Chiến thắng Điện Biên Phủ – Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
Cách đây 70 năm, ngày 7-5-1954, quân và dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ-“pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Cả thế giới nhắc đến “Việt Nam-Hồ Chí Minh, Việt Nam-Điện Biên Phủ”(1) với sự yêu mến, khâm phục.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “thiên sử vàng” và “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ 20″(2). Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành, mà ngọn nguồn sâu xa chính là bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam in đậm dấu ấn trong những quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt mọi gian khổ, hy sinh của cả dân tộc để đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ tới thắng lợi hoàn toàn.
Huấn luyện diễu binh, diễu hành chuẩn bị phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Thứ nhất, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong đánh giá tình hình, quyết định phá Kế hoạch Navarre, mở Chiến dịch Điện Biên Phủ
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp thực hiện cải tổ chỉ huy quân đội ở Đông Dương. Theo đó, tháng 5-1953, tướng H.Navarre được điều sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thay tướng R.Salan. Chỉ hơn một tháng sau, H.Navarre đã vạch ra kế hoạch chiến lược mới mang tên Kế hoạch Navarre và được Hội đồng Quốc phòng Pháp chấp thuận. Kế hoạch Navarre nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh”(3) và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.
Trước tình hình địch ráo riết chuẩn bị thực hiện Kế hoạch Navarre, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954. Với bản lĩnh kiên định và trí tuệ tập thể, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đã xác định quyết tâm, phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến đúng đắn là: Dùng một bộ phận chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương mở các cuộc tiến công vào những hướng địch tương đối yếu, tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai; cùng lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, buộc chúng phân tán quân cơ động để đối phó trên nhiều hướng, khoét sâu vào mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch. Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc là hướng chính, còn các hướng khác là hướng phối hợp(4).
Triển khai thực hiện phương hướng chiến lược và phương châm tác chiến đã được xác định trong kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công trên các hướng Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên, đẩy địch vào thế bị động đối phó. Khối cơ động chiến lược của Pháp bị chia nhỏ, phân tán trên nhiều chiến trường.
Ý đồ của địch là tập trung lực lượng lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với bộ đội chủ lực ta, nhằm đè bẹp chiến tranh du kích và uy hiếp vùng tự do bị thất bại. Bằng các cuộc tiến công trên 5 hướng, ta điều được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và bảo vệ được vùng tự do. Đồng thời, tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác chiến tập trung của các đại đoàn chủ lực với chiến tranh du kích rộng khắp, kết hợp giữa mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch và với chiến trường hai nước Lào và Campuchia, từ đó làm cho Kế hoạch Navarre bị đảo lộn, từng bước đi tới phá sản.
Khi ta đang tích cực thực hiện kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, thì ý đồ của Bộ chỉ huy quân Pháp là chủ động tiến hành một trận “tổng giao chiến” mang tính quyết định trên một chiến trường do chúng lựa chọn để tiêu diệt chủ lực của ta.
Tuy nhiên, khi phát hiện bộ đội ta di chuyển lên Tây Bắc, thấy nguy cơ Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp, địch buộc phải điều chỉnh kế hoạch, vội vã điều lực lượng sang Trung Lào và sử dụng 6 tiểu đoàn quân tinh nhuệ nhất của chúng nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương để bảo vệ Thượng Lào và sử dụng Điện Biên Phủ như cái bẫy nhằm thu hút, “nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Giới quân sự Pháp và Mỹ coi đây là giải pháp quyết định thắng lợi cho chiến tranh Đông Dương.
Trước diễn biến mới của tình hình, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954. Với bản lĩnh, trí tuệ và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng lại có cái yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương, khó khăn về tiếp tế hậu cần cũng rất lớn, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được và quân dân ta chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ.
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, điều kiện thực tế và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.
Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của Quân đội ta cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng”(5) và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay. Đây thực sự là một quyết tâm đầy bản lĩnh, trí tuệ, đặt ra yêu cầu phải phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, vì ta chấp nhận giao chiến ở nơi kẻ thù có lực lượng mạnh nhất và thắng lợi ở trận chiến này sẽ có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh.
Với tầm nhìn sâu rộng, tư duy quân sự sắc sảo, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết sách đúng đắn, để quân và dân ta nỗ lực chủ động, khôn khéo, kiên quyết phá Kế hoạch Navarre ngay từ đầu, buộc chúng phải bị động giao chiến trên một chiến trường do ta lựa chọn. Chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ chiều 7-5-1954 đã chứng minh chủ trương chiến lược phá Kế hoạch Navarre và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong quyết định kịp thời thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch phù hợp, đúng, hiệu quả
Triển khai thực hiện chiến dịch, ngày 26-11-1953, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng chiến dịch dẫn đầu đoàn tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh lên đường đi Tây Bắc.
Qua nắm bắt tình hình, đoàn đã nghiên cứu cân nhắc 2 phương án: Tiến công tiêu diệt địch nhanh, gọn hoặc bao vây đánh dần từng bước, cuối cùng quyết định lựa chọn “dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch”(6), tranh thủ thời cơ thực hiện đánh sớm và đánh nhanh để giành thắng lợi khi địch chưa kịp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Ngày 5-1-1954, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch lên đường ra mặt trận. Ngày 14-1-1954, Hội nghị cán bộ chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì họp ở Sở chỉ huy lâm thời tại hang Thẩm Púa. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng “toàn thể hội nghị thống nhất ý kiến là nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, tất cả mọi người đều phấn khởi quyết tâm diệt gọn toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong một trận”(7).
Hội nghị quyết định thời gian nổ súng vào ngày 20-1-1954. Dự kiến chiến dịch diễn ra trong 3 đêm, 2 ngày liên tục. Mặc dù công tác chuẩn bị để “đánh nhanh, giải quyết nhanh” được tiến hành rất khẩn trương, nhưng gần đến ngày nổ súng mà các đơn vị pháo binh tham gia chiến dịch vẫn chưa đưa hết pháo vào vị trí quy định. Từ thực tiễn đó, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng tiến công đến ngày 25-1. Tuy nhiên, gần đến ngày 25-1, lại quyết định lùi thời gian nổ súng sang ngày 26-1-1954.
Quá trình tổ chức chuẩn bị chiến trường để thực hiện phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, ta đã nắm được sự thay đổi lớn về địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lực lượng địch đã được tăng cường hơn 13 tiểu đoàn, hệ thống trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, phía Tây trước đây còn là nơi sơ hở, nhưng đến lúc này chúng đã đóng thêm 2 cứ điểm, đồi Độc Lập trước đó chỉ là một vị trí tiền tiêu, nay được tăng cường thêm lực lượng và tổ chức thành một cụm cứ điểm nhỏ, ở phía Nam phân khu Hồng Cúm trước đó chỉ là một cứ điểm nhỏ, nay địch tổ chức thành cụm cứ điểm mạnh, có sân bay, pháo binh có thể cùng khu trung tâm Mường Thanh yểm hộ lẫn nhau. Đến thời điểm này, Điện Biên Phủ đã được quân Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm rất mạnh.
Trước tình hình địch tăng cường lực lượng và bố trí trận địa ở Điện Biên Phủ có nhiều thay đổi, ngày 26-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định họp Đảng ủy chiến dịch. Tại hội nghị, Đại tướng đã trình bày những suy nghĩ của mình xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa và khẳng định: “Không thể đánh theo kế hoạch đã định… Nếu đánh là thất bại”(8). Với bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đại tướng đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”(9). Đồng thời, “hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, lệnh cho bộ đội toàn tuyến rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”(10).
Ngày 30-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ký mật danh Hưng) điện báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị về phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị nhất trí, cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Với quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, có rất nhiều vấn đề đặt ra, nhất là những khó khăn: Chiến dịch kéo dài, ác liệt hơn; mọi công tác chuẩn bị chiến trường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, kế hoạch tác chiến và hợp đồng trên toàn mặt trận sẽ phải xây dựng lại. Nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, các lực lượng đã khẩn trương hoàn thành các công việc cần thiết để bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Ngày 13-3-1954, chiến dịch bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”(11) của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch, đến chiều 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ giành toàn thắng. Có được thắng lợi này là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp có tính chất quyết định là sự chỉ đạo chiến dịch với quyết định lịch sử chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, thể hiện bản lĩnh kiên định, trí tuệ sắc sảo, tư duy quân sự sáng suốt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và ý chí quyết chiến, quyết thắng của vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp-Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Thứ ba, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc
Quá trình tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đã động viên và phát huy thường xuyên được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta ở mọi miền đất nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả Ngạn, đến Bình-Trị-Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ… đều đẩy mạnh hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhân dân và nhiều vùng đất đai. Cùng với đó, lực lượng quần chúng khắp mọi nơi tích cực đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian, binh, địch vận… phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó và bị thất bại ngày càng nặng nề.
Chiến dịch Điện Biên Phủ-trận quyết chiến chiến lược diễn ra ở xa hậu phương của ta, nơi có địa hình và khí hậu rất khó khăn, phức tạp, hệ thống đường sá, giao thông chiến lược để phục vụ cơ động lực lượng và vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch hầu như chưa có. Cho nên, để cung cấp, bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ quy mô lớn, diễn ra dài ngày về vật chất hậu cần, kỹ thuật với một khối lượng chưa từng có là điều hết sức khó khăn. Do đó, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam của toàn dân tộc.
Trước thử thách, khó khăn đó, với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được phát huy cao nhất, kịp thời cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu về lương thực, thực phẩm, trang bị, vũ khí trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Nêu cao tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các địa phương đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”(12) cho chiến dịch.
Đây là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, cùng lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã phát huy cao nhất truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh cả nước, thực hiện toàn dân đánh giặc góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, nhất là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tổng giao chiến, trận công kiên lớn nhất với những nỗ lực cao nhất về quân sự của cả ta và địch. Cho nên, ở đây đã diễn ra cuộc chiến đấu vô vàn khó khăn, gian khổ với nhiều tổn thất, hy sinh.
Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khơi dậy và phát huy cao nhất nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước kết thành ý chí quyết chiến, quyết thắng, làm cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao độ, lập nên những chiến công rực rỡ. Đó là tinh thần dám đánh, biết đánh và quyết thắng. Mặc dù lần đầu tiên Quân đội ta đối đầu với một đội quân chủ lực trong một trận đánh công kiên lớn, nhưng nhờ có sức mạnh chính trị, tinh thần, kỷ luật và thế trận hợp lý đã phát huy được thế mạnh của ta, khắc chế được sức mạnh của địch.
Đặc biệt, thông qua quán triệt các mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng chiến dịch về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện việc chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và tiến hành học tập, kiểm thảo, chỉnh quân chính trị, phát động căm thù trong và sau mỗi đợt tiến công của chiến dịch đã làm cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được phát huy cao nhất trong cán bộ, chiến sĩ và thanh niên, dân công tham gia chiến dịch.
Trong chiến đấu, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, hy sinh quên mình vì nhiệm vụ, như: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… và hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” góp phần quyết định làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tìm hiểu Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam, nhà báo Pháp Giuyn Roi đã có nhận xét đầy hình tượng về bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng Navarre, không phải là phương tiện mà là sự bản lĩnh, trí thông minh và ý chí của đối phương”(13).
Thứ tư, tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào công cuộc đổi mới đất nước hiện nay
Ngày nay, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển đang là xu thế lớn, nhưng dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, khó lường. Các vấn đề tranh chấp chủ quyền quốc gia, tài nguyên, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực mang đến thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Đối với nước ta, sau gần 40 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(14).
Trước yêu cầu phát triển đất nước theo mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao(15), đòi hỏi toàn đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục phát huy bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa lên tầm cao mới. Nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được thể hiện bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài thao lược của Tổng Tư lệnh-Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Việt Nam, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với tinh thần đoàn kết dân tộc, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn luôn là tiềm năng quý giá, đã, đang và sẽ mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
———–
(1) Tiếng sấm Điện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.343
(2) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.50
(3) H.Navarre, Thời điểm của những sự thật, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.93
(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.878
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 15, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88
(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.190
(7) Bộ Tổng Tham mưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo cáo về kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Tập III, tr.35-36
(8) Bộ Quốc phòng – Tỉnh ủy Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ – Giá trị lịch sử và hiện thực (7-5-1954/7-5-2019), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 166
(9) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.927
(10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Sđd, tr. 928
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.44
(12) Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 1954), NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.305
(13) Dẫn theo: Trí Nhân, “69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” 06/05/2023://tuoitrethudo.com.vn/69-nam-chien-thang-dien-bien-phu-bieu-tuong-cua-ban-linh-va-tri-tue-viet-nam-223318.html
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Sđd, tr.112