Chương trình tiếng Anh tăng cường với giáo viên bản ngữ: Từ trau dồi ngoại ngữ đến phát triển kỹ năng mềm
Với đặc thù là Ngoại ngữ chuyên có số lượng học sinh đông đảo nhất trong số 7 môn ngoại ngữ đang được giảng dạy, môn Tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ luôn được đầu tư về mọi mặt. Trong những năm qua, Nhà trường tích cực đổi mới từ chương trình giảng dạy, giáo trình, hình thức kiểm tra-đánh giá đến công tác bồi dưỡng chuyên môn định kỳ cho giáo viên Tiếng Anh để thường xuyên cập nhật nội dung và phương pháp giảng dạy hiện đại.
Không chỉ dừng lại ở đó, để đáp ứng năng lực và nhu cầu học ngoại ngữ theo hướng “chuẩn hóa” và “hội nhập” của học sinh chuyên Tiếng Anh, từ năm học 2015-2016 Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ đã chính thức đưa vào chương trình đào tạo các tiết Tiếng Anh tăng cường với giáo viên bản xứ dành cho học sinh khối 10 và khối 11. Với tinh thần cầu thị, nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và phát triển, năm học 2017-2018 là năm thứ ba chương trình Tiếng Anh tăng cường được triển khai và đã gặt hái được những thành công nhất định.
Từ trái sang: cô Cayleigh May Forbes (người Anh) – cô Danielle McGregor (người Mỹ) – cô Amber Marie Wilson (người Mỹ) – thầy Alexander Pike (người Mỹ)
Cuối năm học 2016 – 2017, Nhà trường đã tổ chức khảo sát và lấy ý kiến phản hồi của học sinh đối với việc dạy và học môn ngoại ngữ. Kết quả khảo sát cho thấy: chương trình Tiếng Anh Tăng cường với giáo viên bản ngữ đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía học sinh và sự ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh. Khi tham gia khảo sát, các em học sinh không chỉ xác nhận những tiến bộ của bản thân trong quá trình học tập, mà còn đưa ra những đề xuất đóng góp mang tính xây dựng để chương trình tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa.
Theo mô hình học ngoại ngữ hiện đại – “lấy người học là trung tâm” thay vì “lấy người dạy là trung tâm” – hình thức dạy học dự án (project-based learning) là một trong những phương pháp được các thầy cô người bản xứ sử dụng để tập trung khai thác và kích thích tính sáng tạo và năng lực ngoại ngữ của học sinh:
Em Lê Thuỷ Tiên (lớp 11K) hào hứng chia sẻ về dự án thiết kế website giải quyết các vấn đề về giáo dục của nhóm mình: “Xuất phát từ những khó khăn trong việc học thường ngày, chúng em quyết định suy nghĩ về vấn đề này một cách tổng quan hơn, và từ đó ý tưởng về một website giải quyết các vấn đề về giáo dục đã được hình thành. Cả nhóm đều rất hứng thú với đề tài này và đã đầu tư nhiều tâm sức cho nó”. Thông qua dự án này, các bạn học sinh lớp 11K đã có cơ hội chủ động tìm hiểu về một vấn đề nóng của xã hội và mang đến một cái nhìn đầy tính phản biện.
Em Chu Mai Thi (lớp 10I) cảm thấy mình đã học được rất nhiều từ lớp học với giáo viên bản xứ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và sự tự tin. Em cho biết, trên thực tế, các em hầu như không có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, do đó việc được gặp gỡ, trao đổi và học tập thường xuyên 2 tiết/ tuần cùng các thầy cô bản xứ đã góp phần tích cực trong việc tạo động lực giao tiếp và nâng cao phản xạ khi các em gặp người nước ngoài. Bên cạnh đó, em Mai Thi cũng bày tỏ mong muốn phần tìm hiểu về văn hóa các nước nói tiếng Anh sẽ được lồng ghép thêm nhiều hơn nữa trong chương trình chính khóa, bên cạnh việc học ngoại ngữ theo kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết. Có thể nói các thầy cô người bản xứ chính là “kho tàng sống” giúp các em tìm hiểu thêm về văn hóa các nước nói tiếng Anh – một phần vô cùng thú vị và thiết yếu trong việc học ngoại ngữ.
Những thành công bước đầu này được gây dựng bởi sự đầu tư về thời gian và công sức của nhà trường để nghiên cứu phát triển một khung chương trình có thể khai thác hết những điểm mạnh của giáo viên bản xứ, và từ đó phục vụ lợi ích học tập của học sinh. Các hoạt động mũi nhọn của chương trình bao gồm thuyết trình, tranh biện (dành cho khối 10) và kiến thức văn hóa các nước nói tiếng Anh, các nội dung viết sáng tạo và nâng cao như viết bài luận theo dạng thức yêu cầu của hồ sơ du học, viết luận và miêu tả bảng biểu theo định dạng bài thi IELTS, viết tự do, … (dành cho khối 11). Chính sự lồng ghép giữa việc sử dụng ngoại ngữ với những hoạt động thực tiễn này vừa mang đến một lớp học ngoại ngữ năng động, sáng tạo và hữu ích; vừa giúp tận dụng nguồn nhân lực là giáo viên bản xứ. Họ không chỉ là những người trực tiếp sử dụng ngôn ngữ Anh là ‘ngôn ngữ mẹ đẻ’, mà còn là những giáo viên được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ, với kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia và môi trường khác nhau trước khi đến Việt Nam. Chính nhờ trình độ và trải nghiệm phong phú như vậy, các giáo viên bản xứ có thể mang đến cái nhìn khách quan, đa chiều, đa văn hoá và một lăng kính hoàn toàn mới đến với học sinh Chuyên Ngoại Ngữ.Nhờ đó mà quá trình giảng dạy – truyền đạt kiến thức và tổ chức hoạt động cũng như quá trình kiểm tra đánh giá – thông qua các dự án cuối khoá đều được diễn ra hết sức hiệu quả.
Một số hình ảnh về hoạt động của lớp học:
Lớp học kỹ năng thuyết trình của cô Cayleigh May Forbes (người Anh)
Cô Danielle MCGregor (người Mỹ) tổ chức trò chơi “Truy tìm hung thủ” nhân dịp Halloween
Cô Danielle MCGregor hướng dẫn học sinh làm việc nhóm
Bày tỏ quan điểm về việc gian lận trong thi cử trong lớp của cô Cayleigh May Forbes
Với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện về cả kiến thức và kỹ năng cũng như bồi đắp niềm yêu thích của học sinh đối với bộ môn Tiếng Anh, Nhà trường hi vọng chương trình Ngoại Ngữ tăng cường sẽ ngày càng phát triển để có thể phát huy năng lực của học sinh Chuyên Ngoại Ngữ, tạo tiền đề để học sinh Chuyên Ngoại Ngữ tự tin bước ra thế giới.