Hội thảo khoa học: Tiếng Pháp như là ngoại ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo khoa học: Tiếng Pháp như là ngoại ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương

Chiều ngày 26/4/2025, tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếng Pháp như là ngoại ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương: Vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trong thế giới đa ngôn ngữ và đa văn hóa” đã diễn ra thành công, quy tụ đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, giáo viên và sinh viên.

Đến tham dự hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN gồm có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, đại diện lãnh đạo các đơn vị, Ban Chủ nhiệm Khoa NN&VH Pháp cùng đông đảo giảng viên và sinh viên quan tâm. Về phía khách mời có đại diện Bộ GD&ĐT, các cơ quan ngoại giao, đơn vị đào tạo tiếng Pháp, diễn giả và các nhà tài trợ của chương trình.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời chào và cảm ơn các vị khách mời, đại biểu tham dự chương trình. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi tiếng Anh đang chiếm ưu thế, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông khẳng định việc thúc đẩy tiếng Pháp không chỉ góp phần vào sự đa dạng ngôn ngữ toàn cầu mà còn làm phong phú thêm bản sắc văn hóa tại khu vực. Hội thảo này là cơ hội để góp phần trao đổi, thực hiện nhiệm vụ đó.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đã gửi lời cảm ơn Ban tổ chức vì đã tổ chức một hội thảo hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Ông cho rằng thách thức lớn nhất đối với việc thúc đẩy tiếng Pháp là làm chủ kỹ thuật dạy học hiện đại và làm chủ ngôn ngữ một cách thực chất trong thế giới đa ngôn ngữ đầy cạnh tranh.

Tiếp đó, Trưởng Viện CLEF Ngô Minh Thủy nhấn mạnh rằng dù tiếng Pháp vẫn được giảng dạy rộng rãi, số lượng người học đang giảm dần do sự trỗi dậy mạnh mẽ của tiếng Anh. Tuy nhiên, Việt Nam luôn duy trì chính sách ngoại ngữ đa dạng, và từ năm 2020, tiếng Pháp đã được xác định là một trong 7 ngoại ngữ trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, PGS.TS. Ngô Minh Thủy nhấn mạnh vai trò của tiếng Pháp trong thế giới đa cực, đa văn hóa, cũng như giá trị đặc biệt của ngôn ngữ trong ngoại giao và văn hóa quốc tế. Hội thảo lần này là cơ hội quý báu để trao đổi về thực trạng và triển vọng của việc giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hội thảo gồm 7 bài trình bày chính, tập trung làm rõ vai trò của tiếng Pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa dạng văn hóa, đồng thời phân tích những cơ hội – thách thức trong việc duy trì, phát triển tiếng Pháp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Việt Nam.

Hội thảo là dịp để các bên liên quan cùng nhìn lại vai trò của tiếng Pháp, thúc đẩy các giải pháp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ này như một phần của di sản văn hóa và công cụ kết nối toàn cầu.

Chương trình khép lại với phần tiệc trà giao lưu và chụp ảnh lưu niệm trong không khí thân mật, cởi mở và tràn đầy kỳ vọng về những bước tiến mới trong hành trình phát triển tiếng Pháp tại Việt Nam và khu vực. Sau phần hội thảo đã diễn ra Cuộc thi Âm nhạc “Chantons en Francais”.

Yến Nhi-Nguyễn Trang-Đỗ Thảo/ĐSTT