Chia sẻ Học liệu module trực tuyến Bồi dưỡng năng lực cho giáo viên ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ Học liệu module trực tuyến Bồi dưỡng năng lực cho giáo viên ngoại ngữ

Ngày 23/08/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tổ chức chương trình chia sẻ học liệu module trực tuyến bồi dưỡng năng lực cho giáo viên ngoại ngữ. Chương trình nhằm giới thiệu về học liệu trực tuyến nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại Việt Nam, “từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

Tham dự chương trình, về phía Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia – Bộ GD&ĐT có Trưởng ban Nguyễn Thị Mai Hữu và các cán bộ của Ban. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn, đại diện các đơn vị trong trường.

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo và cán bộ các trường: Đại học Sư phạm TP.HCM, ĐHNN – ĐH Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm 2, Trung tâm Seameo, ĐHSP Hà Nội, ĐHNN – Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Hà Nội…

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: 1. Ban hành và triển khai chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ; 2. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, tăng cường năng lực khảo thí ngoại ngữ của quốc gia; 3. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; 4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ; 5. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ; 6. Nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ; 7. Đẩy mạnh xã hội hoá trong dạy và học ngoại ngữ; 8. Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án. Do đó, buổi chia sẻ học liệu này đóng vai trò quan trọng để các trường nắm bắt thông tin và có phương hướng phù hợp tận dụng nguồn tài nguyên của Đề án. Bên cạnh đó, chương trình cũng là cơ hội để đại diện các đơn vị tham gia đưa ra ý kiến đóng góp, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.

Phát biểu mở đầu, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long đã bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp các đại biểu từ mọi miền đất nước. Chia sẻ về những thành tựu nổi bật của trường trong công tác tuyển sinh cũng như việc nâng cao năng lực giảng dạy thông qua các chương trình bồi dưỡng thời gian gần đây, Hiệu trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và sự cần thiết của việc chia sẻ kinh nghiệm sử dụng học liệu trực tuyến.

Tiếp theo chương trình, Trưởng Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia Nguyễn Thị Mai Hữu đã nhấn mạnh về vai trò và tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Trong những năm qua, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đã tăng cường triển khai các hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, cả với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Buổi chia sẻ này giới thiệu về một trong những công việc đó, đó là nhiệm vụ xây dựng học liệu module trực tuyến Bồi dưỡng năng lực cho giáo viên ngoại ngữ.

Các bài phát biểu đã mở đầu cho phần báo cáo chi tiết về các module bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực sư phạm do đại diện Trường ĐHNN-ĐHQGHN thực hiện. Phần trình bày đã cung cấp cái nhìn tổng quan về cấu trúc modules khóa học, quy trình xây dựng, quá trình thẩm định và triển khai thí điểm, kết quả triển khai và mô hình BDGV kết hợp các modules+trực tiếp+thực địa tại các trường phổ thông. Nhìn chung, trong giai đoạn 2020 đến 2024, đã có 39.723 giáo viên được thụ hưởng từ Module bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực sư phạm của Trường ĐHNN-ĐHQGHN. 

Tiếp nối, đại diện Trường ĐHNN-ĐH Đà Nẵng đã báo cáo về hệ thống bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực tiếng Anh (bậc 1-5) trực tuyến cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Bài báo cáo đã giới thiệu chi tiết về chương trình bồi dưỡng tiếng Anh trực tuyến từ bậc 1 đến bậc 5, cùng với các nội dung về lựa chọn ngữ liệu, tác vụ học, hướng dẫn thực hiện, hạ tầng kỹ thuật để vận hành chương trình và demo trên nền tảng kỹ thuật số.

Sau đó, đại diện ĐANNQG đã có phần báo cáo về các khóa học của BQL ĐANNQG. Theo đó, Đề án đang có khoảng 6.000 học liệu, 18 khóa học sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu đăng ký.

Chương trình tiếp tục với phần trao đổi sôi nổi giữa các đại biểu và chuyên gia. Những thảo luận tập trung vào các khóa học của Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, cùng những cơ hội và khó khăn trong việc triển khai hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Các đại biểu đã cùng nhau đưa ra những ý kiến đóng góp quý báu, góp phần giúp hoàn thiện và tăng cường khả năng tiếp cận hơn nữa với hệ thống bồi dưỡng này.



Chương trình chia sẻ đã khép lại thành công, tạo cơ hội để các đơn vị quản lý và đào tạo ngoại ngữ học hỏi, chia sẻ, hợp tác và phát triển cùng nhau, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trên toàn quốc.

Lê Huyền/ULIS Media