Nguyễn Thị Chi – Từ Trưởng Fanclub về Huỳnh Hiểu Minh đến quyết tâm giành học bổng toàn phần tại Đài Loan – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Thị Chi – Từ Trưởng Fanclub về Huỳnh Hiểu Minh đến quyết tâm giành học bổng toàn phần tại Đài Loan

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã là nơi nuôi dưỡng đam mê cho rất nhiều thế hệ sinh viên tài năng và đầy hoài bão tuổi trẻ. Không chỉ vậy, ngôi trường này cũng là nơi mà bao bạn trẻ nỗ lực phấn đấu như để truyền đi thông điệp “tuổi trẻ ULIS là dám hi vọng, dám thất vọng, thành công và thất bại”.

Một trong những tấm gương “truyền lửa” như thế là Nguyễn Thị Chi, một cựu sinh viên ULIS vừa có thành tích học tập ấn tượng, vừa có kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa phong phú và là một đàn chị mà những sinh viên đam mê tiếng Trung khóa dưới không thể không biết đến.

Tiếng Trung là tình yêu chi phối tuổi trẻ

Tên đầy đủ của em Nguyễn Thị Chi, bạn bè và thầy cô thường gọi em bằng cái tên thân mật khác là Xiao Chi hoặc Chi Chi. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ngay từ những ngày đầu cấp 3, em đã có một niềm yêu thích đặc biệt với tiếng Trung. Tiếng Trung như một “cậu bạn trai” tràn đầy sức hấp dẫn, “cậu ấy” sở hữu ngoại hình của một hot boy khó chinh phục (chữ Hán quá nhiều nét), nhưng đồng thời cũng khiến em cảm thấy say mê, thích thú và muốn cưa đổ. Quan trọng hơn, thời bấy giờ do xem quá nhiều phim Trung Quốc, từ cổ trang cho đến ngôn tình nên em lại càng yêu tiếng Trung hơn. Nam diễn viên Trung Quốc em thích nhất là Huỳnh Hiểu Minh, anh ấy cũng là một trong những lý do em quyết định theo đuổi ngôn ngữ này. Đồng thời, anh ấy cũng là động lực học tập của em trong suốt 4 năm Đại học. Vậy là vào năm lớp 11, tiếng Trung đã trở thành thứ mà em muốn theo đuổi và chinh phục. Ngoài ra, em cũng rất thích học nhiếp ảnh và tìm hiểu về nhiều nền văn hoá trên thế giới”, Chi Chi cười tươi kể về đam mê tiếng Trung của mình như thế.

Chọn học tiếng Trung vì hâm mộ Huỳnh Hiểu Minh, Chi quan niệm rằng mọi giấc mơ đều đáng được trân trọng và cổ vũ.

Trong suốt 4 năm học tại ULIS, Chi đã đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc/giỏi vào mỗi kì, làm lớp trưởng lớp phiên dịch 12C3, tốt nghiệp loại xuất sắc. Ngoài ra, em cũng là thành viên của CLB Tiếng Trung, phụ trách mảng truyền thông và kiêm nhiệm mảng đề tài Văn Hoá Trung Hoa, làm MC cho CLB và tham gia các chương trình ngoại khoá khác như: Cuộc thi Hùng Biện tiếng Hoa 2013, tham gia trại hè tiếng Hoa và những hoạt động trong khuôn khổ trường khoa khác…

Năm 2014, Chi là một trong những thành viên của “Mạng lưới những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” (GYLN). Nhiệm vụ chính của em là cùng các thành viên trong tổ chức lên các chương trình liên quan đến văn hoá, giáo dục và những hoạt động mang tính cộng đồng khác.

Bên cạnh đó, để rèn luyện khả năng ngoại ngữ, Chi còn làm cộng tác viên dịch sách cho Alphabook, cuốn em tâm đắc nhất khi dịch có tựa đề: “Triết lý sống của Mã Vân”. Cùng lúc đó, em cũng là cộng tác viên mảng Cine tại kenh14.vn, nhiệm vụ chính của em là dịch tin, viết review về mảng điện ảnh Trung Quốc, em cũng cộng tác với kênh foodclick.vn nhằm đưa ẩm thực Việt Nam tiến gần hơn với bạn bè quốc tế. Hiện nay, em vẫn duy trì những công việc kể trên.

Trong suốt quãng thời gian học tại ULIS, Chi đã tham gia nhiều chương trình ngoại khóa và trong và ngoài trường, điều này giúp cô bạn nâng cao được kiến thức cũng như hoàn thành kĩ năng mềm của bản thân.

Có một điều mà thú vị cần chia sẻ thêm về Chi, em là Trưởng fanclub của Huỳnh Hiểu Minh tại Việt Nam. FC của em bao gồm hơn 100 thành viên từ Bắc đến Nam khi mới thành lập từ năm 2011. Mỗi năm, FC sẽ tổ chức các hoạt động từ thiện ở Việt Nam, đi đến các trung tâm hỗ trợ trẻ em nghèo tại Hà Nội để tổ chức hoạt động từ thiện… Em cũng đã có vinh dự được gặp Huỳnh Hiểu Minh nhiều lần tại Trung Quốc, và Chi rất vui vì anh ấy cũng đã biết đến FC tại Việt Nam.

Điều đáng nói là Chi đã gặp được “người thương” Huỳnh Hiểu Minh rất nhiều lần. Cô gái 24 tuổi khẳng định chắc nịnh: “Kiên định và không từ bỏ điều mà mình muốn làm”

ULIS là nơi nâng đỡ giấc mơ

Chi tin rằng có rất nhiều lý do để ULIS trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ yêu thích học ngoại ngữ. ULIS với lịch sử lâu đời, giáo viên dày dặn kinh nghiệm và có vô vàn cơ hội dành cho các bạn sinh viên. Những ưu điểm này đều có thể trở thành lý do để ta lựa chọn học tại ngôi trường đã nhiều năm tuổi. ULIS đều có ý nghĩa và vị trí riêng trong lòng mỗi thế hệ sinh viên.

Với riêng cá nhân em, ULIS không chỉ là ngôi trường sở hữu những ưu điểm kể trên, hơn tất cả, em cảm thấy ULIS là nơi nâng đỡ giấc mơ cho em, là nơi khiến em cảm thấy mình được “cổ vũ và dìu dắt đam mê” cho dù khởi điểm của ước mơ chỉ là một con số 0 tròn chĩnh. Tại sao em lại có cảm giác đó? Bởi khi được nghe những tiền bối đi trước chia sẻ, cũng như những gì bản thân đã cảm nhận về mái trường này, em nhận thấy tại đây, thầy cô không chỉ đơn giản là những người thầy người cô mà còn là những người “đồng đội, người bạn tâm giao” siêu giỏi lại sẵn sàng kề vai sát cánh cùng sinh viên, lắng nghe những mong muốn của sinh viên và đem lại những cơ hội tốt nhất cho học trò của mình. Tại đây, giấc mơ của em được lắng nghe, được chia sẻ và được ủng hộ để thực hiện. Có lẽ, đây mới là yếu tố cốt lõi để em lựa chọn ULIS, bởi tìm được người có thể sẵn sàng ủng hộ cho những suy nghĩ và dự định của mình không phải dễ dàng.

Em luôn chia sẻ những dự định của em cho các thầy cô giáo tại khoa Trung, dù đó có là niềm mong mỏi trở thành một phiên dịch viên cao cấp hay là một giáo viên giỏi, thậm chí điên rồ hơn là em học tiếng Trung chỉ vì Huỳnh Hiểu Minh thì có được không? Các thầy cô luôn ủng hộ và chưa bao giờ nói với em rằng điều ấy là không thể. Tất nhiên, để làm được nó cũng không phải điều dễ dàng. Nhờ những sự động viên và khích lệ ấy, em tâm niệm rằng, đừng sợ hãi quá nhiều mà hãy cứ tin tưởng bản thân mình sẽ làm được những điều mình thực sự yêu thích.

Từ lắng nghe, thấu hiểu, cổ vũ và được dạy dỗ – ULIS nói chung và Khoa Trung nói riêng đã đánh bật nỗi sợ trong em, khiến em càng chắc chắn và kiên định hơn với những gì mình đã chọn lựa. Em rất biết ơn vì những gì em đã học và nhận được từ ULIS, đặc biệt là khoa NN&VH Trung Quốc của trường mình. Nếu không có ULIS và các thầy cô, bạn bè ở khoa Trung thì sẽ không có em của hiện tại”, Chi thẳng thắn chia sẻ.

Tri thức, tinh thần cầu tiến và tâm thế tự tin đối mặt ngay cả với thất bại là những gì quý giá mà cô bạn trẻ được nhận dưới mái trường ULIS

Theo cô bạn trẻ, ULIS đã trao cho em 3 thứ để sẵn sàng bước ra chiến đấu với trường đời: Áo giáp mang tên “tri thức”, càng dày thì càng kiên cố; Thanh gươm mang tên “tinh thần cầu tiến” – giương gươm tiến lên thử sức với những điều mình muốn dù có phải trả giá bằng sự thất bại. Cuối cùng là tâm thế tự tin khi bước ra cuộc chiến mà chúng ta phải dựa vào chính sức của mình.

“Tại khoa Trung, em đã được mặc chiếc áo giáp kiên cố nhờ những người thầy, người cô vô cùng có tâm và tài giỏi. Thầy cô lại luôn chia sẻ những câu chuyện về sự cầu tiến cũng như những kỉ niệm học tập khó quên của mình, em học được nhiều kinh nghiệm để mài dũa thanh gươm của mình. Cuối cùng sự an ủi và khích lệ giúp em có thêm tự tin. Em đã cảm thấy mình như một chiến binh được trang bị đầy đủ về mọi thứ, bao gồm cả tâm thế đối mặt với sự thất bại”, Chi nói.

“Cú vấp” thú vị ở ULIS

Như nhiều bạn khác, ULIS đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt với Chi. Dẫu vậy, khi được hỏi, em cũng có thể kể ngay được một kỷ niệm rất ý nghĩa mà ảnh hưởng đến em sau này.

“Em còn nhớ khi mới học đến năm thứ 2 tiếng Trung, em là một trong những thành viên tham dự cuộc thi Nói giỏi Tiếng Hán do Hiệp hội thương gia Đài Loan tổ chức. Phần 1, hùng biện theo chủ đề em đã làm khá tốt. Đến vòng trả lời câu hỏi bốc thăm, em phải trả lời về sự khác biệt trong văn hoá Đài Loan và Việt Nam, nhưng câu hỏi mà em chuẩn bị cho chính mình lại là điểm giống nhau trong văn hoá Đài – Việt chứ không phải điểm khác nhau, haha. Dù lệch tủ nhưng em cũng cố gắng vận dụng hết những hiểu biết lúc bấy giờ để hoàn thành câu trả lời của mình. Lúc đó, em đã nghĩ đến việc mình cần phải đi Đài Loan để học hỏi thêm, biết nhiều hơn về nơi này.

Em nghĩ, đây là kỉ niệm khó quên của em khi học tại ULIS. Bởi thông qua đó, em học được cách làm sao để hoàn thiện bản thân mình. Ta không thể chỉ làm những việc ta giỏi hoặc chỉ làm những cái là thế mạnh của mình, cũng có lúc cần phải đối mặt với những điều không phải sở trường.

Em tin chắc nhiều bạn trẻ ngày nay cũng gặp chung một vấn đề là chỉ tự tin với những thứ mình giỏi và hạn chế tiếp xúc với những thứ không phải thế mạnh, trước kia em cũng vậy, nhưng kể từ sau cuộc thi đó, em nghĩ để có thể trở thành một người hoàn thiện và thích ứng với mọi hoàn cảnh, em cần phải học được cách đối diện và chinh phục những thứ mình chưa giỏi. Ai cũng sẽ có ưu và nhược điểm, tâm lý chỉ tự tin với ưu điểm là tất nhiên, nhưng sẽ thế nào nếu ta học cách khắc phục cả nhược điểm, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng có thể làm chủ cuộc sống của mình”, Chi kể.

 

Chi đại diện cho sinh viên Việt Nam tham dự hội thảo tại Trường ĐH Quốc gia Chengchi, Đài Bắc.

Kinh nghiệm xin học bổng

Kết thúc 4 năm đại học, Chi quyết định nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần của  Đài Loan và xuất sắc trở thành 1 trong 4 người dành được học bổng toàn phần hệ Thạc sĩ . Hiện tại, em đang theo học ngành Truyền thông tại Trường Đại học Quốc gia Chengchi (National Chengchi University) – một trong những trường top 5 tại Đài Loan. Kinh nghiệm xin học bổng cũng là một trong những điều mà Chi muốn chia sẻ với các thế hệ đàn em ULIS:

Quá trình xin học bổng quả thực rất gian nan, phần vì tự xin nên khâu chuẩn bị mình phải tự tìm hiểu, thêm nữa lại xin vào năm cuối tốt nghiệp ĐH nên có rất nhiều áp lực. Có ba giai đoạn mà mình nghĩ chúng ta nên chuẩn bị tốt khi xin học bổng:

Giai đoạn 1: Khởi động hay còn gọi là hiểu rõ bản thân

Khởi động là giai đoạn quan trọng nhất, trọng tâm tập trung vào việc mình muốn học ngành gì? Đi đâu học? Vì sao lại chọn ngành đó, trường đó? Vấn đề ta khiến ta cảm thấy băn khoăn hoài nghi là gì?… Bởi bậc học thạc sĩ yêu cầu chúng ta phải có những câu hỏi trăn trở, để từ đó trở thành động lực tự học và tự nghiên cứu. Nếu không xác định thực sự được đích học thực sự của nghiên cứu thì sẽ gây chán nản và dễ bỏ cuộc, bởi xét cho cùng ta chỉ có thể kiên trì thực sự với những gì ta đam mê thực sự. Dựa vào những kinh nghiệm thực tế và sở thích của mình, mình đã lựa chọn ngành truyền thông.

Nhiều bạn trẻ ngoài lý do học nghiên cứu ra, còn có lý do muốn đi trải nghiệm và trưởng thành. Quan điểm này mình rất ủng hộ, nhưng tương tự, mình hi vọng các bạn có thể đặt ra câu hỏi cụ thể là muốn trải nghiệm những gì? Vì sao lại cần những trải nghiệm đó và làm thế nào để những trải nghiệm ấy cũng sẽ giúp đỡ cho tương lai sau này của mình. Chỉ khi trả lời được những câu hỏi trên, chúng ta sẽ không còn phải băn khoăn “có nên du học hay không?”. Mà thay vào đó là “Đi du học để làm gì?”

– Giai đoạn 2: Kiếm tìm, bao gồm tìm kiếm thông tin về các loại học bổng, kinh nghiệm chia sẻ về việc tự xin học bổng, những lưu ý… và cần tìm hiểu thông tin kĩ càng về ngành mình chọn.

Đây là bước vô cùng quan trọng khi xin học bổng, là tiền đề để chúng ta có thể thuận lợi trong cả quá trình xin. Việc tìm kiếm thông tin của mình chủ yếu là sử dụng thông qua các kênh mạng, thầy cô và bạn bè. Thông tin về các loại học bổng trên mạng vô cùng phong phú, sau khi xác định được ngành và trường thì chúng ta có thể tìm hiểu dễ dàng ngành và trường đó qua mạng Internet, xin kinh nghiệm từ bạn bè hoặc các anh chị, tìm đến thầy cô – những người đi trước để xin lời khuyên chính xác.

Hãy chắc chắn rằng mọi thông tin là chính xác, đầy đủ và ghi lại từng bước khi làm hồ sơ. Đến bước nào thì ta tiếp tục tìm kiếm những sự trợ giúp liên quan nếu gặp phải khó khăn. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng một lần nữa về ngành và trường mình sẽ học. Nếu cảm thấy chưa thực sự phù hợp thì hãy cho mình nhiều lựa chọn hơn 1 trường, để đưa ra quyết định chính xác. Giai đoạn này là giai đoạn tốn nhiều thời gian nhất, nên chuẩn bị trước khi xin học bổng 6 tháng.

Giai đoạn 3: Tạo ra hồ sơ khác biệt

Trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, ngoài chuẩn bị đủ những giấy tờ mà trường yêu cầu cũng như bên xét duyệt học bổng yêu cầu, có một hồ sơ đẹp, đa số các sinh viên đều phải viết tự truyện, kế hoạch học tập và phương hướng nghiên cứu. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để họ chọn mình mà không chọn các đối thủ khác?

Quá trình này mình đã làm theo công thức: Hiểu rõ ưu nhược điểm của bản thân + Tìm điểm khác biệt + Biến nhược điểm thành ưu điểm + Sáng tạo = Khác biệt.

+) Hiểu rõ ưu nhược điểm của bản thân là quá trình đánh giá năng lực của mình có chỗ nào tốt và chưa tốt khi chọn ngành học. Khi đã xác định được cái ta đủ và thiếu, mình sẽ đi tìm những điểm khác biệt trong cả ưu điểm và nhược điểm. Ví dụ: Mình là một người có kinh nghiệm làm truyền thông nhưng lại không phải sinh viên chính quy ngành truyền thông. Ưu điểm của mình là kinh nghiệm thực tế, nhưng thiếu sót nền tảng kiến thức, như vậy sẽ không thể đi được xa. Việc mình chọn học truyền thông giống như một quá trình biến nhược thành ưu, vì không biết nên có khát khao được hoàn thiện bản thân và để đi xa hơn trong ngành này.

+) Ngoài ra, việc lồng ghép những câu chuyện của riêng mình sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xin học bổng. Những trải nghiệm nào hoặc động lực nào đã khiến bạn chọn ngành này? Và khi chọn nó bạn mong muốn có được những gì. Nếu bạn là một người có câu chuyện đã từng thất bại vì một lý do nào đó, mà ngành bạn học lại có thể khắc phục được lý do khiến bạn thất bại thì đừng ngại gần mà hãy chia sẻ. Vì khi bạn có một động lực to lớn là khắc phục những yếu điểm thì yếu điểm khi ấy sẽ biến thành ưu điểm khiến bạn nhận được học bổng.

+) Đầu tư sáng tạo vào hình thức: Khi viết tự truyện hay kế hoạch học tập, bạn hãy biến nó có hình thức phù hợp với ngành bạn chọn. Ví dụ nếu chọn truyền thông, sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều nếu bạn tự thiết kế hoặc trình bày bố cục bài viết sáng tạo, đậm chất cá tính hơn là chỉ là trang word và những dòng chữ đen.

+) Kiểm tra hồ sơ chắc chắn rồi gửi đi

  • Giai đoạn 4: Chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống xảy ra

+) Xin thành công: Bắt đầu vạch định kế hoạch học tập và sinh sống ở nước ngoài

+) Thất bại: Có thể buồn, khóc, sụp đổ nhưng nhất định không được bỏ cuộc. Ngã thì đứng dậy, tiếp tục con đường của mình và không có gì đáng sợ khi ta đã làm hết sức.

Lời nhắn nhủ của Chi với các thế hệ ULIS-er tương lai để sống hết mình thời sinh viên:

  • Trân trọng quãng thời gian là sinh viên, học hết mình, chơi hết mình và hãy tích luỹ đủ vốn để sẵn sàng bước ra trường đời.
  • Đầu tư thời gian vào bản thân để hiểu bản thân thực sự yêu mến và đam mê với cái gì. Dù là hâm mộ một ai đó, hoặc có tình cảm với lĩnh vực gì đó thì hãy tìm cách phát triển thành mục tiêu của mình. Nếu chưa thực sự biết mình có đam mê với điều gì thì hãy bắt đầu suy nghĩ từ những sở thích nhỏ nhất trong cuộc sống. Luôn tin vào những điều kỳ diệu.
  • Thà vấp ngã trên đam mê còn hơn trốn chạy vì sợ hãi. Hãy dám hi vọng, dám thất vọng, dám thành công và dám thất bại, học cách chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media