Ở ULIS có những bông hoa “nở trên đá”… – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Ở ULIS có những bông hoa “nở trên đá”…

Trên thế gian, dù ở những nơi khô cằn chỉ toàn sỏi đá vẫn có những bông hoa kiên cường sinh tồn và làm đẹp cho đời. “Hoa trên đá” vì vậy đã trở thành từ để chỉ về những người thật việc thật luôn kiên cường đấu tranh hoàn cảnh khó khăn và vui sống.

2017-05-29_08-41-16

Ở ULIS có nhiều những mùa hoa

Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành nơi “ươm mầm” cho nhiều cô cậu sinh viên với tinh thần “nở hoa trên đá” như thế. Giữa hàng nghìn sinh viên nổi lên những tấm gương là các bạn trẻ khuyết tật nhưng vẫn kiên cường học tập để hướng tới vì một tương lai tươi sáng cho mình và mọi người.

Trong những ngày rộn ràng mùa tựu trường – tuyển sinh như thế này, ULIS Media muốn kể cho bạn đọc về những tâm hồn của đá như thế đấy!

Tạ Hồng Liên

Tạ Hồng Liên hiện đang là sinh viên năm 3 khoa Sư Phạm tiếng Anh, lớp 14E11. Bạn sinh ra là một đứa trẻ khiếm thị với bệnh viêm màng bồ đào bẩm sinh. Sự thiệt thòi ngỡ chỉ dừng lại ở đó thôi nhưng vào năm 16 tuổi – cái tuổi đầy mộng mơ và hi vọng, thị lực yếu ớt 1/10 mà bạn cố gắng gìn giữ cũng hoàn toàn mất đi. Tương lai mù mịt, không có ước mơ, muốn buông xuôi tất cả nhưng cảm nhận được sự bất lực của bố mẹ, bạn đã tự tiếp thêm cho mình nghị lực, niềm tin vượt qua quãng thời gian đen tối đó để phần nào giúp bố mẹ an lòng. Kết quả học tập của Liên vẫn luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Bạn luôn muốn chứng minh cho bố mẹ một điều rằng cho dù có mất đi ánh sáng thì bạn vẫn có thể là niềm tự hào của bố mẹ, là con ngoan, trò giỏi. Nỗ lực học tập và rồi Liên cũng tốt nghiệp cấp III với kết quả khá cao.

2017-05-29_08-41-28

Bạn Tạ Hồng Liên

Đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, tôi cũng trăn trở về ngôi trường mình sẽ học. Cơ hội được đi học của người khiếm thị không cao, cơ hội việc làm lại càng ít. Vì vậy, tôi quyết định học Tiếng Anh để có thể sẽ có một công việc ổn định. Cô giáo dạy tiếng anh ba năm cấp ba của tôi là sinh viên trường ULIS và tôi cũng biết nhiều anh chị tình nguyện tại trường Nguyễn Đình Chiểu là sinh viên trường ULIS. Nhờ vậy mà tình yêu với ngôi trường này đã sớm nảy nở trong lòng tôi. Hơn nữa, tôi cũng muốn học trong một môi trường chưa từng có sinh viên khiếm thị theo học để khám phá khả năng hòa nhập, khả năng vượt qua khó khăn của mình.

Thật may mắn là tôi đã trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên được bước chân vào trường học. Điều này cũng giúp các bạn sinh viên khiếm thị khóa sau có thêm cơ hội được tiếp nhận hồ sơ xét tuyển. Là sinh viên khiếm thị đầu tiên được theo học tại đây, tôi gặp rất nhiều khó khăn về tài liệu học tập, hình thức thi nhưng ngược lại tôi cũng nhận được rất nhiều sự ưu ái, quan tâm, giúp đỡ của thầy cô và bạn bè. Các thầy cô luôn là cầu nối giữa tôi và các bạn sáng mắt, giúp tôi tham gia vào các hoạt động của lớp. Các bạn là đôi mắt của tôi, giúp tôi đọc và cả chép tài liệu vào máy tính. Không chỉ trong học tập, các bạn cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Mọi người mang lại cho tôi những kỉ niệm đẹp mà có lẽ sẽ luôn sống mãi trong tôi cùng quãng thời gian sinh viên. Đó là những ngày chủ nhật  tôi được đèo trên chiếc xe đạp điện đi dọc hồ Tây, được nghe tả quang cảnh trên đường; đó là những buổi tối đi ăn vặt quá cả giờ đóng cửa kí túc, phải năn nỉ các chú bảo vệ; hay đơn giản là những viên thuốc, bát cháo ấm long khi tôi bị ốm. Các thầy cô và các bạn của tôi đã giúp tôi có được một “đời sinh viên” thực sự”, Liên tâm sự.

Đỗ Thu Hà

Tập thể lớp 15E8 – Khoa Sư phạm Tiếng Anh rất tự hào vì cô bạn nhỏ Đỗ Thu Hà. Dù bị khiếm thị không thể nhìn thấy gì nhưng bạn luôn hòa đồng và cố gắng học tập.. Khi được hỏi về lý do chọn gắn bó với ULIS, Hà cười và chia sẻ thành thật rằng ULIS là một môi trường chuyên ngữ và nơi đây bạn sẽ có điều kiện tập trung vào giảng dạy ngoại ngữ tốt hơn so với các trường khác.

2017-05-29_08-41-36

Bạn Đỗ Thu Hà

Trong quá trình học, Hà thường sử dụng máy tính để hỗ trợ việc đọc giáo trình. Trong trường, bạn luôn được thầy cô tạo mọi điều kiện để giúp học tập tốt hơn. Ở môi trường năng động, thân thiện như ULIS, bạn bè cũng thường xuyên giúp đỡ Hà  lúc gặp khó khăn. Sau khi ra trường, Hà ước mơ sẽ trở thành cô giáo để có thể giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh với mình.

Lê Thị Mỹ Duyên

Khi học lớp 6, bạn Lê Thị Mỹ Duyên đã bị tai nạn và để lại di chứng tay trái khiến tay trái không thể cử động được. Dù bị khuyết tật vận động nhưng Duyên vẫn nỗ lực học tập để rồi trở thành sinh viên lớp 16C9, Khoa Ngôn Ngữ và Văn hóa Trung Quốc. Cơ duyên đến với ULIS của bạn cũng rất tình cờ bởi cái duyên, tuy nhiên bạn chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn gắn bó với ngôi trường này. Duyên có nhiều bạn bè và luôn được thầy cô tận tâm giúp đỡ. Trong lớp, bạn quý nhất là cô Hoàng Anh bởi vì cô giảng bày rất hay, nhiệt tình và rất dễ hiểu. Sau khi ra trường, Duyên muốn trở thành một phiên dịch viên.

2017-05-29_08-41-43

“Cầu thang” dành riêng cho những bạn phải đi xe lăn là “dự án” nhỏ với tấm lòng lớn của Nhà trường

Trần Thùy Linh

Là sinh viên lớp 16E9, khoa Sư phạm Tiếng Anh, bạn Trần Thùy Linh bị dị tật mắt do bẩm sinh. Khi sinh ra, mắt bạn cũng nhìn được như bao người bình thường khác. Nhưng khi lớn lên, mắt Liên nhìn không rõ và tầm nhìn trở nên rối loạn. Dù đã kiên trì với nhiều biện pháp nhưng Linh vẫn không thể nhìn rõ khuôn mặt và chỉ nhìn được dáng người từ xa xa. Tuy nhiên, bạn vẫn quyết tâm vượt khó và tự đi học, chỉ hôm mưa mới nhờ các bạn giúp đỡ. Mặc dù đi lại vẫn gặp phải nhiều va vấp nhưng Linh vẫn thấy có thể đi học bằng chính đôi chân của mình là một niềm vui.

Linh cho biết bạn đã chọn học tại ULIS bởi vì trường có đào tạo hệ sư phạm và cũng đang đào tạo trường hợp sinh viên khiếm thị như mình. Bạn có rất nhiều kỉ niệm đẹp về thầy cô và bạn bè tại ULIS. Các bạn trong lớp rất hay giúp đỡ Linh những lúc khó khăn còn thầy cô thì rất hay hỏi thăm tình hình học tập và cung cấp tài liệu học tập cho cô học trò nhỏ.

Mình rất thích lớp học của cô Thanh Thanh vì giờ học của cô có rất nhiều trò chơi. Dù không đủ khả năng để tham gia chơi cùng các bạn nên chỉ ngồi nghe các bạn chơi nhưng điều đó đã mang lại rất nhiều niềm vui, động lực học tập cho mình. Điều mình cũng rất thích ở ULIS là môi trường học tập năng động, có nhiều hoạt động, câu lạc bộ và các buổi hướng nghiệp việc làm cho sinh viên. Mình mong sẽ trở thành cô giáo để giúp đỡ các bạn có cùng hoàn cảnh, đặc biệt là tại một trường học dành cho những trường hợp như mình”, Linh chia sẻ.

2017-05-29_08-41-50

ULIS đã trở thành nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Hướng tới một nền giáo dục nhân văn là điều mà Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tâm niệm. Tạo điều kiện học tập, đào tạo ra những con người dù phải chịu hoàn cảnh khiếm khuyết nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, trở thành những chủ nhân thật sự của đất nước là điều mà Nhà trường rất đỗi tự hào.

Những cô cậu sinh viên kể trên chính là minh chứng cho quan điểm giáo dục của ULIS và cũng chính là các tấm gương sáng để Nhà trường tiếp tục chào đón các thế hệ sinh viên kiên cường kế tiếp sau này…

Lệ Thủy-Hoàng Tầm-Việt Khoa/ULIS Media