Chung kết Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ V–Tỏa sáng tình yêu văn chương và tài năng học sinh Chuyên Ngoại ngữ
Tối ngày 23/3/2024, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo – Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ Xã hội – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức thành công Đêm Chung kết Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ V. Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan thông tấn báo chí, các Đại sứ quán, các tổ chức trong và ngoài nước, tập thể cán bộ giáo viên, các bậc cha mẹ học sinh và gần 2000 học sinh của Trường.
Là một phương pháp học tập có tuổi đời 22 năm, đã trở thành “đặc sản” của học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trả tác phẩm cho học sinh đã giúp bao thế hệ học sinh Chuyên Ngoại ngữ khai phá tiềm năng văn học và nghệ thuật, hòa mình và sống cùng thế giới văn chương đầy sinh động, hấp dẫn. Năm năm một lần, các học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ lại háo hức chờ đón chương trình Sân khấu hóa tác phẩm văn học để được thăng hoa và tỏa sáng trong tình yêu văn chương và sân khấu. Trong bối cảnh thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, khi sân khấu hóa các tác phẩm văn học trở thành một nội dung học tập chuyên đề Ngữ văn của học sinh cả nước, Chương trình Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ V của Tổ Xã hội – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ lại càng nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh và cả xã hội.
Sân khấu Đêm chung kết Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần V
Đêm chung kết Sân khấu hóa các tác phẩm văn học lần V vinh dự chào đón nhiều vị đại biểu, khách quý. Về phía Trung ương, có sự hiện diện của ông Nguyễn Duy Hưng – Phó trưởng ban kinh tế Trung ương. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, có sự hiện diện của TS. Đỗ Tuấn Minh – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường, TS. Lâm Quang Đông, TS. Hà Lê Kim Anh, TS. Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng, TS.Nguyễn Lân Trung – Nguyên Phó Bí thư Đảng Uỷ, nguyên Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch mạng lưới cựu người học. Về phía Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, có sự hiện diện của TS. Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng; TS. Lại Thị Phương Thảo – Bí thư Chi bộ – Phó Hiệu trưởng, TS. Đỗ Thị Ngọc Chi – Phó Hiệu trưởng; TS. Lê Thị Chính – Nguyên Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Quang Trung – Nguyên Tổ trưởng Tổ Xã hội – Cha đẻ của phương pháp học văn Trả tác phẩm cho học sinh, bà Vũ Mai Dung – Trưởng ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh Trường, các Trưởng ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh các khóa 53, 54 và 55 của Trường. Đến với đêm chung kết còn có đại diện của các nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm CVI – Nhãn hàng Decumar, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Du học & Dịch thuật Đức Anh, Công ty Cổ phần Giáo dục American Study, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Cầu Giấy, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Mạch Anh, Công ty Cổ phần Bất động sản Tuấn 123 Miền Bắc, Trường Đại học Quốc tế RMIT, Trung tâm Đào tạo – Giáo dục Chí Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Giáo dục HAS, Công ty Cổ phần đào tạo và tuyển sinh Phương Huy – Trung tâm bồi dưỡng kiến thức – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Công ty tư vấn du học ATS, Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam – Hà Nội (Vietnamtourism – Hanoi)… Nhiều cơ quan thông tấn báo chí cũng đến đưa tin về sự kiện: Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Dân trí, Báo Điện tử Vietnamnet, Báo VnExpress Báo Giáo dục và thời đại…
Đồng hành với 14 tiết mục tại Đêm Chung kết Sân khấu hóa phẩm văn học lần thứ V là những vị giám khảo uy tín: NSND Xuân Bắc – Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam; Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh – tác giả truyện ngắn Người ở bến sông Châu trong chương trình Ngữ văn mới, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ Văn – Tổng Chủ biên SGK Ngữ văn bộ Cánh Diều, TS. Đỗ Thị Ngọc Chi – Hiệu phó Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Ths. Lê Thị Thanh Hà – Tổ trưởng Tổ Xã hội – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Những vị giám khảo “quyền lực” của chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Đỗ Thị Ngọc Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Trưởng ban tổ chức chương trình khẳng định hướng đi tiên phong, đúng đắn của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ từ cách đây 22 năm với phương pháp học văn mang tên Trả tác phẩm cho học sinh, bày tỏ sự tri ân với TS. Nguyễn Quang Trung – Nguyên Tổ trưởng Tổ Xã hội – Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Cha đẻ của phương pháp, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình Sân khấu hóa tác phẩm văn học trong bối cảnh thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thay mặt cho Ban lãnh đạo Nhà trường, TS. Đỗ Tuấn Minh – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại ngữ, TS. Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ phụ trách hai trường phổ thông, TS. Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tặng hoa và gửi thư cảm ơn các nhà tài trợ.
TS. Đỗ Thị Ngọc Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc chương trình
Ban lãnh đạo Nhà trường tặng hoa và gửi thư cảm ơn các nhà tài trợ
14 tiết mục biểu diễn trong Đêm Chung kết Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ V đã đưa người xem đi qua biết bao cung bậc cảm xúc. Mở đầu với bản hùng ca Cáo bình Ngô của tập thể 11A1 làm sống lại trong kí ức tất cả mọi người về một giai đoạn lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, khán giả được dẫn đi qua Hà Nội băm sáu phố phường trong những trang văn của Thạch Lam qua những điệu rap trẻ trung, câu hát sâu lắng mà hồn nhiên của tập thể 10A8. Không khí của hội trường lắng xuống trong khoảnh khắc đau đớn mà cảm động của Tấm lòng người mẹ qua diễn xuất của tập thể 10A10, trong không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu – một nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc gắn với câu chuyện về gìn giữ di sản văn hóa tâm linh của ông cha trước sự giày xéo của bọn thực dân đô hộ trong tiết mục Bắc Lệ đền thiêng của lớp 10E. Một trong những tiết mục nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh đó là câu chuyện tình yêu thời chiến tranh, những nỗi đau của thân phận phụ nữ thời hậu chiến từ trang văn của nhà văn Sương Nguyệt Minh bước lên sân khấu qua phần dàn dựng của tập thể 11C. Chia sẻ với khán giả ngay sau phần trình diễn, Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh đã bày tỏ cảm xúc bất ngờ và hạnh phúc khi thấy các em học sinh Chuyên Ngoại ngữ sáng tạo hơn cả truyện ngắn ông viết, hay hơn cả tác phẩm của ông. “Các em giờ học Văn khác chúng tôi ngày xưa nhiều lắm. Là người sáng tác văn học, chúng tôi rất mừng và mong muốn sáng tác nhiều tác phẩm hơn nữa để đưa vào chương trình cho các em”, nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự.
Cáo bình Ngô của tập thể 11A1 gợi nhắc giai đoạn lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược
Hà Nội băm sáu phố phường trong những trang văn của Thạch Lam qua những điệu rap trẻ trung, câu hát sâu lắng mà hồn nhiên của tập thể 10A8
Khoảnh khắc đau đớn mà cảm động của Tấm lòng người mẹ qua diễn xuất của tập thể 10A10
Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu được khắc họa trong Bắc Lệ đền thiêng của lớp 10E
Nỗi đau của thân phận phụ nữ thời hậu chiến từ tác phẩm Người ở bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh bước lên sân khấu qua phần dàn dựng của tập thể 11C
Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh bày tỏ cảm xúc bất ngờ và hạnh phúc khi thấy các em học sinh Chuyên Ngoại ngữ biểu diễn
Sau phần giao lưu với nhà văn Sương Nguyệt Minh, khán giả tiếp tục đắm chìm trong không gian sân khấu lung linh sắc màu văn hóa Ấn Độ với câu chuyện về tình yêu qua thử thách càng trở nên bền chặt của nàng Xi-ta và chàng Ra-ma được tái hiện bởi tập thể 11A4; cất tiếng cười giòn giã trước trí khôn dân gian chống lại cái xấu, cái ác trong vở tuồng hài Mắc mưu Thị Hến của tập thể 10A1; day dứt trước những bi kịch tinh thần bởi những nỗi đời cay cực của các nhà văn trước Cách mạng trong tiểu phẩm Đời thừa của tập thể 11D; xót thương cho nàng Mị Châu ngây thơ, trong sáng mà vô tình khiến cả một cơ đồ đắm biển sâu trong tiết mục Mị Châu, Trọng Thủy của tập thể 10A6; cảm phục và tự hào trước tinh thần anh dũng không chịu khuất phục trước kẻ thù của Tnú và người dân buôn làng Xô-man trong tiểu phẩm Rừng xà nu của tập thể 10A5; bồi hồi rung động với mối tình ngọt ngào mà dang dở giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong tiết mục nhạc vũ kịch Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình của tập thể 10B; day dứt, ám ảnh trước tấn bi kịch của những con người bị cự tuyệt quyền làm người dưới xã hội cũ qua sự thể hiện của tập thể 11A2 với một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao – Chí Phèo.
Không gian văn hóa Ấn Độ với câu chuyện về tình yêu qua thử thách càng trở nên bền chặt của nàng Xi-ta và chàng Ra-ma được tái hiện bởi tập thể 11A4
Tiếng cười giòn giã trước trí khôn dân gian chống lại cái xấu, cái ác trong vở tuồng hài Mắc mưu Thị Hến của tập thể 10A1
Bi kịch tinh thần bởi những nỗi đời cay cực của các nhà văn trước Cách mạng trong tiểu phẩm Đời thừa của tập thể 11D
Thảm cảnh nước mất nhà tan và nỗi đau tình yêu tan vỡ trong tiết mục Mị Châu, Trọng Thủy của tập thể 10A6
Tinh thần anh dũng của Tnú và người dân buôn làng Xô-man trong tiểu phẩm Rừng xà nu của tập thể 10A5
Mối tình ngọt ngào mà dang dở giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong tiết mục nhạc vũ kịch Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình của tập thể 10B
Bi kịch của những con người bị cự tuyệt quyền làm người dưới xã hội cũ qua sự thể hiện của tập thể 11A2 với một tác phẩm kinh điển của nhà văn Nam Cao – Chí Phèo.
Đêm Chung kết khép lại trong âm thanh tiếng trống chèo và câu chuyện của nàng Thị Mầu đã “Mấy trăm năm rung chuyển những sân đình/Làm điên đảo những phông màn khép mở” qua sự thể hiện sáng tạo của tập thể 11A6 và những sắc màu văn hóa lung linh của xứ sở Ba Tư huyền thoại cùng bán đảo Arab xa xôi trong giấc mộng diệu kì Nghìn lẻ một đêm của tập thể 11B.
Thị Mầu đã Mấy trăm năm rung chuyển những sân đình/Làm điên đảo những phông màn khép mở qua sự thể hiện sáng tạo của tập thể 11A6
Nàng Sheherazade – người đã ươm mầm tình yêu nơi trái tim cằn cỗi của bạo chúa Shahriyar bước ra từ giấc mộng Nghìn lẻ một đêm trong vũ điệu bellydance của tập thể 11B
Xen giữa các tiết mục sáng tạo của các em học sinh là màn hát chèo Đào liễu tài hoa của cô giáo Lê Thị Thanh Hà – Tổ trưởng tổ Xã hội trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Sự tài năng, tâm huyết của các thầy cô giáo; sự sáng tạo, đam mê của các em học sinh chính là ấn tượng để lại mạnh mẽ trong lòng khán giả trong Đêm Chung kết Sân khấu hóa tác phẩm văn học lần thứ V của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Phút giây thăng hoa trong màn hát chèo Đào liễu tài hoa của cô giáo Lê Thị Thanh Hà – Tổ trưởng tổ Xã hội trường THPT Chuyên Ngoại ngữ
Một trong những khoảnh khắc được mong đợi nhất tại Đêm Chung kết Sân khấu hóa các tác phẩm văn học lần thứ V đó chính là phần giao lưu với Giám khảo khách mời – NSND Xuân Bắc – Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Không khí hội trường đã bùng nổ bởi sự dí dóm, hài hước của nghệ sĩ Xuân Bắc. Nghệ sĩ Xuân Bắc đã bày tỏ cảm xúc “đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác” bởi học sinh Chuyên Ngoại ngữ “quá giỏi, quá tài năng, vừa hồn nhiên, vừa chuyên nghiệp”. Với tư cách là người làm nghề sân khấu chuyên nghiệp, nghệ sĩ Xuân Bắc đã có những góp ý chân tình, những chỉ dẫn quý báu để các em học sinh Chuyên Ngoại ngữ có thể dàn dựng những tiết mục sân khấu hóa hay hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa trong tương lai. “Trách nhiệm của những người làm sân khấu như chúng tôi là làm thế nào để đưa sân khấu vào trường học nhiều hơn nữa”, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc tâm sự.
Khoảnh khắc được mong đợi nhất tại – Giao lưu với Giám khảo khách mời – NSND Xuân Bắc-Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam
BTC Chương trình chụp hình lưu niệm cùng các vị khách mời giám khảo
Đêm Chung kết Sân khấu hóa các tác phẩm văn học lần thứ V khép lại trong thành công rực rỡ. Mỗi tiết mục trong đêm Chung kết không chỉ là minh chứng cho niềm đam mê, sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết của mỗi CNNers, mà còn là lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất gửi tới các thế hệ nhà giáo, các cán bộ công nhân viên, các khóa học sinh và tất cả những con người đã cống hiến hết mình vì một mái trường Chuyên Ngoại ngữ năng động, sáng tạo, hiện đại. Những khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu chính là những hồi ức thanh xuân rực rỡ mà mỗi thế hệ học sinh Chuyên Ngoại ngữ sẽ mang theo trong suốt hành trình cuộc đời của mình. Tất cả các thế hệ học sinh Chuyên Ngoại ngữ sẽ tiếp tục thắp sáng đam mê và khát vọng để chờ đón Sân khấu hóa các tác phẩm văn học lần VI.
Tin bài: Hải Hậu – Thanh Hiền
Ảnh: Nhật Minh B54, bác Nguyễn Quốc Toàn (PHHS) và một số nguồn khác từ thầy, trò Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ