Anh Trần Quang Thanh: Học Ngoại ngữ đem đến nhiều cơ hội nghề nghiệp – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Anh Trần Quang Thanh: Học Ngoại ngữ đem đến nhiều cơ hội nghề nghiệp

ULIS Media trân trọng giới thiệu bài chia sẻ của anh Trần Quang Thanh, Cựu sinh viên K33 – Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc  – Trường ĐHNN – ĐHQG Hà Nội, về quá trình nỗ lực ôn thi để đỗ đại học và cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên Ngoại ngữ:

Hơn 20 năm trước, tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở một miền quê đồng bằng Bắc bộ còn khá nghèo nàn và lạc hậu. Cuộc sống khi đó thực sự khó khăn: Ăn chưa được no, mặc chưa có đẹp, có điện thắp sáng nhưng chưa có tivi, điện thoại như bây giờ. 

Nói đến chuyện học hành thi cử mà đặc biệt là thi Đại học thì như một sự kiện lớn của gia đình, dòng họ mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3. Tính theo đơn vị xã hoặc huyện số người đỗ Đại học cũng chỉ theo đầu ngón tay nên những sự tham khảo, định hướng hầu như không có. Đại đa số những gia đình có điều kiện cho con thi Đại học đều căn cứ theo năng lực các môn học để chọn Khối thi rồi chọn trường. 

Không giống như những học sinh thành phố, thời đó trường làng phải đến cấp 3 mới bắt đầu được học ngoại ngữ. Vốn là người có hứng thú với mảng ngôn ngữ nên khi được tiếp cận với môn ngoại ngữ tiếng Anh khi học cấp 3, tôi đã rất hứng thú và có lực học khá hơn các bạn trong trường lớp. Nghĩ mình trong tốp đầu của khóa trong trường thì lo gì việc chọn thi khối D không đỗ. Năm đó tôi vẫn được chọn Đại học 3 trường: Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Đại học Công đoàn. Kết quả cả 3 trường đều thiếu điểm, trượt Đại học.

Được gia đình động viên và cũng quyết tâm không bỏ cuộc tôi đã chăm chỉ tìm đến các trung tâm ôn luyện thi Đại học. Vốn ở vùng quê cách trung tâm thị xã 25km, nên việc đi ôn thi tương đối vất vả. Một tuần mấy buổi sáng đạp xe đi sớm, trưa chiều đạp xe về. Sự vất vả đã được đền đáp xứng đáng khi năm 1999 tôi đã thi đỗ cả 2 trường ngoại ngữ đó là Hệ sư phạm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc – Trường ĐHNN – ĐHQG Hà Nội và Khoa tiếng Nhật của Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Cũng không dễ khi quyết định lựa chọn trường nào để học nhưng cuối cùng tôi đã học và tốt nghiệp tại trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội (ULIS).

Thú thực ban đầu tôi cũng không có mục tiêu là chọn trường nào, chỉ có mục tiêu là thi vào một trường ngoại ngữ vì mình thiên về Khối D. Khi trúng cả 2 chuyên ngành tiếng Trung và tiếng Nhật của hai trường khác nhau thì chọn tiếng Trung của trường DHNN-ĐHQG Hà Nội vì hệ sư phạm được ưu tiên không phải đóng học phí. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà hầu như các anh chị em cùng thời sẽ đều có những tầm nhìn, suy nghĩ đơn sơ như thế.

Giản dị là thế, nhưng sau nhiều năm ra trường, trải qua nhiều vị trí nhân viên, quản lý làm việc trong và ngoài nước. Gần 20 năm làm trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài (XKLĐ), hiện tại tôi cũng vận hành một doanh nghiệp của riêng mình về mảng nhân lực. Tôi nghiệm một điều lựa chọn học ngoại ngữ là một con đường đi đúng. Chắc hẳn nhiều anh chị em sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ ra trường ít nhiều đều có những suy nghĩ dưới đây:

  1. Học ngoại ngữ xong ra trường sẽ dễ kiếm việc và sinh viên ngoại ngữ tương đối “đa di năng”.
  2. Cơ hội để những sinh viên ngoại ngữ tự chủ kinh doanh rất lớn: Mọi giao dịch làm ăn, kinh doanh với nước ngoài đều phải thông qua người biết ngoại ngữ. Trên vai trò cầu nối ngôn ngữ, người biết ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội học hỏi  và ý tưởng kinh doanh cho riêng mình.
  3. Với những người học ngoại ngữ, cơ hội sinh sống, làm việc, du lịch ở nước ngoài là vô cùng lớn. Càng đi nhiều càng biết nhiều và tích tụ được những kiến thức giá trị.
  4. ULIS là một trong những Trường đại học về ngoại ngữ chính quy lớn nhất và thành lập sớm nhất tại Việt Nam. Hầu hết các đơn vị sử dụng nhân lực là sinh viên ULIS đều đánh giá về mức độ sâu sắc về chuyên môn và ngôn ngữ. Nói một cách khác tính thực dụng của sinh viên ULIS tới chậm hơn so với các trường ngoại ngữ khác. Tuy nhiên khi đã quen việc thì năng lực sử dụng ngôn ngữ, ứng biến trong công việc vô cùng sắc bén. Một đặc điểm nữa đó là ULIS nằm trong hệ thống ĐGQGHN, một trường đầu ngành trong hệ thống giáo dụng Việt Nam nên chắc chắn sinh viên sẽ sớm được tiếp nhận những thông tin, công nghệ tiên tiến, chất lượng đào tạo. Đặc biệt ULIS đang sở hữu một Thầy hiệu trưởng với tư duy đổi mới, sẵn sàng đầu tư cho chất lượng đào tạo và đầu ra sinh viên.