Nữ sinh Chuyên Ngoại ngữ trúng tuyển Đại học Thanh Hoa
Gấp rút chuẩn bị hồ sơ trong một tháng, Nguyễn Khánh Linh, 18 tuổi, trúng tuyển đại học danh tiếng nhất Trung Quốc.
Về nhà sau ngày đầu tiên thi tốt nghiệp THPT hôm 28/6, Khánh Linh vỡ òa khi thấy giấy báo trúng tuyển Đại học Thanh Hoa đặt ngay ngắn trên bàn.
“Em không thể tin mình đỗ Thanh Hoa. Em vốn chỉ định thử sức để không có gì phải nuối tiếc nhưng kết quả thật ngọt ngào”, Linh nói. Ngôi trường nữ sinh sẽ theo học là đại học số 1 châu Á, nằm trong top 20 thế giới năm 2023, theo tổ chức xếp hạng Time Higher Education (THE).
Trước đó, nữ sinh lớp chuyên Tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã được chấp nhận vào học ngành Marketing với hỗ trợ tài chính 32.000-56.000 USD (0,8-1,4 tỷ đồng) cho bốn năm ở nhiều đại học Mỹ, trong đó có Northeastern – trường ở vị trí thứ 44 trong bảng xếp hạng quốc gia của US News.
Khánh Linh có ý định du học Trung Quốc từ năm lớp 11. Nữ sinh mong muốn thỏa mãn sở thích xê dịch, cũng như góp sức vào công việc của gia đình.
“Nhà em làm kinh doanh nhưng chưa tốt ở khâu truyền thông sản phẩm nên em muốn học kinh tế, marketing để giúp bố mẹ”, nữ sinh nói.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 ở Trung Quốc bùng phát, bố mẹ đề nghị Linh chuyển hướng sang Mỹ. Nữ sinh nhìn nhận mình chuẩn bị muộn so với các bạn bè, lại không có điểm bài thi chuẩn hóa SAT hay chứng chỉ IELTS nhưng vẫn cố gắng. Dù vậy, thực tâm Linh thích đi Trung Quốc hơn. Do đó, đầu năm lớp 12 Linh quyết định sẽ nộp song song, “đánh liều” chọn Đại học Thanh Hoa, ngành Kinh tế.
Linh đọc nhiều bài viết của các du học sinh Việt và sinh viên quốc tế ở Thanh Hoa để tìm hiểu về trường. Nữ sinh nhận ra để nộp đơn và theo học tại đây là một thử thách lớn. Hầu hết du học sinh Việt ở Thanh Hoa theo học thạc sĩ, tiến sĩ, bậc cử nhân rất hiếm.
“Các anh chị cũng chia sẻ áp lực khi học tại trường, dễ trượt môn như thế nào, vào được trường nhưng rất khó tốt nghiệp”, Linh nhớ lại. Nhiều người khuyên Linh ứng tuyển vào những trường vừa sức hơn nhưng em bỏ ngoài tai, bắt tay vào làm hồ sơ từ tháng 10/2022, khi chỉ còn một tháng nữa là đến hạn đóng đơn.
“Trượt thì em cũng không mất gì. Em chỉ sợ sau này lại tiếc và ước gì ngày xưa mình apply”, Linh nhớ lại. Sau đó, nữ sinh trải qua ba vòng: nộp hồ sơ online, phỏng vấn và nộp hồ sơ bản cứng.
Ngôi trường được mệnh danh “Harvard châu Á” yêu cầu ứng viên có chứng chỉ Hán ngữ quốc tế (HSK, gồm 6 bậc) cấp 5 trở lên, chứng chỉ tiếng Anh, học bạ, hai thư giới thiệu kèm video về bản thân và một bài luận 800 chữ.
Ban đầu, Linh khủng hoảng do chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ khác nhau để gửi đi cả Mỹ và Trung Quốc. Em tranh thủ khoảng nghỉ giữa các tiết học trên trường để gặp hoặc gọi điện, hỏi ý kiến giáo viên hướng dẫn mỗi khi có khúc mắc. Buổi tối, Linh vẫn đi học thêm các môn học trên trường. Về nhà lúc 23h, em lại ngồi viết luận, hiếm khi đi ngủ trước hai giờ sáng.
Trong bài luận nộp cho các trường ở Mỹ, nữ sinh viết về gia đình và hành trình trưởng thành của bản thân trong vai trò là chị cả của ba người em. Còn trong bài luận gửi Đại học Thanh Hoa, Linh giải thích lý do theo đuổi ngành Kinh tế và định hướng tương lai. Để phô hết khả năng trong một mặt giấy, Khánh Linh phải sửa lại nhiều lần, chọn câu từ thật ngắn gọn.
Thay vì liệt kê thành tích, Linh kể trải nghiệm khi đi thực tập tại công ty của gia đình, nêu bật những kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và giải quyết vấn đề mà mình đã học được. Chẳng hạn, khi bố mẹ dẫn đi gặp khách hàng, Linh thường ngại ngần vì sợ ăn nói không khéo, phật lòng đối tác. Nhưng dần dần, được sự hướng dẫn của bố mẹ, em biết cách quan sát cử chỉ của họ để đoán tính cách từng người, bắt chuyện dễ dàng hơn. Ngoài ra, Linh trực tiếp dịch nhiều hợp đồng kinh tế, tham gia các cuộc giao lưu nên cải thiện được vốn tiếng Trung. Linh cho rằng, qua những điều này, em chứng minh được mình say mê và có khả năng theo đuổi chuyên ngành Kinh tế.
Trong video kéo dài ba phút bằng tiếng Anh và tiếng Trung, Linh nhờ bạn bè quay một số cảnh trong khuôn viên trường chuyên Ngoại ngữ, để trả lời cho yêu cầu duy nhất của Thanh Hoa: “Chúng tôi muốn hiểu hơn về bạn”. Em đã nói về những khó khăn khi phải cân bằng việc học với các hoạt động ngoại khóa và cách mình vượt qua để thể hiện rõ tính cách và quyết tâm theo đuổi Đại học Thanh Hoa.
Sau vòng này, Linh được gọi vào phỏng vấn với các giáo sư. Theo nữ sinh, đề thi được yêu cầu bảo mật. Nữ sinh nhìn nhận các câu hỏi không quá khó nhưng qua đó, các giáo sư đánh giá khả năng quan sát và tư duy của học sinh. Linh vượt qua vì đã chuẩn bị tốt bằng cách tập luyện các tình huống từ trước, biết vận dụng kiến thức xã hội để trả lời trôi chảy bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.
Cô Hoàng Lan Chi, giáo viên tiếng Trung Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, là người hướng dẫn Linh nộp hồ sơ. Cô nhận xét Linh là học trò giỏi toàn diện, giao tiếp tốt và quyết đoán.
“Linh không ngại khó, kết quả học tập xuất sắc trong lớp, giỏi cả tiếng Anh và tiếng Trung, tham gia hoạt động ngoại khóa năng nổ”, cô Chi nói, dẫn chứng Linh từng làm đội trưởng của tiết mục múa khối chuyên Tiếng Trung khóa 52 trong sự kiện “Sắc màu chuyên Ngoại ngữ 2022”.
Theo cô Chi, hàng năm Đại học Thanh Hoa chỉ tuyển khoảng 150 sinh viên quốc tế hệ đại học, chia làm 3 đợt, Linh tham gia đợt 2 hồi tháng 11. Không chỉ vậy, số ứng viên là Hoa kiều với tiếng Trung, tiếng Anh đều là tiếng mẹ đẻ nộp vào Thanh Hoa rất nhiều, nên thành tích mà Linh đạt được không dễ dàng.
Linh sẽ lên đường sang Trung Quốc nhập học vào cuối tháng 8. Tại Đại học Thanh Hoa, em đóng học phí khoảng 30.000 nhân dân tệ (98 triệu đồng) mỗi năm. Trường hiếm cấp học bổng hệ đại học cho sinh viên quốc tế.
“Em định sau khi tốt nghiệp sẽ đến Mỹ hoặc Australia học thạc sĩ, song song với hỗ trợ công việc của gia đình”, Linh nói.