người đến tham dự.
Không những thế, mỗi dịp nghỉ hè, trở về quê, Sáy còn tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ trong thôn. Ban đầu lớp chỉ có những trẻ em trong bản, sau đó, mọi người kéo nhau đến học ngày càng đông, trong đó có cả người lớn. Số lượng lên đến 100 người, Sáy phải chia làm 2 lớp và sắp xếp các buổi khác nhau để tất cả mọi người có thể học được đầy đủ.
Ngoài việc dạy học miễn phí, Sáy còn tổ chức các hoạt động, chương trình, nghệ thuật cộng đồng ý nghĩa nhằm lan toả những giá trị tốt đẹp, tuyên truyền thông điệp nhân văn, nâng cao nhận thức cho người dân trong bản như xây dựng các vở kịch bằng tiếng dân tộc với chủ đề về xã hội, thời sự hay tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, cùng mọi người nhặt rác, vệ sinh môi trường…
Qua những hoạt động của mình, Lồ Thị Sáy mong muốn bản thân sẽ làm gương cho những em nhỏ trong làng và phần nào, truyền cảm hứng cho các bậc làm cha làm mẹ để họ tích cực cho các con đến trường.
Chia sẻ với Lao Động, anh Lồ A Ềnh, Phó Bí thư Chi đoàn xã Hoàng Liên cho biết: “Xuất phát từ tình yêu, Lồ Thị Sáy hiểu rõ quê hương của mình, từ đó, Lồ Thị Sáy có những đóng góp tích cực, xây dựng nhiều chương trình ý nghĩa cho quê hương. Lồ Thị Sáy nhận được nhiều tình cảm từ người dân và chính quyền xã Hoàng Liên. Chúng tôi mong rằng, sẽ có nhiều người bạn trẻ yêu quê hương và có những việc làm có ý nghĩa cho bản làng như Sáy”.