Sinh viên Đại học Ngoại ngữ tham dự Diễn đàn sinh viên châu Á – ASEP 2019 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Sinh viên Đại học Ngoại ngữ tham dự Diễn đàn sinh viên châu Á – ASEP 2019

Từ ngày 01 – 06/8/2019 tại Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Siem Reap, Campuchia, Diễn đàn Sinh viên châu Á với môi trường lần thứ 8 (ASEP) với chủ đề “Sustainable peace building” (Xây dựng hòa bình bền vững) đã diễn ra với sự góp mặt của 8 sinh viên xuất sắc được tuyển chọn từ nhiều ngành học của ĐH Quốc gia Hà Nội và các đại biểu trẻ đến từ 10 nước trong khu vực châu Á. Trong đó có 2 sinh viên đến từ Trường ĐH Ngoại ngữ cũng tham gia hoạt động này.

Được khởi động vào năm 2012, Diễn đàn Sinh viên châu Á với môi trường là một chương trình thường niên do Quỹ Môi trường AEON (Nhật Bản) tài trợ, với mục tiêu nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tạo cơ hội cho đại biểu sinh viên xuất sắc đến từ các đại học hàng đầu châu Á gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và cùng trao đổi về những vấn đề chung, có tính thời sự tại mỗi quốc gia, khu vực cũng như thế giới.

Diễn đàn năm nay tại Campuchia đã quy tụ khoảng 100 đại biểu là sinh viên, cán bộ từ 10 đại học lớn châu Á (ĐH Waseda (Nhật Bản), ĐH Korea (Hàn Quốc), ĐH Kinh tế Yangon (Myammar), ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), ĐH Malaya (Malaysia), ĐH Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia), ĐH Indonesia, ĐH Philippin, ĐH Chulalongkorm (Thái Lan) và ĐHQGHN (Việt Nam). Đoàn đại biểu Việt Nam với 10 thành viên gồm 02 cán bộ và 08 sinh viên tiêu biểu được lựa chọn từ các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN đã tham dự đầy đủ các nội dung hoạt động và có những đóng góp tích cực vào thành công chung của Diễn đàn.

Các bạn trẻ vui chơi với các em nhỏ ở Trường AEON Mango – một dự án trường học nằm tại một ngôi làng hẻo lánh của tỉnh Siem Reap được Quỹ Môi trường AEON hỗ trợ xây dựng từ năm 2000

Hai sinh viên đại diện ĐH Ngoại ngữ trong chuyến thực địa tại Angkor Wat

Khu vực nghiên cứu thực tiễn chính của chương trình là địa danh Angkor Wat (tại tỉnh Siem Reap) – di sản thế giới đã được UNESCO công nhận. Các bạn sinh viên đã được cùng nhau tìm hiểu về hoạt động bảo tồn kết hợp với kiến thức bản địa nhằm gìn giữ văn hóa Khmer trong kiến trúc Angkor Wat cũng như các hoạt động giáo dục môi trường cho người dân địa phương.

Xuyên suốt lịch trình, bên cạnh được nghe các bài giảng, thuyết trình của chuyên gia, khách mời, sinh viên các nước có cơ hội áp dụng cách tiếp cận liên ngành, kết hợp với khoa học tự nhiên và xã hội trong làm việc nhóm, mà sau đó được trình bày kết quả của mình trong 7 phút dưới sự đánh giá của Hội đồng giáo sư tại buổi lễ tổng kết Diễn đàn.

80 đại biểu trẻ được chia thành các nhóm để thảo luận, mỗi nhóm gồm 10 thành viên là sinh viên của 10 nước: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam

Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Lại Xuân Chiến (thứ 5 từ phải sang) và Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Đỗ Trọng Nghĩa (giữa) chụp ảnh cùng cán bộ và sinh viên ĐHQGHN tham dự diễn đàn

Hà Phương