Đề án Địa phương: Ngoại ngữ làm cuộc sống phong phú hơn – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đề án Địa phương: Ngoại ngữ làm cuộc sống phong phú hơn

Giống như câu “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định ngoại ngữ giúp cuộc đời chúng ta phong phú hơn và mong rằng các thầy cô và sinh viên ULIS sẽ truyền đạt được điều này tới các em học sinh ở Lạng Sơn và Thanh Hóa.

Ngày 21/11/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi sơ kết công tác thực địa nằm trong Chương trình Lạng Sơn và Chương trình Thanh Hóa đợt 1. Đây là hai chương trình hợp tác với địa phương nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại tỉnh. Là hoạt động gắn với trách nhiệm phục vụ xã hội của Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại hai địa phương nói trên và nhìn xa hơn là trên cả nước, Đề án Địa phương này được Nhà trường đặc biệt chú trọng và đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm có 4 thành viên trong Ban Giám hiệu.

Trong đợt 1, nhóm thực địa gồm có 15 giảng viên và 42 em học sinh đã được giao nhiệm vụ tới 15 trường THPT tại Lạng Sơn (11 trường) và Thanh Hóa (4 trường) trong thời gian từ 13-16/11 để tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế ở các trường, nghiên cứu phương thức bồi dưỡng giáo viên và dạy ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) cho học sinh theo cách phù hợp nhất, tạo ra mạng lưới kết nối với các giáo viên địa phương, hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ ở đơn vị được phân công. Mỗi giảng viên đều có 3 sinh viên đi kèm để hỗ trợ các hoạt động khảo sát, tìm hiểu, bồi dưỡng và giao lưu với giáo viên, học sinh.

Tham gia buổi sơ kết có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, giảng viên và sinh viên tham gia đợt công tác. Buổi sơ kết được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin, rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho đợt thực địa lần 2 ( từ 20-26/1).

Trong buổi sơ kết, TS. Hoa Ngọc Sơn và PGS. TS. Nguyễn Lân Trung đã chia sẻ báo cáo tổng kết hoạt động thực địa tại Lạng Sơn và Thanh Hóa đợt 1. Theo đó, Nhà trường đã chuẩn bị cho công tác thực địa chu đáo với những hoạt động đa dạng về hậu cần, chuẩn bị tài liệu, làm việc với các địa phương. Giảng viên và sinh viên ULIS đều chủ động làm việc và báo cáo. Đoàn cán bộ cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân thành từ các trường THPT. Tuy vậy, vẫn còn một số công tác cần được triển khai mạnh mẽ hơn như: cần tăng cường tính chủ động của giảng viên và sinh viên hơn, cần lập kế hoạch công việc cụ thể hơn, tích cực liên kết phối hợp chia sẻ giữa các trường địa phương và đoàn ULIS.

Các giảng viên và sinh viên ULIS cũng chia sẻ những trải nghiệm khi tham gia chuyến đi thực địa. Được phân công đến Trường THPT Tú Đoạn, ngôi trường học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cô Nguyễn Thu Hiền bày tỏ ấn tượng về tình người, sự nhiệt tình của các thầy cô và học sinh nơi đây. Đã cùng các em sinh viên tổ chức hoạt động ngoại khóa tiếng Anh và chơi trò chơi nhân kỷ niệm 20/11, cô rất tự hào khi đã mang thêm niềm vui và sự hào hứng học ngoại ngữ cho các em học sinh vùng sâu vùng xa. Thầy Lê Thế Quý cũng chia sẻ những trải nghiệm tại Trường THPT Hậu Lộc 1. Thầy rất vui mừng khi các em sinh viên ULIS đều rất chủ động trong công việc. Chứng kiến các em học sinh khóc khi chia tay đoàn, thầy tin rằng chuyến đi thực địa đã đem lại kết quả thực chất và ý nghĩa.

Đánh giá đợt thực địa đầu tiên đã diễn ra thành công, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định đây sẽ là nền tảng tốt để chuẩn bị cho đợt ra quân thực địa lần 2 và 3 chu đáo hơn. Hiệu trưởng mong các giảng viên và sinh viên tiếp tục đồng hành với Nhà trường trong giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian chuẩn bị đi thực địa, các giảng viên cần tích cực hỗ trợ tài liệu ôn luyện, hỗ trợ giải đáp thắc mắc chuyên môn và chia sẻ, tư vấn các vấn đề khác với giáo viên địa phương. Đồng thời, các em sinh viên cũng cần giữ quan hệ với Đoàn Hội các trường, tham gia tư vấn các hoạt động ôn luyện và cộng đồng khác ở trường THPT mình phụ trách.

Các em sinh viên ULIS hãy tiếp tục duy trì mạng lưới chia sẻ và hỗ trợ với trường THPT. Hãy giúp các em học sinh có thay đổi nhận thức về tiếng Anh, khiến các em thích hơn, vui hơn khi học tiếng Anh. Học ngoại ngữ là sống cuộc đời phong phú hơn. Trong cuộc đời ít có các hoạt động như thế này, bởi vậy dù có khó khăn nhất định, mong các em hãy cố gắng. Cuộc đời sẽ vui và ý nghĩa hơn khi có vài ngày khó khăn.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chia sẻ.

 

Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ lấy ý kiến phản hồi từ phía các địa phương, xây dựng bộ tài liệu chi tiết, lên kế hoạch hoạt động chuyên môn cụ thể cho đợt 2, chuẩn bị cho các đợt thi thử và đặc biệt là tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho 87 giáo viên Lạng Sơn và 28 giáo viên Thanh Hóa.

Một số hình ảnh khác:

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media