Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia tại ULIS: Học để làm chủ hiện tại và tương lai  – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia tại ULIS: Học để làm chủ hiện tại và tương lai 

Năm 2024 là mùa tuyển sinh thứ hai của chương trình đào tạo bậc cử nhân Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) (thông tin chi tiết về chương trình đào tạo ở đây: https://bit.ly/3xhYhiR). Chắc hẳn các bạn học sinh phổ thông và các bậc cha mẹ học sinh có nhiều câu hỏi, ví dụ như tại sao lại là Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia, tại sao trường chuyên đào tạo về Ngoại ngữ lại đào tạo một ngành như vậy, ngành này tốt nghiệp sẽ làm gì, v.v. 

Hãy cùng ULIS Media gặp gỡ và trò chuyện cùng TS. Phùng Hà Thanh – Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, đơn vị phụ trách đào tạo ngành Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia để tìm hiểu kĩ hơn về ngành học mới mẻ và nhiều triển vọng này nhé!

Sinh viên VHTTXQG và các thầy cô giáo trên sân khấu Ngày hội kết nối 

PV: Thưa cô, năm học vừa rồi, Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia đã tuyển sinh được lứa đầu tiên. Cô có thể chia sẻ một vài điều thú vị về sinh viên Khóa 1 của ngành không? 

TS. Phùng Hà Thanh: ULIS đã có mùa tuyển sinh đầu tiên thành công với ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia. Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh đã chào đón và đồng hành cùng 55 bạn sinh viên, được gọi yêu là “gà con.” Các bạn gà con đến từ nhiều tỉnh thành của cả nước, từ Điện Biên cho tới Trà Vinh. Trong form Khoa mình gửi cho sinh viên có câu hỏi về trường THPT. Những tên trường phổ thông của các bạn ấy âm vang và lay động. Ban đầu mình thắc mắc là Việt Yên số 1 và Thanh Chương 1 thì “số” là thế nào. Không ai viết sai tên trường cả. Đúng là Việt Yên số 1 và Thanh Chương 1. Hoài Đức A nhưng phải là A Hải Hậu. Mình google tất cả các trường, và trong đó có niềm vui tìm hiểu về một số trường THPT không phải là chuyên nhưng học sinh đến từ đó khá là xuất sắc. Thay mặt cho Khoa, mình xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các em học sinh đã lựa chọn ngành, tới gia đình và những thầy cô giáo bậc phổ thông của các em.

Theo quan sát của mình, có thể chia thí sinh trúng tuyển vào chương trình thành hai nhóm. Nhóm 1 là những học sinh quan tâm và yêu quý ULIS từ lâu, biết tới chương trình và cảm thấy phù hợp. Nhóm 2 là những học sinh tìm kiếm tất cả các trường có đào tạo ngành truyền thông. Điểm tuyển sinh năm 2023 của ngành theo phương thức xét tuyển sớm là 35.5 và theo phương thức xét tuyển điểm thi THPT là 34.49. Như thế là thấp hơn so với ngành Ngôn ngữ Anh của ULIS, và cũng thấp hơn tương đối so với các ngành liên quan tới truyền thông có uy tín nhất ở các trường khác. Nhưng đây là lần đầu tuyển sinh của ngành nên những con số như vậy là vừa đẹp. Cũng phải hơn 8.5 một môn mới đỗ. Nhà Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia (VHTTXQG) có thể tự hào là các bạn gà con thông minh và tài năng. Mình vẫn nói với các bạn ấy là điểm đầu vào cũng vừa phải thôi nhưng chương trình là top. Mới như thế nhưng nó không phải là sự chạy theo các chương trình sẵn có mà là chương trình Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

PV: Cô có thể kể về những trải nghiệm của sinh viên Khóa 1 trong chương trình từ đầu năm học tới giờ không?

TS. Phùng Hà Thanh: Thầy cô ở Khoa rất sát sao với sinh viên, nhưng mà trải nghiệm của các bạn ấy như thế nào thì bọn mình muốn lắng nghe từ các bạn ấy. Trong môn học “Tư duy định lượng trong phân tích văn hóa và xã hội,” một nhóm sinh viên đã làm khảo sát để biết về trải nghiệm của các bạn trong chương trình. Học kỳ đầu thì khó khăn với nhiều bạn. Có những bạn cũng chưa hẳn là thấy phù hợp, nhưng chất lượng giảng viên theo đánh giá của sinh viên là vượt quá mong đợi. Sau đó, mình có phỏng vấn một số sinh viên tiêu biểu và đã đăng bài về chia sẻ của các bạn ấy trên Facebook. Vừa rồi, Khoa đã tổ chức cuộc thi sáng tạo tác phẩm truyền thông tên là Blue Waves Media Contest để sinh viên tâm tình và nhắn nhủ. Sản phẩm của các bạn ấy thì Ban giám khảo chúng mình tự hào là có thể đem đi khoe, và đã khoe ở bài viết gần đây (link tới bài viết). Ở trên trang tư vấn tuyển sinh của ULIS dành cho K58, thỉnh thoảng mình cũng nhìn thấy những câu trả lời của sinh viên năm 1 đáp lại thắc mắc của các bạn học sinh phổ thông về ngành. Ngoài những lời khẳng định về chất lượng dạy và học, các bạn ấy còn nói rằng vào học ngành này rất vui, được thầy cô cưng. Đúng vậy đấy! Điều vui nhất chính là sinh viên thấy vui. Khoa mình đặc biệt quý sinh viên.

Thầy Hoa Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng, trao giải cho các bạn đạt giải Spotlight trong Blue Waves Media Contest

PV: Thế là các thầy cô giáo rất vui phải không ạ?

TS. Phùng Hà Thanh: Rất vui! Nhưng mà có lần sinh viên đi chơi rồi nhắn là “Em mong các cô cũng vui như bọn em,” thì mình chợt nghĩ: “Các cô không vui như thế được đâu.” Tại vì phải lo nhiều thứ. Chương trình mới nên cũng có những nhiều điều phải quan sát và điều chỉnh, những nguồn lực mới phải tìm kiếm. Bù lại, làm điều mới cũng chính là đưa ra những giải pháp cho những vấn đề trong giáo dục mà bọn mình đã quan sát được. Nên chương trình mới thì không chỉ là “bất lợi” mà còn là những bước tiến mới, những triển vọng mới. Thế mới phải làm ra ngành mới.

Sinh viên VHTTXQG và các thầy cô giáo đi thực địa ở Ninh Bình

Đội chơi “Ăn gì?” và các giám khảo cuộc thi Ẩm thực Việt Nam trong toàn cầu hóa do CLB Văn hóa và Ẩm thực tổ chức 

PV: Cô vừa nói rằng Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia là ngành mới, lần đầu tiên được mở ở Việt Nam. Cô có thể giải thích thêm về điều này không? Tại sao ULIS lại mở ngành mới như vậy?

TS. Phùng Hà Thanh: ULIS là trường hàng đầu ở Việt Nam về đào tạo ngôn ngữ, cụ thể hơn là  tiếng nước ngoài, hay “ngoại ngữ.” Thế nên, có những bạn khi biết tới ngành Truyền thông mở ra ở ULIS thì sẽ nghĩ là nó sinh sau đẻ muộn, còn yếu, không đáng quan tâm, ai lại học Truyền thông ở một trường chuyên về Ngôn ngữ. Thế nhưng, học Truyền thông ở một trường chuyên về Ngôn ngữ là rất logic. Ngôn ngữ, Văn hóa, và Truyền thông làm sao có thể tách rời nhau! Cấu trúc tri thức của trường đại học hiện nay đang chuyển dần về hướng liên ngành. Đấy là một hướng đi cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Học Văn hóa và Truyền thông mà có nền tảng về Ngôn ngữ là rất vững chắc. Trong thực tế, ULIS vẫn dạy về Văn hóa và Truyền thông trong các chương trình đào tạo của mình. Giờ đây, đem những điều tốt đẹp nhất đã và đang có, cộng với sự quan sát những vấn đề, xu hướng diễn ra trong xã hội đương đại và tầm nhìn về tương lai, ngành học mới này được hình thành. Tên tiếng Anh của nó là Transnational Cultural and Media Studies, bắt vào các ngành transnational studies và cultural and media studies trên thế giới, nhìn chung là chưa được thiết lập rõ ràng ở Việt Nam.

PV: Vâng, để làm rõ hơn sự khác biệt, tính ưu việt của chương trình, em xin phép đọc một câu hỏi của các bạn học sinh và nhờ cô trả lời. “Ngành VHTTXQG có gì khác so với ngành Quan hệ công chúng hay Truyền thông Đa phương tiện ở nhiều trường đại học khác ạ?” 

TS. Phùng Hà Thanh: VHTTXQG được xây dựng theo triết lý giáo dục khai phóng và dạy bằng tiếng Anh (chỉ trừ những môn chung dành cho sinh viên toàn trường là dạy bằng tiếng Việt). Rất giống những điều như mấy trường như Fulbright Vietnam hay là Vin University quảng cáo. Nhiều người có thể cho rằng như thế là chạy theo phương Tây để trở nên sang chảnh. Nhưng những đặc điểm đó lại đi từ truyền thống hơn 65 năm và tài nguyên hiện có của ULIS. Ngành Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh ở ULIS vẫn giảng dạy bằng tiếng Anh. Giáo dục khai phóng thì cũng thiết thực: nó hướng tới việc xây dựng con người tự do, có bản lĩnh và có khả năng thiết lập các mối quan hệ nhân văn. Chương trình học quan tâm tới cả bốn trụ cột của giáo dục mà UNESCO đề ra: Học để biết, để làm, để trưởng thành và để chung sống. Chương trình có ước vọng về một xã hội tốt đẹp hơn. Mình thấy điều này là cần thiết. Thế hệ trẻ cần có tương lai. Sinh viên học để làm chủ chứ không phải chỉ là làm thuê. Văn hóa và truyền thông bây giờ ngày càng trở nên phức tạp, là những thứ mà con người cần phải học hỏi trong cuộc sống bình thường để làm chủ bản thân mình và những tình huống diễn ra. Đó cũng là những ngành công nghiệp khổng lồ. Cho nên, với VHTTXQG, giáo dục khai phóng không tách ra khỏi các kỹ năng làm nghề và cơ hội việc làm. Thế mạnh của ngành gồm tiếng Anh, tư duy phê bình (critical thought), nghiên cứu văn hóa, và truyền thông xã hội. Khi thuyết minh về chương trình cho các hội đồng thẩm định, Khoa mình có đối sánh Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia ở ULIS với Truyền thông Quốc tế ở Học viện Ngoại giao. Chương trình này cũng có truyền thống tuyển sinh khối D, hấp dẫn học sinh giỏi ngoại ngữ và tư duy rộng mở, nhưng nó vẫn dạy chủ yếu bằng tiếng Việt, dựa trên thế mạnh về quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao, nên là cũng khác nhiều.

Ngày Open House của chương trình VHTTXQG diễn ra vào giữa tháng 4 hàng năm là cơ hội để những người quan tâm gặp trực tiếp sinh viên và giảng viên của chương trình. 

PV: Cô có thể kể tên các môn học nổi bật trong chương trình không?

TS. Phùng Hà Thanh: Giáo dục khai phóng không phải chỉ là ước mơ hay khẩu hiệu sáo rỗng mà được hiện thực hóa thành thiết kế cụ thể và tỉ mỉ, phù hợp với bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp và việc làm biến động. Những môn học trong chương trình đem tới tri thức liên ngành (kết hợp ba lĩnh vực là ngôn ngữ-văn hóa, báo chí-truyền thông, nghiên cứu phát triển) và chuyên sâu, chỉ ra cách thức vận hành của xã hội, gỡ bỏ sự thù ghét và những định kiến thông thường. Với môn Toàn cầu hóa và sự hình thành các xã hội đương đại, sinh viên hiểu hơn về bá quyền văn hóa, dòng tiền và sự vận hành của thị trường. Với môn Di cư và các cộng đồng xuyên quốc gia, sinh viên hiểu về lịch sử của một số cộng đồng, biết tôn trọng sự khác biệt, chia sẻ những nỗi đau và niềm vui của họ. Môn Truyền thông xuyên quốc gia và các văn hóa số tìm hiểu các hệ hình cộng đồng và danh tính, mối quan hệ giữa thuật toán mạng xã hội và tính tự chủ của con người, những thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà nước, doanh nghiệp và công dân do dữ liệu lớn và thuật toán, v.v. Mỗi môn học đều rèn luyện các kỹ năng sáng tạo nội dung; môn Truyền thông thị giácSáng tạo sản phẩm truyền thông sẽ trình bày tổng thể và chỉ dẫn rất cụ thể. Chương trình còn có nhóm các môn học rèn luyện tư duy phân tích và nghiên cứu và nhóm các môn học rèn luyện khả năng xây dựng và quản lý dự án.

PV: Câu hỏi này thì cũ rồi, nhưng mà em cứ xin được nhắc lại ở đây. Học ngành này thì ra làm gì? 

TS. Phùng Hà Thanh: Một diện rộng các công việc liên quan tới văn hóa và truyền thông. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng ứng phó với thay đổi. Tùy thuộc vào mối quan tâm của sinh viên và cơ duyên mà các bạn có thể làm việc trong lĩnh vực phát triển, báo chí, thương mại, tiếp thị và quảng cáo, tổ chức sự kiện, xuất bản, giáo dục và đào tạo. Vị trí điển hình nhất là cán bộ truyền thông, cán bộ quản lý dự án của các tổ chức; ngoài ra còn có thể làm trợ lý giám đốc, biên tập viên, nhà báo, giáo viên, chủ doanh nghiệp, v.v..

Sinh viên VHTTXQG và các thầy cô giáo tham dự sự kiện tại Đại sứ quán Hoa Kỳ

PV: Em thấy có một điều này cần nói tới nữa, là mọi người hay nhầm tên của chương trình. “Xuyên quốc gia” bị nhầm thành “đa quốc gia”, “quốc tế”, “đa phương tiện” v.v. Cô có thể giải thích cụm từ “xuyên quốc gia” không?  “Xuyên quốc gia” thì trong quá trình học tập có được trải nghiệm với các tổ chức nước ngoài, và sau này làm việc cho các tổ chức nước ngoài được không?

TS. Phùng Hà Thanh: Chính sự nhầm lẫn đó thể hiện tính mới của chương trình. Đơn giản thì thế này: “Xuyên quốc gia” không tạo ra một thế đối lập trong nước và ngoài nước. Trong bối cảnh đương đại, không cần phải ra nước ngoài mới có trải nghiệm xuyên quốc gia. Xuyên quốc gia không phải chỉ là đặc tính của những sản phẩm văn hóa và truyền thông, những vấn đề khu vực và thế giới, mà còn nằm trong chính sự kiến tạo đời sống cá nhân và cộng đồng ngay tại địa phương. Còn sâu xa hơn một chút: Góc nhìn xuyên quốc gia không phải chỉ là sự sao chụp lại cấu hình và vận động phức tạp của xã hội; bản thân cái xuyên quốc gia (the transnational) là một thuật ngữ hàm chứa những hi vọng cho sự đa dạng, tươi mới, và phẩm giá của đời sống. “Xuyên quốc gia” còn là thuật ngữ gắn với các ngành học thuật nhất định. “Xuyên quốc gia” không có nghĩa là hướng ngoại, nhưng chắc chắn là hướng tới một sự rộng mở. Chương trình này là của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, được giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, thì cơ hội tiếp xúc và làm việc với “nước ngoài” là thế mạnh.

PV: Buổi trò chuyện cũng đã dài rồi. Cảm ơn cô đã dành thời gian để chia sẻ về chương trình. Chúc Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia của ULIS có một mùa tuyển sinh thành công rực rỡ!

TS. Phùng Hà Thanh: Cảm ơn ULIS Media rất nhiều! Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia là ngành mới nên đang nhận được những sự đầu tư đặc biệt. Học phí của chương trình hiện giờ chỉ là 15 triệu/năm. Mong các bạn học sinh quan tâm lưu ý tới các mốc quan trọng trong mùa tuyển sinh năm nay. Cổng đăng ký xét tuyển của trường là: https://dangkyxettuyendaihoc.ulis.vnu.edu.vn/login

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh rất chờ đợi những học trò tâm huyết.