Chinh phục học bổng Chính phủ Hàn Quốc (GKS) cùng Thủ khoa – Á khoa đầu ra K-ULIS – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chinh phục học bổng Chính phủ Hàn Quốc (GKS) cùng Thủ khoa – Á khoa đầu ra K-ULIS

Cùng xuất phát điểm từ “cái nôi” Khoa NN&VH Hàn Quốc, Nguyễn Tiến Huy (Thủ khoa đầu ra Khoa Hàn QH.2019) và Nguyễn Tuấn Hoà (Á khoa đầu ra Khoa Hàn QH.2019) đều có chung tình yêu với ngôn ngữ “tròn tròn đáng yêu” của xứ sở kim chi. Nền tảng kiến thức vững chắc, cùng tư duy nhạy bén và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ, 2 chàng trai đã đạt được nhiều thành tích đáng nể, đặc biệt là học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc (GKS) cho chương trình đào tạo hệ thạc sĩ trong vòng 2 năm tới. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị của hai cựu ULISer về tình yêu và hành trình đến với Hàn Quốc nhé!

  1. Nguyễn Tiến Huy – Chàng “Thủ khoa” đặc biệt của khoa Hàn ULIS

Nguyễn Tiến Huy là sinh viên khóa QH.2019 Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và là Thủ khoa đầu ra của khoa trong đợt xét tốt nghiệp tháng 7/2023. Khi được hỏi về cơ duyên gắn bó với tiếng Hàn, cựu nam sinh Thủ đô chia sẻ về đam mê thuở bé: “Từ nhỏ mình đã thích xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc. Thời điểm ấy mình bị ấn tượng mạnh mẽ với những con chữ ‘tròn tròn xinh xinh’ trên màn hình. Vì vậy ngay từ lớp 5, mình đã quyết tâm tự tìm tòi học hỏi về thứ ngôn ngữ đáng yêu này để có một ngày viết được tên các thần tượng. Đó cũng chính là lý do mình quyết định trở thành sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc”. Qua những hồi tưởng chân thành của Tiến Huy, có thể nhận ra rằng anh chàng đã có một nền tảng tiếng Hàn khá vững chắc trước khi bước chân vào cánh cổng đại học.

Vào thời điểm cuối năm 2, Tiến Huy đỗ casting chương trình “Cùng nói tiếng Hàn” của đài VTV và trở thành thành viên chính thức của chương trình trong suốt hai mùa. Anh chàng cũng cho biết hiện tại đang đồng hành quay tiếp mùa thứ 3.

Bên cạnh việc học, đi làm, đi quay chương trình thì cựu sinh viên khoa Hàn cũng tích cực tham gia các cuộc thi lớn nhỏ liên quan đến học thuật và đều đạt được những thành tích ấn tượng. Có thể kể đến như Cuộc thi viết tiếng Hàn do trường ĐH Sungkyunkwan tổ chức, Cuộc thi nói tiếng Hàn của đài KBS World, Cuộc thi “Rung chuông vàng” ngày hội Hangeulnal năm 2022, Cuộc thi “Quiz on Korea 2023” khu vực Việt Nam của đài KBS,… Đặc biệt, với Cuộc thi viết tiếng Hàn, Tiến Huy đã xuất sắc đạt giải Nhì khu vực Đông Nam Á và trở thành một trong ba đại diện khu vực tham gia Vòng Chung kết Cuộc thi “Sungkyun Hangul Essay Contest” tại Hàn Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Huy được đặt chân đến xứ sở kim chi, được khám phá cuộc sống và văn hoá của đất nước này. Huy cho rằng “Còn sức trẻ thì còn chinh chiến, kẻo ra trường không được thi nữa thì tiếc nuối lắm”.

Tháng 6/2023, Tiến Huy có cơ hội được đại diện cho tầng lớp sinh viên Việt Nam phát biểu trước Tổng thống và Phu nhân Hàn Quốc. Đối với anh chàng, đây là cơ hội “ngàn năm có một” khi được trở thành một trong năm thanh niên tiếp đón và phát biểu trước Nguyên thủ quốc gia Hàn Quốc. Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ trong dịp quan trọng này, cựu sinh viên khoa Hàn chân thành chia sẻ: “Hôm tổng duyệt mình run đến mức đau dạ dày. Đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời mình bị đau kinh khủng như thế. Tuy nhiên may mắn là hôm gặp mặt chính thức mình lại khá tự tin, một phần vì đã quen hơn, một phần bởi khi phát biểu mình nhìn thấy Tổng thống và Phu nhân phản ứng rất tích cực”. Huy cũng chia sẻ thêm rằng bản thân anh chàng là một người khá cẩn thận và cầu toàn, vì vậy sẽ có tâm lý vô cùng lo lắng trước những việc quan trọng. Thế nhưng chỉ cần “lượng đủ thì chất sẽ thay đổi”. Để có thể tự tin “chinh chiến trên mọi mặt trận”, Huy ưu tiên rèn luyện thật nhiều, cố gắng đặt 100% nỗ lực vào công việc mình sắp làm và quan niệm rằng “thu nạp đủ input rồi thì mới cho ra ‘output’ tốt được”.

Được biết, Tiến Huy vừa đỗ học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc (GKS) cho chương trình đào tạo hệ thạc sĩ tại Trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc). “Trước đây thầy cô và bạn bè đã mấy lần đề cập với mình về việc săn học bổng du học Hàn Quốc, nhưng mình không mấy quan tâm. Mãi sau này khi kết thúc chuyến tham quan Hàn Quốc vào năm 4, mình mới thay đổi suy nghĩ của bản thân. Những trải nghiệm tuyệt vời trong một tuần ở Hàn Quốc khiến mình càng thêm yêu đất nước này và có động lực muốn quay trở lại đây. Mình muốn được tiếp tục học tập và trải nghiệm cuộc sống ở Hàn Quốc. Lúc ấy mình mới nghiêm túc suy nghĩ về quyết định săn học bổng”.

Giỏi giang là thế nhưng anh chàng Thủ khoa này cũng “chơi hệ tâm linh” không kém. Tiến Huy tâm sự, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên anh chàng làm là bật youtube lên để nghe những người có kinh nghiệm chia sẻ về việc săn học bổng du học. Theo Huy, đây là một cách “‘manifest’ để vũ trụ có thể lắng nghe và biết rằng mình đang thực sự mong muốn săn được học bổng”. Huy còn hài hước kể lại, để thêm phần hiệu quả, anh chàng đã tạo hẳn một playlist và mỗi ngày nghe chia sẻ của một người khác nhau. Thực chất, Tiến Huy đang áp dụng cách học của trẻ nhỏ, rằng ưu tiên việc nghe nhuần nhuyễn trước để bắt chước xong mới bắt tay vào làm. “Với phương pháp này, dần dần mình có thể định hình ra trong đầu là bản thân sẽ phải làm gì, tránh cảm giác hoang mang”.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, Huy tâm sự bản thân đã từng phải “đập đi xây lại” toàn bộ bài luận sau một thời gian dài nghiên cứu. Được biết, độ dài của một bài luận chỉ được tối đa 3 trang, nhưng anh chàng đã viết đến tận 4 trang giấy. Sau khi khảo sát ý kiến những người có kinh nghiệm về việc viết quá dung lượng cho phép, cựu sinh viên ULIS quyết định sửa lại toàn bộ bài trong một thời gian ngắn. “Kết quả, bài luận của mình chỉ vỏn vẹn 2 trang và mình thực sự rất tâm đắc với phiên bản mới này”

“Ngọc không mài thì không sáng, người không trải qua gian nan thì không thể trưởng thành được”

Đây là câu nói mà Tiến Huy vô cùng tâm đắc khi đọc một cuốn sách của tác giả người Hàn Quốc và cũng chính là kim chỉ nam mà anh chàng luôn đem theo bên mình mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở. Theo cựu sinh viên, tất cả những điều khó khăn xảy ra với chúng mình đều là do ông trời muốn mình thoát khỏi một kiếp nạn gì đấy. Vì vậy, anh chàng luôn cố gắng đón nhận mọi thử thách với tâm thế tích cực.

“Chẳng hạn, khi đăng kí học bổng mình cũng đã nghĩ đến trường hợp bị trượt. Lúc ấy có thể mình sẽ buồn lắm nhưng mình sẵn sàng đi theo một con đường mới: tạm gác lại ước mơ du học để có những kế hoạch mới tại Việt Nam. Đối với mình, đó cũng có thể là cơ hội để mình được trải nghiệm làm việc tại một môi trường mới, được va chạm nhiều hơn trong thị trường lao động. Mình luôn cố gắng không để bản thân quá tiêu cực trước thất bại và cũng không kiêu ngạo trước thành công”.

Hiện tại, Tiến Huy đang làm phiên dịch viên tự do. Anh chàng cũng đã từng có kinh nghiệm dồi dào trong việc dịch thuật tại nhiều hội nghị cũng như công ty uy tín. Đặc biệt, Huy từng có 3 tháng làm thực tập sinh dịch thuật tại LG Display Việt Nam. Nói về công việc phiên dịch, Huy cho biết: “Mình rất thích cảm giác được làm cầu nối giữa hai bên vì lúc đấy mình cảm thấy rằng bản thân cũng đóng góp được một phần vào sự thành công của cuộc trò chuyện” – Huy tâm sự.

“Mình chỉ muốn được tốt nghiệp thạc sĩ đúng hạn mà thôi”. Đây là lời chia sẻ đầy dí dỏm của cựu sinh viên NN&VH Hàn Quốc về dự định sắp tới.

Đặc biệt, Tiến Huy cũng có đôi lời nhắn gửi tới ULISers: “Là những sinh viên ngoại ngữ, bạn hãy học tiếng vì tương lai của mình ngay từ năm nhất. Đừng chỉ học vì thi cử mà hãy biến các kiến thức có sẵn thành của bản thân mình. Học để thi, học vẹt sẽ chỉ giúp bản thân vượt qua kiếp nạn của một bài thi, nhưng nếu không hiểu bản chất của kiến thức thì chúng mình sẽ không thể đi xa được. Vậy nên hãy cố gắng yêu ngôn ngữ mình học, quan tâm tới đất nước của ngôn ngữ đấy, cố gắng đào sâu từng tầng lớp văn hoá của quốc gia đấy để nâng cao cả tri thức về học thuật lẫn văn hoá, bởi ‘ngôn ngữ chính là văn hoá.’”

Những thành tích nổi bật của Tiến Huy:

  • TOPIK 6 (283/300) Nghe: 100/100, Viết: 83/100, Đọc: 100/100
  • GPA: 3.88/4.0 (Tốt nghiệp Thủ khoa Khoa NN&VH Hàn Quốc – ULIS 2019)
  • 12/2022~07/2024: Phiên dịch tại Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội
  • Nhận bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho danh hiệu Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
  • Đạt học bổng Chính phủ hệ thạc sĩ năm 2024 – theo học tại trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc)
  • Đạt “Học bổng ngân hàng Nonghyup” năm 2020
  • Đạt “Học bổng quỹ Pony Chung” năm 2021
  • Đạt Học bổng ngân sách 8 kỳ học trong 4 năm: 2019-2020, 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023
  • Đại diện Sinh viên phát biểu tại Tọa đàm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân Kim Keon Hee tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Giải Nhì vòng chung kết thế giới cuộc thi viết tiếng Hàn “Sungkyun Hangul Essay” lần thứ 3 năm 2023
  • Giải Nhì khu vực Đông Nam Á cuộc thi viết tiếng Hàn “Sungkyun Hangul Essay” lần thứ 8 năm 2022
  • Giải Nhất “Cuộc thi Rung Chuông Vàng ngày hội Hangeulnal 2022” dành cho sinh viên các trường Đại học khu vực miền Bắc và miền Trung.
  • Giải Nhất cuộc thi thuyết trình “Tìm hiểu về cộng đồng châu Á” năm 2020 với đề tài: “Ảnh hưởng của văn hóa giải trí Hàn Quốc và Nhật Bản đến với giới trẻ Việt Nam”
  • Giải Nhất “Cuộc thi nói tiếng Hàn toàn quốc – Cúp Đại sứ Hàn Quốc 2023” vòng loại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.
  • Giải Nhì cuộc thi “Quiz on Korea 2021 ngày hội Hangeulnal 2021” dành cho sinh viên các trường Đại học khu vực miền Bắc và miền Trung.
  • Giải Nhì cuộc thi “Quiz on Korea 2023” do Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức.
  • Giải Nhì vòng Bán kết khu vực phía Bắc “Cuộc thi nói tiếng Hàn toàn quốc – Cúp Đại sứ Hàn Quốc 2023”
  • Giải người tham gia xuất sắc “Cuộc thi nói tiếng Hàn lần thứ 8” năm 2023 do Đài truyền hình KBS World tổ chức
  • Thành viên cố định của chương trình “Cùng nói tiếng Hàn” (VTV7) mùa 1 và mùa 2.
  • Được trao giấy khen “Thực tập sinh xuất sắc LG Display” năm 2022
  1. Nguyễn Tuấn Hoà – chàng Á khoa với niềm đam mê trở thành “nhà giáo nhân dân”

Nguyễn Tuấn Hoà (hay còn được gọi là Hoà Nobita) – Á khoa đầu ra Khoa NN&VH Hàn Quốc khóa QH.2019 là một chàng trai có chất giọng duyên dáng cùng những thành tích đáng nể. Khi được hỏi về nguồn gốc của tên gọi Hoà Nobita, anh chàng tâm sự: “Thường mọi người hay bảo Nobita học dốt, vì vậy mình coi bản thân là một đứa học dốt để không ngủ quên trên chiến thắng và không ngừng cố gắng hơn mỗi ngày. Quan trọng hơn, mình rất ngưỡng mộ Nobita. Mình cảm thấy Nobita rất may mắn vì luôn có Doraemon ở bên cạnh, được đồng hành và giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, mình tự đặt cho mình cái tên đấy để cầu mong may mắn và suôn sẻ sẽ đến với mình trên mỗi hành trình.

Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành Ngôn ngữ Hàn, Tuấn Hoà cho biết từ năm lớp 9, anh chàng đã “nghiện” xem phim Hàn Quốc và ấn tượng với những âm thanh “hay hay” cùng dàn diễn viên “đỉnh khỏi bàn”. Từ ấn tượng thuở ban đầu ấy, Hoà nuôi dưỡng ao ước được tiếp xúc nhiều hơn với “thứ âm thanh đáng yêu” này và mong muốn được “đẹp như trai Hàn Quốc”. Vì vậy, sau này anh chàng quyết tâm thi vào ngành Ngôn ngữ Hàn của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trải nghiệm đầu tiên ở ULIS đã khiến anh “thực sự sốc”. Hoà cho biết, thời điểm nhập học, trong lớp có rất nhiều bạn đã có nền tảng vững chắc về tiếng Hàn từ trước, thậm chí có bạn học còn từng đạt Topik 5 (chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Hàn). “Với xuất phát điểm từ con số 0, mình cảm thấy tự ti vô cùng. Mỗi lần phải đứng dậy đọc bài mình toàn run lẩy bẩy” – Hoà tâm sự. Nỗi tự ti và thất vọng khi ấy đã trở thành động lực khiến Hoà quyết tâm phải “chuyển mình”. Đầu năm 2020, đúng lúc đại dịch Covid-19 bùng nổ trên diện rộng làm trì hoãn việc giảng dạy tại các trường, Hoà có một thời gian dài học online tại nhà và đây cũng là dịp mà anh được “’refresh’ chính mình”.

“Cũng nhờ dịp này, mình không còn phải mất 4-5 tiếng chờ xe bus đến trường và về nhà mỗi ngày, vì vậy mình có thêm rất nhiều thời gian để ôn luyện. Trong giai đoạn ấy, mình đã cố ép bản thân phải học thêm một loại giáo trình mới ngoài nhà trường kết hợp với việc thực hành viết những bài luận khó để nâng cao trình độ của bản thân hơn nữa. Kết quả, từ một đứa không biết Hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc) là gì, trình độ tiếng của mình đã tiến bộ từng ngày, mình còn được giảng viên tin tưởng nhiều hơn trong lớp học nữa.”

Hành trình “lội ngược dòng” khi theo đuổi tiếng Hàn là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực và quyết tâm của anh chàng. Gia đình gặp khó khăn về tài chính, Hoà ý thức được không có con đường nào thoát nghèo hiệu quả hơn con đường tri thức. Khát khao được trở thành một nhà giáo đứng trên bục giảng, chàng Á khoa bộc bạch về động lực học tập của bản thân: “Mình sợ rằng nếu mình vẫn cứ ‘dẫm chân tại chỗ’, sau này lỡ như bị học sinh nhìn thấy bảng điểm ‘thấp lè tè’ thì thật là xấu hổ.”

Được biết, Tuấn Hoà vừa đỗ học bổng Chính phủ Hàn Quốc toàn phần hệ thạc sĩ ngành Giáo dục tiếng Hàn Quốc tại trường Đại học Ngoại ngữ Busan. Với sự trở lại này, hành trình làm hồ sơ của Tuấn Hoà “trộm vía” khá suôn sẻ khi có sự hỗ trợ sửa bài luận và phỏng vấn thử từ các giáo sư trường Busan. Chia sẻ sâu hơn về bài luận, câu đầu tiên của bài luận, anh chàng viết: “Nguyễn Tuấn Hoà – người sinh ra để làm một giáo viên”. Bằng trái tim rực lửa với nghề chèo lái tri thức, Hoà ví bản thân và nghề giáo giống như một người trồng hoa: “Người trồng hoa không thể cả đời chăm sóc, vun trồng hoa được, sẽ có một ngày người trồng hoa không còn nữa nhưng những cây hoa vẫn phải nối tiếp nhau đơm hoa kết trái, toả hương thơm ngát, và những hạt mầm ấy lại tiếp tục nở ra những bông hoa đẹp đẽ cho đời.”

“Khi đủ nắng, đủ gió, hoa sẽ nở, rồi quả xanh sẽ chín”

Đây là châm ngôn cuộc sống và cũng là kim chỉ nam mà Hoà luôn gìn giữ trên chặng hành trình phấn đấu của mình. Cựu sinh viên cho rằng: khi mới bắt đầu hành trình, chúng ta đều chưa có hành trang gì cả, chỉ bước ra với hai bàn tay trắng. Cũng như một bông hoa, từ một hạt mầm cũng phải trải qua nhiều mưa nắng để trở thành một bông hoa đẹp. Và một bông hoa đẹp lại còn phải trải qua nhiều mưa nắng hơn nữa mới trở thành quả xanh. Quả xanh kia lại phải trải qua thời gian, trải qua mưa nắng dãi dầu để trở nên chín mọng. Vậy nên, con người nếu hấp tấp vội vàng, nếu thoái chí ngay từ đầu thì không thể nào trở thành thứ quả chín mọng. Phải chấp nhận trải nghiệm, trải qua đủ bài học, đủ đắng cay, thì mới có thể thành công được. Bởi “con đường đến thành công chưa bao giờ dễ dàng”.

Hiện tại, Tuấn Hoà đang giảng dạy tiếng Hàn tại công ty FPT SOFTWARE. Ngoài ra, Hoà còn lập kênh Tiktok có tên “Hoà Nobita” để chia sẻ về kiến thức cũng như văn hoá Hàn Quốc. Trong tương lai, chàng Á khoa mong muốn tham gia vào công tác hỗ trợ các giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Busan, kết nối giữa Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Busan, và học tiếp lên Tiến sĩ tại Hàn Quốc. Ước mơ của Hoà là được trở thành giáo sư Đại học – trở thành người lái đò thầm lặng đem những tri thức cập bến an toàn.

Những thành tích nổi bật của Tuấn Hoà:

  • Tốt nghiệp Á KHOA đầu ra khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. 
  • GPA: 3.85/4  ~ 9.13/10. 
  • Đạt sinh viên xuất sắc liên tục 7 / 8 kỳ học. 
  • Đạt chứng chỉ TOPIK 6 (278/300). 
  • Đạt học bổng ngân sách của trường (10 triệu /kỳ) liên tục 7 kỳ. 
  • Đạt học bổng KF Samsung 2020 
  • Đạt giải ba vòng thi đấu ý tưởng môn Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp. 
  • Đạt giải khuyến khích cuộc thi The K – ULIS. 
  • Đạt giải bài viết ấn tượng cuộc thi viết tiếng Hàn khu vực Đông Nam Á 2023 do trường Đại học Sungkyunkwan tổ chức. 
  • MC cho các hoạt động của Trung tâm Sejong Hà Nội 2. 
  • Hoàn thành xuất sắc thực tập tại LG Display Hải Phòng. 
  • Cựu giảng viên khoa tiếng Hàn tại Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội. 
  • Học viên xuất sắc khóa “Bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn tại Việt Nam năm 2023” do Đại học Ngoại ngữ và Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại TPHCM (Trực thuộc Bộ giáo dục Hàn Quốc) tổ chức. 
  • Đạt học bổng “Bồi dưỡng giáo viên tiếng Hàn” tại Đại học Ngoại ngữ Busan
  • Giảng viên tiếng Hàn tại FPT SOFTWARE. 
  • Đạt học bổng chính phủ hệ thạc sĩ năm 2024 – theo học tại trường Đại học Ngoại ngữ Busan. 

Hi vọng 2 chàng trai xuất sắc của K-ULIS sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa và có hành trình đáng nhớ tại Hàn Quốc trong 2 năm tới. ULIS chúc cho phiên dịch viên và nhà giáo tương lai tỏa sáng thật rực rỡ trên hành trình của chính mình, chúc hai bạn luôn mạnh mẽ để chinh phục những chông gai trong cuộc sống.

Trà Giang/ĐSTT